Iris Dager, cô gái 31 tuổi là cố vấn cảnh sát tại Iceland đã đến Việt Nam vào cuối tháng 3.2023 để tìm mẹ ruột.
Một ngày đầu tháng tư, tôi nhận tin nhắn từ một người bạn nhờ hỗ trợ Iris Dager tìm mẹ ruột. Iris Dager là con nuôi của Max Dager, nguyên Giám đốc tổ chức SIDA Thụy Điển. 31 năm trước, khi ở cương vị này, Max Dager đã kết nối cho các đoàn nghệ thuật Việt Nam sang Thụy Điển biểu diễn. Và rồi như một cơ duyên, gia đình anh đã đến Việt Nam làm thủ tục xin nhận con nuôi. Lúc đó, Iris Dager mới 2 tháng tuổi, có tên Việt là Nguyễn Thị Mai Thanh do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đứng tên làm giấy khai sinh. Lần đầu ẵm đứa trẻ còn đỏ hỏn, Max Dager rất hạnh phúc. Vợ chồng anh đã chờ đợi một đứa con quá lâu. Đã từng thất vọng khi cơ hội được làm bố, làm mẹ không còn. Nên khi có được Iris Dager, gia đình Max Dager coi cô bé như một báu vật.
Tôi liên lạc với Iris Dager, cô đang ở Hà Nội và trả lời hết những câu hỏi mà tôi muốn biết. Iris Dager kể: “ Tôi sinh ngày 21/9/1992 và được nhận nuôi tới Thụy Điển khi mới 2 tháng tuổi (tháng 11/1992). Bố nuôi của tôi là người Thụy Điển và mẹ là người Iceland. Hiện tôi đang là cố vấn cảnh sát tại Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế. Bố mẹ nuôi tôi là những người rất tốt và tử tế. Họ chăm sóc và yêu thương tôi, cho tôi được hưởng cuộc sống hạnh phúc như những đứa trẻ khác, được trải nghiệm văn hóa và nền giáo dục tiên tiến ở rất nhiều các quốc gia khác nhau. Mặc dù tôi nhận được sự chăm sóc và yêu thương rất nhiều từ bố mẹ nuôi, tôi luôn cảm thấy rằng mình khác biệt bởi tôi là một người châu Á sinh sống ở một khu vực toàn người da trắng. Tuy không phải chủ đích nhưng việc giao tiếp, kết nối với mọi người, bằng một cách nào đó luôn nhắc nhở tôi về sự khác biệt của mình. Ở Thụy Điển có một cộng đồng những phụ huynh nhận con nuôi, tôi và các bạn thường gặp nhau cũng như bố mẹ nuôi của họ. Bố mẹ tôi và các gia đình nhận con nuôi người Việt Nam khác đã sắp xếp chuyến đi về Việt Nam vào năm tôi 10 tuổi.
Năm 12 tuổi, tôi và gia đình chuyển đến Iceland, trong một cộng đồng toàn những người da trắng, tôi tiếp tục cảm thấy mình là người ngoại đạo duy nhất và không có chút gì giống người Iceland. Trong năm đầu tiên ở đây, tôi cảm thấy khó khăn để hòa nhập bởi sự khác biệt ngoại hình đã khiến các bạn nam đối xử với tôi không tốt lắm. Mặc dù tuổi thơ tôi đã trải qua những điều khó khăn như thế nhưng tôi tự hào và trân trọng điều đó. Bởi những khó khăn đã giúp tôi trưởng thành và là tôi như hiện tại".
Cũng theo Iris Dager, từ ngày cô bắt đầu có những nhận thức về bản ngã, cô luôn tò mò về nguồn gốc của bản thân. “Tôi luôn muốn biết tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Người sinh ra tôi thực sự trông như thế nào? Tại sao tôi lại bị mẹ bỏ rơi? Liệu có phải do hoàn cảnh, do tuổi đời còn quá trẻ, do quá nghèo,..? Liệu bây giờ cha và mẹ ruột tôi có còn ở bên nhau? Ngoài mẹ ruột tôi ra, liệu còn có ai khác biết tôi đã được sinh ra đời và được gửi đến một phương trời xa lạ. Có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi nhưng không ai thực sự có thể cho tôi một lời giải đáp” - Iris Dager xúc động.
Có một lần Iris Dager đi khám bệnh, các bác sĩ hỏi cô: “Gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh gì hay không?”. Iris Dager trả lời: “Tôi không biết”. Cô đã nói đùa với bác sĩ rằng, có thể cô sẽ biết sau một tháng nữa, vì cô hy vọng lúc cô trở về Việt Nam sẽ là khi cô được gặp lại mẹ mình và biết rõ tất cả mọi thứ.
Iris Dager luôn thắc mắc cha mẹ và gia đình cô trông như thế nào? Cô có đôi mắt giống mẹ không? Đôi tai thì thế nào? Cô có giống cha mình không? Liệu cô có anh chị em nào không?
“Tôi rất muốn được gặp lại mẹ tôi một lần để được để trả lời những thắc mắc luôn dằn vặt tôi mỗi đêm trong nhiều năm qua”- Iris Dager nói.
Năm tôi 25 tuổi, mẹ nuôi Iris Dager tình cờ tìm thấy bản ghi chép của y tá bệnh viện vào ngày cô sinh ra. Bà đã nói với Iris Dager tên mẹ ruột của cô ( theo như ghi chép của bệnh viện) là Ngô Thị Dung, 18 tuổi, sinh con đầu lòng, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội. Điều này tiếp tục thắp lên tia hy vọng tìm mẹ trong Iris Dager.
Iris Dager không nói với cha mẹ nuôi việc sẽ tìm lại mẹ ruột nhưng ông bà Max Dager lại nắm rõ tâm tư của con gái nuôi. Họ ủng hộ việc Iris Dager tìm mẹ ruột và hỗ trợ cô những thông tin, hình ảnh hiếm hoi mà có được từ lúc nhận nuôi Iris Dager.
“Những lúc tôi nản lòng nhất, việc chia sẻ và được động viên bởi bố mẹ cũng là một trong những động lực quan trọng để tôi bước tiếp và được tiếp thêm hy vọng cho chuyến hành trình của mình”- Iris Dager chia sẻ.
Iris Dager về Việt Nam vào tháng 3.2023, mong muốn hàng đầu của cô trong chuyến đi lần này là tìm lại mẹ ruột. Trong những lần sang thăm Việt Nam trước đó, cô đi cùng bố mẹ nuôi. Đây là lần đầu cô đến Việt Nam một mình.
“Hành trình tìm mẹ lần này của tôi đơn độc, mọi người xung quanh nói tiếng Việt và tôi phải cố gắng dùng mọi cách để hiểu được ngôn ngữ đáng lý ra là tiếng mẹ đẻ của mình. Cũng hơi kỳ lạ khi nghĩ rằng, những người bất ngờ nào đó ở ngoài đường cũng có thể là mẹ, hoặc một người thân của tôi. Những ngày vừa qua, tôi đã tiến hành tìm kiếm ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội và huyện Gia Lâm cũ (tức Gia Lâm và Long Biên bây giờ). Tôi đã thực hiện chuyến hành trình bằng xe máy trong nhiều ngày, đi tìm ở bất cứ nơi nào có thể xuất hiện một chút manh mối, từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nơi tôi sinh ra), Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Công an huyện Gia Lâm, UBND huyện Gia Lâm, Công an và UBND 22 xã tại Gia Lâm, Hội chữ Thập đỏ Gia Lâm, Công an quận Long Biên, Hội chữ Thập đỏ Trung Ương, Cục Con nuôi… Tất cả những nơi có thể nghĩ đến tôi đều đã đi qua. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có nhiều người sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ tôi trên chuyến hành trình này, tuy nhiên do thông tin còn lại quá ít và thời gian cũng rất lâu rồi nên phần lớn các hồ sơ đều không còn được lưu lại. Có những lúc tôi hào hứng khi tìm được vài thông tin về y tá hoặc những người liên quan đến ngày tôi ra đời nhưng sau đó những manh mối lại đi vào ngõ cụt. Tôi cũng đã liên hệ với các tổ chức tìm kiếm người thân về trường hợp của mình, như Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly hay Chương trình tìm kiếm thân nhân của Hội chữ thập đỏ và một số cá nhân khác nhưng cũng chưa có được thông tin gì thêm”- Iris Dager có chút lo lắng.
Khi được hỏi về cảm xúc nếu tìm thấy mẹ ruột, Iris Dager cho biết, cô chưa từng dám tưởng tượng ra ngày đoàn tụ với mẹ vì cơ hội quá mong manh. Cô đến Việt Nam với rất ít sự kỳ vọng nhưng lại có hy vọng rất lớn về việc một phép màu nào đó có thể xảy ra để gắn lại sợi dây liên kết của hai mẹ con cô. “Tôi cũng chưa biết sẽ nói gì với mẹ nếu tìm được bà. Tôi chỉ muốn gặp lại mẹ, nói câu: “Xin chào, con gái của mẹ đã về rồi đây”, và tôi sẽ ôm bà một cái. Tôi thấy mọi hành trình đều có những khó khăn và tôi chưa từng nghĩ bản thân sẽ dừng lại khi những câu hỏi và những day dứt về nguồn gốc của mình vẫn còn luôn cháy bỏng. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp có thể tìm lại người thân của mình sau gần 40-50 năm, cũng có những trường hợp cả đời cũng chẳng thể tìm lại được. Nhưng tôi nghĩ cố gắng làm mọi thứ để tìm chút hy vọng vẫn tốt hơn việc chỉ ngồi và chờ đợi. Như tôi có nghe một câu thành ngữ ở Việt Nam, trời không phụ lòng người, đúng không?”- Iris Dager cười hy vọng.
Mà cũng nên hy vọng bởi đang có nhiều người đồng hành cùng Iris Dager trong hành trình tìm mẹ đầy khó khăn này. Nhiều người trong số họ là các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Chèo Việt Nam… những người đã từng gặp, là bạn và biết về gia đình bố mẹ nuôi của Iris Dager.
Trên trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ, thông tin tìm mẹ của Iris Dager được đăng tải với hy vọng cái tên Ngô Thị Dung, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội sẽ chợt vang lên, đánh thức người phụ nữ nào đó… nếu đó chỉ là một cái tên giả mà cô gái 18 tuổi 31 năm về trước trong cơn bĩ cực đã buột miệng nói với bệnh viện trước khi lâm bồn.
Và nếu cô gái của 31 năm đó biết thông tin về đứa con đang khát khao tìm lại mẹ ruột của mình để “ôm bà một cái”, để “ Xin chào, con gái của mẹ đã về đây” không một lời oán giận; hoặc ai đó biết thông tin về người phụ nữ này hãy liên lạc với nghệ sĩ Thanh Hải, số điện thoại 0913220057, số nhà 93 phố Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Đây là người bạn thân thiết của gia đình Iris Dager.
(Nguồn: Phụ nữ mới)