Theo số liệu chúng tôi thu thập được, hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 3 ngàn người tâm thần, trong đó người bị tâm thần phân liệt hơn 1 ngàn người. Chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người tâm thần và gia đình cũng tùy thuộc vào mức độ người bệnh. Sinh ra vốn chẳng may mắn, khi đường đời của họ và gia đình chịu rất nhiều gian truân. Người tâm thần là nữ còn bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai rồi sinh con.
Cách trung tâm huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) khoảng 4km, xã Cam Tuyền nằm trên vùng gò đồi. Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị H. hỏi không ai biết nhưng khi nhắc đến cô gái bị tâm thần có một đứa con gái lên 6 tuổi thì chúng tôi được hướng dẫn nhiệt tình đường đến nhà H. Nhiều người còn nói thêm rằng, cứ đến tận đầu thôn nghe tiếng la ó là biết ngay đó là H. Trưa nắng gắt, ông Nguyễn Văn M. (bố của H) nằm vật ra nền nhà bởi cơn đau, ông M mang đủ thứ bệnh trên trời dưới đất: Thần kinh, cụt tay, mù mắt, dạ dày, thoái hóa khớp... nhìn chồng kết quả trong hồ sơ khám bệnh chúng tôi chép miệng, không còn nỗi khổ nào hơn thế.
Người đàn ông 64 tuổi này hàng ngày vừa đi tìm đứa con gái 25 tuổi (H. sinh năm 1992) vừa làm ruộng đồng để có cơm cho 5 miệng ăn trong gia đình. Gia đình ông M. thuộc diện hộ nghèo và không có cơ sở nào để thoát nghèo! Chúng tôi hỏi ông M về việc vay vốn chính sách để làm kinh tế, ông M chậc lưỡi: “Vay vốn thì nuôi trâu, nuôi bò... nuôi chi được, chự (trông coi) chi được, vợ chồng tôi nhiều lúc phải chia ra hai phương bốn hướng để chự con, con H. suốt ngày đi lang thang khắp nơi, có khi vô tới trong rừng gần chục cây số, tình trạng này đã hơn 20 năm nay...”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, H. luôn cười rằng rặc, la hét và cắn tay. Nhìn đôi bàn tay chi chít vết thương sâu hoắm đã tạo nên sẹo lồi khiến lòng chúng tôi đau nhói. Mẹ H., bà Lê Thị Th. chua xót: “Cứ mỗi lần lên cơn là con bé chạy, chạy bưa rồi cắn nát hai bàn tay, cắn mãi máu cũng không buồn chảy...”. Có lẽ thế, H. vừa cắn xong, vết thương khá sâu nhưng máu chỉ rơm rớm. Chỉ những giọt nước mắt trên gương mặt hốc hác của ông M. là thấy rõ. Chúng tôi thấy tội tình, khi nghĩ đến người đàn ông (hoặc những người đàn ông) nào đó là lạm dụng tình dục khiến H. mang thai. Bé K.O, con gái H. học lớp 4, nhìn gương mặt khả ái của K.O, chúng tôi không tin được cháu được sinh ra từ một bệnh nhân tâm thần nặng như H. Đó là may mắn còn lại cho gia đình này.
Có quá nhiều sự ám ảnh khi chúng tôi tiếp xúc với họ - những gia đình có người bị tâm thần mà chúng tôi trò chuyện. Trong căn nhà chừng 12m2 thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ, cụ bà Nguyễn Thị B, 88 tuổi nhọc nhằn kể cho chúng tôi nghe về hành trình nuôi 2 đứa cháu gái của mình khiến chúng tôi không thể nói thêm câu nào sau lời cụ. Vừa nói, vừa khóc, cái đớn đau nhất của người gần đất xa trời này không gì khác mà nỗi sợ hãi khi cụ chết đi không còn được nấu cơm cho cháu K. (9 tuổi) và cháu Th. (12 tuổi) đi học. Còn mẹ của hai cháu, chị V. cũng là bệnh nhân tâm thần đã qua đời cách đó 4 năm vì bị tàu hỏa cán.
Hôm chúng tôi đến cũng là hôm Th. vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để tiếp tục học hành. Và giọt nước mắt của bà ngoại như lần cuối cùng được nhìn thấy cháu. Sự thật đôi lúc quá đớn đau.
Nói về người lạm dụng tình dục con gái mình, ông M. rất giản đơn và ngắn gọn: “Có lẽ do hắn say rượu”. Còn với bà Th., sự phẩn nộ có thừa trong lời nói, trên khuôn mặt: “Nếu tôi biết được người hãm hiếp con H. là ai tôi sẽ báo công an trừng trị hắn. Đó là việc làm quá tàn nhẫn, vô đạo đức. Cũng may là cháu ngoại sinh ra bình thường, lành lặn. Chứ nếu cháu bị như mẹ cháu không phải là thằng đàn ông đó làm chết chúng tôi hay răng?”.
Bà Th. đã bật khóc trong nỗi đớn đau. Giọt nước mắt đó chưa thấm tháp gì so với những nhọc nhằn, khốn khổ (có khi là khốn nạn) mà bà từng trãi qua khi nuôi nấng H. Hầu hết những nạn nhân tâm thần khi bị xâm hại tình dục dù có mang thai hay không thì người nhà vẫn không đến trình báo cơ quan chức năng bởi vô vàn lý do mà trong đó có một lý do khiến thân nhân của họ tuyệt vọng. Họ, những người tâm thần không thể làm chứng trước pháp luật, cũng dễ gì nhớ được ai. Cũng như thế, biết ai mà tìm, biết ai làm điều đó mà báo. “Con H. không ý thức được bất cứ thứ chi, cũng may là hắn lang thang ngoài đường, kêu gào nhưng không phá phách”, bà Th. thở dài. Ông M. chia sẻ thêm: “Tôi biết chắc chắn rằng K.O sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt cha. Không ai nhận việc làm đó cả, không ai nhận miềng từng ăn nằm với người tâm thần vì điều đó hạ thấp giá trị con người của họ”.
Giá trị mà ông nói có phải là đạo đức không? Chúng tôi hỏi, ông M lặng im hồi lâu “nghĩ ra thằng đàn ông mô làm việc đó thì nỏ có đạo đức chi, chẳng qua là sự hỗ thẹn đối với việc đốn mạt mà mình đã làm, sợ khi biết người ta lên án”.
Cháu Th., con gái lớn của chị V. tâm sự với chúng tôi rằng: “Mẹ cháu đau nên đi hiếm khi về, cháu ở với mệ (bà), cháu không biết ba”. Đằng sau câu nói của cháu Th. là lời nói rất đổi đắng cay của bà ngoại: “Đã nói là cha mi chết rồi mà, nhắc mãi chi rứa...”.
Chúng tôi hiểu, đôi lúc câu nói vu vơ của trẻ con là nỗi đau của người lớn. Cụ B. đã hai lần nuôi con đẻ, hai lần tất tả mang con lên viện và phải trả lời hàng trăm câu hỏi của những người hiếu kỳ ở khoa sản, rằng con mệ à? Bị điên phải không? Nghén đứa thứ mấy rồi? Có biết cha hắn không? Đặc hà sa số câu hỏi không phải là sự quan tâm, sẻ chia, đồng cảm đã khiến cụ B. không ít lần rơi nước mắt. “Cực khổ lắm, tui nói đã cực ri rồi mà khi đem con tới đẻ họ còn hay hỏi, có người níu áo hỏi cho được mới thôi”.
Khuất trong ngôi làng, ngôi nhà nhỏ của cụ B. nằm lọt giữa đồng lúa, cỏ mần trầu tha hồ bao phủ xung quanh khu vườn. Cụ B bảo, trước còn cuốc đất trồng rau được, giờ chỉ gắng nấu cơm cho cháu ăn. Mà lương thực trong ngôi nhà này cũng nhận được trợ cấp và lòng hảo tâm của bà con trong xóm.Trong những trường hợp mà chúng tôi gặp để viết bài này, có vô số câu chuyện buồn liên quan đến việc sinh đẻ của người bị tâm thần phân liệt. Chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau của H. khi cắn nát đôi tay mình. Và cảnh tượng đau lòng khi nhìn Lương Thị Th., sinh năm 1992 (trú tại Phường 4, thành phố Đông Hà) khi Th. đánh bố, khi Th giành sữa con để uống, khi Th. đá bóng vào bàn thờ, khi Th. đi lang thang ngoài đường bị xe cán gãy chân lúc mang thai 7 tháng giờ vết mổ vẫn còn. Và khoảng thời gian Th. nằm viện 2 tháng để điều trị tai nạn ở khoa chấn thương cho đến khi chuyển sang khoa sản để sinh nở. Mọi việc đó hầu như ông Lương Văn S. cáng đáng. Còn vợ ông, bà Lê Thị G. phải đi bốc xếp gạch thuê để có tiền nuôi sống gia đình. “Tôi bị thần kinh nặng, nhiều lúc nhấc chân không nỗi nhưng con Th. hắn đập thì phải chạy, phải tránh. Ngày mô hắn cũng đá tôi ba bốn phát, hơn chục năm tôi không lao động được do bệnh tật nhưng cũng không được nghỉ ngơi, hầu như ngày mô tôi cũng phải đi tìm Th., chạy xe trên đường nhiều đến mức cảnh sát giao thông thấy tôi thành quen nên cũng không cần kiểm tra giấy tờ”, ông S. chia sẻ với chúng tôi như thế sau nụ cười biểu hiện của niềm đau.
3 trường hợp, của Th. và H., chị V. đều là nỗi đau của gia đình. Và người cha phải là người cáng đáng, cả mẹ của Th. và mẹ H. đều có chung suy nghĩ rằng, và trên thực tế nó cũng thế. “Làm thân đàn bà khi đẻ con ra thấy con mình không bình thường, sau đó được biết cháu bị tâm thần tôi gần như chết lặng. Sức đàn bà có hạn, không thể ngày nào cũng chạy tìm kiếm con trên đường nên tất cả trông chờ vào ông ấy”, mẹ H. tâm sự như thế.
Còn mẹ Th., nói trong nước mắt: “Chồng tôi bị thần kinh nặng nhưng dù sao ông cũng chạy xe nhanh hơn tôi, tỉnh táo hơn tôi và biết chỗ con Th. hay lui tới, ông quen việc...”. Ông M., bố H. nói như để tống sự nhọc nhằn ra khỏi cơ thể mình. “Có nhiều đêm con H. đi tới khuya, trời thì mưa bão, lụt lội. Tôi vừa đi tìm con, vừa kêu gào, vừa khóc dưới mưa. Đời hắn có cực tới mấy thì chúng tôi cũng cần có con bên cạnh, ai muốn chi rứa mô. Ngày con H. đẻ xong, mạ hắn trông cháu ngoại con tôi dắt con H. đi bộ lên trạm y tế xã để đặt vòng”. Còn ông S., bố Th. tâm sự: “Con Th. đẻ xong, tôi xin bác sĩ cho cháu được cắt buồng trứng, nói thiệt ra lúc nớ tui với mạ hắn ôm chắc khóc, đáng quyết định việc này không phải là chúng tôi mà phải là Th...”
Có những hình ảnh cứ bủa vây lấy chúng tôi khi rời xa những mái gia đình có nạn nhân tâm thần bị lạm dụng tình dục dẫn đến sinh con. Và tiếng khóc trẻ thơ hòa lẫn trong tiếng cười vô thức của những người mẹ. Những người mẹ không mặc áo quần cứ lêu lỏng ngoài đường, những người mẹ hai bầu vú căng phồng nhưng con mình lại đi xin sữa...