Tiếng gọi phía đại dương

Phạm Xuân Dũng |

Không kể hai cửa biển đã bị bồi lấp, trong đó có cửa Thần Phù từng nổi tiếng ở Ninh Bình một thời xa xưa ám ảnh: “Lênh đênh qua cửa Thần Phủ/Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”, cả thảy nước Việt có 56 cửa biển (với nhiều tên gọi khác nhau) hiện tàu vẫn vào ra đều đặn. Nhưng duy có một cửa biển ở Quảng Trị lại đặc biệt có tên là Cửa Việt. 

Cửa Việt cũng có nghĩa là cửa biển của Việt Nam, một đất nước từng chiến tranh triền miên nên cũng phải hứng chịu nhiều khổ nạn như tao loạn, chia xa của non sông phải chăng cũng là điều khó lòng tránh khỏi.

Vui chơi trên bãi biển Cửa Việt. Ảnh: P.X.D
Vui chơi trên bãi biển Cửa Việt. Ảnh: P.X.D

Cửa Việt từ thời các Chúa Nguyễn đã sầm uất trên bến dưới thuyền. Sử cũ cho hay tàu thuyền các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan... vào Cửa Việt buôn bán, nghĩa là ngoại thương đã diễn ra nơi đây khá náo nhiệt. “Thị” là chợ theo nghĩa chữ Hán trong tổ hợp “Mai Xá Thị”, ngôi làng bắc biển Cửa Việt, hợp lưu của ba con sông: Thạch Hãn, Cam Lộ và Cánh Hòm, đã phần nào nói lên điều đó. Theo số liệu sử học thì ngay từ thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, kinh tế ngoại thương của biển xứ Đàng Trong đã hơn hẳn xứ Đàng Ngoài. Đó chính là nhờ viễn kiến trước biển của các bậc quân vương biết nhìn xa trông rộng.

Ngày mới lập lại tỉnh Quảng Trị, khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được phân công làm Tổng biên tập tạp chí văn nghệ địa phương, ông đã trưng cầu ý kiến để chọn tên khai sinh cho tờ báo. Ông Lê Bá Tạo, giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, một người làm thơ và yêu thích văn chương, đã có sáng kiến chọn tên Cửa Việt. Ông Tường và nhiều người ồ lên như ông Ác-si-mét nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại khi phát hiện ra lực đẩy: Ơ rê ka (tìm ra rồi). Từ đấy tạp chí văn nghệ Quảng Trị có tên là Cửa Việt, vô cùng ý nghĩa. Vẫn biết chiếc áo không làm nên ông thầy tu song y phục xứng kỳ đức là điều không ai phủ nhận. Địa danh, mà đây lại là tên gọi của biển ảnh hưởng đến văn nghệ đến là thú vị. Nhà thơ Dương Tường sáng tác khá nhiều, nhưng hễ nhắc đến bài thơ tiêu biểu nhất thì phải là “Tiếng cây dương Mỹ Thủy” kể về vụ thảm sát của giặc Pháp vào năm 1947.

Bãi biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị)
Bãi biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị)

Nói sự lạ văn chương với biển lại nhớ tới Thu Bồn. Ông là nhà thơ Quảng Nam, nhân một lần đọc bản thành tích của anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm rồi về làng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng) có mấy ngày mà cho ra đời cuốn tiểu thuyết hai tập 700 trang “Dưới đám mây màu cánh vạc”, một công việc thường là đòi hỏi thâm nhập thực tế có khi cả mấy năm trời mới có thể khai bút. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1975, sau đó còn tái bản hai lần nữa, lại còn được dịch giả Xô-Viết dịch sang tiếng Nga. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá đây là cuốn tiểu thuyết khá thành công về chiến tranh cách mạng. Chưa kể thời gian trước, từ 1975 đến nay chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về vùng biển Quảng Trị mặc dù nhà văn ở đây cống hiến nhiều về những đề tài khác. Biển cả quê hương vẫn là món nợ dài lâu với nhiều văn nghệ sĩ. Nhưng cũng kỳ lạ thay, từ thưở xưa thời Nhà Nguyễn, chính cái làng chài Mỹ Thủy này đã từng qua hai cuộc chiến khốc liệt lại rứt ruột đẻ ra điệu nhảy có cái tên độc nhất vô nhị, lớn hơn mọi điều hy vọng trên đời cộng lại: “Thiên hạ thái bình”. Một vũ điệu biển cả tượng trưng khát vọng muôn đời của ngư dân hay là sự tiên tri minh triết dân gian cũng không biết nữa.

Lại nhớ những ngày tôi rong ruổi dọc biển Quảng Bình, ra tận làng Cảnh Dương nổi tiếng cách Đèo Ngang có mươi cây số. Đây là một trong “bát danh hương” đất Quảng Bình: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Ngọa Thổ, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại. Cảnh Dương là làng cá voi nổi tiếng của duyên hải miền Trung. Đây còn là chiếc nôi đầu tiên cung cấp nhân lực cho “Đoàn tàu không số” nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ. Lúc trước tôi cứ ngỡ chọn Cảnh Dương là do gần đường vào miền Nam, rút ngắn khoảng cách đi lại trong vận tải vũ khí. Nhưng ra ở lại Cảnh Dương vài ngày mới hiểu thêm một điều hết sức quan trọng: giọng nói của người dân nơi đây gần với giọng Quảng Ngãi (giọng phía Nam, lại cách xa giới tuyến, ít bị nghi ngờ). Đó cũng là một lợi thế cần khai thác khi gặp tàu tuần tra của đối phương trên biển thì dễ bề ứng phó hơn. Học ngữ âm, phương ngữ trên lý thuyết nay mới biết có khi giọng địa phương được ưu tiên lựa chọn trong binh pháp hiện đại Việt Nam, đúng là chiến tranh nhân dân.

Bình minh Cửa Việt đẹp mê hồn.
Bình minh Cửa Việt đẹp mê hồn.

 Đêm ở lại làng biển Cảnh Dương, ông cựu đại úy Phạm Cảnh Hồng, trưởng ban liên lạc cựu chiến sĩ “Đoàn tàu không số” tỉnh Quảng Bình vừa rót rượu, vừa kể chuyện chiến trường. Ông đúng là “sói biển”, một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm cùng đồng đội bao lần vào sinh ra tử. Tôi nhìn ông, một người cao niên nhưng vẫn tráng kiện, dáng vóc cao lớn, tướng mạo như dũng sĩ biển khơi, giọng nói sang sảng, khoái hoạt và dứt khoát. Nhìn lên tường thấy bức ảnh ông và đồng đội chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch Trường Sa đầu tháng 5/1975. Rượu vào dăm chén, mắt ông nhìn xa xôi khi nhớ về những lính biển đã khuất, giọng ông chùng xuống. Ông nói với tôi mà như thể nói với chính mình, rằng nếu không có chiến tranh, ông là một ngư dân yên phận, chăm chỉ làm ăn và lẽ ra nên là như thế. Những người bình thường sinh ra có lẽ không ai muốn mình trở thành anh hùng chiến trận, bởi đó là một gánh nặng vinh quang phải đánh đổi quá nhiều máu xương và nước mắt. Tôi nhớ lại, cổ nhân có nói: Kẻ trí thích biển còn người nhân thích núi. Vì người có tài thích được vùng vẫy ở biển khơi sóng gió, còn người có đức lại thích chốn núi rừng tĩnh lặng. Vậy thì ngồi trước mặt tôi là người trí có nhân hay người nhân có trí. Có lẽ cả hai.

Du khách có thể chơi các môn thể thao ở biển Cửa Việt, ngay trên bãi cát mịn, rộng, dài.
Du khách có thể chơi các môn thể thao ở biển Cửa Việt, ngay trên bãi cát mịn, rộng, dài.
Du khách có thể chơi các môn thể thao ở biển Cửa Việt, ngay trên bãi cát mịn, rộng, dài.

Sáng ra miếu Linh Ngư tức thờ cá voi ở ngay trước biển. Mấy bộ xương cá voi khổng lồ được trang trọng bày biện và phụng thờ cung kính. Thấy mấy người phụ nữ đến khấn vái cầu an cho chồng con được tiên phật độ trì gặp trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền. Ngồi nói chuyện với ông thủ từ Nguyễn Văn Biểu lại biết thêm chuyện ông là người nhỏ tuổi nhất, từng tham gia chuyến đi vận tải vũ khí có một không hai cho Quảng Trị năm 1968. Ông và bà con Cảnh Dương trước khi lên đường đã được tổ chức truy điệu sống, vào đến Vĩnh Linh họ lại được truy điệu sống lần nữa. Vậy mà nhiều người như ông đã vượt qua cửa tử sống đến tận bây giờ...

Hình như cuộc đời luôn chứa đựng những điều có vẻ giản đơn mà kỳ diệu, kể cả những điều hệ trọng bậc nhất như chuyện tử sinh của mỗi phận người...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hoàn thành xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Lê Trường |

Sau một thời gian tích cực triển khai thi công, đến nay công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã hoàn thành giao đoạn 1 và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Quảng Trị kêu gọi đầu tư cơ sở lưu trú đạt chuẩn tại huyện đảo Cồn Cỏ

Anh Tuấn |

Du lịch biển đảo của Quảng Trị có nhiều bước phát triển, số lượng du khách bằng đường biển tăng đột biến, chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2019, tỉnh đã 4 lần đón du thuyền Panorama II.

Gio Linh đầu tư phát triển du lịch giếng cổ Gio An

Nguyễn Loan |

Xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài hệ thống giếng cổ hiếm có phục vụ khai thác nguồn nước ngầm rất độc đáo thì nơi đây còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, ruộng trồng rau trên đá được kiến trúc theo bậc thang đẹp, con người thân thiện… luôn có sức hút đối với du khách. Từ những lợi thế đặc trung đó, huyện Gio Linh đã và đang tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để phát huy tiềm năng của địa phương.

Sẽ trồng thêm hơn 1 hecta hoa dã quỳ ở Hướng Phùng

YMS |

Ngày 26/5/2020, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị có buổi làm việc với cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) về việc phát triển, mở rộng diện tích hoa dã quỳ ở địa bàn xã Hướng Phùng thông qua mô hình hợp tác hộ gia đình.