Điều bí ẩn giữ lại Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn

Lê Đức Dục |

Ngày hòa bình sau năm 1975 những người lính hy sinh trên nhiều miền đất nước được quy tập về chôn cất trên đất Quảng Trị. Giờ đất này có hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia: Trường Sơn và Đường 9. Và có thể kể thêm một nghĩa trang thứ ba, đấy là “nghĩa trang không bia mộ” - quãng sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị mà con số những người lính nằm lại dưới lòng sông cho đến nay vẫn là một ẩn số, chỉ còn khắc khoải trong câu thơ “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Nhưng không nhiều người biết rằng hơn 100 năm trước, đã có một cuộc quy tập hài cốt quân Tây Sơn hy sinh trong trận chiến thần tốc tiêu diệt 30 vạn quân Thanh từ Hà Nội được đưa về chôn cất trong một mảnh làng nhỏ tên là làng Thạch Hãn trên đất Thành Cổ Quảng Trị. Nơi đó được gọi là Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn, nằm cách trung tâm Thành Cổ Quảng Trị chừng hơn một cây số về phía nam.

Trên chuyên mục “Câu chuyện du lịch” của tạp chí Cửa Việt lâu nay, những huyền tích về các Nghĩa trang Quốc gia kể trên đã được nhắc đến nhiều, và cũng như những nơi chốn thiêng liêng ấy, ở Nghĩa trủng đàn cũng lưu dấu những huyền ảo khói sương “bất khả tư nghì” chưa thể giải thích, may sao nhờ những điều huyền ảo ấy mà hôm nay chúng ta còn giữ lại một di tích lịch sử thiêng liêng mang tên Nghĩa trủng đàn.

Nghĩa trủng đàn là nơi chôn cất nghĩa binh Tây Sơn - Ảnh: L.Đ.D
Nghĩa trủng đàn là nơi chôn cất nghĩa binh Tây Sơn - Ảnh: L.Đ.D

Trước khi kể về những câu chuyện thiêng ở đây, thiết tưởng cũng nhắc lại một chút nguyên ủy của Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn và những nghĩa binh Tây Sơn áo vải cờ đào ngã xuống cuối thế kỷ 18.

Những quân binh Tây Sơn hy sinh trong cuộc chinh phạt quân xâm lược Mãn Thanh vốn được chôn cất trên đồng ruộng quanh thành Thăng Long (Hà Nội) từ mùa xuân năm Kỷ Dậu - 1789. Năm tháng đi qua, không ai nhớ ra và hương khói nên thành ra là những mộ hoang vô chủ. Đến cuối thế kỷ 19, quan Tuần vũ Hà Nội bấy giờ là cụ Hoàng Hữu Xứng, vốn là người quê Quảng Trị, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang này, hỏi han kỳ lão trong vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Hàng chục năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang.

Quan Tuần vũ họ Hoàng ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành mười hai gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế, sau này (năm 1851) nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh nên Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là Đặng Văn Hòa cho quy về chôn cất chu đáo tại một cái gò khác chính là gò Đống Đa ngày nay.

Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác người ta chôn sấp dập ngửa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Quan Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng bèn thuê người cất bốc, thu hặt hài cốt gần 1.000 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở làng Thạch Hãn, cạnh Thành Cổ Quảng Trị. Ở đó có một mảnh đất rộng chừng bảy sào mà thân phụ của ông đã mua từ mấy chục năm trước để dành chôn cất những nấm mồ vô chủ của những lưu dân thuở trước theo chúa Nguyễn trên đường đi về phương Nam mở cõi đã bỏ mình vì rừng thiêng nước độc, vì không hợp thủy thổ hay ốm đau bệnh tật.

Khoảnh đất được gọi là Nghĩa trủng đàn ấy đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa ngôi mộ là những vong hồn bơ vơ trong trời đất theo chúa Nguyễn đi mở cõi, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào. Từ đấy nối đời con cháu họ Hoàng thay nhau hương khói săn sóc những ngôi mộ nơi đây. Đời vua Thành Thái, Nghĩa trủng Quảng Trị được đưa vào quy chế quốc gia, triều đình ban ruộng tự điền, người làng chăm lo hương khói được miễn sưu thuế, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan Tuần vũ Quảng Trị đứng chủ tế.

Lịch sử vốn có những tình cờ nhưng có vẻ không là ngẫu nhiên. Năm 1872, khi Nghĩa trủng đàn Thạch Hãn hình thành thì đúng 100 năm sau, mùa hè năm 1972 xảy ra cuộc chiến khốc liệt của 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị.

Sau 1975, công cuộc hợp tác hóa, xóa bờ vùng bờ thửa diễn ra rầm rộ, rất nhiều mảnh làng sau những bể dâu bom đạn, sau những bể dâu trên đời dân phận người, bể dâu trên những dấu tích tiền nhân từng may mắn vẹn nguyên đi qua chiến tranh, nhưng lại bị xóa dấu sau ngày hòa bình!

Với cuộc “xóa bờ vùng bở thửa” tiến lên “hợp tác xã bậc cao”, Nghĩa trủng đàn cũng không nằm ngoài tầm ngắm của chiến dịch ấy. Hơn hai mươi năm trước, khi tôi tìm về Nghĩa trủng đàn, một vị hội chủ làng Thạch Hãn kể lại câu chuyện kỳ bí với tôi trong giọng kể với âm vực trĩu nặng thành kính, rằng khi người ta bắt đầu phong trào “hợp tác hóa”, ủi san bờ vùng bờ thửa để mở rộng đồng điền, cái gò đất Nghĩa trủng cao 1 mét, dài 70 mét, rộng 17 mét ấy cũng được nhắm đến. May sao, bao nhiêu lần xe ủi xe ben đụng vào vùng Nghĩa trủng là... chết máy, từ xe máy xích như DT-75 hay loại C-100 to kềnh càng. Thấy sự lạ, cánh tài xế xe ủi cũng hoảng, đem hỏi các vị kỳ lão trong làng mới hay đất ấy xưa là nơi an táng những nắm xương lạc loài của thập loại chúng sinh. Không khí những năm sau chiến tranh ấy không có chỗ cho những điều có vẻ mê tín dị đoan, nhưng may sao, sau hàng chục lần xe ủi không san thành ruộng được, Nghĩa trủng đàn đã không bị thành đất cấy cày của hợp tác xã.

Nghĩa trủng đàn hiện nay đã được tôn tạo - Ảnh: Duy Hùng
Nghĩa trủng đàn hiện nay đã được tôn tạo - Ảnh: Duy Hùng

Câu chuyện này tôi được nghe vị hội chủ làng Thạch Hãn kể lại trong một lần đưa một người bạn, vốn mang ơn người họ Hoàng làng Bích Khê đã lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây thăm viếng Nghĩa trủng. Rồi cùng với thời gian, con cháu họ Hoàng và dân làng Thạch Hãn đã góp công góp của xây lại miếu thờ, đến tháng 8 năm 1996 tất cả con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê từ khắp nơi trên thế giới cùng các lương dân, kỳ lão làng Thạch Hãn góp sức đại trùng tu, tấm văn bia Nghĩa trủng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút. Văn bia có đoạn: Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.

Năm 2010, Nghĩa trủng đàn đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Dù dâu bể đổi dời đến đâu, dù trải qua bao nhiêu năm dài quên lãng, cuối cùng thì máu xương những người vị quốc vong thân vẫn luôn được đời dân nhắc nhớ, như câu thơ Nguyễn Duy: Bao triều vua phế đi rồi / Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ… mà Nghĩa trủng đàn là một minh chứng. Đó phải chăng cũng là điều khiến cho gần nửa thế kỷ trước, những chiếc máy ủi mạnh mẽ phải bất thần “chết máy” khi đụng vào nấm mồ của những đời dân đã hy sinh vì đại nghĩa?

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Quảng Trị, đằm sâu hai tiếng hòa bình

Nguyễn Hữu Quý |

Hòa bình, khát vọng ấy đằm sâu trong lòng đất Quảng Trị mang nhiều dấu tích dâng hiến và đau thương không dễ dàng nói hết. Đấy chẳng phải là một thế giới khác đầy bí ẩn mà cái ta đang có trong tâm thức của hàng triệu người buộc đã đi qua hoặc may mắn chưa biết chiến tranh. Bởi, đằng sau những dấu vết quá khứ bi tráng chúng ta nhận ra rất rõ những hồi chuông phản tỉnh về bạo lực và xâm lăng, về chia cắt và chia rẻ, về đối kháng và hận thù để nung nấu thêm ý nguyện gìn giữ hòa bình như giữ gìn giá trị cao đẹp nhất của cuộc sống.

134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tháng Năm nhớ Bác

Thu Hạnh |

Sinh thời, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Bác những tình cảm sâu nặng, lời chúc tốt đẹp nhất

Viết tiếp trang sử mới trên con đường Hồ Chí Minh

Minh Đức |

Hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong thời chiến, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục sứ mệnh vẻ vang trong thời bình, tác động tích cực và hiệu quả đến sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, làm khởi sắc những vùng quê nơi con đường đi qua.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

Tống Phước Trị |

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính yêu rất quan tâm là: “Tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Quan điểm này của Bác xuyên suốt từ thời kỳ hoạt động bí mật tới khi cách mạng thành công, nắm chính quyền trong tay.