Đồng đội

Nam Phương |

Không hiểu vì điều gì mà trong suốt quãng thời gian dài lớn lên bên nội, tôi luôn nhớ đến những câu chuyện nội kể về đồng đội mình. Họ là người lính anh dũng từng kề vai sát cánh với nội trong những trận đánh; là người may mắn trở về nhưng cơ thể không còn vẹn nguyên hay là người không may hy sinh khi tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi… Cả cuộc đời nội tôi dường như vẫn luôn xúc động, day dứt khi nhắc đến 2 từ “đồng đội”. Bởi nội từng nói rằng, điều ám ảnh với ông nhất chính là mình còn sống trong khi đồng đội thì mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Một ngôi nhà nhỏ nằm yên bình bên con sông quê. Đó là nơi mà nhiều thế hệ trong gia đình tôi cùng sinh sống. Cũng là nơi chứng kiến nội tôi, khi ấy còn là chàng thiếu niên trẻ tuổi đã hăng hái viết lá đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, một mực xin ra chiến trường. Ba tôi vẫn thường kể lại lời nói của bà cố mỗi khi nhắc đến câu chuyện năm xưa: “Ngày nó (ông nội) khăn gói lên đường, bà khóc hết nước mắt, vừa thương, vừa lo cho con, mấy đêm liền không ngủ được. Cái thằng, bình thường nhìn hiền lành rứa mà cũng gan dạ dữ, bây hè?”. Nghe đâu hồi đầu mới nhập ngũ, gia đình tôi vẫn còn nhận được vài lá thư được nội viết và gửi vội trên đường hành quân, sau đó chiến tranh ác liệt quá, cố tôi đợi mãi mà chẳng thấy thư từ gì. Thời gian thấm thoát trôi đi, ngày nội tôi trở về, trên vai chỉ có chiếc ba lô đã sờn cũ, bạc màu. Cố tôi lúc bấy giờ già đi nhiều, đôi chân không thể đi lại được như trước sau một cơn bạo bệnh. Thấy nội tôi, cố bật khóc nức nở, cứ ôm chặt lấy nội mà nói “Mi làm mạ đợi mãi con ơi!”.

Thắp hương cho liệt sĩ tạiNghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: TÚ LINH
Thắp hương cho liệt sĩ tạiNghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: TÚ LINH

Nội tôi trở về, xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Thế nhưng trong nội, ký ức về một thời hào hùng máu lửa ngày ấy vẫn như còn vẹn nguyên, chân thực như cuốn phim quay chậm. Ông thường kể cho chị em tôi nghe về những lần hành quân gian khổ, rồi có khi đang ăn dở bát cơm thì bị quân địch bất ngờ dội bom đánh phá, mọi người phải nhanh chóng di chuyển đội hình để sẵn sàng đánh trả. Cũng có cả những lần bầu trời bình lặng chẳng còn nghe tiếng bom, họ đã cùng nhau hát ca, cùng nhau kể về gia đình, người thân đang ở quê nhà. Có người em mới nhập ngũ không lâu vì thế mà khóc rấm rứt. Mỗi khi nhắc về những người đồng đội, nội tôi không giấu nổi sự xúc động: “Những tháng năm khó khăn ấy kể sao cho hết. Thế nhưng họ đã cùng ông chia sẻ mọi thứ từ thức ăn, nước uống, chỗ ngủ thậm chí là một nơi tránh đạn an toàn. Nên bây giờ dù có ở đâu, có như thế nào đi chăng nữa, họ với ta vẫn là bạn, là gia đình”. Ngày 27/7 với nhiều người là ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc, nhưng với nội tôi đó còn là ngày “hội ngộ” của những người đồng đội năm nào. Mỗi năm cứ đến ngày này, ông lại kêu ba tôi chuẩn bị hương hoa đầy đủ, ôm theo một cây đàn ghi ta bên người để đến nghĩa trang thắp hương, dọn cỏ rồi đàn hát cho đồng đội nghe. Tôi thấy nội đứng đó lặng lẽ lau đi giọt nước mắt, dường như nội đang sống lại với ký ức những năm tháng năm tươi đẹp của tuổi trẻ, với những đồng đội đã đi xa.

Nhiều năm sau ngày hòa bình lặp lại, nội tôi vẫn không thôi mong muốn tìm kiếm và đưa hài cốt của những người đồng đội trở về quê hương. Chỉ cần nghe thông tin về đồng đội ở đâu đó, nội tôi cùng các cựu chiến binh trong đơn vị tuy sức khỏe đã yếu vẫn hăng hái lên đường. Nội nói: “Một trong những tâm nguyện lớn nhất của ông là đưa những người đồng đội nằm lại nơi chiến trường trở về “đoàn tụ” với gia đình họ”. Còn nhớ một lần, khi nghe tin phát hiện được hài cốt liệt sĩ ở Điện Biên, đoàn cựu chiến binh của nội tôi lặn lội ra tận ngoài đó. Hôm ấy bầu trời xám xịt, mưa lắc rắc vài hạt như muốn sẻ chia tâm trạng với những người chiến sĩ anh dũng năm nào. Buổi gặp lại nhau diễn ra trong không khí vô cùng xúc động. Những di vật của đồng đội vẫn còn vẹn nguyên sau nhiều năm bị đất cát vùi lấp. Nội tôi và đồng đội gặp lại, tuy giữa họ là khoảng cách giữa người sống và người đã khuất nhưng lại khiến cho những người chứng kiến không kìm được nước mắt. Tuổi trẻ nội kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, giờ đây nội tôi lại có thể cùng đồng đội mình trở về quê hương trong suốt một hành trình dài.

Nội tôi bây giờ đã lớn tuổi, sức khỏe dần yếu đi theo thời gian. Thế nên năm nào nội không thể đến nghĩa trang thăm đồng đội, gia đình tôi lại thay nội đến dọn vệ sinh rồi thắp nén hương lên từng ngôi mộ liệt sĩ. Nội tôi và những người đồng đội đã dành cả tuổi xuân để chiến đấu và chiến thắng, dành lại độc lập cho quê hương. Nội vẫn dạy chúng tôi rằng: “Hòa bình, hạnh phúc hôm nay được đánh đổi bằng máu và nước mắt của những người đi trước. Thế nên các cháu phải biết quý trọng nó, quý trọng cuộc sống này rồi sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của ông cha ta”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Kim Quy |

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; phối hợp tích cực, hiệu quả với các địa phương, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của thân nhân các gia đình liệt sĩ và Nhân dân cả nước.

Phát hiện 1 mộ tập thể và 2 hài cốt liệt sĩ ở ruộng lúa tại Quảng Trị

Hưng Thơ |

Các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở một ruộng lúa tại tỉnh Quảng Trị cùng nhiều di vật kèm theo.

Tiễn đưa hài cốt liệt sĩ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào về nước

PV |

Ngày 29/4, tại Thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra Lễ bàn giao và đưa tiễn 3 bộ hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ kháng chiến tại Lào về nước.

Hướng Hóa: Phát hiện thêm một bộ hài cốt liệt sĩ có danh tính

Công Sang |

Ngày 19/4/2021, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4 đóng quân tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, trong ngày 19/4/2021, Đội quy tập của đơn vị phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ tại thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.