Đồng vọng một khúc sông xưa

Trần Thanh Hải |

Tôi rất ấn tượng với dòng trạng thái trên tường facebook của lão nhà văn Tống Phước Trị, viết về một thủy trình kỳ lạ với điểm khởi phát từ đập Bàu Nhum trên đất Lệ Thủy - Quảng Bình, đi qua các làng quê của Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Phong Điền, Phú Vang, chơi vơi trên phá Tam Giang rồi ngược dòng Hương và kết thúc cuộc du hí ấy trên đất cố đô xưa, với kinh kỳ rêu phong trầm mặc. Một hành trình dùng dằng trên những con sông vừa quen, vừa lạ, đi qua trăm nẻo làng mạc xóm thôn, thăm thẳm những cánh đồng, vuông tôm, dập dềnh trôi qua những rừng bần, đầm lầy đầy lác và cói, lả lướt với những cánh chim trời trắng xóa buổi hoàng hôn… Một con thuyền nan mỏng manh, một gã lữ hành ngơ ngác, một dòng nước lúc vơi lúc đầy; cứ vậy lững lờ trôi, đi hết một thủy trình êm ái, ngược xuôi, quanh co, dích dắc… Chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy mê ly, ảo diệu lắm rồi.

“Con thuyền mơ” ấy sẽ khua mái chèo trên những dòng sông nào? Châu Thị, Sa Lung, Hiền Lương/Bến Hải, Cánh Hòm, Hiếu Giang, Thạch Hãn, Vĩnh Định, phá Tam Giang, Hương Giang. Những con sông thật đẹp và nên thơ. Chắp nối ký ức về quãng đời xê dịch vốn cũng đã đi, đã đến, đã biết khá nhiều các dòng sông quê, duy chỉ có một cái tên tôi chưa từng được gặp - sông Cánh Hòm. Cái tên sông nghe ngồ ngộ, dù bao lần tự diễn giải nghĩa của nó bằng một điển tích điển cố để tìm chút liên quan, mà đành chịu nên với tôi, nó trở thành một dòng nước bí ẩn, để mỗi khi chạm mặt một dòng sông, đứng trước một bến, một bờ bàng bạc phù sa nào đó, lại thấy hai chữ “Cánh Hòm” cứ trở đi trở lại trong tâm hồn. Nào xa ngái chi đâu. Về xã Vĩnh Giang, chỉ cần đứng bên làng cổ Tùng Luật xanh mướt cây trái ấy mà thả tầm mắt qua những vó lưới giăng mắc trên dòng Bến Hải, có thể thấy rõ cái ngã ba Xuân Hòa mênh mông gợn sóng. Đó chính là nơi sông gặp sông, phù sa lẫn với phù sa; nơi Cánh Hòm hòa nước vào Bến Hải để đổ ra biển qua Cửa Tùng. Trông diệu vợi, mông lung vậy mà đành chịu, nên cứ tự hẹn với lòng, rằng một ngày nào đó sẽ gặp gỡ và khám phá dòng nước nơi phương nam vừa gần vừa xa ấy. Rồi hẹn vẫn cứ hẹn, đợi chờ vẫn mãi cứ đợi chờ. Cho đến một ngày…

 

Hội anh em câu cá chúng tôi đón chào một thành viên mới. Một lão cần thủ đúng nghĩa, tóc muối tiêu, dáng thấp đậm, phong thái cơ chừng cũng thâm trầm. Anh quê ở chính cái làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh - địa danh cuối nguồn phía bắc của dòng Cánh Hòm. Qua vài lời giới thiệu, biết rằng là giáo viên, dạy chữ cho con em đồng bào một huyện nào đó ở Tây Nguyên, giờ về hưu. Tạm biệt cao nguyên, đôi vợ chồng ra quê Quảng Trị an hưởng tuổi già, cũng là để thực hiện trách nhiệm hương hỏa cho ông bà tổ tiên sau bao năm biền biệt. Trong buổi gặp mặt với linh tinh đủ thứ chuyện, bất chợt “tân binh già” đề xuất nên chuyển hướng câu kéo vào miệt Gio Linh - Cửa Việt, bằng cái câu thể hiện rõ kinh nghiệm dày dặn của một tay am tường chuyện nghề lẫn thông thạo địa hình: “Qua rét nàng Bân / tìm kênh Cánh Hòm”. Vậy là trong thoáng chốc, tựa như được ông trời sắp đặt, tôi đã có cơ hội, càng tuyệt hơn khi chính anh sẽ là người giải đáp những thắc mắc, tò mò của thằng tôi lắm chuyện, bởi vốn dĩ từ lâu đã cảm thấy như vốn sinh ra đã nợ nần chồng chất với con nước này.

Một ngày cuối tuần nắng bỏng rát, tôi chạm mặt Cánh Hòm.

Buổi hẹn hò đầu tiên ấy, dòng sông của giấc mơ tôi không như tưởng tượng, nếu không muốn nói là quá… thất vọng. Có lẽ chính bởi cái cách tiếp cận mập mờ kiểu “hai mang” của tôi, giữa một gã lữ hành khám phá và một tay đam mê câu cá. Nơi tôi giáp mặt với Cánh Hòm không phải là một bức tranh sông nước hữu tình, với con nước bàng bạc phù sa, êm ả những con thuyền nan khua mái chèo xuôi ngược, thấp thoáng mái nhà giữa biển lúa vàng ươm… Mà đó là một thân đập bê tông khổng lồ, thô kệch, sừng sững chắn ngang dòng nước - đập ngăn mặn Xuân Hòa. Ngẩn người hoang mang một thoáng rồi chợt hiểu để tự trả lời với bản thân rằng, với chiếc cần câu trên tay thì đây chính là thiên đường, bởi quanh đập nước này là một ngư trường hiếm hoi còn lắm cá nhiều tôm mà giới câu cá gần xa háo hức, giờ thì đang nườm nượp đổ về. Chốn này, gọi dân dã là đập Cánh Hòm.

Khác với hầu hết các con sông ở Quảng Trị thường thả dòng chảy theo hướng tây nam - đông bắc. Mười dòng như một, đều khởi nguồn từ trăm ngàn khe suối trên núi rừng Trường Sơn, rồi xuôi đồng bằng, dẫu có quanh co, khúc khuỷu, dùng dằng kiểu gì cuối cùng cũng đổ nước ra biển Đông. Cánh Hòm lại tréo ngoe một mình một hướng, với dòng chảy ngang, vắt theo chiều dọc bắc - nam. Sông như chiếc đòn gánh nối hai dòng Hiền Lương và Thạch Hãn. Một dòng nước gần như chảy song song với bờ biển và mang dáng dấp của một kênh rạch Nam Bộ hơn là hình hài sông suối miền Trung. Bọc lấy đôi bờ dòng sông ấy không phải là những làng quê, bến nước, rặng tre… mà đó là những rừng bần, rừng sác hoang vu, là những đầm cói, ruộng lác tua tủa đâm lên giữa mênh mông sình lầy, ngai ngái mùi bùn tanh nước lợ. Có tài liệu ghi chép là Cánh Hòm có lịch sử gần 400 năm làm sứ mệnh của ông tơ bà nguyệt kết duyên cho hai dòng Hiền Lương - Thạch Hãn xích lại gần nhau. Nhưng đa số ý kiến lại khẳng định rằng dòng sông này có từ rất sớm, lúc người Chăm đang sinh sống, tức là trước mốc năm 1075, lúc Lý Thường Kiệt cùng binh lính Đại Việt “mang gươm đi mở cõi”, di dân miền Bắc vào lập nghiệp, mở mang cương vực lãnh thổ về phương Nam. Dấu vết ấy liên quan đến một loạt địa danh, vật thể từng là biểu trưng của văn hóa Chăm, nổi bật là hệ thống giếng cổ “dẫn thủy nhập điền”, là thánh địa Hà Trung được Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc về sau, cũng chính là đề cập về sự hiện diện của ngôi đền Indrakantesvara huyền thoại đã từng tồn tại đâu đó bên dòng Cánh Hòm. Ghi chép về đoạn sông này, các nhà địa chí triều Nguyễn miêu tả khá cụ thể: …một sông lớn phát nguồn từ giang phận xã An Dã, huyện Đăng Xương, chảy tiếp thông với giang phận xã Xuân Long thuộc bản huyện (Gio Linh), rồi chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy về phía tây đổ vào cửa Tùng Luật; một nhánh chảy về phía đông, đổ vào cửa Việt Yên, dài 30 dặm 10 thước. Triều lên, sâu 4 thước. Triều xuống, sâu 3 thước… Tên cổ của dòng nước này là kênh Ba Lòng. Ở thế kỷ 18, khi ghi chép về sông Minh Lương (tức Hiền Lương/Bến Hải), Lê Quý Đôn lại gọi đường sông này là “kênh Hàm”. Cái tên Cánh Hòm, Khánh Hàm sau này là do người bản địa đọc trại từ kênh Hàm mà ra. Cánh Hòm không phải là sông đào như Vĩnh Định, Châu Thị (tức sông Hồ Xá), có chăng là bởi công sức con người bỏ ra để khơi thông, mở rộng một dòng chảy tự nhiên đã có sẵn. Do sông này chảy giữa hai cồn cát lớn đông và tây (ngôn ngữ khảo cổ gọi là Đại Trường Sa và Tiểu Trường Sa) nên thường xuyên bị cát lấp, vì thế cần phải nạo vét thường xuyên để thuyền bè thông thương ngược xuôi, qua lại dễ dàng. Hàng năm, theo lệnh vua chúa, dân bản hạt dọc theo hai bờ đã bỏ công sức hàng tháng trời cực nhọc để thực hiện việc đào sông nắn dòng vốn dĩ là bổn phận của tự nhiên, của tạo hóa. Chính bởi lẽ đó nên người ta luôn xem Cánh Hòm là con sông nhân tạo. Những cuộc “đại nạo vét” để sửa dáng tạo hình Cánh Hòm nổi bật nhất có thể kể đến vào các năm 1651, 1681 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, nhằm phục vụ chuyện săn bắn, giải trí; đặc biệt trở thành việc thường niên vào thời nhà Nguyễn sau này, khi vua Minh Mạng chính thức lựa chọn sông Cánh Hòm nằm trên thủy trình từ kinh đô khi ra tuần du, thị sát địa giới và nghỉ mát, tắm biển ở Cửa Tùng. Đây cũng là giai đoạn “vượng” nhất của Cánh Hòm - dòng sông chỉ dài hơn chục cây số - nhưng đóng một vai trò tối quan trọng trong giao thương buôn bán, giao lưu vùng miền bằng đường thủy nội địa. Thuyền buôn từ Vĩnh Linh, Quảng Bình có thể từ Cửa Tùng, từ thương cảng Tùng Luật lên, từ Sa Lung, Bến Hải xuống, theo sông Cánh Hòm đến ngã ba Gia Độ, hợp với Mai Xá - Phường Hàng vốn là cảng thị cận biển, một thương cảng sầm uất “trên bến dưới thuyền”, để từ đó thuyền có thể tiếp tục vào nam qua cửa biển Việt Yên; đến Thừa Thiên qua sông Thạch Hãn và hệ chi lưu Vĩnh Định; lên miền tây, xứ Ai Lao qua sông Hiếu và đường thượng đạo xuyên Trường Sơn… Cung đường thủy một thời từng buôn bán sầm uất, tàu thuyền nhộn nhịp ấy có thể được xem là “con đường tơ lụa” xứ Đàng Trong lúc bấy giờ. Nhưng rồi, tháng ngày dâu bể cộng với sự biến động to lớn về mặt chính trị xã hội, sự thay đổi về địa cuộc, nhất là những biến đổi bất thường về dòng chảy của Thạch Hãn, Hiếu Giang, sự xâm lấn không ngơi nghỉ của cát, cỏ cây và phù sa đối với các chi lưu huyết mạch, nên tuyến giao thương nội thủy nói chung, thương cảng Mai Xá - Phường Hàng và “con đường tơ lụa” Cánh Hòm nói riêng dần dần đã đi đến hồi cáo chung. Quá khứ vàng son một thời giờ chỉ còn là dư âm ảo mờ, thấp thoáng khi cố hình dung bằng cái nhìn chắp nối từ những nhánh sông nhỏ hẹp, từ những khúc sông chết, những cồn bãi đìu hiu, những cù lao và đầm lầy hoang vu cỏ dại.

Riêng với dòng Cánh Hòm, số phận còn trắc trở hơn nhiều. Sông không “chết” ở cái thời tao loạn ấy. Vẫn một dòng nước êm đềm gánh hai đầu Hiền Lương - Thạch Hãn, nên dẫu không còn ghe thuyền giao thương tấp nập, nhưng dòng nước nhỏ vẫn nguyên giá trị của một tuyến lưu thông đường sông quan trọng. Thời thuộc Pháp, giang thuyền của bọn thực dân thường chọn tuyến sông này để vận chuyển vũ khí, hành quân càn quét ra phía bắc, thay vì đi đường bờ biển lắm trắc trở. Nhiều cuộc đụng độ ác liệt giữa du kích và giặc Pháp đã diễn ra trên dòng sông này. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 và 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, tuyến vận tải đường thủy trên sông Cánh Hòm trở thành một trong những tuyến trọng yếu, đưa hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm vào chiến trường Quảng Trị và bắc Thừa Thiên. Những đội thuyền cảm tử không kể đêm ngày luồn lách dưới mưa bom bão đạn, rẽ nước Cánh Hòm đưa hàng về đích. Nước mắt, mồ hôi và máu của bộ đội, của người dân ở đôi bờ dòng sông đã đổ xuống trong những tháng ngày gian khổ này không sao có thể kể hết được.

Di tích lịch sử bến đò và đình làng Mai Xá
Di tích lịch sử bến đò và đình làng Mai Xá


Đi qua cơn binh lửa, Cánh Hòm trở về với thiên chức tưới tắm dòng nước mát lành và bồi đắp phù sa màu mỡ cho hơn ngàn héc-ta ruộng đồng, năm hai vụ trĩu hạt sai bông của các xã Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Phong, Trung Giang và Trung Hải. Song, vì quá ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, cho sự tốt tươi và ổn định của cây lúa trước tấn công của nước mặn xâm thực nên, dẫu biết rằng dọc theo đôi bờ của Cánh Hòm vẫn còn đó một làng chiếu Lâm Xuân nức tiếng xa gần; một Bách Lộc chài lưới với cuộc sống nương tựa hẳn với sự đầy vơi của con nước; một Mai Xá cũng dệt chiếu và đặc biệt là nghề đào đãi hến, chắt chắt, góp cho đời một món ăn mang vị ngọt ngon đáo để, nếm thử một lần đâu dễ gì quên… thì người ta vẫn cứ nhất quyết bắt Cánh Hòm chỉ để phục vụ ruộng đồng. Thập niên 1980, hai đập ngăn mặn được hạ xây, chắn ngang sông ở ngay hai đầu nguồn, nơi sông đổ nước ra Bến Hải ở Xuân Hòa (Trung Hải), đổ ra Thạch Hãn ở Mai Xá (Gio Mai). Ý tưởng khi xây hai con đập kỳ vĩ này là trữ nước sông đang có và đón nước hồi quy từ ba hệ thống thủy lợi phía trên là Hà Thượng, Kinh Môn và Trúc Kinh chảy về. Nhưng, người tính đã không bằng trời tính. Dòng chảy vốn phụ thuộc vào con nước lên, xuống của Thạch Hãn và Bến Hải, giờ bị chặn hai đầu nên chết đứng và cũng chẳng thấy dòng nước hồi quy nào về... Cái chết của Cánh Hòm, Bách Lộc, Lâm Xuân bắt đầu từ đây. Hết nước mặn, những đồng cói, lác mênh mông - thứ nguyên liệu dệt chiếu - đã tàn rụi ở miền làng Cẩm Phổ. Làng dệt chiếu Lâm Xuân cũng điêu đứng và thất truyền nghề, thật đau xót. Danh tiếng “chiếu Lâm Xuân, cói Cẩm Phổ” từng xuất hiện trong những ghi chép giá trị như Ô Châu cận lục của Dương Văn An; hay Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã liệt làng nghề dệt chiếu Lâm Xuân là một trong sáu làng nghề nổi tiếng nhất ở xứ Đàng Trong. Chuyện lạ kỳ hay cơ duyên đã định sẵn ở hai làng quê như “trời sinh một cặp”, khi Lâm Xuân dệt chiếu mà cây cói thì chỉ mọc ở miệt làng Cẩm Phổ. Mùa gặt, người Lâm Xuân qua mua, Cẩm Phổ bán cói chỉ duy nhất cho làng Lâm Xuân ấy, tuyệt không một nơi khác. Hai làng mà như một. Chuyện mua bán, trao đổi với cây cói “vật chủ” ấy hình như chỉ là một cái cớ để bồi đắp thêm cho một mối quan hệ tương hỗ cộng sinh thật riêng có và đặc biệt, một nét văn hóa đã có từ bao đời, một mối tình quê chân chất và nên thơ. Bây giờ tất cả đã lùi vào dĩ vãng. Hình ảnh cô gái gánh cói đi về trên triền sông và câu hát giao duyên: Anh ơi Cẩm Phổ trồng cói em chờ / Đến mùa thu gặt, nói Lâm Xuân biết…í…mờ (mà)… em mua” chỉ còn là khúc ca đồng vọng, nghe buồn da diết.

Sông Cánh Hòm bây giờ đã đứt thành từng khúc, nhiều đoạn gần như đã biến mất bởi sự xâm lấn của cỏ dại và cát lấp. “Sông kia giờ đã nên đồng” như cụ Tú Xương than là có thật, đang hiện hữu ở nơi đây. Hình hài con sông chỉ hiện rõ ở hai quãng nước khá rộng trước mặt hai thân đập. Ở đây, thấy dòng nước vẫn chảy lững lờ, lăn tăn con sóng gợn lên trong chấp chới ánh mặt trời. Thi thoảng một chiếc thuyền nan đi qua, lặng lẽ buông lưới, gõ mạn lóc cóc, rồi khuất sau những hàng bần, trả lại một không gian tĩnh lặng đến nao lòng. Chếch phía đập ngăn mặn Xuân Hòa chừng hai cây số, chúng tôi bắt gặp một rừng cây ngập mặn với những thân đước, bần xù xì, găm những bộ rễ rậm rì gần như bịt kín dòng nước. Người dân ở đây gọi là rừng Sác. Rừng hẹp về bề ngang, gọi là rú thì phù hợp hơn, kéo dài đến vài ba cây số về phía nam, đến sát chân cầu Bến Ngự. Đầu nguồn phía nam sông cũng có một vùng sình lầy toàn cây ngập mặn như này, người ta gọi là Sác Tân Xuân. Còn ở đây là rừng sác không tên. Rừng sác nhưng không hề có cây sác nào cả, chỉ toàn họ hàng các loại cây ngập mặn, nhiều nhất vẫn là bần, y như ở cù lao Bắc Phước. Tên gọi lạ lùng khiến tôi chợt nhớ địa danh nổi tiếng thời chống Mỹ: Rừng Sác ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai (nay là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ). Lý giải cho tên gọi của khu rừng ngập mặn nhỏ nhoi này là những ý kiến, quan điểm, giải thích nghe ra cũng… mù mờ, chẳng đâu vào đâu cả. Thôi, cứ theo cách giảng nghĩa của học giả An Chi, từ “sác” nghĩa là “rừng ngập mặn ở gần biển”, vậy là đầy đủ và phổ quát nhất.

Buông cần, nhìn cái phao lặng lẽ trôi dưới tua tủa rễ bần cắm ngập dưới bùn, sum suê cành lá không một tia sáng mặt trời nào lọt nổi, chợt thấy mình tựa như đang ở đâu đó trên kênh rạch sông nước của miệt vườn phương Nam. Có một sự thay đổi khó lí giải về sự thích nghi ngoạn mục của khu rừng nhỏ này, khi những thứ cây bình thường chỉ mọc trên bùn đất sình lầy của vùng nước mặn giờ lại sống tươi tốt trên một quãng sông hoàn toàn là nước ngọt. Chịu, không một ai giải thích nổi điều gì đã xảy ra với chúng khi sự biến đổi về địa chất thủy văn là khá rõ ràng. Vì cái sự ngược đời này nên dân quanh vùng tỏ rõ thái độ kiêng dè đối với quần thể sác này, xem nó tựa như khu rừng… ma. May thay, đó lại chính là thứ vắc-xin hữu hiệu để rừng sác này miễn nhiễm với sự chặt phá, hủy hoại. Vì vậy, dù tồn tại bao đời nay nhưng rừng sác vẫn vẹn nguyên hình hài và nhuộm vẻ thâm u. Chẳng ai biết có những thứ gì bên trong đó. Qua khỏi rừng sác, cứ men theo triền sông là đến thôn Hải Chữ - trái tim của xã Trung Hải rộng lớn. Hải Chữ vốn là một ngôi làng cổ, nghĩa là “cồn biển”, nhưng tên nguyên thủy của ngôi làng này là Thủy Chữ, nghĩa là “cồn sông”. Điểm nhấn của ngôi làng cổ này chính là cây cầu Bến Ngự bắc qua dòng Cánh Hòm. Hai chữ “Bến Ngự” đã nói lên tất cả - một địa danh chắc chắn đã từng gắn liền với sự hiện diện của vua chúa. Tương truyền, có lần chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần giong thuyền ra đây săn bắn, gặp phải lúc trời nổi sóng to gió cả, chúa dừng thuyền, hỏi dân quanh vùng ở đây có chốn nào linh thiêng để vào khấn vái. Dân chỉ ngôi miếu Động Trúc. Chúa mang lễ đến cầu khấn thì sóng yên gió lặng. Sau này, trên thủy trình ra tuần du thị sát và nghỉ dưỡng ở Cửa Tùng, vua Minh Mạng đều dừng thuyền vào miếu làm lễ. Miếu ấy, nghe bảo thiêng lắm, cầu được ước thấy, có từ thời người Chăm sinh sống… Bên dòng Cánh Hòm, những giai thoại cứ tiếp nối giai thoại, nghe mờ ảo, xa xăm. Chút tiếc nuối, hoài vọng cứ hiện lên trong giọng trầm của lời người kể. Thánh địa Hà Trung, những đền tháp Chăm từng hiện diện ở đâu quanh đây? Miếu Động Trúc và hệ thống giếng cổ giờ còn không, đang ở nơi nào? Chẳng còn vết tích, dư ảnh gì nữa. Thật là dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Chỉ còn cái tên Bến Ngự đặt cho cây cầu mới bắc qua sông.

Làng Mai Xá, địa danh đầu nguồn phía nam của dòng nước, nơi Cánh Hòm hợp với Thạch Hãn, đúng hơn là một chi lưu của sông Thạch Hãn, người ta hay gọi là sông Mai Xá. Điểm gặp của hai con sông ấy tạo nên một tam giác nước đủ rộng, sâu và kín gió. Thời hoàng kim trước đây, ngã ba sông này thường được gọi là Mai Xá - Phường Hàng, vốn là một cảng thị rất thuận lợi để thuyền buôn các nơi về tập kết hàng hóa và neo đậu an toàn, nhất là các loại thuyền buồm, thuyền chèo tay. Cảnh tượng quán xá rất đông đúc, chợ đông vào buổi sáng, thổ sản ở đây là quả trám, tục gọi là trái cà na… là bức tranh sinh động của một thương điếm nổi tiếng xa xưa. Mai Xá là một làng quê vừa điển hình nhưng cũng thật đặc biệt. Danh tiếng “gan Mai Xá - đá Hảo Sơn” đã vang xa, gắn liền với huyền thoại “Bà mẹ Gio Linh” đau thương da diết nhưng sừng sững bất diệt trong từng giai điệu, câu từ trong bản nhạc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Duy: …mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào, quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ chặt đầu…, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu… Ai đã từng nghe cố danh ca Thái Thanh hát ca khúc này, chắc sẽ ám ảnh mãi không nguôi. Tôi gặp Mai Xá hôm nay với một thoáng hoài vọng xa xưa nhưng dạt dào xúc cảm về một chốn an nhiên quê kiểng, một bức tranh thôn dã thật hữu tình của ngày mới hôm nay. Vẫn cồn bãi, đồng ruộng mênh mông, vẫn những nếp nhà lặng lẽ giữa xanh tươi cây trái như bao làng quê khác; mà hay chưa, tôi vẫn thấy làng Mai Xá ấy cứ như đang toát lên một vẻ lạ lẫm, khác biệt gì đấy rất riêng. Cơ duyên cũng bởi vì mải miết theo dòng nước, chúng tôi đã lạc đến đây từ lúc nào. Bát canh hến ngọt mát được bàn tay của một người phụ nữ lớn tuổi, một người mẹ Mai Xá - Gio Linh tự ngào đãi, tự nấu và múc cho, thật dịu hẳn đi cái nắng nóng như đổ lửa buổi ban trưa. Hồn vía và bản sắc của ngôi làng tựa như vẫn còn phảng phất, vương vấn đâu đây.

 Chúng tôi là khách lạ, đi ngao du khám phá, mấy lần lui tới với dòng sông nhỏ dài chỉ vẻn vẹn chục cây số mà mang trong mình một kho chuyện dài bất tận, nên mãi vẫn cứ lạ lẫm, ngơ ngác. Thật tiếc bởi hiện tại chẳng còn gì ngoài một dòng nước đứng lặng buồn thiu với cỏ dại, bèo, bần đang lấn át những quãng sông đứt đoạn. Những gì vàng son nhất chỉ thuộc về quá khứ, về một miền ký ức được chắp nối trong nhớ nhớ quên quên của các cụ, các mệ chốn này. Như cái hôm ở Lâm Xuân, anh bạn dẫn tôi đi suốt cái miệt làng ấy, cố diễn giải để tôi hiểu và hình dung về những cực nhọc, nhẫn nại, tỉ mỉ của nghề dệt chiếu nổi tiếng đã thất truyền và cuối cùng dừng lại trong ngôi nhà của một trong những nghệ nhân dệt chiếu hiếm hoi còn lại của làng. Bà mẹ già tuổi đã ngoài 80, tên là Nậy, cũng chẳng muốn nói gì nhiều với cái nghề đã gắn bó gần hết cuộc đời. Chỉ cái khung dệt chiếu làm bằng tre để ở góc nhà - vật chứng cuối cùng còn sót lại của làng nghề đã từng nức tiếng gần xa - bà bảo: “Mệ gắn bó với hắn từ thời mươi tám, đôi mươi. Chừ già yếu, hắn cũng nghỉ ngơi với mệ rồi…”. Nghe giản đơn mà thấy thật xót xa, day dứt trong từng lời. Đến đây, bất chợt nhớ lại cái phát kiến về thủy trình du hí trên sông nước Trị - Thiên của lão nhà văn đáng kính. Thưa nhà văn! Tất cả các con sông trên thủy trình mê hoặc ấy đều chảy, đều bao dung đón nhận, chỉ riêng Cánh Hòm nhỏ nhoi thì đã mất rồi. Những khúc, những đoạn đứt lìa từng quãng ấy sẽ khiến con thuyền rong chơi sẽ chỉ dừng ở dòng Bến Hải mà thôi. Nên, thủy trình trong mơ ấy sẽ chỉ là những chắp nối của trí tưởng tượng, trong hoài niệm, tiếc nuối. Thật buồn bã...

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lễ hội ARiêu Ping của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Lễ hội A riêu Ping của đồng bào Pa Cô ở miền tây Quảng Trị là một lễ hội tưng bừng, hoành tráng, trang trọng, chu đáo hơn so với các lễ hội khác, nhất  là lễ hội này được tổ chức chính thống 10 năm một lần của họ trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ.             

Nơi hội tụ và lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa

Thu Hạ |

Gio Linh, mảnh đất với nhiều di tích, địa danh huyền thoại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí đấu tranh bất diệt của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ những giá trị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh đang nỗ lực tận dụng lợi thế để từng bước khai thác, phát triển bền vững những tiềm năng du lịch gắn với với bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, chiến tranh cách mạng.

Mật đạo: Một góc nhìn khác lạ

Phạm Xuân Dũng |

Cuốn tiểu thuyết 17 chương với hơn 400 trang sách, thời gian phi tuyến tính, không tuân theo trật tự lần lượt từ trước đến sau.  Viết theo lối xen kẽ và đồng hiện vận dụng thủ pháp điện ảnh kể về những biến cố diễn ra ở vùng quê Quảng Trị sau khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở, chủ yếu trong ba mươi năm từ 1943 đến 1973. Thời gian trong mỗi chương không quá một ngày. Chương dài nhất khoảng 25 trang, chương ngắn nhất chỉ có một trang.  Tâm điểm câu chuyện là địa danh Ba Đồi thuộc vùng quê Cam Lộ. Nhân vật cũng ít, hết thảy là nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính là ông Lam.