Làm nghề nuôi ong lấy mật, những người đàn ông này phải rong ruổi qua bao dặm đường để đưa đàn ong tìm những mùa hoa. Cuộc sống nay đây mai đó cùng những đàn ong chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn nhưng đổi lại là dòng mật ngọt từ hương của ngàn hoa giúp người nuôi ong đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Mượn đất đặt ong
Trong một lần tác nghiệp tại khu vực bãi biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, đi theo con đường ngoằn ngoèo dọc bờ biển, tôi chợt nghe những âm thanh là lạ. Tò mò vào tìm hiểu thì trước mắt hiện ra những hàng dài hộp gỗ vuông vức. Hóa ra đây là địa điểm nuôi ong lấy mật của những người dân từ địa phương khác tới. Trong các hộp gỗ đó là những bầy ong đang cần mẫn làm mật sau một ngày lao động mệt nhọc.
Cứ vào khoảng tháng 3, 4 âm lịch trở đi, dưới những tán rừng keo tràm, cao su... ở Quảng Trị, những người nuôi ong từ các địa phương khắp cả nước rộn ràng đến mượn đất để đặt ong, tìm hoa lấy mật. Anh Bùi Tấn Anh, chủ trại ong đến từ TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Tôi bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật cách đây hơn 10 năm nên quá quen với việc phải di chuyển hàng trăm đàn ong của mình bên trong những chiếc hộp gỗ để đưa đến các tỉnh, thành khác nhau theo những mùa hoa. Bởi lẽ, thời gian khoảng tháng 3 âm lịch trở đi, khi hoa cà phê ở vùng Tây Nguyên dần hết, chúng tôi phải “khăn gói” đưa ong đi tìm hoa ở các địa phương khác nhau để đảm bảo thức ăn cho ong và lấy được nguồn mật ong chất lượng. Nếu đến mùa hoa nhãn, hoa vải thì đưa ong ra các tỉnh, thành phía Bắc, còn mùa hoa keo tràm, cao su thì đến các tỉnh miền Trung và khi mùa hoa cà phê nở rộ, chúng tôi quay trở lại các tỉnh ở Tây Nguyên.
Qua dò hỏi bạn bè và những người chăn ong trong tỉnh, anh Anh biết đến xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh và đây là lần thứ 2, anh và người bạn đồng hành là Nguyễn Quốc Vượng mang 500 đàn ong Ý đến đây lấy mật. Ở Vĩnh Thái, những cánh rừng keo tràm đang đến mùa nở hoa. Khu vực này lại gần khu dân cư nên việc ăn ở, sinh hoạt của các anh thuận lợi hơn những nơi khác.
Theo anh Vượng, nuôi ong không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và quan trọng là ong ở đâu thì người nuôi phải ở đó. Chính vì vậy, mỗi đợt các anh “du mục” đến các tỉnh, thành khác nhau là mỗi lần phải làm quen với cuộc sống tạm bợ dưới những túp lều, xa gia đình và thiếu thốn đủ bề. Người làm nghề nuôi ong phải luôn nhạy bén và nắm rõ quy luật của những mùa hoa để có kế hoạch đưa ong đi đúng thời điểm. Thường thì mỗi năm, các anh phải di chuyển đàn ong khoảng 5-7 lần. Trước mỗi lần đến vùng đất mới, việc khảo sát, tiền trạm địa bàn luôn là điều không thể bỏ qua.
“Chúng tôi phải tìm hiểu kỹ khu vực sẽ đến có đủ diện tích tương ứng với số lượng ong mang theo hay không; nguồn hoa có đáp ứng đủ lượng mật và quan trọng là liên lạc được với chủ khu vực muốn đặt ong để mượn đất. Hành trang “du mục” cùng đàn ong mà chúng tôi có thể mang theo ngoài đồ nghề là vài bộ quần áo, chăn màn, lều bạt, xe máy... Quan trọng là phải chịu khó vất vả ở nơi đất khách quê người để có thể thu được những giọt mật ngọt”, anh Vượng cho biết.
Lắng nghe chia sẻ của anh Vượng, rồi quan sát cái lều của 2 người, tôi hiểu phần nào những nhọc nhằn mà họ phải trải qua khi theo nghề này. Nhưng những người nuôi ong “du mục” đều chấp nhận sự vất vả này bởi chỉ có việc mang ong đi lấy mật ở phương xa trong quãng thời gian quê nhà hết mùa hoa thì mới có thêm chi phí để “dưỡng ong”.
Đổi nhọc nhằn lấy mật ngọt
Tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ hiện có khoảng 10 trại ong “du mục”. Riêng thời điểm khoảng tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, cao điểm có từ 20 - 25 trại ong “di động” ở các vườn cao su, rừng keo tràm của người dân. Qua người quen, tôi đến thôn Mai Đàn để gặp anh Dương Văn Sáng, quê ở xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Anh Sáng được người dân địa phương quen mặt vì là người chăn ong “du mục” có thời gian đến vùng đất xứ Cùa nhiều lần nhất. Trong vòng 5 năm nay, năm nào anh cũng có một đợt mang ong vào đây để tìm hoa lấy mật.
Anh Sáng đang tất bật dọn dẹp đồ đạc trong trại ong nằm dưới tán cao su, chuẩn bị cho đợt “du mục” tiếp theo đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai sau hơn 3 tháng cắm chốt ở nơi này. Anh chia sẻ về nghề của mình: “Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe và sự chịu khó. Vì cuộc sống của chúng tôi chủ yếu ở dưới những cánh rừng, trong những tấm bạt che nắng, che mưa tạm bợ. Và đương nhiên là những khu vực đưa ong đến hầu hết xa khu dân cư, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Hơn 11 năm theo nghề, nhiều lần tôi phải đón tết Nguyên đán trong chính căn lều nhỏ giữa những rừng cao su ở các tỉnh phía Nam. Còn thời gian lưu lại ở vùng Cùa này, nhiều đêm mưa to gió lớn, tôi không thể ngủ được, phần vì lo cho gia tài hơn 700 đàn ong của mình, phần vì lều bạt thấm mưa và đôi khi có cảm giác tủi thân. Nhưng tất cả rồi cũng qua hết và đổi lại, khoảng thời gian chăn ong tại Quảng Trị đã giúp tôi thu gần 40 tấn mật để gửi về cho vợ con nhập hàng ở các công ty. Thời điểm này, Quảng Trị bắt đầu vào mùa mưa nên tôi chuẩn bị di chuyển vào tỉnh Đồng Nai để “dưỡng ong”, sau đó về tỉnh Bình Phước để tiếp tục vụ lấy mật từ lá cao su”.
Cách đó không xa, anh Nguyễn Bá Hưng và anh Lưu Chuyên Viên đến từ huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cũng đang cần mẫn chăm sóc hơn 400 thùng ong của mình. Anh Hưng cho biết, đây là lần thứ 3 hai anh em họ đến mượn đất đặt ong lấy mật ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính. Ngoài điểm này, 2 anh còn mượn thêm một điểm đặt khác ở thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa đặt hơn 700 thùng ong để lấy mật từ rừng keo tràm của bà con.
“Làm nghề nuôi ong “du mục” như chúng tôi thì chuyện ra Bắc vào Nam quanh năm được coi là chuyện thường. Vì chỉ có như vậy thì đàn ong mới có đủ nguồn thức ăn, còn nếu chỉ cố định một nơi thì đến khi hết mùa hoa, ong sẽ đói, chết nhiều hoặc “dưỡng ong” theo cách cho ăn bột, đường rất tốn kém, lại làm giảm chất lượng đàn ong”, anh Hưng nói thêm.
Còn theo anh Viên, có những nơi, người dân không hiểu cứ sợ ong đến hút hết phấn hoa sẽ làm cây không ra quả, ra hạt nên xua đuổi, không cho mượn đất. Có lần, 2 anh em anh Viên bị thanh niên địa phương uống rượu say đến quấy phá, rồi đòi nộp “phí”... Nhưng may mắn, khi đến với Quảng Trị thì những chuyện như vậy không xảy ra, mà ngược lại người dân ở đây rất tốt bụng, cho các anh mượn toàn bộ đất vườn cao su để đặt ong mà không lấy tiền thuê.
Vừa kể chuyện, anh Viên và anh Hưng vừa cho thức ăn vào những thùng ong khi mặt trời dần buông. Đây là thời gian cuối vụ lấy mật lá từ cao su nên thời tiết có nhiều mưa, vì thế hai anh phải bổ sung thêm thức ăn ngoài cho ong. Sau khoảng 1 tháng nữa, hơn 1.100 thùng ong của các anh lại tiếp tục đi theo những mùa hoa khắp các vùng miền để tìm mật.
Trên hành trình đó, dù phải lang thang qua những miền quê khác nhau, phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ trong lều trại, dưới những cánh rừng thì những người nuôi ong “du mục” vẫn chấp nhận để chắt chiu sự ngọt ngào từ những mùa hoa, từ dòng mật ngọt. Hơn thế, mật ngọt từ những mùa hoa này còn là nguồn sống của cả gia đình họ. Chia tay các anh - những người “rong ruổi” cùng đàn ong tìm mật - tôi thầm chúc cho họ bình an và may mắn trên những chặng đường tiếp theo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)