Phát triển làng nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho lao động ở Triệu Phong

Tú Linh |

Địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có 4 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận và hiện đang hoạt động. Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề của địa phương.


Anh Đoàn Lương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long, có thương hiệu sản phẩm được đăng ký là “Nước mắm Gia Đẳng”. Đây là cơ sở sản xuất lớn nhất ở làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng, thuộc Thôn 1,2 và 3 của xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Mỗi năm, cơ sở này sản xuất được khoảng gần 7 nghìn lít nước mắm các loại.

Nước mắm của anh Lương sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn trong nước. Hiện cơ sở này giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động chính và 3 lao động thời vụ, trung bình mỗi tháng thu nhập mỗi lao động từ 4 - 5 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất nước mắm của anh Đoàn Lương ở xã Triệu Lăng góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương -Ảnh: TÚ LINH
Cơ sở sản xuất nước mắm của anh Đoàn Lương ở xã Triệu Lăng góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương -Ảnh: TÚ LINH

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Nguyễn Duy Huỳnh cho biết, làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng từ xưa đến nay. Làng nghề có gần 50 hộ sản xuất, trong đó có 3 hộ sản xuất lớn. Bình thường, các hộ sản xuất thu mua nguyên liệu cá được người dân trong xã đánh bắt về làm nước mắm, khi hết nguyên liệu thì mua thêm của các tỉnh khác để kịp sản xuất, cung ứng ra thị trường.

Tính riêng lao động trực tiếp sản xuất nước mắm, làng nghề truyền thống Gia Đẳng giải quyết việc làm cho gần 200 người, chưa kể lao động gián tiếp là những người đánh cá trên biển cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Nhờ có thu nhập khá ổn định nên mỗi gia đình ở làng nghề có vợ chồng tham gia làm nước mắm thì tiền công lao động hằng tháng cũng đủ trang trải cuộc sống.

Tại xã Triệu Sơn có 2 làng nghề truyền thống sản xuất bún nổi tiếng là làng nghề bún Thượng Trạch ở thôn Thượng Phú Phường và làng nghề bún Linh Chiểu ở thôn Linh Chiểu. Tại làng nghề bún Thượng Trạch có 24 hộ tham gia, ước sản xuất hơn 1.300 tấn bún mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động. Lớn hơn phải kể đến làng nghề bún Linh Chiểu có 57 hộ tham gia sản xuất, đưa ra thị trường hơn 4.000 tấn bún mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 lao động.

Anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất bún sạch Vạn Linh tại làng nghề bún Linh Chiểu cho biết, sản phẩm của anh được đăng ký thương hiệu mang tên “Bún sạch Vạn Linh”, là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất và bán ra thị trường gần 1 tấn bún tươi, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Hằng tháng, cơ sở tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người.

Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Nguyễn Hữu Vãn cho biết, được sự giúp đỡ của huyện, xã đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề Thượng Trạch và Linh Chiểu. Vì vậy, hoạt động sản xuất bún ở đây luôn hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các gia đình yên tâm sản xuất.

Nhờ được quan tâm đến các yếu tố môi trường nên sản phẩm bún của làng nghề luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Ngoài các làng nghề truyền thống trên, huyện Triệu Phong còn có làng nghề nón lá Bố Liêu với 80 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho 160 lao động. Trung bình mỗi năm, làng nghề nón lá Bố Liêu làm ra hơn 50 nghìn sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết, trước khi được công nhận làng nghề truyền thống, các hộ sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản của các làng nghề gặp nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau khi được tuyên truyền, tư vấn khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ sản xuất đã thấy được hiệu quả của việc liên doanh, liên kết phát triển thành làng nghề, từ đó mạnh dạn đầu tư mở thêm xưởng, quy mô sản xuất, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Cùng với đó, huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống như cho các hộ sản xuất vay vốn đầu tư, đào tạo nghề, mua sắm thiết bị máy móc, xây dựng hạ tầng cho làng nghề. Nhờ vậy, làng nghề đã thu hút, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề truyền thống đang gặp phải một số khó khăn do thị trường tiêu thụ. Trước tình hình này, huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tương xứng với tiềm năng; du nhập nghề mới, tạo thêm sản phẩm mới phục vụ người tiêu dùng. Chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất hiện có.

Đặc biệt, thời gian tới huyện quyết tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cho làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng ở xã Triệu Lăng để đưa các hộ vào sản xuất tập trung. Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các làng nghề. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tìm đầu ra cho các sản phẩm để khôi phục, bảo tồn phát triển các làng nghề truyền thống như làng nghề: đan lát Phương Ngạn; làng nghề mộc dân dụng An Trú ( xã Triệu Tài); làng nghề nem chả (xã Triệu Thành); làng nghề mắm ruốc Hà Tây (Triệu An)...Việc quan tâm tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống phát triển góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của làng nghề, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng Triệu Phong trở thành huyện nông thôn mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thêm nhiều lựa chọn định hướng nghề nghiệp qua hoạt động trải nghiệm

Tú Linh |

Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Linh

Tú Linh |

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thời gian qua luôn được huyện quan tâm. Nhờ vậy, nhiều lao động người DTTS được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, từ đó thêm nhiều người có việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

Làng nghề trồng hoa kiểng xuống giống phục vụ thị trường Tết

Thanh Hòa |

Theo UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, vụ hoa Tết năm nay, 2 làng nghề trồng hoa kiểng của tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 410.000 chậu hoa các loại cung cấp cho thị trường; trong đó, làng nghề ấp Long Bình (phường 4, thành phố Trà Vinh) sản xuất khoảng 110.000 chậu; làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) 300.000 chậu.

Giúp học sinh dân tộc thiểu số sớm định hướng nghề nghiệp

Tú Linh |

Để học sinh có định hướng phù hợp về nghề nghiệp, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), dân tộc bán trú (DTBT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm. Qua công tác hướng nghiệp đã trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn khi chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.