Thêm nhiều lựa chọn định hướng nghề nghiệp qua hoạt động trải nghiệm

Tú Linh |

Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Cụ thể hóa nội dung này, mới đây Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức cho học sinh và người lao động là người DTTS đang học văn hóa và học nghề tại 2 trung tâm trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giúp các học sinh, học viên có thêm lựa chọn định hướng nghề nghiệp.

Háo hức với chuyến tham quan, trải nghiệm làng nghề, em Hồ Thị Thiên, lớp 11A và các bạn cùng lớp thuộc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông có mặt rất sớm tại điểm tập trung để cùng với đoàn xuất phát. Sau gần 2 giờ, đoàn đã đến làng nghề làm hoa giấy tại làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ đi trải nghiệm nên Hồ Thị Thiên và các thành viên của đoàn được biết hằng năm, vào dịp Tết đến xuân về, hoa giấy mới sẽ được thay thế hoa giấy cũ trên các trang thờ. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay.

Học sinh và người lao động trải nghiệm làm hoa giấy tại làng nghề Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế -Ảnh: TÚ LINH
Học sinh và người lao động trải nghiệm làm hoa giấy tại làng nghề Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế -Ảnh: TÚ LINH

Hoa giấy đẹp, bền và giá rẻ nên nhu cầu sử dụng hoa giấy ngày càng nhiều. Nguyên liệu làm hoa được lấy từ tự nhiên như thanh tre cùng với giấy màu, giấy lụa... Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo phong phú, từ tre, giấy các nghệ nhân đã làm được các loại hoa đẹp như loa kèn, cúc, sen...với các dáng vẻ sống động, tươi tắn và rực rỡ.

Sau khi được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm hoa giấy, các thành viên trong đoàn đã tự tay làm những bông hoa với nhiều màu sắc. Em Hồ Thị Thiên chia sẻ chuyến trải nghiệm đã cho em và các bạn nhiều cảm hứng và kiến thức về nghề nghiệp, nhất là những nghề truyền thống phù hợp với khả năng của mình.

Chị Hồ Thị Hằng, học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đakrông cho biết, qua chuyến trải nghiệm tìm hiểu làng nghề, chị nhận thấy làng nghề không chỉ là địa chỉ gìn giữ văn hóa truyền thống, sản xuất ra hàng hóa cho xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà còn là điểm du lịch, trải nghiệm thú vị. Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, thời điểm đoàn có mặt có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trò chuyện với nghệ nhân, ai cũng thích thú tự tay làm những sản phẩm để mang về lưu niệm.

Chị Hằng bày tỏ, huyện Đakrông, nơi địa phương chị sinh sống, nếu làng nghề dệt thổ cẩm được đầu tư, phát triển tốt cũng sẽ tạo được nhiều việc làm cho học sinh, thanh niên người DTTS và thu hút khách du lịch, từ đó người dân địa phương sẽ có thu nhập tốt hơn.

Tiếp đó, đoàn đến thăm làng nghề làm hương tại Thủy Xuân, TP. Huế. Thành viên trong đoàn được khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công. Để làm ra một cây hương thì khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu bột hương. Sau đó là công đoạn làm lõi hương từ thân tre chẻ nhỏ, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì đem đi phơi nắng. Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại hương thơm không sử dụng hóa chất. Hồ Thị Lê, học sinh Trung tâm GDNNGDTX huyện Hướng Hóa cho biết em rất thích thú khi tham gia làm hoàn thành được cây hương.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa Phạm Công Vũ, chuyến trải nghiệm trên là một trong nhiều chuyến trung tâm tổ chức định hướng nghề nghiệp qua trải nghiệm làng nghề. Đây là cách hướng nghiệp sát với thực tiễn về một số lĩnh vực nghề đối với học sinh, nhất là học sinh DTTS. Qua trải nghiệm làng nghề, học sinh và người lao động được mở rộng thêm nhận thức về nghề nghiệp kết hợp với giáo dục tinh thần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Từ đó, người học có cơ sở để tìm kiếm được những thông tin nghề, từng bước định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

Mới đây tại tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số” do Bộ LĐ, TB&XH tổ chức đã khẳng định, công tác định hướng nghề bằng nhiều hình thức phong phú tiến đến giải quyết việc làm phù hợp cho học sinh, thanh niên DTTS luôn được quan tâm. Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2025 có khoảng 80% người DTTS trong độ tuổi lao động được hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS và miền núi cần có sự hỗ trợ đồng bộ hơn nữa của các tổ chức, đơn vị liên quan nhằm xây dựng những mô hình cụ thể. Điều này sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chọn nghề của các đối tượng. Nhiều chính sách về giáo dục hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp liên quan đến thanh niên DTTS đang được ngành triển khai góp phần nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận cơ hội phát triển sinh kế cho thanh niên vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, quá trình định hướng nghề nghiệp cho thanh niên DTTS trong thực tế còn nhiều hạn chế, vì vai trò, vị trí của nguồn nhân lực thanh niên DTTS nhiều lúc chưa được nhận thức đúng mức; chính sách đào tạo chưa đồng bộ, tổ chức thực thi chưa hiệu quả và kinh phí chưa đầy đủ. Vì vậy, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS cần được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô.

Chú ý xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên DTTS với hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện; trong đó cần rà soát, bổ sung chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tăng cường hoạt động trải nghiệm để học sinh có thêm nhiều lựa chọn, nắm bắt thực tế hơn với định hướng nghề nghiệp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giúp học sinh dân tộc thiểu số sớm định hướng nghề nghiệp

Tú Linh |

Để học sinh có định hướng phù hợp về nghề nghiệp, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), dân tộc bán trú (DTBT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm. Qua công tác hướng nghiệp đã trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn khi chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.

Chính sách mới tháng 4: Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Hồng Quang |

Một năm kiểm định đầu vào công chức 2 lần, cho phép bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử, bổ sung Covid-19 là bệnh nghề nghiệp... là những chính sách mới sắp có hiệu lực.

Hội Báo toàn quốc năm 2023 - sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, nghề nghiệp tiêu biểu của những người làm báo

Diệu Thuần-Vũ Hảo |

Ngày 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” chính thức khai mạc.

Phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên y tế

Lê An |

Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh phẩm nguy hiểm, độc hại, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm từ các bệnh truyền nhiễm, tiếp xúc, làm việc trong môi trường bức xạ, hóa chất… Do vậy, chú trọng bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trước những bệnh tật, rủi ro nghề nghiệp là việc làm cấp thiết.