Phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên y tế

Lê An |

Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh phẩm nguy hiểm, độc hại, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm từ các bệnh truyền nhiễm, tiếp xúc, làm việc trong môi trường bức xạ, hóa chất… Do vậy, chú trọng bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trước những bệnh tật, rủi ro nghề nghiệp là việc làm cấp thiết.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị tiếp đón, thăm khám cho 10 - 15 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 70 - 85 bệnh nhân. Thường xuyên tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, do vậy, cùng với làm tốt công tác khám chữa bệnh (KCB) thì ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng tránh rủi ro nghề nghiệp cũng được toàn thể bệnh viện đặc biệt quan tâm.

 
Thăm khám bệnh nhân tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: L.A

Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa (BSCK) I Đỗ Xuân Tiến cho biết, đặc thù chung của bệnh viện là điều trị các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó, đặc biệt Khoa Hồi sức cấp cứu chủ yếu là các ca bệnh nặng, suy hô hấp, tỉ lệ bệnh nhân chủ động đeo khẩu trang rất thấp nên nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh cho y, bác sĩ, nhân viên y tế là cực kỳ cao.

Do đó, cùng với việc tuân thủ nghiêm quy trình về ATVSLĐ như: hạn chế đứng đối diện với bệnh nhân khi thăm khám, thực hiện các thủ thuật, các y, bác sĩ còn trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: khẩu trang, găng tay… để phòng tránh lây nhiễm.

Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh, BSCK I Nguyễn Văn Thi thông tin, hiện tại bệnh viện đang thực hiện 2 chức năng là điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và KCB các bệnh về đường hô hấp như: lao các thể, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… Nên y, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: COVID-19, lao phổi, lao kháng thuốc. Nguy cơ lây nhiễm, rủi ro nghề nghiệp rất cao.

Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ, bệnh viện đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, thực hiện đúng quy trình ATVSLĐ trong toàn bệnh viện.

Phân khu điều trị riêng gồm: khu điều trị COVID-19, khu điều trị lao âm, khu điều trị lao dương, lao kháng thuốc, lao HIV và khu điều trị các bệnh hô hấp mãn tính để tránh lây nhiễm cho y, bác sĩ, nhân viên y tế cũng như lây nhiễm chéo cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ, thực hiện đúng các quy trình phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện.

Phân loại nguy cơ để từ đó cấp phát phòng hộ cá nhân theo cấp độ phù hợp. Đơn cử như với các y, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19, lao dương, lao kháng thuốc bắt buộc phải sử dụng khẩu trang N95 khi tiếp xúc, thăm khám, chụp X quang, lấy mẫu xét nghiệm.

“Mặc dù thực hiện nghiêm các quy trình phòng, chống lây nhiễm nhưng trong thời điểm nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, toàn bệnh viện cũng đã có 30% y, bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19. Qua tầm soát lao tiềm ẩn cũng đã có khoảng 25% y, bác sĩ, nhân viên y tế bị nhiễm”, bác sĩ Thi chia sẻ thêm.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận và điều trị các bệnh lây nhiễm, bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm mới nổi. Thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao nên các y, bác sĩ trong khoa rất cẩn thận trong việc thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị....

Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BSCK II Ngô Chiến cho hay, môi trường làm việc của khoa rất dễ bị lây nhiễm. Do vậy, các y, bác sĩ trong khoa luôn cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm, trang bị phòng hộ đúng theo từng loại bệnh. “Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn thì mỗi y, bác sĩ, nhân viên y tế cần nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Chiến cho biết.

Theo Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Thị Thanh Lý, trong thực tế, nhân viên y tế của bệnh viện có nguy cơ phơi nhiễm với rất nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe như: các yếu tố vi sinh vật; các tia bức xạ, phóng xạ; các yếu tố hóa học… Thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.

Do vậy, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATVSLĐ luôn được bệnh viện hết sức chú trọng. Cùng với các chế độ chính sách, bệnh viện đã thực hiện tốt công tác trang bị phòng hộ, tuân thủ các quy định về sử dụng trang thiết bị gây nguy hại về sức khỏe như: các máy chụp X quang, máy CT scanner, máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp mạch can thiệp...; các trang thiết bị có nguy cơ gây ra cháy nổ như: bình ô xy, nồi hấp, nồi áp suất…

Thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhắc nhở nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình vận hành trang thiết bị trong quá trình chẩn đoán, can thiệp, điều trị cho bệnh nhân. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về ATVSLĐ, về kiểm soát nhiễm khuẩn, phổ biến chính sách, Luật ATVSLĐ … Qua đó, cải thiện, tạo môi trường làm việc an toàn và tránh những rủi ro, nguy cơ nhiễm bệnh.

Hơn ai hết, cán bộ, nhân viên ngành y tế là người hiểu rõ nhất những nguy cơ về mất ATVSLĐ, rủi ro nghề nghiệp mà họ có khả năng gặp phải hằng ngày.

Do vậy, để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên y tế trong việc nâng cao ý thức phòng, chống rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục đầu tư đồng bộ và thường xuyên các trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện làm việc nhằm đảm bảo quyền lợi và phòng tránh các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

PV |

Năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế sẽ tập trung phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó có việc đề xuất sửa Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) và các văn bản khác liên quan.

Công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Đức Luận làm Thứ trưởng Bộ Y tế

PV |

Ngày 7/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Luận giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Hơn 9.000 khách Trung Quốc nhập cảnh cửa khẩu Mohan – Bò Tèn trong 3 ngày tết Nguyên Đán

Tổng hợp |

Theo China News, thông tin từ trạm hải quan cửa khẩu Mohan, Trung Quốc cho biết, trong ba ngày 21-23/1 (tức 30 và 1,2 tết Nguyên Đán), đã có tổng cộng hơn 9.100 lượt công dân Trung Quốc xuất cảnh Trung Quốc để nhập cảnh vào Lào, đồng thời có hơn 2.500 lượt  phương tiện xuất nhập cảnh, việc này đã tạo nên đợt cao điểm xuất nhập cảnh tại cặp cửa khẩu giữa Lào – Trung Quốc.

Những thực phẩm dễ bị nấm mốc trong ngày Tết

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến |

Các loại thực phẩm ngày Tết do quá trình chế biến, bảo quản trong thời gian dài, bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất dễ bị nhiễm nấm mốc. Nếu người tiêu dùng không cảnh giác ăn phải các loại thực phẩm này dễ bị ngộ độc.