Năm 2023, ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế sẽ tập trung phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó có việc đề xuất sửa Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) và các văn bản khác liên quan.
Thông tin trên được Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết tại Hội nghị giao ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quý I/2023 giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chiều tối 17/2.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hai cơ quan này sẽ chung tay giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; xem xét, hướng dẫn một số vấn đề còn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người mắc bệnh lao, trong công tác đấu thầu qua mạng và về trang thiết bị khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế... Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, thực hiện đầy đủ Quy chế phối hợp đã ký giữa hai ngành.
“Dự kiến trong quý I-II/2023, hai ngành sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Xác định nhiệm vụ năm 2023 còn rất nhiều vấn đề cần phối hợp giải quyết, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, nhiệm vụ nặng nề nhất trong thời điểm này là đánh giá được tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế để có những sửa đổi phù hợp, phấn đấu đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật để Luật Khám, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế song hành nhịp nhàng trong triển khai.
Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế rất cần có sự đồng thuận giữa hai ngành về cả lĩnh vực xây dựng và thực hiện chính sách. “Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ bảo hiểm y tế. Bởi cân đối quỹ bảo hiểm y tế không chỉ là trách nhiệm của riêng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mà cũng là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành thời gian qua đã mang lại bước tiến tích cực trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, như: xây dựng luật pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tham gia phối hợp cùng các bộ, ngành khác để đạt được tiếng nói chung vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Còn theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, hai ngành đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đã thu được nhiều thành tựu. Tính đến hết năm 2022, độ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP) và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.
Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý, sử dụng hiệu quả, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo Luật định. Chất lượng dịch vụ về bảo hiểm y tế không ngừng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia.
Công tác phối hợp trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành.
Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất, hai ngành đã rất tích cực, chủ động trong việc đề xuất với Chính phủ ban hành và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định.
Đáng chú ý như: Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; xây dựng và ban hành các hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, giảm thiểu tối đa các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương.
Với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định, hai ngành đã khẩn trương triển khai các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 144/NQ-CP.
Ngay đầu năm 2023, hai ngành đã phối hợp đóng góp ý kiến đề xuất vào Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc “tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024”. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ bản được giải quyết.
Ngoài ra, một trong những hoạt động phối hợp nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho người tham gia, được xã hội và người dân ghi nhận.
Hiện nay, cả nước có trên 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện kết nối trực tuyến với Hệ thống Thông tin Giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 95,4% cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng để người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đã có trên 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip thành công phục vụ khám, chữa bệnh.
(Nguồn: Ngày Nay)