Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thời gian qua luôn được huyện quan tâm. Nhờ vậy, nhiều lao động người DTTS được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, từ đó thêm nhiều người có việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua đã có hàng trăm lao động là người DTTS của các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà được tham gia học các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, qua đó giúp họ tự tin hơn trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất, phát triển ngành nghề.
Trước khi học nghề, anh Hồ Văn Hùng (sinh năm 1991) ở thôn Lền, xã Vĩnh Ô phụ thợ nề tại địa phương với thu nhập thấp, công việc không ổn định.
Với mong muốn có kiến thức bài bản về xây dựng để làm việc, cải thiện thu nhập, đầu năm 2022, anh tham gia lớp nghề ngắn hạn về kỹ thuật xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Linh mở tại xã.
Khi tốt nghiệp lớp nghề, anh Hùng đã kết nối với các nhóm thợ để nhận khoán xây nhà ở và các công trình phụ cho người dân.
Đến nay, tổ thợ của anh Hùng gồm 5 người, thu nhập bình quân 300.000 đồng/người/ngày công lao động. “Học nghề đã mở ra cho tôi và nhiều lao động địa phương cơ hội có việc làm thường xuyên và thu nhập khá”, anh Hùng chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Ô Nguyễn Đức Thông cho biết, đầu năm 2023 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Linh và các trường đào tạo nghề tổ chức 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, có 176 học viên tham gia.
Đây là cơ hội để nâng cao tay nghề cho người dân trong kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập. Công tác đào tạo nghề là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giảm nghèo, giúp xã sớm đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
Cô giáo Ngô Thị Bình dạy nghề ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết, các học viên người DTTS ở 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà rất chăm chỉ, tham gia học tập đầy đủ, luôn chú ý đến các kỹ thuật cơ bản trong các môn học.
Riêng việc học nghề khai thác mủ cao su được các giáo viên dạy theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên học viên nhanh hiểu để áp dụng kiến thức vào thực tế.
Theo lãnh đạo Phòng LĐ,TB&XH huyện Vĩnh Linh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là người DTTS luôn được huyện đặc biệt quan tâm, từ đó tạo cơ hội cho người lao động có thể áp dụng những kiến thức đã học để tìm được nhiều công việc phù hợp hơn, có thu nhập ổn định.
Để thu hút người lao động tích cực, chủ động tham gia học nghề, huyện đã khảo sát nhu cầu, mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, có gần 500 lao động người DTTS được đào tạo các nghề: nuôi gà thả vườn; kỹ thuật nuôi, phòng trừ bệnh cho trâu, bò, lợn; kỹ thuật trồng nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi; chăm sóc và khai thác mủ cao su; may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng...
Trong đó 6 tháng đầu năm 2023, có 114 lao động người DTTS được đào tạo nghề từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách của địa phương.
Nhờ được đào tạo nghề nên có 70% lao động người DTTS có việc làm ổn định sau học nghề, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, thời gian tới Phòng LĐ,TB&XH cần tập trung phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện triển khai công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động vùng đồng bào DTTS.
Các phòng, ban liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn chú trọng phối hợp với các đoàn thể điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào DTTS; vận động người dân trên địa bàn tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập... Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình phù hợp đặc thù của người DTTS.
Làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định sinh kế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở Vĩnh Linh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)