Thu nhập khá từ nghề chế biến tinh dầu tràm

Nam Phương |

Tận dụng nguồn nguyên liệu tràm tự nhiên có sẵn tại địa phương, vợ chồng chị Trần Thị Khánh Trang (sinh năm 1988), ở thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã chế biến tinh dầu tràm, qua đó mang lại thu nhập khá cho gia đình và tạo việc làm cho một số lao động thời vụ tại địa phương.


Vợ chồng chị Khánh Trang “bén duyên” với nghề chế biến tinh dầu tràm từ hơn 7 năm về trước. Thời điểm đó, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên của địa phương làm công việc này.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Khánh Trang cho hay: “Cách đây khoảng 8 năm, vì nhiều lý do mà chồng tôi muốn chuyển đổi công việc để vừa có điều kiện phát triển kinh tế, vừa làm chủ được thời gian, chăm lo cho gia đình. Quá trình tìm kiếm công việc mới, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn xã Gio Quang lúc bấy giờ nguồn nguyên liệu tràm tự nhiên vô cùng dồi dào trong khi số hộ nấu tinh dầu tràm rất ít ỏi. Thế là hai vợ chồng bàn bạc với nhau thử tìm hiểu, nghiên cứu về quy trình sản xuất tinh dầu tràm từ những người có kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, ti vi, sách, báo rồi bắt tay vào thu mua nguyên liệu, nấu những mẻ tinh dầu đầu tiên”.

 

Để trang bị nồi hơi, lò nấu, các thiết bị chưng cất tinh dầu, vợ chồng chị Trang đầu tư số tiền khoảng 100 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở của mình, chị chia sẻ, quá trình chưng cất tinh dầu thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 - 7 giờ đồng hồ/ lần.

Theo đó, nguyên liệu sau khi rửa sạch sẽ được đưa vào nồi hơi, đổ ngập nước. Quá trình chưng cất phải đun lửa thật đều, nếu thiếu lửa hoặc lửa cháy quá lớn sẽ làm bay hơi mất mùi tinh dầu.

Thông qua hệ thống ống lọc, hơi bay lên ngưng tụ, hỗn hợp tinh dầu và nước thu được cho vào thiết bị phân ly. Sau phân ly thu được tinh dầu thô và nước chưng. Tinh dầu thô được xử lý để được tinh dầu thành phẩm.

Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng khởi nghiệp luôn là một quá trình không hề dễ dàng. Do thiếu kinh nghiệm, những mẻ tinh dầu đầu tiên vợ chồng chị nấu không đạt yêu cầu, hơi bị rò rỉ, ra không đều.

Không ngại khó, ngại khổ, chị Trang cùng chồng ngược xuôi khắp nơi, tích cực học hỏi từ những người đi trước, tự mày mò, sửa chữa, khắc phục dần nồi nấu, hệ thống lọc dầu... Đến nay, sau khi đi vào sản xuất ổn định, trung bình mỗi tháng, chị sản xuất khoảng 20 lít tinh dầu tràm, bán với giá dao động từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/lít, phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Để tiện lợi cho khách hàng, chị Trang chia nhỏ sản phẩm theo dung tích 15 ml, 30 ml, 50 ml cho khách mua lẻ và 0,5 lít, 1 lít trở lên cho khách mua sỉ. Sản phẩm của gia đình chị làm ra có mùi thơm, màu đẹp, được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, sau khi quảng bá sản phẩm qua các kênh như facebook, zalo, kênh bán hàng Quangtrimart.vn và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, ngày càng nhiều người biết và tìm đến với sản phẩm của vợ chồng chị Khánh Trang hơn.

Sau nhiều năm theo nghề chế biến tinh dầu tràm, cuộc sống của gia đình chị khấm khá hơn trước. Không những thế, chị còn tạo việc làm cho một số lao động thời vụ trên địa bàn. Để duy trì nguồn nguyên liệu, ngoài việc thu mua, vợ chồng chị còn kết hợp mở rộng diện tích trồng tràm.

Giới thiệu với chúng tôi về các sản phẩm hiện có, chị Trang cho biết bên cạnh tinh dầu tràm, cơ sở của chị còn sản xuất thêm một số loại tinh dầu khác như: tinh dầu cỏ hôi, tinh dầu sả, nước cất lá trầu đều là những sản phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe, được thị trường đón nhận.

“Thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện thủ tục xây dựng nhãn hiệu có truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, mở rộng thêm quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương”, chị Trang cho biết.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Gio Quang Lê Thị Hạnh cho biết: Vợ chồng chị Khánh Trang tuy còn trẻ nhưng luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng thành công mô hình chưng cất tinh dầu tràm tại địa phương.

Qua đó không chỉ phát huy được lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết việc làm cho lao động mà còn tạo động lực để nhiều người dân học hỏi. Toàn xã có nhiều hộ học tập theo mô hình chế biến tinh dầu tràm của vợ chồng chị Khánh Trang và đã đạt được một số thành công nhất định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khen thưởng nhân viên cửa hàng xăng dầu kịp thời dập cháy trên ô tô

Trường Nguyên |

Ngày 18/9, thông tin từ Công ty Xăng dầu Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa khen thưởng đột xuất đối với anh Nguyễn Trí Tri, nhân viên bán lẻ xăng dầu Petrolimex thuộc Cửa hàng 22 ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng vì đã dũng cảm, kịp thời chữa cháy, ứng cứu tài sản cho khách hàng, đảm bảo an toàn trong kinh doanh của người lao động công ty.

Lào chuẩn bị nhập khẩu nhiên liệu thô phục vụ dự án lọc hóa dầu

Tổng hợp |

Lô dầu thô từ nhà cung cấp nước ngoài đã cập cảng Cửa Lò tỉnh Nghệ An, sẵn sàng vận chuyển sang Lào phục vụ hoạt động của nhà máy lọc hóa dâu Yothngeum Power tỉnh Xiengkhouang.

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trả xăng dầu theo cơ chế thị trường

An Ly |

Đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trả xăng dầu theo cơ chế thị trường và phải càng sớm khắc phục những bất cập của thị trường, không để tình trạng càng sửa nghị định, doanh nghiệp càng bị bó cứng…

Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.