Làng nghề trồng hoa kiểng xuống giống phục vụ thị trường Tết

Thanh Hòa |

Theo UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, vụ hoa Tết năm nay, 2 làng nghề trồng hoa kiểng của tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 410.000 chậu hoa các loại cung cấp cho thị trường; trong đó, làng nghề ấp Long Bình (phường 4, thành phố Trà Vinh) sản xuất khoảng 110.000 chậu; làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) 300.000 chậu.


Đến nay, các hộ dân ở 2 làng nghề đã xuống giống 193.000 chậu hoa gồm các loại: Cúc, mào gà, thược dược, hướng dương, cát tường, sống đời, hoa giấy… Riêng hoa vạn thọ, dự kiến cuối tháng 10 âm lịch, các hộ dân mới bắt đầu xuống giống.

Năm nay, theo kế hoạch, gia đình ông Phạm Ngọc Vĩnh, làng nghề ấp Long Bình sẽ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 400 chậu hoa cúc và vạn thọ. Bên cạnh đó, vườn nhà ông còn thường xuyên duy trì khoảng 2.000 chậu hoa giấy để bán quanh năm. Ông Vĩnh chia sẻ, những ngày gần đây xuất hiện nhiều cơn mưa lớn khiến các hộ dân trong làng nghề đang rất lo lắng sâu bệnh phát triển, ảnh hưởng năng suất.

Ông Trần Văn Triều, làng nghề ấp Long Bình chăm sóc hoa kiểng.
Ông Trần Văn Triều, làng nghề ấp Long Bình chăm sóc hoa kiểng.

Gia đình ông Trần Văn Triều, làng nghề ấp Long Bình có 25 năm trồng các loại hoa giấy ghép trên diện tích hơn 2.000m2 và bán quanh năm, với khoảng 600 chậu hoa giấy lớn, nhỏ các loại. Để chuẩn bị cho vụ Tết này, ông Triều ghép các giống hoa giấy Thái và tạo dáng cây theo hình con thú như rồng, phụng, hổ, trâu…, đồng thời tạo dáng cổng hoa để thu hút khách hàng. 

Các chậu hoa giấy của ông Triều có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng/chậu tuỳ đường kính gốc và dáng cây, chủ yếu là khách hàng ngoài tỉnh, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Theo ông Triều, năm nay, sức mua người dân giảm mạnh bởi từ đầu năm đến nay, gia đình ông chỉ mới đạt doanh thu 500 triệu đồng, trong khi thời điểm này năm trước đã đạt 800 triệu đồng.

Tỉnh Trà Vinh có 2 làng nghề trồng hoa kiểng được UBND công nhận từ năm 2011, là làng nghề ấp Vĩnh Yên và làng nghề ấp Long Bình, với 165 hộ trồng hoa sản xuất trên diện tích gần 30 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 350 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 7,7 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu làng nghề đạt khoảng 16 tỷ đồng/năm.

Thời gian qua, để bảo tồn và phát triển 2 làng nghề này, thành phố Trà Vinh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, như đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; hạ thế điện, hỗ trợ người dân làng nghề tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất… 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh Nguyễn Văn Liêu cho biết, địa phương đầu tư gần 4 tỷ đồng để hoàn thiện 4,5 km đường nhựa ở làng nghề hoa kiểng phường 4; gần 1,4 tỷ đồng đầu tư 1 tuyến nước sạch và nâng cấp 1,2 km đường nhựa ở làng nghề hoa kiểng ấp Vĩnh Yên; 1,1 tỷ đồng hạ thế điện ở làng nghề.

Thành phố Trà Vinh cũng phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống, canh tác các loại hoa cúc, đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo; tập huấn khoa học kỹ thuật mới cho nhà vườn; tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan trong và ngoài tỉnh để nhà vườn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa…

Đồng thời, Phòng Kinh tế (UBND thành phố Trà Vinh) đã thực hiện các đề tài hỗ trợ làng nghề: nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng một số giống hoa hồng trong chậu tại Trà Vinh; tuyển chọn và nhân giống hoa giấy phù hợp với điều kiện tại tỉnh Trà Vinh.

Bà Châu Thị Bé, làng nghề ấp Long Bình chăm sóc hoa cúc phục vụ thị trường Tết. 

Để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, chính quyền địa phương đang khuyến khích  làng nghề áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng cây, con giống chất lượng để đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

(Nguồn: TTXVN)

Giúp học sinh dân tộc thiểu số sớm định hướng nghề nghiệp

Tú Linh |

Để học sinh có định hướng phù hợp về nghề nghiệp, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), dân tộc bán trú (DTBT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chủ động thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm. Qua công tác hướng nghiệp đã trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn khi chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.

Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Cam Lộ

Tuệ Linh |

Cùng với việc thực hiện chính sách theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ban hành Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 nhằm tăng cường hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thu nhập khá từ nghề chế biến tinh dầu tràm

Nam Phương |

Tận dụng nguồn nguyên liệu tràm tự nhiên có sẵn tại địa phương, vợ chồng chị Trần Thị Khánh Trang (sinh năm 1988), ở thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã chế biến tinh dầu tràm, qua đó mang lại thu nhập khá cho gia đình và tạo việc làm cho một số lao động thời vụ tại địa phương.

Nắm bắt nhu cầu người lao động để đào tạo nghề

Thủy Ba |

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đakrông những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là nhờ huyện làm tốt công tác vận động, khảo sát nhu cầu người học để mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương và năng lực của người dân.