Nắm bắt nhu cầu người lao động để đào tạo nghề

Thủy Ba |

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đakrông những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là nhờ huyện làm tốt công tác vận động, khảo sát nhu cầu người học để mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương và năng lực của người dân.

Hồ Thị Châu Lan (sinh năm 2002), ở thị trấn Krông Klang là một trong những học viên trẻ tuổi nhất của lớp trang điểm thẩm mỹ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông mở vào tháng 7/2023. Đây là một ngành học mới nên bước đầu số lượng học viên chưa đông. Tuy nhiên, 20 học viên của lớp (trong đó có gần một nửa học viên là người dân tộc thiểu số), rất hứng khởi với môn học này.

Lớp học trang điểm thẩm mỹ lần đầu tiên được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông tổ chức -Ảnh: T.B
Lớp học trang điểm thẩm mỹ lần đầu tiên được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông tổ chức -Ảnh: T.B

Theo chia sẻ của Lan, trước đây khái niệm về trang điểm đối với cô chỉ đơn giản là tô một chút son hay đánh một lớp phấn lên khuôn mặt. Nhưng từ khi theo học lớp trang điểm này, cô mới biết trang điểm là cả một nghệ thuật. Với một cô gái người dân tộc thiểu số như Lan, việc tiếp cận với lý thuyết và thực hành trang điểm đều rất mới mẻ nên ban đầu cô theo học khá khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ đi học đều đặn, siêng hỏi bài giáo viên và chăm chỉ thực hành nên đến nay Lan không còn vụng về khi cầm các dụng cụ trang điểm. “Mục đích của mình khi theo học lớp trang điểm này trước hết là để làm đẹp cho bản thân. Về lâu dài, mình muốn học tiếp để nâng cao tay nghề, sau này có thể mở một tiệm nhỏ ở thị trấn phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của người dân địa phương”, Lan chia sẻ.

Hồ Thị Trong (sinh năm 1990), thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang cũng là một học viên của lớp học trang điểm thẩm mỹ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông mở. Trong làm nông nghiệp, vốn quanh năm chân lấm tay bùn nhưng khi nghe giới thiệu về lớp học này, cô đăng ký ngay. Có lẽ vì yêu thích nên khi học, Trong rất hào hứng. Cô gái này còn được giáo viên khen tiếp thu bài nhanh so với các học viên khác trong lớp.

“Khi theo học lớp này, một thế giới màu sắc như mở ra trước mắt mình với nhiều khái niệm mới mẻ như đánh lớp nền, tạo khối, nhấn mí mắt... Khi về nhà, mình thường thực hành ngay trên khuôn mặt và luôn hài lòng khi cô gái trong gương có một khuôn mặt thật khác ngày thường. Nhu cầu làm đẹp luôn được chị em phụ nữ hướng tới và mình không phải ngoại lệ”, Trong cho biết. Cũng giống Lan, Trong ấp ủ dự định sẽ tiếp tục học thêm để sau này có thể mở một tiệm làm nail và trang điểm tại nhà.

Trước nhu cầu của các học viên trong lớp là tiếp tục được theo học lớp trang điểm nâng cao, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông Cáp Thị Vân cho biết: “Chúng tôi sẽ nắm bắt nhu cầu học viên sau khi lớp học trang điểm cơ bản kết thúc để tiếp tục có hình thức đào tạo phù hợp. Không chỉ lớp trang điểm thẩm mỹ mà từ trước đến nay, nhiều ngành nghề được trung tâm đào tạo theo hướng nắm bắt nhu cầu của người lao động ở địa phương, đảm bảo ngành nghề được học sẽ phục vụ cho nhu cầu việc làm của chính họ”.

Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng cho 17 lớp nghề với 340 học viên (13 lớp nghề nông nghiệp với 260 học viên và 4 lớp nghề phi nông nghiệp với 80 học viên). Từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, tổng hợp kế hoạch đào tạo nghề từ UBND các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện xây dựng nhu cầu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023.

Tính đến ngày 12/9/2023, trung tâm đã tổ chức tuyển sinh và hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh cho 17 lớp nghề với 340 học viên; hoàn thành hồ sơ trình các cơ quan thẩm định 13 lớp nghề với 260 học viên; phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung các lớp nghề; khai giảng và triển khai đào tạo 6 lớp nghề với 120 học viên.

Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, trung tâm chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân trên địa bàn mục đích, ý nghĩa và các chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

“Chúng tôi luôn chú trọng đến công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của người lao động để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Với các nghề nông nghiệp, trung tâm căn cứ tính đặc thù của mỗi nghề ở từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của người học để xác định thời gian, địa điểm và hình thức đào tạo gắn liền với thực tế lao động, sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, trung tâm luôn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã, thị trấn lập hồ sơ tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề tại thôn, bản để tạo điều kiện cho người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện theo học”, bà Vân chia sẻ.

Việc được đào tạo nghề gắn với nhu cầu từng bước giúp người lao động nông thôn ở huyện Đakrông nâng cao tay nghề, có kiến thức làm ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng cuộc sống gia đình và yêu cầu của thị trường. Nhờ được đào tạo ngành nghề phù hợp, người dân biết cách tổ chức sản xuất, tạo việc làm, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo bà Vân, việc tuyên truyền, tư vấn dạy nghề được quan tâm, chú trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc học nghề cũng như các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo nghề.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Do đối tượng học viên chủ yếu là lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc tổ chức các lớp học nghề chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức các hình thức tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, tuyển dụng lao động phù hợp với từng địa bàn; tổ chức đa dạng các ngành nghề đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, giới thiệu và tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định.

Sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử của trung tâm để quảng bá các hình ảnh, tư liệu... liên quan đến công tác đào tạo nghề; các mô hình sản xuất, kinh doanh; dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa làm tốt công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở

Kô Kăn Sương |

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) các cấp, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho CBCĐ cấp cơ sở phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCĐ cấp cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Giúp cải thiện đời sống cho người lao động

Nguyễn Vinh |

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 60.000 người lao động (NLĐ), trong đó có 41.549 đoàn viên công đoàn, chiếm 75%, riêng khu vực doanh nghiệp (DN) có 13.623 người.

Giúp cải thiện đời sống cho người lao động

Hải An |

Sáng 13/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Đội Công đoàn ngành Y tế đồng giải Ba Giải Bóng chuyền nam công nhân, viên chức, lao động năm 2023

Bội Nhiên |

Tham gia Giải Bóng chuyền nam công nhân, viên chức, lao động Khối thi đua Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Trị chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Trị lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 9/9/2023 đến ngày 10/9/2023 tại Nhà Thi đấu thể thao thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị, đội bóng chuyền nam Công đoàn ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã được xếp thứ hạng đồng giải Ba với đội bóng Công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo.