"Em là Phùng Quang Thanh"

Trần Hoài |

Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ trần vào hồi 03 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 tại nhà riêng.


Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc nay là huyện Mê Linh, Hà Nội. Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1967, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào trong chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Xanh EWEC xin đăng lại bài viết về Đại tướng Phùng Quang Thanh của Nhà báo Trần Hoài trên Báo Quân đội Nhân dân số Tết Nhâm Thìn - 2012:

 

Trong chuyến công tác ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tìm về thôn Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để thăm gia đình một người dân rất đỗi bình thường…

Vĩnh Linh, nơi “đầu cầu giới tuyến” năm xưa... Những triền đất đỏ ba-zan cháy nắng và những vườn tiêu, cao su, khoai, sắn xanh mướt sau mấy chục năm hòa bình đã phủ xanh ngút mắt. Không còn dấu vết của những hố bom, hố đạn, giao thông hào, trận địa vốn chằng chịt thời chiến tranh... 

 

Bước vào con ngõ nhỏ, một cụ già hơn 80 tuổi lập cập bước ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh reo lên:

          - Anh Xá! Đúng anh Xá đây rồi!… Anh còn nhớ em không? Em là Thanh đây, Phùng Quang Thanh, đại đội trưởng. Hồi chiến tranh, đơn vị chúng em đã đóng quân trong nhà anh… Anh còn nhớ không?

 Ông Nguyễn Đức Xá đã nhận ra Đại tướng… Bất giác, nước mắt ông chảy tràn, hai tay run run ôm lấy người đại đội trưởng năm xưa. Tất cả mọi người có mặt đều lặng im chứng kiến phút giây xúc động… Giọng nói ông Xá rất khó khăn, vì trước đó ông bị tai biến mạch máu não.

          - Eng (anh)…. nhớ…. rồi, chú Thanh. Chú... Thanh đại đội…. trưởng!

Năm 1971, Đại tướng Phùng Quang Thanh khi ấy mới 22 tuổi, là đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B,  chỉ huy đơn vị trên đường hành quân vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Khi ấy ông Xá cũng chỉ mới tầm 40 tuổi, là dân quân ở lại bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương Vĩnh Linh.

Hai người đàn ông ôm lấy nhau… Đại tướng không kìm được niềm xúc động, nước mắt rân rân.

 

 Đại tướng Phùng Quang Thanh hỏi:

- Chị đâu rồi, anh Xá?

Ông Xá nghẹn ngào:

- Mất…lâu… rồi!

Đại tướng dìu ông Xá vào nhà, rồi bước đến trước bàn thờ thắp hương: "Chị Xá ơi! Em là Phùng Quang Thanh, hồi chiến tranh đơn vị em đóng quân trong nhà mình, được anh, chị và bà con cô bác thôn Xuân, xã Vĩnh Kim đùm bọc, giúp đỡ. Hôm nay nhân đi công tác Quảng Trị, em ghé thăm nhà ta, nhưng chị không còn nữa. Em xin thay mặt anh em đồng chí, đồng đội trong đơn vị, người còn sống, người đã hy sinh xin thắp ba nén nhang viếng hương hồn chị…".

 

Sau thời gian trú quân ở thôn Xuân, đơn vị của Đại tướng Phùng Quang Thanh vượt sông Bến Hải - vỹ tuyến 17 vào chiến đấu ở chiến trường B. Chiến tranh tao loạn, mỗi người một phương, nhiều năm qua Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhờ các cán bộ ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị dò hỏi và tìm được chính xác địa chỉ gia đình ông Nguyễn Đức Xá. Đại tướng và Phu nhân đã tặng quà cho gia đình. Đó là một chiếc ti-vi, để: "Anh Xá và các cháu xem tin tức thời sự, giải trí…". Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã gửi một cán bộ UBND xã Vĩnh Kim chuyển đến Hội CCB xã một chút tiền nhỏ để chi phí trong hoạt động của hội. Ông cẩn thận viết nắn nót dòng chữ: "Kính tặng Hội CCB xã Vĩnh Kim".

 

Giữa mảnh sân nhỏ, ánh nắng chiều lọt qua vườn cây xanh um tùm, chiếu chênh chếch, và ngoài kia, chỉ cách chừng 300m là bờ biển xanh ngời ngợi, ở đấy, có thể nhìn thấy rõ đảo Cồn Cỏ cách đất liền 30 km xanh mờ như một chiến hạm lừng danh. Đại tướng Phùng Quang Thanh trò chuyện với mọi người trong gia đình và bà con lối xóm, thân tình như đứa con đi xa lâu ngày mới về. Bà con thôn Xuân mời Đại tướng thưởng thức món bánh bột lọc trứ danh của miền quê nghèo Vĩnh Linh. Đại tướng đã kể lại những mẩu chuyện cách đây 40 năm: "Đơn vị của tôi hy sinh nhiều lắm. Quân số đơn vị nhiều khi phải bổ sung gần như mới hoàn toàn. Hết đợt này đến đợt khác…". Rồi Đại tướng quay qua hỏi ông Xá: "Ngày xưa, nhà anh không phải ở chỗ này? Em nhớ là ở gần biển…". Mọi người trả lời thay ông Xá: "Đúng rồi, ngôi nhà đó ở dưới “bợc” (bậc) biển, nay đã chuyển rồi, còn đây là nhà của con trai út".

Các con, cháu ông Xá vây quanh Đại tướng: "Chúng cháu đã được nhìn thấy chú trên ti-vi nhiều lắm, hôm nay mới được gặp mặt chú". Đại tướng cười: "Mấy chục năm qua chú đi đánh giặc nhiều nơi rồi bận công tác liên miên, đến hôm nay mới về thăm ba cháu được. Các cháu nhớ chăm sóc sức khỏe cho ba nhé…".

Ông Xá ngồi bên Đại tướng, không nói nên lời, cứ cầm tay Đại tướng, rồi ông như không kìm được niềm xúc động, ôm chầm Đại tướng và khóc rưng rức như một đứa trẻ. Tiếng khóc của một ông già hơn 80 tuổi bị tai biến mạch máu não, cùng bao nhiêu kỷ niệm thời chiến tranh gian khổ, hy sinh, như dội sâu vào trong lồng ngực già nua và yếu ớt vì bệnh tật của ông… Hồi ấy, không chỉ mình ông Xá mà tất cả người dân Vĩnh Linh đã nuôi dưỡng, nhường nhà, nhường hầm của mình cho bộ đội trên đường hành quân đi chiến đấu. Và niềm xúc động với cái nghĩa tình đồng chí, đồng bào sau bao nhiêu năm rồi, một vị Đại tướng - một anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa từng trú quân trong nhà, hôm nay trên đường đi công tác, dù bận nhiều việc nước, mà vẫn cố tìm đến thăm ông... Nén tiếng ho, và bằng giọng run run, ông Xá kể: “Tui nhớ mãi… cái đêm ấy, đơn vị chú Thanh có lệnh hành quân bí mật… Tui nhớ rõ cả đoàn quân vượt qua một bãi bom B52, đi vô mãi đến bờ sông Bến Hải. Từ bữa đó… bốn chục năm rồi, chừ mới gặp lại đây…”.

*

* *

Tôi đứng ở một góc sân nhà ông Nguyễn Đức Xá trong buổi chiều cảm động ấy. Tôi hình dung trong cuộc đời chiến đấu của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng đồng đội đã được biết bao nhiêu bà con nhân dân khắp mọi miền giúp đỡ, yêu thương, đùm bọc. Và chắc chắn là đã có biết bao nhiêu câu chuyện xúc động như thế, đã được mọi người kể mãi…

Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần

PV |

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 03 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 tại nhà riêng số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

PV |

Ngọn lửa sống và tình yêu nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn cháy rực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhìn lại lịch sử, dường như những câu nói bất hủ của Đại tướng luôn gắn với sinh mệnh của dân tộc Việt Nam, không chỉ trong lúc điều binh khiển tướng, mà cả khi đã về với đời thường, con người ông vẫn toát lên trách nhiệm đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Động lực đằng sau mỗi thắng lợi

Mạnh Thành |

Theo nhà sử học Mỹ Curey, "Đằng sau mỗi thắng lợi, người ta thấy Tướng Giáp là nguồn động lực. Công trạng của ông là vô song và kết quả đạt được là phi thường, chính cái đó tạo nên thiên tài quân sự."

Lùi thời gian tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thanh Hiếu |

Tỉnh Quảng Bình vừa có thông báo về việc lùi thời gian tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.