Với những người lính Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ấy, quãng thời gian “canh giấc ngủ” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm được giao, mà còn là một trải nghiệm đặc biệt. Để rồi từ niềm tôn kính, ngưỡng vọng với nhân cách “Vị Tướng của nhân dân”, họ quyết tâm phấn đấu, rèn luyện và cống hiến trong suốt quãng đời binh nghiệp của mình.
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về an nghỉ tại Vũng Chùa-Đảo Yến (huyện Quảng Trạch), nơi đất mẹ Quảng Bình, phải đến 2 ngày sau khi Đại tướng đi xa mới được tỏ tường. Thế nhưng, từ ngày 6-10-2013, một tổ công tác của BĐBP Quảng Bình đã có mặt để bảo vệ khu vực này. Khi nhận lệnh điều động, những cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh cũng không hề hay biết thông tin quan trọng đó.
Chỉ sau khi người nhà của Đại tướng trực tiếp ra khảo sát địa điểm an táng và khi các máy móc, thiết bị gấp rút thi công tuyến đường ra Vùng Chùa-Đảo Yến, họ mới thực sự tin đó là sự thật.
Thiếu tá Khắc Ngọc Tân Hào, lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Roòn) may mắn là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ trong tổ công tác ấy. Thiếu tá Hào nhớ lại, khu vực Vũng Chùa-Đảo Yến lúc bấy giờ vẫn chưa có đường sá đi lại và còn rất hoang vu, lầy lội.
Từ chiều ngày 6-10-2013, sau khi người thân của gia đình Đại tướng vào Vũng Chùa chuẩn bị địa điểm nơi an táng, Bộ chỉ huy đã chỉ đạo các chiến sỹ biên phòng kiểm soát toàn bộ khu vực, bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ và giới hạn người vào ra.
Với một người lính trẻ, vừa ra trường công tác 2 năm tại Đồn Biên phòng Roòn, Hào không ngờ mình lại có sự may mắn, vinh dự như vậy. Quê Hào ở xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy). Anh kể, lúc Đại tướng sinh thời, anh đã từng có một lần nhìn thấy Đại tướng khi ông đến Nghĩa trang liệt sỹ huyện Lệ Thủy (ở trên địa bàn xã Mai Thủy) thắp hương cho song thân phụ mẫu. Bấy giờ, Hào đang là học sinh lớp 6, được nhà trường tổ chức đến dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ để đón Đại tướng. Nhưng trong những ngày công tác ở đội bảo vệ, chưa bao giờ Hào thấy mình được ở gần Đại tướng đến vậy, dù người đã đi xa.
Thiếu tá Hào cho biết, anh cũng là một trong số ít cán bộ, chiến sỹ được canh gác bên cạnh huyệt mộ của Đại tướng. Công việc đào huyệt mộ được các chiến sỹ BĐBP thực hiện rất bí mật. Ban ngày nghỉ, ban đêm đào. Sau khi Đại tướng được an táng tại đây, thiếu tá Khắc Ngọc Tân Hào được giao nhiệm vụ phụ trách, rồi Đội trưởng Đội bảo vệ. Cho đến giờ đây, thiếu tá Hào vẫn không quên được hình ảnh những hàng dài người dân nối tiếp nhau đến viếng mộ Đại tướng. Có ngày lên đến hơn 40 nghìn lượt người. Rất nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thành kính dâng lên anh linh Đại tướng nén hương.
Thiếu tá Hào nhớ như in trường hợp một cụ già hơn 90 tuổi ở tỉnh Điện Biên ngồi trên xe lăn và được con cháu đưa vào viếng mộ Đại tướng. Khi thắp hương, cụ đã khóc như một đứa trẻ. Sau này tìm hiểu, các cán bộ, chiến sỹ bảo vệ mới biết, cụ là con của một gia đình đã từng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng trong những năm dài gian khổ ở Điện Biên Phủ. Được trực tiếp chứng kiến những hình ảnh ấy, anh mới lý giải được những nghĩa tình của nhân dân đối với Đại tướng và vì sao có người gọi Đại tướng là “Vị Tướng của nhân dân”.
Vì vậy, suốt những năm “canh giấc ngủ” cho Đại tướng, Hào và các cán bộ, chiến sỹ nơi đây đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bằng tất cả tấm lòng tôn kính, không quản ngại ngày đêm hay lúc mưa bão, như lời căn dặn của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lúc bấy giờ: "Đại tướng khi sống được bảo vệ như thế nào thì khi an nghỉ cũng được bảo vệ nghiêm ngặt như thế".
Còn với thiếu tá Đồng Thanh Hải, hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, giờ đây mỗi lần về nhà (ở xã Cảnh Dương), anh vẫn giữ thói quen ghé vào khu mộ thắp một nén hương cho Đại tướng. Anh Hải cũng là một trong số những người lính gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ khu vực mộ Đại tướng từ những ngày đầu ông về yên nghỉ ở Vũng Chùa-Đảo Yến đến ngày BĐBP tỉnh bàn giao cho gia đình. Thiếu tá Đồng Thanh Hải cho biết, thời gian “canh giấc ngủ” cho Đại tướng đã trở thành kỷ niệm đáng tự hào của riêng anh.
Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Ngay sau quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong toàn lực lượng. Sau lễ phát động, cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh đã ra sức học tập tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng là người con trên quê hương của Đại tướng, quê hương Quảng Bình "hai giỏi"".
Gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ ở đây, từng chứng kiến những tình cảm nhân dân dành cho Đại tướng, anh và đồng đội không khỏi xúc động. Nhưng lúc đó, tất cả vì nhiệm vụ, các anh phải kìm nén cảm xúc trong lòng mình. Ban ngày lo dọn dẹp, vệ sinh, quét dọn và tiếp đón người dân đến viếng Đại tướng.
Có lúc, đến những lượt người cuối cùng đã quá giờ cho phép. Nhưng ai có thể làm theo “nguyên tắc” được trước những tình cảm chân thành ấy?! Công việc vất vả là vậy, thế nhưng, từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, các anh cứ thay phiên nhau “canh giấc ngủ” cho Đại tướng. Hương, đèn trên mộ chí, ban thờ của Đại tướng luôn được châm thắp ấm áp suốt đêm.
“Làm sao nói lên tình cảm của mình được chứ! Với Đại tướng, chắc bất cứ một người dân Việt Nam nào cũng đều chung một tấm lòng tôn kính và ngưỡng vọng. Khoảng thời gian bên mộ Đại tướng cũng là dịp để chúng tôi soi lại mình và quan trọng hơn đó là hành trang, là tấm gương phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho quãng đời binh nghiệp sau này. Bởi lẽ, chúng tôi mãi mãi là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, người lính của Đại tướng!”, thiếu tá Đồng Thanh Hải kết lại câu chuyện của mình.
(Nguồn: Báo Quảng Bình)