Công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia cuộc thi bằng hai hình thức: trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thiết thực kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân."
Hai hình thức dự thi
Công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia cuộc thi bằng hai hình thức: trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, phẩm chất đạo đức cao quý của Đại tướng; thể hiện tình cảm của các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu nhi đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng.
Đối với hình thức thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến, Ban Tổ chức phát động ngày 28/7/2021. Thời gian bắt đầu thi là ngày 30/7/2021 và thời gian kết thúc là ngày 25/8/2021.
Ban Tổ chức Cuộc thi phát sóng trực tiếp (livestream) trên trang mạng cộng đồng Facebook "Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn” và “Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn."
Người chơi tương tác với người dẫn chương trình và trả lời câu hỏi trực tiếp trong buổi livestream dưới dạng bình luận chọn phương án đúng. Thời gian từ 20h30-21h20 trong các ngày 30/7, 3/8, 6/8, 10/8, 13/8, 17/8, 20/8 và 25/8/2021.
Chủ đề cuộc thi trong ngày 30/7 và 3/8 là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thiên tài quân sự với những chiến công lừng lẫy năm châu; chủ đề ngày 6/8 và 10/8 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chiến sỹ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng; chủ đề ngày 13/8 và 17/8 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế; chủ đề ngày 20/8 và 25/8 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tuổi trẻ Việt Nam-Tuổi trẻ Việt Nam với Đại tướng.
Mỗi chủ đề sẽ thi trong 2 buổi livestream. Mỗi buổi livestream thi 10 câu hỏi. Người dẫn chương trình đọc câu hỏi và 4 phương án trả lời. Sau khi người dẫn chương trình tuyên bố “Thời gian trả lời bắt đầu”, người chơi có 15 giây để chọn 1 đáp án đúng bằng cách bình luận trực tiếp trên các trang tổ chức livestream (không được trả lời khi người dẫn chương trình chưa tuyên bố “thời gian trả lời bắt đầu”).
Hết 15 giây, người dẫn chương trình tự thông báo phương án đúng, cung cấp thông tin liên quan đến câu hỏi và công bố người thắng trong câu hỏi (là người có câu trả lời đúng và nhanh nhất). Người thắng câu hỏi nhiều nhất và nhanh nhất là người nhận được giải thưởng chung cuộc của buổi thi.
Đối với hình thức thi viết, Ban Tổ chức phát động ngày 25/8/2021 và tổng kết và trao giải vào ngày 22/12/2021.
Bài thi viết gồm 2 phần: Phần 1 là cảm nhận của cá nhân về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng; kỷ niệm đáng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Phần 2 là thế hệ trẻ ngày nay noi gương Đại tướng góp sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thí sinh dự thi lựa chọn một hình thức: bài phản ánh, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, nghiên cứu, hồi ký, nhật ký, bút ký báo chí, thơ, ca, đồ họa thông tin (infographic)... được viết tay hoặc đánh máy.
Ban Tổ chức phát động cuộc thi ngày 25/8/2021 (kết thúc hình thức thi tương tác trực tuyến và phát động hình thức thi viết); nhận bài dự thi cấp tỉnh và tương đương từ ngày 10/9 đến hết ngày 30/11/2021; nhận bài dự thi cấp Trung ương kết thúc trước 17h ngày 10/12/2021.
Ban tổ chức tổng kết, công bố kết quả và trao giải cuộc thi vào ngày 22/12/2021 (kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam).
Thí sinh gửi bài tham gia vòng thi cấp tỉnh hoặc tương đương. Những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn tham gia vòng thi cấp Trung ương. Thí sinh viết tay hoặc đánh máy bài dự thi, gửi tham gia thi bằng bản giấy hoặc file mềm (định dạng .doc, .pdf hoặc .ppt...) tối đa không quá 5.000 từ (không quy định số trang, khuyến khích có hình ảnh, tư liệu minh họa).
Bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt Nam; tác phẩm sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt Nam kèm theo. Bài dự thi phải được trình bày sạch, đẹp, khoa học, trong đó có đầy đủ thông tin gồm: tên cuộc thi; tên tác phẩm dự thi; tên người dự thi, bút danh (nếu có), ngày tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, địa chỉ thường trú hoặc cơ quan, đơn vị công tác, số điện thoại, địa chỉ email của người dự thi.
Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được giải thưởng của cuộc thi khác, chưa được đăng trên các tạp chí, báo, truyện hoặc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào trước khi tham gia cuộc thi.
Các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc tiếp nhận bài dự thi của thí sinh ở dạng văn bản giấy và các bài dự thi gửi theo dạng file mềm trên website của cuộc thi http://daituongcuanhandan.vn (theo các định dạng .doc, .pdf, .ppt, .jpg, .png...); tổ chức hội đồng thẩm định, lựa chọn tác phẩm chất lượng nhất (thể hiện ra văn bản giấy) để giới thiệu tham gia vòng thi cấp Trung ương (mỗi đơn vị tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc chọn 5 bài; riêng Ban Thanh niên Quân đội chọn 20 bài).
Ở cấp Trung ương, Hội đồng thẩm định cấp Trung ương sẽ tiến hành thẩm định, lựa chọn các tác phẩm chất lượng nhất trong số 350 tác phẩm của 67 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc để trao giải chung cuộc cuộc thi. Địa chỉ nhận bài dự thi cấp Trung ương: Bảo tàng Chiến thắng B-52 số 157 Đội Cấn, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội (ngoài bì thư điền đủ thông tin đơn vị, tên Cuộc thi).
Các thí sinh nộp bài thi theo định dạng văn bản giấy phải được đóng vào phong bì thẳng; ngoài phong bì ghi đầy đủ thông tin của người gửi bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại cá nhân; phần nơi nhận ghi đầy đủ: Ban Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Địa chỉ nhận bài dự thi theo địa chỉ của các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc nơi đăng ký tham gia cuộc thi.
Giải thưởng phong phú
Về cơ cấu giải thưởng, đối với thi viết, giải tập thể gồm: Giải cho đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất trên website của cuộc thi: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Giấy chứng nhận của Ban tổ chức cuộc thi kèm tiền thưởng trị giá 15 triệu đồng.
Giải cho đơn vị có tỷ lệ người dự thi trên tổng số dân cao nhất trên website của cuộc thi: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Giấy chứng nhận của Ban tổ chức cuộc thi kèm tiền thưởng trị giá 15 triệu đồng.
Giải cho tác giả, nhóm tác giả gồm 3 giải A: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi kèm tiền thưởng trị giá 15 triệu đồng/giải thưởng; 5 giải B: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi kèm tiền thưởng trị giá 10 triệu đồng/giải thưởng; 10 giải C: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi kèm tiền thưởng trị giá 5 triệu đồng/giải thưởng.
Đối với thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến, giải thưởng cho người chiến thắng câu trả lời: 300.000 đồng/câu hỏi; giải thưởng cho người chiến thắng buổi thi: 3 triệu đồng/buổi.
Căn cứ thực tế ở thời điểm kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức sẽ lựa chọn phương án tổng kết trao giải cuộc thi phù hợp với điều kiện thực tế.
(Nguồn: TTXVN)