Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường, đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch và hậu cần từ hậu phương lớn miền Bắc phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam. Từ buổi đầu thành lập chỉ ít người lấy đi bộ gùi thồ làm chính đến xây dựng tuyến đường chiến lược vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều sư đoàn vận tải bằng cơ giới xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ nối liền Bắc- Nam đã góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, dựng lên chế độ tay sai, đàn áp dã man phong trào cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta và thôn tính miền Bắc. Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị và Bác Hồ quyết định tổ chức tuyến đường giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.
Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt (còn gọi là Đoàn 559) mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam, tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội...từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Từ đó, ngày 19/5 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và cũng là kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh. Lực lượng ban đầu của Đoàn 559 có gần 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: xây dựng, bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường miền Nam.
Tháng 6/1959, Thượng tá Võ Bẩm dẫn đầu Đoàn 559 vào đặc khu Vĩnh Linh khảo sát địa hình, chọn địa điểm mở đường Trường Sơn. Sau khi đi thực tế kiểm tra và bàn bạc với Bí thư Đảng ủy đặc khu Vĩnh Linh Hồ Sỹ Thản, đoàn trưởng Võ Bẩm quyết định chọn Khe Hó, thuộc xã Vĩnh Hà làm điểm mốc xuất phát vượt Trường Sơn.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên xuất phát từ Khe Hó chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, đèo cao, chuyến hàng đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường MAT và 10 thùng đạn. Đây là cột mốc có ý nghĩa to lớn với cách mạng Việt Nam.
Ở tuổi 91, cựu chiến binh Hồ Văn Với, thôn Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông vẫn nhớ như in những tháng ngày hăng say tham gia phục vụ trên đường Trường Sơn, hết gùi hàng thì sửa đường, mở đường.
Năm 1957, ông Hồ Văn Với xung phong đi bộ đội. Sau khi đường Trường Sơn được mở, ông tham gia vào lực lượng vận tải vũ khí ở tuyến đường Trường Sơn đoạn qua huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc Quân khu V. Sức thanh niên nên mỗi lần gùi hàng ông Với gùi hơn 100 kg súng, đạn hoặc gạo, ông được phong là kiện tướng gùi hàng.
Năm 1966, ông vinh dự là một trong ba người ở Quân khu V được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường, cùng các lực lượng hộ tống Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở lại Hà Nội sau chuyến công tác ở miền Nam và ông được báo công với Bác Hồ vào ngày 5/9/1966. Sau lần vinh dự gặp Bác Hồ, ông được cấp trên phân công về hoạt động tại các binh trạm của Đoàn 559 thuộc địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Cựu chiến binh Đoàn 559 Nguyễn Văn Hoàng, (73 tuổi), nay ở Tiểu khu 1, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, từng công tác tại Binh trạm 20, hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơnđường Hồ Chí Minh huyện Triệu Phong nhớ lại những năm tháng hào hùng: Đã có hàng triệu thanh niên, những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến cả tuổi trẻ, xương máu của mình cho Tổ quốc.
Lực lượng xây dựng đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã kiên trì bám trụ từng thước đường, dù máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc, một đường bị chặn, hai, ba đường mới được mở ra; đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày xuất hiện; địch đánh một, ta làm mười...để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam...
Trong 16 năm (1959 - 1975), từ đường bộ gùi thồ ban đầu, các lực lượng của Đoàn 559, đa số là công binh, thanh niên xung phong...đã làm nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang nối hai miền Nam - Bắc, Đông - Tây Trường Sơn với các chiến trường có chiều dài gần 20.000 km đường ô tô; hệ thống đường ống dẫn dầu dài 1.400 km, hệ thống đường sông, đường biển...16 năm chiến đấu, xây dựng, phát triển, trên 10 vạn bộ đội và 2 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...trên chiến trường Trường Sơn đã tạo nên một đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong thành công và thắng lợi, chúng ta cũng chịu đựng nhiều mất mát, đó là hơn 23 nghìn chiến sĩ của các lực lượng đã hy sinh, trên 30 nghìn người bị thương tật và nhiễm chất độc da cam. Máu đào của các chiến sĩ Trường Sơn đã nhuốm đỏ thêm lá cờ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc ta.
Ông Lê Hữu Đính (68 tuổi), ở thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh bùi ngùi xúc động xen lẫn tự hào kể về người cha thân yêu của mình - ông Lê Văn Vỵ, là chiến sĩ mở đường thông tin của Đoàn 559.
Cha của ông Đính cùng 2 đồng đội bị trúng một loạt bom B52 của Mỹ, đã anh dũng hy sinh vào ngày 3/7/1968 tại một điểm trên đường Trường Sơn, đoạn qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông trong lúc làm nhiệm vụ. Cho đến hôm nay gia đình ông Đính và các gia đình khác vẫn chưa tìm ra hài cốt người thân. Ông Đính chưa hề được nhìn thấy mặt cha, khi mẹ ông mang thai thì cha ông đã ra miền Bắc rồi sau đó trở lại đường Trường Sơn làm nhiệm vụ.
Thời kỳ oanh liệt của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nhân dân Quảng Trị đã đóng góp rất nhiều sức người và sức của để góp phần cho tuyến đường hoàn thành sứ mệnh của mình. Hiện toàn tỉnh còn hơn 1.900 hội viên từng là bộ đội, thanh niên xung phong tham gia xây dựng và phục vụ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đang tham gia sinh hoạt trong Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)