Điện Biên Phủ - Lịch sử hào hùng và khát vọng thời đại

Hạnh Quỳnh |

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta.

70 năm sau,“mốc son chói lọi bằng vàng” ấy đang tiếp thêm ý chí, nghị lực, sự kiên cường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nắm bắt thời cơ, vận hội để đưa “Điện Biên cất cánh”, góp phần hiện thực khát vọng đất nước hùng cường. 

Trước sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ cho quân đội Pháp. Thu - Đông năm 1953, Kế hoạch Nava ra đời với trọng tâm là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Ý đồ của chúng là trong 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dồn trí, lực và quyết tâm "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng", ta kéo pháo ra rồi lại đưa pháo vào, chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc”.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau khi hoàn thành các công tác chuẩn bị, ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài. Chiến dịch quyết chiến vĩ đại bắt đầu. Và sự ác liệt nơi lòng chào Mường Thanh, như nhà thơ Tố Hữu ghi lại:

“…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn…”

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm. Thắng lợi ấy trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức. Đặc biệt, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước phát triển nhanh, bền vững, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật để có cơ đồ và vị thế hôm nay.

Với Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc của Tổ quốc nói chung, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và dành sự ưu tiên, quan tâm cho sự phát triển toàn diện. Đảng bộ và nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc cũng nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Và Tây Bắc đã có nhiều thay đổi to lớn trong diện mạo và phát triển, đóng góp quan trọng vào bảo đảm sự ổn định và phát triển của cả nước.

Đặc biệt, 24 năm kể từ khi chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, vùng đất cực Tây của Tổ quốc đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện. Nổi bật, kinh tế của Điện Biên nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là hạ tầng kết nối giao thông.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Riêng năm 2022, Điện Biên tăng trưởng đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tiếp tục giảm xuống, còn gần 36.290 hộ, chiếm tỷ lệ trên 26%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn trên 38% so với năm trước. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2.

Các di tích của chiến trường Ðiện Biên năm xưa như: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trong thành tựu đáng ghi nhận và niềm tự hào, kỷ niệm lịch sử ấy, hàng loạt các chương trình, kế hoạch, dự án với nhiều quy mô được triển khai. Điển hình là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước và quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo động lực đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tuy nhiên, Điện Biên cũng nhận thấy rõ, lộ trình phấn đấu, phát triển, đi lên của tỉnh dẫu đạt nhiều kết quả, thành tựu, song so với các tỉnh miền xuôi, trong khu vực chưa phải là cao. Bởi vậy, Điện Biên đang tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phấn đấu để 11 năm nữa, vùng cực Tây của Tổ quốc nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam.

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”.

Ngày 7/5/2024 - 70 năm sau mốc son chói lọi, Điện Biên đã khoác lên mình màu áo mới. Và truyền thống anh hùng từ mảnh đất lịch sử đang tiếp thêm ý chí, nghị lực, sự kiên cường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nắm bắt thời cơ, vận hội xây dựng vùng đất “phên giậu” cực Tây ngày càng phát triển. Tất cả là để “Điện Biên cất cánh”, góp phần cùng đất nước hiện thực khát vọng hùng cường.

 (Nguồn: TTXVN)

Những trang thư không im lặng

Tú Linh |

Chiến tranh ngày càng ác liệt trên chiến trường Quảng Trị nên thời gian bên nhau của Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Kiệm với người vợ mới cưới không được bao nhiêu. Ông Kiệm chinh chiến khắp các chiến trường, người vợ ở lại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh vừa tham gia sản xuất, vừa chiến đấu. Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi đôi vợ chồng chỉ biết gửi gắm cho nhau trong hơn 100 lá thư kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc. Những lá thư ấy là nguồn năng lượng dồi dào, sợi dây buộc chặt tình yêu để hai người luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp chút sức mình cho ngày toàn thắng của dân tộc.

Tự hào mạch nguồn cách mạng Hải Lăng

Tú Linh |

Vùng đất truyền thống cách mạng huyện Hải Lăng (Quảng Trị), 49 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có nhiều thay đổi đáng tự hào. Những tên đất, tên làng gắn liền với chiến công hiển hách giai đoạn lịch sử 1954- 1975 trở thành các miền quê đáng sống. Phát huy truyền thống cách mạng qúy báu, Hải Lăng đang từng ngày xây dựng quê hương phát triển năng động, toàn diện, xứng đáng là huyện trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Nhớ một thời giải phóng Đông Hà

Hiếu Giang |

Hơn nửa thế kỷ Đông Hà (Quảng Trị) giải phóng, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, bộ mặt đô thị bên dòng sông Hiếu bây giờ đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Nhớ lại những ngày tháng của mùa hè đỏ lửa 1972, khi Đông Hà được giải phóng, nhiều cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc am tường về chiến dịch giải phóng Đông Hà năm xưa vẫn rưng rưng niềm xúc động...

Màu xanh Hải Thái

Đào Tâm Thanh |

Hải Thái là xã thuộc vùng đồi trung du nằm về phía Tây của huyện Gio Linh (Quarng Trị), nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ở mảnh đất rất mực hiền hòa này lại có một quá khứ bi tráng và hào hùng khi trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi đặt cứ điểm quân sự quan trọng của địch và cũng là nơi ghi nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta. Cùng với căn cứ Dốc Miếu trong tuyến hàng rào điện tử Mắc Namara, căn cứ Cồn Tiên được xây dựng để thực hiện mưu đồ khống chế cả một vùng rộng lớn khu giới tuyến với dày đặc bom mìn, hầm hào, phương tiện chiến tranh cùng lực lượng lớn binh lính tinh nhuệ của Mỹ và tay sai. Lịch sử hình thành xã Hải Thái lại từ cuộc di dân nơi đồng bằng lên khai phá vùng đất mới gần nửa thế kỷ trước. Bao nhiêu máu xương, mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống để hôm nay, xã Hải Thái đã bước những bước tự tin đi đến ấm no, giàu mạnh...