Vùng đất truyền thống cách mạng huyện Hải Lăng (Quảng Trị), 49 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có nhiều thay đổi đáng tự hào. Những tên đất, tên làng gắn liền với chiến công hiển hách giai đoạn lịch sử 1954- 1975 trở thành các miền quê đáng sống. Phát huy truyền thống cách mạng qúy báu, Hải Lăng đang từng ngày xây dựng quê hương phát triển năng động, toàn diện, xứng đáng là huyện trọng điểm phía Nam của tỉnh.
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cánh đồng lúa vàng trĩu hạt cho mùa vụ bội thu, khi ruộng sen tỏa hương thơm ngát, khắp các thôn xóm, làng xã ở huyện Hải Lăng hân hoan chuẩn bị kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
Trên vùng đất cách mạng xã Hải Lâm, nhiều nhà xây cao tầng mọc lên giữa bốn bề cây trái tạo cảm giác vùng quê bình yên, hạnh phúc. Những đường cờ Tổ quốc bay phấp phới trên từng thôn cùng chung hào khí mừng ngày lễ lớn của dân tộc.
Kinh tế chủ đạo của Hải Lâm là phát triển nônglâm-ngư nghiệp, đặc biệt trồng rừng gỗ lớn và cây cam, thuộc nhóm xã đứng đầu của huyện về trồng rừng. Năm 2023, tổng thu nhập bình quân đầu người ở Hải Lâm đạt 78 triệu đồng/người, năm 2024 phấn đấu đạt 84 triệu đồng/người. Xã Hải Lâm xác định, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xây dựng xã cơ bản đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024.
Chúng tôi đến thăm ông Ngô Minh Thông, năm nay 84 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, thương binh hạng 2/4 ở thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm. Ông Thông còn rất minh mẫn, nhớ về những ngày người dân xã Hải Lâm tập trung sức người, sức của cùng huyện Hải Lăng tấn công những đồn bốt của quân đội chính quyền miền Nam cũ để giải phóng quê hương.
Năm 1971, ông Thông là chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hải Lâm, cùng lực lượng du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chính quy tham gia đánh hàng chục trận khốc liệt, giành giật với quân đội chính quyền miền Nam cũ từng mét đất ở phía Tây huyện Hải Lăng.
Là người vào sinh ra tử với chiến trường, ông Thông luôn quyết tâm xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, tổ chức chiến đấu tiêu hao địch, khi có thời cơ đến cùng các lực lượng tổng tấn công giải phóng quê hương. Năm 1972, ông giữ chức Chủ tịch UBND xã Hải Lâm, kiêm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, đóng góp nhiều công sức cho chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Lâm Trần Viết Hậu kể, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng từ ngày 1/5/1972 trong tiến trình hướng đến độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trên thực tế đến trước tháng 3/1975 vẫn còn hơn 15% diện tích đất ở phía Nam do chế độ miền Nam cũ tái chiếm, nắm giữ, trong đó có phần đất huyện Hải Lăng.
Vì vậy, trung ương quyết tâm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị càng sớm càng tốt. Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Trị Thiên-Huế để lãnh đạo, chỉ đạo tình hình cách mạng khu vực phía Nam tỉnh. Từ tháng 1 đến tháng 2/1975, quân dân xã Hải Lâm cũng như quân dân huyện Hải Lăng và các lực chính quy đã tổ chức nhiều trận đánh lớn nhỏ, thu hẹp dần sự kiểm soát của địch.
Thời cơ chín muồi, Đảng ủy mặt trận Trị Thiên - Huế xác định đánh vào Chi khu quân sự Mai Lĩnh là trọng điểm. Bắt đầu từ ngày 9/3/1975, quân ta mở màn nổ súng tấn công tiêu diệt Chi khu quân sự Mai Lĩnh của địch. Trước sự tấn công bất ngờ, mạnh mẽ, quân đội chính quyền miền Nam cũ rút bỏ khỏi 21 chốt ở phía Tây huyện Hải Lăng.
Đến chiều 19/3/1975, toàn bộ quân địch rút chạy khỏi Hải Lăng. Niềm vui chiến thắng vỡ òa, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, xã Hải Lâm cũng như huyện Hải Lăng được giải phóng, mảnh đất Quảng Trị sạch bóng quân địch, làm bàn đạp tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, thống nhất non sông về một mối.
49 năm sau ngày đất nước thống nhất, huyện Hải Lăng có nhiều thay đổi đáng tự hào. Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, nhiều tên đất tên làng hôm nay gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử quê hương cũng như dân tộc giai đoạn 1954-1975, như các di tích: Dũng sĩ Phường Sắn, ngã ba Long Hưng, Chi khu quân sự Mai Lĩnh, trường học mang tên người anh hùng Trần Thị Tâm.
Toàn huyện có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Cán bộ và Nhân dân Hải Lăng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ; 20 tập thể và 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; huyện có hơn 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 6 mẹ còn sống; 3.313 liệt sĩ...
Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2024 đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của huyện cuối năm 2023 đạt 66,3 triệu đồng, hơn 18 lần năm 1990.
Khắc họa bước đường phát triển của địa phương, ông Dương Viết Hải cho biết Hải Lăng đã có nghị quyết phát triển KT-XH rất phù hợp, đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Huyện hình thành 3 vùng kinh tế. Cụ thể về phía Tây phát triển mạnh trồng rừng, cây cam và chăn nuôi; vùng ven biển phát triển mô hình trồng ném trên đất cát trắng và xây dựng nhà máy cấp đông ném phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt Hải Lăng là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, có tổng diện tích mỗi vụ hơn 6.800 ha, nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa của Hải Lăng luôn cao nhất tỉnh, trung bình của năm 2023 đạt hơn 64 tạ/ha.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Hải Lăng có 6 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Để thu hút đầu tư, huyện tích cực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ công để tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đến với địa phương.
Tại khu công nghiệp Quảng Trị, thời gian này nhà đầu tư đang tiến hành hoàn thiện thủ tục san mặt bằng thi công xây dựng cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư thứ cấp đến thuê xây dựng nhà máy, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Xa xa về phía biển, trên công trường khu bến cảng Mỹ Thủy đang rộn ràng tiếng máy thi công san lấp mặt bằng để làm hạng mục kè biển và cảng.
“Hơn một tháng qua trên công trường khu bến cảng luôn nhộn nhịp hoạt động xây dựng. Hình ảnh về khu bến cảng Mỹ Thủy sôi động đón tàu lớn vào bốc dỡ hàng hóa xuất đi các nước không còn xa nữa. Hải Lăng đang phát huy truyền thống cách mạng quý báu, năng động phát triển để luôn xứng đáng là vùng đất đi đầu trong quá trình đổi mới của quê hương, đất nước”, ông Hải chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)