Màu xanh Hải Thái

Đào Tâm Thanh |

Hải Thái là xã thuộc vùng đồi trung du nằm về phía Tây của huyện Gio Linh (Quarng Trị), nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ở mảnh đất rất mực hiền hòa này lại có một quá khứ bi tráng và hào hùng khi trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi đặt cứ điểm quân sự quan trọng của địch và cũng là nơi ghi nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta. Cùng với căn cứ Dốc Miếu trong tuyến hàng rào điện tử Mắc Namara, căn cứ Cồn Tiên được xây dựng để thực hiện mưu đồ khống chế cả một vùng rộng lớn khu giới tuyến với dày đặc bom mìn, hầm hào, phương tiện chiến tranh cùng lực lượng lớn binh lính tinh nhuệ của Mỹ và tay sai. Lịch sử hình thành xã Hải Thái lại từ cuộc di dân nơi đồng bằng lên khai phá vùng đất mới gần nửa thế kỷ trước. Bao nhiêu máu xương, mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống để hôm nay, xã Hải Thái đã bước những bước tự tin đi đến ấm no, giàu mạnh...

Khát vọng thái hòa

Người xưa truyền khẩu rằng, trên điểm cao 158 phía Tây huyện Gio Linh có một phiến đá to cao 3 m, dài 4 m, rộng 2 m, mặt đá bằng phẳng có hình như ô bàn cờ. Tương truyền cứ vào buổi chiều khi mặt trời khuất núi, bảy cô tiên với trang phục trắng muốt từ trên trời bay xuống hạ giới chơi cờ, tắm suối. Do vậy, người dân địa phương đặt tên là động Cồn Tiên.

Những hình ảnh lãng mạn từ huyền tích gợi sự yên bình đã không còn được nhắc đến từ khi căn cứ Cồn Tiên nằm trong hệ thống phòng thủ Bắc Quảng Trị của Mỹ -ngụy ra đời vào năm 1967. Căn cứ Cồn Tiên là mắt xích quan trọng của tuyến hàng rào điện tử Mắc Namara, nơi đã từng diễn ra những cuộc đọ sức quyết liệt giữa Mỹ- ngụy với quân và dân ta. Ngày nay, căn cứ Cồn Tiên- Dốc Miếu là một trong những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của tỉnh Quảng Trị.

Ruộng lúa trĩu hạt bên rừng trồng và rừng cây cao su xanh tốt ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T
Ruộng lúa trĩu hạt bên rừng trồng và rừng cây cao su xanh tốt ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T


Biên niên sử có ghi lại, vào ngày 19/3/1975, Hải Lăng, huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh kết thúc, Nhân dân Quảng Trị phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề, đất đai hoang hóa, bom đạn dày đặc.

Đứng trước tình hình đầy khó khăn và thử thách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 136-NQ/TU ngày 23/8/1975 về việc điều chỉnh dân cư đi xây dựng vùng kinh tế mới trong tỉnh nhằm phân bổ lại dân số và lực lượng lao động trên các vùng, miền, giải quyết tình trạng mất cân đối giữa dân số và ruộng đất, khai thác thế mạnh của các vùng, miền trên địa bàn tỉnh, từng bước phát triển kinh tế.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 20/9/1975, người dân của 4 xã: Hải Quy, Hải Trí, Hải Trường, Hải Thọ của huyện Hải Lăng lên đường ra huyện Gio Linh lập nghiệp. Đến ngày 22/9/1975, chuyến xe tải cuối cùng của huyện Hải Lăng chở người dân ra Gio Linh dừng lại trên một ngọn đồi bạt ngàn cỏ dại, lau lách, còn nồng mùi thuốc súng.

Từ đây, người dân nơi đất lúa Hải Lăng đoàn tụ cùng nhau hình thành nên xã Hải Thái. Họ “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” như một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. “Hải” từ trong địa danh Hải Lăng là quê gốc, “Thái” trong khát vọng thái bình, hòa hợp, thịnh vượng. Hải và Thái, cả hai là chỗ dựa của nhau, bình an vận động, làm nên miền quê trung du khởi sắc hôm nay.

Là con đẻ của quê hương Hải Lăng, người dân xã Hải Thái luôn mang trong mình đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; đồng thời Gio Linh là quê hương thứ hai đã trao truyền cho người dân Hải Thái tinh thần anh dũng, quật cường, không lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương. Từ truyền thống tốt đẹp của hai miền quê Hải Lăng và Gio Linh đã hun đúc cho người dân Hải Thái niềm tin mãnh liệt vào con đường đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...

Các bậc cao niên kể lại, hồi mới lập xã, toàn xã có 803 hộ, 4.230 khẩu, trong đó có 1.620 lao động chính. Bước ra từ cuộc chiến tàn khốc, người dân Hải Thái cũng như bao người dân Quảng Trị thời hậu chiến, gia tài không có gì, chỉ có hai bàn tay trắng. Người dân phải cật lực khai hoang trên mảnh đất đầy rẫy bom đạn để trồng lúa, trồng khoai, sắn cứu đói; san lấp hố bom, hố pháo để dựng nhà, lập vườn. Hồi đó, đường đi lối lại, bát cơm, manh áo còn khó khăn lắm.

Trên con đường làng vắt qua đồi núi chỉ vừa vặn bàn chân người đi, chệch ra bên ngoài một chút, không khéo mìn, lựu đạn còn sót lại sẽ phát nổ. Chỉ với cái cuốc và cây thuốn sắt trên tay, người dân Hải Thái dò tìm vật nổ còn sót lại, vô hiệu hóa sự đe dọa của bom đạn trước khi bổ nhát cuốc xuống đất.

Một nhát cuốc bổ xuống đất nơi đây là một sự lựa chọn sinh tử. Con số thống kê cho thấy, chỉ trong vòng ba tháng (10 -12/1976), người dân Hải Thái đã rà phá, tháo gỡ được gần 9 tấn bom, mìn, đạn pháo; khai hoang trên 170 ha đất, trong đó trồng khoai, sắn 100 ha, trồng lúa đồi gần 70 ha. Để màu xanh dần khỏa lấp vùng đất đồi trơ trọi vì bom đạn và thời tiết khắc nghiệt, xã đã thành lập 1 vườn ươm, ươm 1.000 cây giống mỗi vụ gồm mít, tre, bạch đàn; 7 tập đoàn sản xuất đều có vườn ươm, chủ động nguồn cây giống cho người trồng rừng.

Điều cảm động là đất đai càng phủ thêm nhiều màu xanh, thì cũng có nhiều con dân Hải Thái ngã xuống hoặc bị thương tích vì bom đạn còn sót lại. Để đất đai hồi sinh và tạo dựng, khởi nghiệp từ đất ở Hải Thái, bao người dân lành đã phải trả một cái giá đắt nhất bằng máu!

Có hai sự kiện lớn của địa phương đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã Hải Thái. Vào ngày 19/3/1979, Trường THPT Cồn Tiên được thành lập theo Quyết định số 304/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Trị Thiên, đặt nền móng cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng Tây Gio Linh. Ngày 1/6/1985, xã Hải Thái sáp nhập vào Nông trường quốc doanh Cồn Tiên.

Trong cả giai đoạn từ 1986- 1992, người dân Hải Thái khoác màu áo công nhân, làm lụng trên chính đất đai quê hương mình với phong cách hoàn toàn mới mẻ, tiến bộ. Sau khi huyện Gio Linh tái lập gần 2 năm, tháng 3/1992, 6 xã vùng Tây được đưa về lại huyện quản lý. Từ đây, xã Hải Thái trở về với tên gọi cũ, đón nhận nhiều thuận lợi mới để tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương...

Đường lên no ấm

Tiếp xúc nhiều với người dân Hải Thái, có một phẩm tính mà tôi luôn cảm kích, đó là họ không một lần cho ai thấy mình mệt mỏi, thiếu niềm tin, kể cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Từ khi đôi chân trần bám trên những tuyến đường phủ bầm bụi đỏ, ngổn ngang bom đạn, một mét bê tông cũng không có trong làng, nói chi đường ra ngoài đồng ruộng, cho đến khi quê hương bừng sáng bên tuyến đường Hồ Chí Minh dài rộng, đường đi trăm ngả thuận lợi gấp trăm lần trước, người Hải Thái vẫn giữ nét đằm đẹ, tự tin, cần mẫn làm ăn, vén khéo để vươn lên làm chủ đời mình.

Ngôi nhà có sân vườn bài trí những vỏ bom còn sót lại sau chiến tranh ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T
Ngôi nhà có sân vườn bài trí những vỏ bom còn sót lại sau chiến tranh ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh -Ảnh: Đ.T


Với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc từ Tây sang Đông, tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.500 ha, nhưng xã Hải Thái lại có diện tích đất nông nghiệp đưa vào sản xuất 2.304 ha, chiếm đến 91%. Từ sau khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả, nhất là phát triển được nhiều mô hình trồng trọt gắn với bao tiêu sản phẩm; chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu quả cao; cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch phát triển mạnh.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống của Nhân dân. Có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới đang từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao; hệ thống chính trị từ xã đến thôn được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân xã Hải Thái được nâng lên.

Bây giờ đến Hải Thái, màu xanh của rừng trồng, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả trong vườn nhà, vườn đồi đã bao phủ đất đồi cằn cỗi. Nhiều mô hình chăn nuôi bò theo hướng trang trại, mô hình trồng bưởi da xanh, trồng cam Vinh, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isael; mô hình trồng cây ba kích, cây hương bài sản xuất hương nhang... đã ra đời.

Có một điểm nổi bật, thu nhập chủ yếu của người dân trên địa bàn xã là cây cao su với diện tích đưa vào khai thác trên 793 ha, năng suất bình quân ước đạt 125 tạ/ha/ năm (quy khô), sản lượng gần 9.000 tấn. Cây hồ tiêu đưa vào khai thác trên 18 ha, năng suất đạt gần 15 tạ/ha, sản lượng trên 27 tấn. Diện tích rừng cũng được mở rộng trên 600 ha. Các sản phẩm chủ lực của xã cơ bản được các nhà máy, các cơ sở hợp đồng thu mua tại địa phương gồm các nhà máy dăm thu mua gỗ rừng trồng, xưởng chế biến lâm sản từ gỗ và nhiều cơ sở thu mua mủ cao su. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, vào cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 45 triệu đồng.

Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang làm thay đổi tận gốc rễ cơ chế hoạt động của nền kinh tế và sự vận động xã hội. Là địa phương thuộc miền trung du nhưng xã Hải Thái cũng đã có sự chuyển đổi rất rõ nét. Tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có internet kết nối đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân; tỉ lệ hộ dân sử dụng máy tính, điện thoại có kết nối internet đạt 85%.

Cơ quan xã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, 100% cán bộ, công chức xã được bố trí máy tính để làm việc, xã sử dụng các phần mềm và chữ ký số, sử dụng các phần mềm ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử, một cửa điện tử được triển khai, góp phần rất lớn trong công tác cải cách hành chính, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp...

...Đêm, đi thăm nhà bạn từ Hải Thái trở về, xe đưa tôi trôi giữa vườn cao su bạt ngàn, yên ả. Thấp thoáng bóng người trên lô cần mẫn hứng từng giọt “vàng trắng” ứa ra từ những thân cây cao su vạm vỡ. Không gian yên tĩnh quá, “yên tĩnh, mình chỉ thấy được trong mơ” như thi sĩ Nga Alexander Blok từng viết.

Để có những năm tháng thanh bình đến mức cảm nhận được cả những phút giây yên tĩnh trên mảnh đất một thời được biết đến là “tọa độ lửa”, “đồi máu”, “đồi thịt băm” bời bời bom đạn, người và đất nơi miền Tây Gio Linh đã đi suốt một chặng đường gian khổ, hy sinh, cùng quê hương, đất nước chiến đấu quật cường cho đến ngày Bắc- Nam thống nhất.

Một đồng nghiệp của tôi quê Cam Lộ có kể rằng, vẫn thường hay đưa đón bạn bè là khách các nơi đi đi về về trên cung đường qua xã Hải Thái, không lần nào nhìn những hàng cao su vun vút bên đường lại không dâng lên niềm cảm khái với hai chữ “hòa bình”. Nó cụ thể và gụi gần, hiển nhiên và thuyết phục bằng bữa cơm thơm dẻo mỗi ngày, bằng ngôi nhà khang trang đang xây, bằng màu xanh mênh mông và hàng hàng cao su bát ngát đang đứng với đội hình như người lính...

Và bạn buông một câu khiến tôi bâng khuâng: “Ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cạnh những vườn cao su đó, mộ của những người lính cũng đứng với một đội hình như thế”...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân

Lê An |

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được gần 26.000 ha lúa. Nhờ thời tiết ấm hơn mọi năm nên cây lúa phát triển thuận lợi và rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5 - 7 ngày. Thời điểm này nông dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật thu hoạch lúa với niềm vui được mùa, được giá.

Phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên còn nhiều vướng mắc

Tây Long |

Nhận thấy những tín hiệu khả quan, thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã và đang bắt tay trồng, phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên. Tuy nhiên, nỗ lực ấy đang bị trì níu bởi những khó khăn, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Võ Thái Hòa |

Để bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái, tạo sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe con người, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang chuyển dần sang sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ. 

Vĩnh Linh mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Thanh Trúc |

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giá trị sản phẩm lúa hàng hóa, từ năm 2017, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã khuyến khích, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông qua việc liên kết chuỗi với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ khâu giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm.