Phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên còn nhiều vướng mắc

Tây Long |

Nhận thấy những tín hiệu khả quan, thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã và đang bắt tay trồng, phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên. Tuy nhiên, nỗ lực ấy đang bị trì níu bởi những khó khăn, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.


Phát triển chưa như mong đợi

Cuối tháng 2/2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT có chuyến kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế ở 4 huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trong chuyến công tác, đoàn tập trung tìm hiểu khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.

Từ đây, những vấn đề nảy sinh đã được nhìn nhận khá cụ thể, thấu đáo. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã mời doanh nghiệp liên quan và đại diện các huyện, cơ quan chuyên môn thảo luận, tìm giải pháp để nhân rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.

Nông dân huyện Triệu Phong giới thiệu về quá trình sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên -Ảnh: T.L
Nông dân huyện Triệu Phong giới thiệu về quá trình sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên -Ảnh: T.L

Hoạt động kể trên nằm trong nhiều nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.

Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu kể trên gặp khá nhiều thách thức. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.149 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm. Trong đó, diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đạt 351,7 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Triệu Phong và Hải Lăng.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm trên địa bàn đạt 865,65 ha. Trong đó, có 167,55 ha tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (đã được chứng nhận) và canh tác tự nhiên. Diện tích lúa người dân mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 502,2 ha.

Dù chưa cao nhưng kết quả trên có được từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Để phát triển lúa hữu cơ, một số địa phương đã ban hành các nghị quyết, đề án cụ thể. Trong các nghị quyết, những chính sách đặc thù được quy định rõ nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên. Một số địa phương đã quy hoạch vùng trồng lúa sạch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Còn nhiều thách thức

So với trước đây, nhận thức của doanh nghiệp, người dân về tầm quan trọng của việc trồng lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên ngày càng cao. Bà con hiểu việc sản xuất theo phương thức này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là vì một số lý do, một bộ phận người dân vẫn lựa chọn trồng lúa theo phương thức truyền thống vì cho rằng sản xuất lúa hữu cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, nông dân gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất.

Cũng theo bà con, việc sản xuất lúa hữu cơ các vụ đầu thường có năng suất thấp hơn so với sản xuất truyền thống. Trong khi đó, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, người dân chỉ được hỗ trợ 2 vụ. Tại một số địa phương, tuy đã có nghị quyết, đề án phát triển lúa hữu cơ nhưng việc triển khai, thực hiện vẫn chưa thực sự được quan tâm. Công tác đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình còn mang tính hình thức. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể có phần hạn chế, chủ yếu giao phó cho hợp tác xã.

Tại các địa phương, cơ sở hạ tầng đáp ứng việc phát triển diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên vẫn chưa đảm bảo, đặc biệt là về hệ thống thủy lợi và đường giao thông nội đồng. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên còn manh mún, chưa được dồn ghép, tích tụ. Độ cao mặt ruộng không đồng đều, chưa được san gạt. Đây là lý do khiến người dân gặp khó trong việc trồng trọt, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chi phí đầu vào và sản xuất từ đây cũng tăng lên.

Theo ghi nhận, giá lúa tươi doanh nghiệp thu mua của người dân sản xuất theo phương thức hữu cơ, canh tác tự nhiên hiện nay khoảng 13 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã chưa chặt chẽ, thiếu sự linh hoạt nên dễ bị phá vỡ. Mặt khác, năng lực liên kết của phần lớn doanh nghiệp còn hạn chế. Việc cung cấp gói dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa hữu cơ tuy đồng bộ, hiệu quả nhưng chi phí còn cao.

Cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề ra kế hoạch phát triển diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trong thời gian tới. Theo đó, năm 2024, toàn tỉnh nỗ lực mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên 1.500 ha, trong đó phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đạt trên 500 ha. Năm 2025, nỗ lực mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên 2.500 ha, trong đó phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đạt trên 1.000 ha.

Để đạt kết quả trên, trước mắt, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nhân rộng sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng là tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức các hội nghị, hội thảo, đánh giá nhân rộng mô hình; mời gọi doanh nghiệp, xúc tiến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ...

Việc phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức khảo nghiệm, sản xuất thử để lựa chọn các giống lúa mới, ngắn ngày, chất lượng, phù hợp để sản xuất lúa hữu cơ, đảm bảo thị trường, thời vụ sản xuất... cũng rất cần thiết. Các cấp, ngành liên quan cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên gắn với chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, gắn mã số vùng trồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển lúa hữu cơ cho phù hợp với thực tế sản xuất.

Để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, cần lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn từ các nghị quyết; chính sách đặc thù của huyện, thị xã, thành phố; vốn doanh nghiệp, người dân... Cùng với đó, sở cần phối hợp với các địa phương rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất lúa hữu cơ thuận lợi về hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng.

Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mới là phương án để gỡ khó trước mắt. Về lâu dài, việc phát triển diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên cần sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, đầy trách nhiệm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Làng cổ Đường Lâm thu hút khách quốc tế

Đinh Thuận |

Trải nghiệm nông nghiệp một ngày làm nông dân là một trong các sản phẩm du lịch đang thu hút nhiều khách quốc tế tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Nông dân làm giàu từ trang trại tổng hợp

Nguyễn Trang |

Với sự kiên trì, tích cực học hỏi để chuyển đổi sản xuất theo hướng liên kết, tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều nông dân đã lập nghiệp thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Có thể kể đến như anh Lê Phước Tuấn (sinh năm 1981), ở khu phố Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá hiện đang là chủ trang trại tổng hợp gần 10 ha đa cây, đa con mang lại thu nhập cao.

Nông dân xã Vĩnh Thủy nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp

Hoài Nhung |

Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu là mục tiêu quan trọng mà nông dân xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) hướng tới và quyết tâm thực hiện hiệu quả. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình nông nghiệp mới, có quy mô lớn được hình thành và phát triển ở xã Vĩnh Thủy, tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng cao, khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn sử dụng, mang đến nguồn thu nhập cao cho người dân.

Quảng Trị: Nông dân phấn khởi vì giá sắn tăng cao

Hiếu Giang |

Hiện đang là thời kỳ cuối vụ thu hoạch sắn tại các địa phương miền núi của tỉnh. Năm nay, giá sắn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Đây là giá sắn cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khiến nông dân rất vui mừng vì có thu nhập cao để chuẩn bị đón tết Nguyên đán sắp tới, nhất là các địa bàn vùng khó như Hướng Hóa, Đakrông.