Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu là mục tiêu quan trọng mà nông dân xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) hướng tới và quyết tâm thực hiện hiệu quả. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình nông nghiệp mới, có quy mô lớn được hình thành và phát triển ở xã Vĩnh Thủy, tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng cao, khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn sử dụng, mang đến nguồn thu nhập cao cho người dân.
Có dịp tham quan nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu của người dân xã Vĩnh Thủy, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm nổi bật, ấn tượng về tinh thần và khát vọng đánh thức tiềm năng, lợi thế của quê hương, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương và nhân rộng ra cho nhiều nông dân khác làm theo; giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Tấm gương điển hình mà nhiều người dân xã Vĩnh Thủy nhắc đến trong thời gian qua đó là anh Phan Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Bắc Hiền Lương. Vào năm 2021, anh bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng rừng sang trồng tràm gió và tràm năm gân lấy tinh dầu.Khi những cây tràm gió, tràm năm gân đang trên đà phát triển tốt, anh tiếp tục xây dựng cơ sở chưng cất tinh dầu tràm với quy mô nhà xưởng 200 m2, 1 máy chưng cất tinh dầu dung tích 1.000 lít, với công suất 10 tấn nguyên liệu/ ngày.
Tổng vốn đầu tư ban đầu cho mô hình này khoảng 8 tỉ đồng. Hiện nay, mô hình trồng nguyên liệu tràm gió và tràm năm gân lấy tinh dầu của anh Vũ có tổng diện tích 140 ha, trong đó, đưa vào khai thác 50 ha; thời gian khai thác từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm; doanh thu ước đạt 100 triệu đồng/ha/năm; giải quyết việc làm cho 10 lao động kỹ thuật và nhiều lao động thời vụ. Anh Vũ cho biết, hiện nay, sản phẩm tinh dầu được đánh giá đạt chất lượng cao, đa dạng mẫu mã để đáp ứng tốt nhu cầu người sử dụng, đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn...
Thời gian tới, anh Vũ dự định đầu tư thêm máy móc hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ để tạo nên nhiều sản phẩm tinh dầu đạt chất lượng cao hơn; hướng dẫn và hỗ trợ cho nông dân địa phương thực hiện mô hình này; đồng thời hoàn thiện các thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm tinh dầu Bắc Hiền Lương đạt chứng nhận OCOP.
Trên địa bàn xã Vĩnh Thủy còn có nhiều tấm gương nông dân gương mẫu, tiên phong trong việc xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Điển hình như mô hình nuôi gà liên doanh liên kết với Công ty 3FHuế nuôi gà thương phẩm gà lai chọi của chị Tạ Thị Ái Vân; mô hình nuôi cá nước ngọt “sông trong ao” của ông Trần Công Thạo...
Nhiều nông dân khác cũng đang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế mới như nuôi ốc bươu đen, nuôi ong, trồng chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan... rất có triển vọng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã Vĩnh Thủy đã được đưa ra thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn như: thanh long ruột đỏ của HTX Nông sản Tân Thủy được chứng nhận OCOP, hiện diện tích có 12,5 ha; sản phẩm hương của HTX Hương Thảo Mộc được chứng nhận đạt OCOP, hằng năm sản xuất hương bó và hộp hơn 20.000 sản phẩm, 3.000 sản phẩm hương nụ, doanh thu ước đạt 800 triệu đồng.
Tiếp tục duy trì các mô hình nông nghiệp theo chuỗi liên kết và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng sản xuất thông minh, công nghệ sinh học, đưa các bộ giống cây trồng, con nuôi có chất lượng và năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Đã hình thành một số mô hình sản xuất chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt kết quả cao như mô hình sản xuất các loại lúa giống mới ở 4 HTX với diện tích 30 ha; mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở Thủy Ba Hạ với diện tích 120 ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ và liên kết theo chuỗi giá trị với một số doanh nghiệp lớn với diện tích 190,9 ha; ứng dụng máy sạ cụm ở HTX Thủy Ba Tây...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy Lê Tuấn Anh cho biết, Hội Nông dân xã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm và giá trị kinh tế; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm, xây dựng và quảng bá sản phẩm nông sản... nhằm phát triển nông nghiệp của xã theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững.
Hằng năm, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt hơn 1.400 ha, trong đó diện tích cây lúa khoảng 1.123 ha. Các loại cây trồng hằng năm mang lại hiệu quả kinh tế cao, cụ thể như phát triển cây sắn với diện tích 260 ha, năng suất ước đạt 30 tấn/ha, sản lượng 7.800 tấn; cây lạc có diện tích 8,3 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng 24,9 tấn; cây ngô có diện tích 10,7 ha, năng suất đạt 80 tạ/ ha, sản lượng 85,6 tấn. Các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, cam, thanh long ruột đỏ... được quan tâm đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Toàn xã có tổng diện tích cây ăn quả 59,3 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 48 ha, doanh thu ước đạt 6,7 tỉ đồng. Chăn nuôi được quan tâm đầu tư phát triển có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Thế mạnh về trồng cây cao su tiếp tục được phát huy, với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó, diện tích khai thác 980 ha, sản lượng mủ ước đạt 4.945 tấn. Tổng diện tích cây lâm nghiệp khoảng 1.586 ha; trong năm 2023, tiếp tục chăm sóc và khai thác 150 ha rừng trồng luân kỳ, khối lượng ước đạt 15.000 tấn gỗ; trồng mới 150 ha rừng tập trung trên diện tích đã khai thác; duy trì diện tích trồng rừng FSC khoảng 120 ha.
Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp ra đời và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện có khoảng 230 mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Số hội viên nông dân được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng nhiều. Hiện có 5 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, 15 hộ đạt cấp tỉnh, 75 hộ đạt cấp huyện, 470 hộ đạt cấp xã.
Từ sự năng động, sáng tạo và quyết tâm lớn của nông dân đã mang đến những “làn gió mới” cho nền nông nghiệp Vĩnh Thủy phát triển vững chắc và hướng tới những thành quả ấn tượng hơn nữa trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)