Trong giai đoạn năm 2020 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 21 mô hình nông nghiệp và PTNT tiêu biểu, góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất; giúp ngành nông nghiệp và PTNT ổn định và có bước tăng trưởng đáng ghi nhận.
Những năm qua, các mô hình nông nghiệp và PTNT tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng trên các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ; liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối, chanh leo, hồ tiêu hữu cơ, cà phê, dược liệu; chuyển đổi trồng dưa hấu trên đất trồng lúa thiếu nước vụ hè thu; sản xuất mướp đắng theo phương pháp canh tác tự nhiên vụ thu đông; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất; sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.
Chăn nuôi công nghệ cao; chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; chương trình cải tạo đàn bò; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình nhiều giai đoạn theo hướng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ tời thủy lực cải tiến thu lưới rê tầng đáy; ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ...; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; xây dựng vườn ươm cải tiến ươm giống keo nuôi cấy mô; chuyển hóa rừng keo lai từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn...
Hiệu quả, tính lan tỏa của các mô hình tiêu biểu đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và PTNT đạt hơn 9.000 tỉ đồng; sản lượng lương thực đạt trên 30 vạn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 59.000 tấn; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 1 triệu m3 /năm. Có 115 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 15 chuỗi thực phẩm an toàn.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và PTNT đã đề ra định hướng và kế hoạch nhân rộng các mô hình tiêu biểu giai đoạn năm 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa hữu cơ canh tác tự nhiên đạt trên 1.000 ha, định hướng đến năm 2030 có trên 3.000 ha. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đến năm 2025 đạt trên 50 ha, năm 2030 đạt trên 200 ha. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh leo, dự kiến đến năm 2025 mở rộng trên 120 ha, đến năm 2030 đạt khoảng 500 ha.
Quy hoạch và ổn định diện tích trồng cam tại những vùng phù hợp. Tiếp tục phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu hữu cơ, đến năm 2025 có trên 150 ha, năm 2030 có trên 200 ha. Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê đặc sản đến năm 2025 đạt trên 200 ha và năm 2030 đạt trên 300 ha. Khuyến khích phát triển các mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, ngô sinh khối, đậu xanh, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 300 ha và năm 2030 đạt trên 500 ha.
Nghiên cứu, đánh giá các giống sắn mới nhằm lựa chọn bộ giống phù hợp, thích ứng với điều kiện canh tác trên địa bàn tỉnh, từng bước thay thế dần các giống sắn cũ bị suy thoái, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 2.500 ha sắn được thay thế bằng giống sắn mới. Tập trung nhân rộng các mô hình cây vụ thu đông và vụ đông như mô hình trồng ném, mướp đắng trên đất cát ven biển theo phương pháp thâm canh tự nhiên, phấn đấu đến năm 2025 phát triển trên 2.000 ha. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất như thiết bị bay không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chế phẩm chăm sóc các loại cây trồng.
Chú trọng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, công nghệ cao; hỗ trợ, nhân rộng các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học, VietGAP tại những vùng, địa phương đảm bảo điều kiện và phù hợp; vận động các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên cơ sở hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn, gia cầm, bò BBB...
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các dự án nuôi tôm công nghệ cao; ưu tiên bố trí quỹ đất và hỗ trợ các nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao để nhân rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao. Hỗ trợ hình thành 4 - 5 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, cây bản địa để phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển rừng nguyên liệu chất lượng cao, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên.
Tại hội nghị đánh giá mô hình nông nghiệp và PTNT tiêu biểu giai đoạn năm 2020 - 2023 và định hướng nhân rộng trong thời gian tới do UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, để nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, chuyển giao các mô hình tiêu biểu đã chứng minh hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp để nhân rộng.
Tăng cường đồng hành, hỗ trợ người dân duy trì và phát triển các mô hình tiêu biểu. Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, ưu tiên hình thành vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đối với chăn nuôi gia súc kết hợp trồng trọt...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)