Tìm hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường

Mai Lâm |

Dù mới đi vào hoạt động nhưng nhờ biết cách liên kết, hợp tác với đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và lựa chọn dòng sản phẩm riêng, các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị), đã sản xuất được một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, bước đầu được thị trường đón nhận.


Được thành lập năm 2022, HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn hiện có 10 thành viên (8 nữ, 2 nam). Sản phẩm chủ yếu của HTX là bột sắn (khoai mì), bột đậu xanh, một số loại trà gừng cam sả, trinh nữ hoàng cung và trà làm từ rễ cây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số dành cho phụ nữ sau sinh.

Những ngày này, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn bận rộn với công việc sơ chế, đóng gói các sản phẩm trà thành phẩm để chuẩn bị tham gia những hội chợ thương mại ở các tỉnh, thành trong nước dịp cuối năm. Dù mới đi vào hoạt động hơn 1,5 năm nhưng sản phẩm của HTX ngoài được tiêu dùng chính trong tỉnh đã có mặt ở một số thị trường các tỉnh phía Nam.

Thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn xay xát nông sản để chế biến trà - Ảnh: M.L
Thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn xay xát nông sản để chế biến trà - Ảnh: M.L

Theo chị Trần Thị Nhung, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, địa bàn xã Mò Ó và một số vùng lân cận như Ba Lòng, Triệu Nguyên... có vùng đất trồng các loại cây hoa màu rất tốt. Nhờ chất đất và khí hậu nên chất lượng các loại nông sản ở đây mang hương vị, chất lượng rất đặc trưng, ít nơi nào có được.

Tuy nhiên, sản phẩm nông sản ở đây thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, giá cả bấp bênh, phụ thuộc thương lái nên thu nhập của người dân rất thấp. Trong khi đó, những loại nông sản như các loại đậu, gừng, củ sắn... chỉ qua một số công đoạn sơ chế đơn giản là đã có thể tạo thành những sản phẩm mang tính đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

Từ củ lạc nhưng nếu được sơ chế, sấy, đóng gói là giá bán đã cao gấp nhiều lần so với củ lạc nguyên liệu thông thường, chị Nhung nghĩ đến địa phương có giống sắn nếp truyền thống (không phải sắn KM94 chỉ để làm nguyên liệu sản xuất tinh bột sắn).

Trước đây, củ sắn nếp thường được người dân quê chị luộc, hấp ăn thay cơm để chóng đói. Bây giờ sắn nếp không còn là cây lương thực chính nhưng cũng là món quà quê dân dã được nhiều người ưa thích.

Tuy nhiên, củ sắn tươi thì chỉ có thể ăn theo mùa chứ không phải khi nào cũng sẵn. Để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, đến mùa thu hoạch sắn nếp, người dân nhổ sắn mang củ về lột vỏ, rửa sạch, xắt lát phơi, sấy khô sau đó xay thành bột chế biến món chè và các loại bánh truyền thống. “Bột sắn nếp (khoai mì) rất ngon bởi có mùi thơm đặc trưng tự nhiên của dòng sắn này.

Tôi đóng gói, giới thiệu sản phẩm cho người quen dùng thử và nhận được những phản hồi tích cực. Sau khi HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn ra đời, tôi mạnh dạn đưa vào sản xuất và bây giờ bột khoai mì trở thành một trong những sản phẩm chính mang nét riêng của HTX được người tiêu dùng đón nhận”, chị Nhung bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao, từ nhỏ Nhung đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông. Vùng đất này có nhiều loại thảo dược tự nhiên, trong đó có các loại rễ cây rừng dùng cho phụ nữ sau sinh với tác dụng bổ máu, thông kinh lạc, bồi bổ sức khỏe được người dân địa phương sử dụng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cũng từ việc phát triển thị trường cho một số sản phẩm nông sản trên, chị Nhung bắt đầu nghĩ đến việc phát triển các loại trà, nhất là trà từ các loại rễ cây rừng, bài thuốc cho phụ nữ sau sinh mà chị và các thế hệ phụ nữ trong gia đình và bản làng đã sử dụng.

Chị Nhung chia sẻ: “Tôi quá quen thuộc với các loại cây thuốc lá, rễ cây rừng của đồng bào, có những loại cây rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Sau này, làm việc với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hùng Anh được tham gia các hội chợ nông nghiệp, nông thôn, tôi thấy nhiều loại lá, rễ cây rừng bản địa được phát triển thành những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng riêng nên ấp ủ ý tưởng sản xuất những sản phẩm thảo dược từ vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của quê hương ra thị trường bên ngoài”.

Ý tưởng này của chị Nhung nhận được sự hỗ trợ tích cực từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh, một đơn vị có máy móc, trang thiết bị tiên tiến và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các loại trà thảo dược trên địa bàn huyện Đakrông.

Ngoài được sử dụng máy móc, trang thiết bị để sơ chế, đóng gói sản phẩm, HTX này còn hỗ trợ các thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn phát triển thị trường với mong muốn cùng nhau xây dựng một quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng để đưa sản phẩm nông sản, cây dược liệu, những bài thuốc truyền thống ở vùng rừng núi Đakrông vươn ra thị trường, từ đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.

Theo chị Nhung, hiện HTX đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đăng ký nhãn mác, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay HTX vẫn còn nhiều khó khăn do mới thành lập, nguồn vốn ít, chưa đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc nên rất mong muốn được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đồng hành, tạo điều kiện để được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Biến diện tích đất bạc màu thành vùng trồng dược liệu hữu cơ

Anh Vũ |

Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn.

Cam Lộ nhân rộng vùng cây dược liệu

Nam Phương |

Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Vì thế, cây dược liệu đang trở thành cây trồng chủ lực mở ra nghề trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu, nâng cao giá trị kinh tế.

Huyện Đakrông chú trọng phát triển cây dược liệu

Minh Long |

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương phát triển diện tích cây dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường ngành dược. Nhờ sản xuất cây dược liệu, nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Công ty An Xuân hỗ trợ nông dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu

Anh Vũ |

Nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (thị trấn Cam Lộ) với nông dân Bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) về hợp tác trồng và thu mua cây dược liệu, Công ty đang triển khai hỗ trợ người dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu. Hiện nay những diện tích cây dược liệu đầu tiên đã được bà con xuống giống.