Biến diện tích đất bạc màu thành vùng trồng dược liệu hữu cơ

Anh Vũ |

Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn.

Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp người dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên diện tích đất chua phèn, bạc màu, bỏ hoang vẫn còn nhiều, một số đưa vào sản xuất nhưng rất bấp bênh. Trước thực trạng đó, đầu năm 2022, xã Cam Thủy đã liên kết với HTX Dược liệu Trường Sơn (đóng tại Cụm công nghiệp Cam Thành) để trồng cây tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với diện tích 10 ha.

Tràm năm gân là giống cây có nguồn gốc từ Úc, dùng để sản xuất tinh dầu tràm. Để tạo điều kiện ban đầu cho nông dân, những hộ tham gia mô hình được UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ 50% giống và phân bón; HTX Dược liệu Trường Sơn cho ứng 25% chi phí giống, phân bón và trừ dần qua 4 đợt khi thu hoạch sản phẩm.

Ngoài ra, còn được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Phía HTX cũng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Nếu giá thị trường xuống thấp, HTX vẫn thu mua với giá không thấp hơn 2.000 đồng/kg lá tươi.

Nông dân xã Cam Thủy thu hoạch tràm năm gân -Ảnh: ANH VŨ
Nông dân xã Cam Thủy thu hoạch tràm năm gân -Ảnh: ANH VŨ

Trưởng thôn Cam Vũ 3, xã Cam Thủy Nguyễn Thanh Hòe cho biết, thôn có 13 ha đất bị chua phèn, phần lớn là bỏ hoang, một số hộ dân có trồng sắn nhưng hiệu quả thấp do chưa đến vụ thu hoạch bị ngập úng dài ngày nên sắn thối phải thu hoạch non, lượng tinh bột thấp. Sau khi có chủ trương trồng tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, bà con rất phấn khởi và hăng hái tham gia với diện tích 10 ha.

Trong quá trình xuống giống cũng như chăm sóc, bà con đã áp dụng quy trình kỹ thuật bài bản nên cây tràm năm gân phát triển nhanh, ít sâu bệnh, cho thấy giống cây này phù hợp vùng đất chua phèn, bạc màu, đặc biệt là cả chịu được nắng hạn và cả ngập úng dài ngày. Sau hơn 1 năm xuống giống, những diện tích tràm năm gân trồng trên vùng đất chua phèn, bạc màu ở thôn Cam Vũ bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao.

Có mặt cùng bà con trong ngày thu hoạch cây tràm năm gân, chúng tôi thấy ai cũng vui mừng phấn khởi bởi mặc dù mới lứa đầu tiên nhưng năng suất lên đến 60 tạ/ha, sản phẩm thu đến đâu được HTX Dược liệu Trường Sơn cho xe đến thu mua đến đó với giá 4.000 đồng /kg.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, ở thôn Cam Vũ 1 vừa thu hoạch tràm năm gân vừa phấn khởi cho biết, gia đình ông trồng được 5 sào, trong đợt này thu được khoảng 15 tạ, bán được 6 triệu đồng. Theo tính toán, từ năm thứ 2 trở đi năng suất, sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi mà không cần phải đầu tư thêm nhiều; so với trồng sắn, lợi nhuận cao hơn khoảng 2 lần.

Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ cho biết, trong năm đầu tiên, do cây mới phát triển nên năng suất chưa cao, từ năm thứ hai trở lên mỗi héc ta cho thu hoạch khoảng 120 tạ; người dân chỉ đầu tư công chăm sóc nhưng thời gian thu hoạch kéo dài đến 15 năm.

Hiện nay doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích lên khoảng 50 ha, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các công ty dược lớn.

Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá, liên kết với các công ty dược lớn để xuất khẩu ra thị trường các nước lớn, khó tính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản…

Khi đặt vấn đề trồng cây tràm năm gân với nông dân, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch, tính toán kỹ về tài chính, bao tiêu sản phẩm phù hợp nên người dân không phải lo lắng về đầu ra.

“Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, tuyển dụng thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sang chiết tinh dầu nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”, ông Huệ thông tin thêm.

Hiện tại ở xã Cam Thủy, diện tích đất bạc màu còn bỏ hoang hay trồng những cây giá trị kinh tế thấp lên đến hàng chục héc ta. Vì vậy, cây tràm năm gân đang mở ra hướng đi mới, giúp nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai sẵn có của địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cam Lộ nhân rộng vùng cây dược liệu

Nam Phương |

Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Vì thế, cây dược liệu đang trở thành cây trồng chủ lực mở ra nghề trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu, nâng cao giá trị kinh tế.

Huyện Đakrông chú trọng phát triển cây dược liệu

Minh Long |

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương phát triển diện tích cây dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường ngành dược. Nhờ sản xuất cây dược liệu, nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Công ty An Xuân hỗ trợ nông dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu

Anh Vũ |

Nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (thị trấn Cam Lộ) với nông dân Bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) về hợp tác trồng và thu mua cây dược liệu, Công ty đang triển khai hỗ trợ người dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu. Hiện nay những diện tích cây dược liệu đầu tiên đã được bà con xuống giống.

Xuất khẩu cao dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trúc Phương |

Việc xuất khẩu cao dược liệu sang thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada...để nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo tiền đề để huyện Cam Lộ (Quảng Trị) quy hoạch, mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu, phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.