Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp.
Đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tích cực kêu gọi và triển khai các chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, từng bước chuyển dịch nền nông nghiệp theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng là việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ.
Đến nay, toàn huyện đã có hàng chục mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 1.570 ha. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao hằng năm đạt gần 8.700 ha. Năng suất lúa bình quân năm 2023 đạt 64,1 tạ/ha; sản lượng thóc đạt trên 87.500 tấn. Đặc biệt, đã có trên 170 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP; hơn 300 ha lúa liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch khoảng 1.500 ha đảm bảo các điều kiện thiết yếu để sản xuất lúa hữu cơ.
Đối với các xã vùng gò đồi, các địa phương đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để sản xuất các sản phẩm chủ lực đặc trưng, có hiệu quả kinh tế cao như phát triển trồng cam tập trung tại các xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Sơn... với diện tích hơn 94 ha. Duy trì hơn 430 ha rừng trồng gỗ lớn với mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rừng truyền thống. Khai thác trên 2.300 ha rừng sản xuất với sản lượng hơn 222.680 m3.
Đặc biệt, triển khai Kế hoạch số 119/KHUBND ngày 5/7/2023 của UBND huyện về việc phát triển rừng trồng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền trồng rừng theo Chứng chỉ FSC/FM với diện tích đăng ký trên 3.200 ha. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ theo quy định.
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn huyện hiện có gần 690 ghe thuyền các loại với tổng công suất hơn 9.600 CV. Sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 4.780 tấn, trong đó hải sản có giá trị xuất khẩu đạt trên 1.300 tấn. Hơn 470 ha diện tích nuôi cá nước ngọt, 160 lồng nuôi cá, trong đó có 56 lồng cá chình; 87 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi đạt gần 1.900 tấn.
Ngoài nuôi tôm, hiện nay người dân đã đã du nhập thêm một số đối tượng nuôi mới như ốc hương, cá dìa, cá kình, cá chim vây vàng... vào nuôi trong ao nuôi tôm và bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Trong đó, mô hình nuôi cá chim vây vàng cho năng suất thu hoạch từ 14 - 15 tấn/ha, mở ra hướng nuôi trồng mới cho người dân, nhất là những diện tích nuôi tôm kém hiệu quả.
Huyện Hải Lăng đã chú trọng khai thác tiềm năng vùng cát theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch và thâm canh các loại rau quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Điển hình như mô hình trồng mướp đắng theo phương thức canh tác tự nhiên tại xã Hải Ba và Hải Dương với tổng diện tích 16 ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 110 triệu đồng/ha. Mô hình trồng ném tại xã Hải Dương với thu nhập từ 130 - 140 triệu đồng/ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức khẳng định, nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm triển khai các giải pháp một cách đồng bộ nên huyện đã khơi dậy được nội lực của nông dân và các thành phần kinh tế để tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững và đạt nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô, năng suất, giá trị sản phẩm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp năm 2023 đạt 7,41%; tổng giá trị sản xuất đạt trên 2.700 tỉ đồng. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 92 triệu đồng/ha, đóng góp khoảng 23,6% vào cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Góp phần đưa thu nhập thu nhập của nông dân ngày một tăng, hiện đã đạt trên 66,15 triệu đồng/người/ năm.
Đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo hướng chuyên canh, tập trung với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế. Một số sản phẩm trên địa bàn được đăng ký nhãn hiệu, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đăng ký sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm như gạo Hải Lăng, cam K4, ném vùng cát Hải Lăng, gà Tứ Hải...
Theo ông Đức, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với các vùng quy hoạch tập trung, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hữu cơ bền vững, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Theo đó, giữ ổn định diện tích lúa 13.450 ha, trong đó lúa chất lượng cao 8.500 ha. Cơ cấu bộ giống lúa chủ lực gồm: An Sinh 1399, HN6, ĐBR57, KD...; mở rộng các giống lúa có triển vọng như ST 25, Hà Phát 3, DT100, TBR97, ĐV108 Đài Thơm 8, ĐD2. Huyện sẽ tập trung hỗ trợ nông dân gieo cấy khoảng 100 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó có khoảng 40 ha lúa hữu cơ.
Khôi phục và phát triển đàn lợn đạt trên 38.900 con, nâng đàn nái lên trên 9.300 con. Giữ ổn định đàn bò trên 4.000 con, tăng tỉ lệ bò lai lên trên 85%. Ổn định đàn gia cầm trên 610.000 con. Phát triển chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Khai thác thế mạnh vùng cát bằng việc mở rộng diện tích các loại cây có giá trị như: ném, kiệu, mướp đắng, dưa các loại, rau gia vị... Từng bước ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Tận dụng các diện tích đất có điều kiện, khuyến khích phát triển mô hình trồng cây dược liệu; quy hoạch, chuyển đổi các diện tích mặt nước, đất vùng trũng sang trồng sen. Trồng gừng, nghệ và các cây chịu bóng để tận dụng diện tích dưới tán cây. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với đăng ký nhãn hiệu và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vận động ngư dân cải tiến phương tiện đánh bắt.
Khuyến khích đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh. Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi thuỷ sản có hiệu quả; nuôi tôm theo đúng quy hoạch, quy trình nuôi. Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý công nhận sản phẩm hữu cơ, an toàn, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ cho một số sản phẩm chủ lực, như: gạo, ném, cam K4, tiêu, gà Tứ Hải... theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ với một số doanh nghiệp có uy tín để nâng cao thu nhập cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)