Từng được chọn là vận động viên của Đội tuyển bóng chuyền năng khiếu tỉnh Quảng Trị vào năm 16 tuổi và được công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia khi vừa tròn 18 tuổi, tuy nhiên vì nhiều lý do, cô đã gác lại niềm đam mê và cơ hội thi đấu chuyên nghiệp để trở thành một giáo viên mầm non.
Cô là Trần Thị Bích Lựu (39 tuổi), giáo viên Trường Mầm non Thuận, huyện Hướng Hóa - 1 trong 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm học 2022 - 2023 toàn quốc vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vào giữa tháng 11/2023.
Cô Lựu sinh ra và lớn lên ở huyện Cam Lộ. Sớm có tố chất và năng khiếu về thể thao nên năm 2001, Lựu đã được chọn vào Đội tuyển bóng chuyền năng khiếu tỉnh Quảng Trị, sau đó không lâu cô được công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia. Để theo đuổi niềm đam mê bóng chuyền, Lựu đã nỗ lực thi đỗ vào Trường Đại học TDTT Đà Nẵng vào năm 2004.
Nhưng vì bản thân hay ốm đau và hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên cuối năm 2005, Lựu đã phải tạm gác việc học đại học. Đến đầu năm 2006, Lựu lên huyện Hướng Hóa xin việc làm ở Trường Mầm non Bình Minh, ở thị trấn Khe Sanh với mong muốn sau này trở thành cô giáo.
Từ một vận động viên bóng chuyền, cô phải dần thích nghi với công việc mới như phụ bếp, cô nuôi dạy trẻ... Đây là môi trường đầu tiền đã trau dồi, rèn giũa cho cô những kinh nghiệm đầu đời trong sự nghiệp dạy học. Quá trình làm việc, cô Lựu đã cố gắng phấn đấu vừa đi làm vừa tranh thủ theo học thêm lớp trung cấp mầm non.
Năm 2009, cô thi đỗ ngành Sư phạm mầm non của Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 2013, tốt nghiệp ra trường, cô Lựu may mắn trúng tuyển vào biên chế và được phân công đến công tác tại Trường Mầm non Tân Hợp, chính thức trở thành cô giáo mầm non công tác lâu dài tại huyện miền núi Hướng Hóa. Năm 2018, thực hiện nghĩa vụ đi công tác vùng bản, cô Lựu chuyển đến dạy tại Trường Mầm non Thuận cho đến nay.
Nhà ở thị trấn Khe Sanh, từ khi vào công tác tại xã Thuận, mỗi ngày cô Lựu đều đặn vượt quãng đường hơn 20 km đến trường, bất kể nắng mưa.
Cô chưa bao giờ quản ngại khó khăn mà luôn tâm huyết và cố gắng hết mình để nuôi dạy trẻ nhỏ ở vùng bản vốn còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Cô Lựu cho biết, hầu hết phụ huynh của trẻ ở đây đều bận rộn với công việc lên nương rẫy mưu sinh, không có thời gian để đưa con đi học nên có những ngày cô phải tranh thủ đi làm sớm để đến nhà đón một số trẻ đến trường.
Trong dạy học, cô luôn chú trọng việc học hỏi từ các cô giáo đi trước và đồng nghiệp để ngày một hoàn thiện hơn. Cô dành tình yêu thương, chăm lo giáo dục và ân cần chăm sóc cho các cháu từ những việc nhỏ nhặt như cắt móng tay, móng chân, cắt tóc gội đầu đến chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ngoài ra, cô cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để hiểu thêm những tâm tư, hoàn cảnh của gia đình các em và cùng phối hợp để chăm sóc trẻ được tốt hơn. “Được chứng kiến các con khôn lớn mỗi ngày là niềm hạnh phúc của bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên khác ở bản làng vùng cao Hướng Hóa này”, cô Lựu chia sẻ. Với sự tâm huyết, trách nhiệm của mình, nhiều năm liền, cô Lựu được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác chăm sóc và giáo dục mầm non, tình yêu và niềm đam mê bộ môn bóng chuyền vẫn luôn được cô giữ lửa. Chính vì thế cô luôn xung phong tham gia các phong trào thể dục thể thao do ngành giáo dục tổ chức và mang về nhiều thành tích cho tập thể lẫn cá nhân.
Cô giáo Phan Thị Mận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thuận cho biết, quá trình công tác, cô Lựu luôn hòa đồng, thân thiện và được đồng nghiệp, phụ huynh và học trò yêu mến. “Trong các diễn đàn sinh hoạt, chúng tôi luôn nêu tấm gương nỗ lực của cô Lựu nhằm lan tỏa tinh thần học tập, hoạt động sôi nổi của cô đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường”, cô Mận chia sẻ.
Chia sẻ về công việc, cô Lựu cho biết, hiện tại niềm vui lớn nhất của cô là được nhìn thấy học trò vui vẻ đến lớp. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trau dồi, tập trung nâng cao kiến thức chuyên môn để có thể chăm sóc, dạy bảo trẻ tốt hơn nữa. Tôi cũng như các giáo viên ở đây luôn nỗ lực hết mình với mong muốn giúp đỡ các em được tiếp cận, phát triển trong môi trường học tập đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần”, cô Lựu nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)