Những năm qua, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tích cực triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp, giảm thiểu sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh” với nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác dân số - phát triển trong tình hình mới có bước chuyển biến rõ rệt. Nhiều người dân được tiếp cận với các thông tin, dịch vụ về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Việc triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh được Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác dân số và phát triển huyện hết sức chú trọng.
Ngay từ đầu mỗi năm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã tham mưu BCĐ huyện giao chỉ tiêu cụ thể về dân số và phát triển cho từng đơn vị, trong đó có chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Sau khi có sự phân bổ chỉ tiêu của huyện, BCĐ các xã đã lập kế hoạch hoạt động năm, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cộng tác viên (CTV); đồng thời phân công các thành viên phụ trách, chỉ đạo các địa bàn triển khai thực hiện.
Các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã đều có sự phối hợp đồng bộ với BCĐ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt chính sách về dân số trong tình hình mới.
Do đó, việc nâng cao chất lượng dân số và quy mô gia đình 2 con ngày càng được nhiều người dân ở huyện thực hiện tốt. Mô hình gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ được nhân rộng. Năm 2023, mức sinh giảm còn 11%o. Tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 15,6%. Tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên 76%. Tỉ số giới tính khi sinh giảm xuống còn 109 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Để tạo ra một thế hệ trẻ khỏe mạnh ngay khi chào đời - “chìa khóa vàng” nâng cao chất lượng dân số, ngành y tế - dân số huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sàng lọc trước sinh và sơ sinh bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp cho thai phụ khi thăm khám, tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên. Đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đều tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc.
Trạm y tế và đội ngũ viên chức dân số xã, thị trấn ở huyện chỉ đạo đội ngũ CTV dân số trên địa bàn nắm chắc các đối tượng để tuyên truyền vận động thực hiện chương trình. 100% cán bộ, viên chức dân số xã đã qua lớp tập huấn lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên rất thuận tiện cho công việc lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài lấy mẫu xét nghiệm tại TTYT huyện, hơn 80% mẫu xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh đều do viên chức dân số thực hiện tại nhà sản phụ nên tỉ lệ lấy mẫu trong năm đạt khá cao. Năm 2023, toàn huyện sàng lọc trước sinh được 459 ca, đạt 61,5% (kế hoạch tỉnh giao 46,3%), đã phát hiện 6 trường hợp có nguy cơ cao mắc dị tật bào thai; sàng lọc sơ sinh 495 ca, đạt 54,8% (kế hoạch tỉnh giao 37%), đã phát hiện 5 trường hợp có nguy cơ thiếu men G6PD và 1 trường hợp suy giáp bẩm sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn huyện Hải Lăng cũng gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Đức, CTV dân số thôn Kim Long, xã Hải Quế chia sẻ: “Sinh ra con khỏe mạnh là mong ước chính đáng của những người làm cha mẹ. Đó không chỉ là hạnh phúc của gia đình mà còn là lợi ích chung cho xã hội.
Tuy nhiên, một số thai phụ chưa thấy được ý nghĩa của sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên chưa chủ động đến cơ sở y tế thực hiện sàng lọc hoặc sàng lọc không đúng thời gian quy định nên khó phát hiện các dị tật của thai nhi. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên để chuẩn bị bước vào tuổi sinh đẻ còn hạn chế...”.
Phó Giám đốc TTYT huyện Hải Lăng Lê Phước Nho cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện tỉ lệ tầm soát trước sinh và sơ sinh tương đối cao so với các địa phương khác trong tỉnh.
Trong thời gian tới, TTYT huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tổ chức tư vấn, truyền thông bằng nhiều hình thức cho các đối tượng, đặc biệt là nhóm thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai.
Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn và kỹ thuật lấy mẫu máu sàng lọc cho đội ngũ cán bộ y tế - dân số.
Phát hiện, quản lý đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ dị tật, các trẻ sơ sinh được chẩn đoán và xác định mắc một số bệnh lý di truyền, chuyển hóa bẩm sinh để can thiệp kịp thời, góp phần cho ra đời những em bé khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, giao cho BCĐ dân số và phát triển các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông kêu gọi xã hội hóa công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh để đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, tăng cường xã hội hóa dịch vụ để nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh được sàng lọc, từ đó có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh, tật ở trẻ, góp phần tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)