Nhiều quyền lợi khám chữa bệnh BHYT thay đổi từ tháng 7/2023, khi việc tăng lương cơ sở chính thức được áp dụng.
Tháng 7/2023 không chỉ đánh dấu sự thay đổi về lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm mà còn mang đến những sự điều chỉnh về bảo hiểm y tế.
Mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, mức đóng và chế độ, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế, trong đó có khám chữa bệnh BHYT, cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.
Sau đây là tổng hợp các chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 01/7/2023.
Tăng mức chi phí khám chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100%
Theo quy định hiện hành, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí.
Với mức lương cơ sở trước 1/7/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng, mức chi phí khám chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% là thấp hơn 223.500 đồng.
Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.
Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 270.000 đồng (tương đương 15% mức lương cơ sở) thì không phải thực hiện cùng chi trả.
Như vậy, mức chi phí khám chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% này tăng thêm 46.500 đồng từ ngày 1/7/2023. Đây là một quyền lợi hưởng BHYT tăng lên khi lương cơ sở tăng.
Thay đổi điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh
Ngoài các nhóm đối tượng chính sách, người tham gia BHYT chỉ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Tức là trong năm, nếu số tiền khám chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Do điều kiện đồng chi trả căn cứ theo lương cơ sở nên khi mức lương cơ sở thay đổi từ ngày 1/7, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi theo.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 cho đến hết ngày 30/6, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 8,94 triệu đồng (6 tháng lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng) thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên phải có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 10,8 triệu đồng (6 tháng lương cơ sở) mới được hưởng các quyền lợi trên.
Nhận thẻ BHYT hộ người thân không cần mang theo sổ hộ khẩu
Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định: Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú đã được cấp chỉ có thể sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày ngày 01/01/2023, 2 loại sổ này không còn giá trị sử dụng. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP điều chỉnh một số thủ tục liên quan đến BHYT sau khi bỏ sổ hộ khẩu.
Cụ thể, tại mục 4, phần hướng dẫn của Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ cụm từ "bản sao sổ hộ khẩu" trong số các giấy tờ mà người đi nhận kết quả thay phải xuất trình nhằm chứng minh quan hệ là nhân thân hoặc giám hộ đối với người được cấp thẻ BHYT.
Như vậy, trường hợp người thân hoặc người giám hộ đi nhận kết quả thay thì phải xuất trình Giấy hẹn, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân gồm bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy kết hôn hoặc Giấy xác nhận cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc quyết định công nhận việc giám hộ.
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)