Mẹ tôi – người có một cuộc đời dài rộng mà tôi cũng phải ngưỡng mộ về trải nghiệm – đã mua bảo hiểm từ rất sớm. Cụ thể là hơn 20 năm trước rồi, khi mà khắp nơi trẻ con hào hứng nhại theo TV: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Mẹ tôi dành một phần tổng thu nhập mua gói bảo hiểm có kỳ hạn 10 năm cho cả mẹ lẫn con, đều đặn đóng tiền, một mặt phòng khi có sự biến với bản thân thì có khoản chi dùng, mặt khác coi đó như một khoản để dành và “quên nó đi” – mẹ nói. Suốt bao năm, nhà luôn có lịch của hãng bảo hiểm để treo, nói một cách chân thành thì hình ảnh đó tạo ra thiện cảm với tôi, kiểu như một người đồng hành tin cậy với gia đình. Sau này khi tôi có con, mẹ tôi lại mua thêm 1 gói bảo hiểm cho cháu nội (bây giờ vẫn đang đóng, cho tới 5 năm nữa, khi cháu bà tròn 18 tuổi). Cả mẹ và con tôi đều đã có bảo hiểm nên ở góc độ nào đó, tôi được cảm giác yên tâm.
Hãy hình dung hàng thập kỷ trước, khi mua bảo hiểm còn là khái niệm xa lạ với đại đa số người Việt Nam, khi mà các báo vẫn đăng tin ca sĩ nọ diễn viên kia mua bảo hiểm hàng triệu đô la như một tin giật gân, thì mới thấu bảo hiểm “sang chảnh” cỡ nào. Không biết có phải vì lý do đó mà nhân viên bảo hiểm thường ưu tiên tư vấn cho người thân mua bảo hiểm, trước khi tìm đến khách lạ. Cũng có thể người thân là hợp đồng đầu tiên để người bán bảo hiểm lấy làm bệ phóng.Thời hạn bảo hiểm thường kéo dài nên hợp đồng cũng phải rất chặt chẽ. Một hợp đồng bảo hiểm ngoài yếu tố hợp pháp còn phải “cõng” theo quy định của Bộ Tài chính (mẫu hợp đồng do Bộ Tài chính ban hành, quy định tại Chương II - Hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm từ Điều 13 đến Điều 39); của Bộ Y tế (với các thuật ngữ chuyên ngành về khám chữa bênh và của bộ khác tùy theo nội dung, phạm vi bảo hiểm. Có lẽ vì thế hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dài hàng chục trang. Mới đây có doanh nghiệp cho biết, sau thời gian vắt óc suy nghĩ, tìm đủ giải pháp, có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp đã rút xuống còn 8 trang! Với những người am hiểu về bảo hiểm nhân thọ ở cả trong và ngoài nước thì đây là một thành quả đáng nể. Điều đó cũng cho thấy thái độ nghiêm túc, cầu thị của doanh nghiệp bảo hiểm sau vụ lình xình xuất phát từ bê bối của ngân hàng SCB hồi tháng 10 năm ngoái.
Trên thực tế thời gian qua cho thấy, cũng có nhân viên vì chạy theo doanh số, muốn hưởng hoa hồng sớm. Họ đơn giản nghĩ rằng đây là những thương vụ, làm sao để chốt đơn thật nhanh với giá trị thật cao mà coi nhẹ yếu tố nhân văn, bền vững của bảo hiểm.
Giai đoạn đó đã qua. Cú rung lắc của bảo hiểm nhân thọ hồi tháng 4,5 năm nay cũng đã hất văng, thải loại những đại lý bảo hiểm thiếu trách nhiệm với khách hàng. Gần đây tôi đã thấy một số bạn bè yên tâm, hài lòng khi vừa ký hợp đồng bảo hiểm, được tư vấn tận tình rõ ràng, yên tâm.Sau giai đoạn phát triển nóng sau rung lắc, bảo hiểm nhân thọ đã trở lại giá trị nguyên bản vốn có, thiết thân. Ngoài những hạng mục bắt buộc, thì mua bảo hiểm là lựa chọn chủ động của rất nhiều người. Chủ yếu dòng tiền thu hút vào bảo hiểm nhân thọ.
Còn nhớ năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2021. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt hơn 178.000 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 11,8% so với năm 2021).
Nghĩa là, người Việt Nam đã có thay đổi nhận thức rất lớn với lĩnh vực bảo hiểm. Dòng tiền lớn, không chỉ là tích lũy-phòng khi, mà còn cả cho những nhu cầu thiết thân như chăm sóc y tế, sức khỏe...
Trở lại với câu chuyện khách hàng có bị bẫy không, ngoài mẫu hợp đồng bảo hiểm, Bộ Tài chính còn phê duyệt một số nội dung khác liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bao gồm công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí và dự phòng nghiệp vụ, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.
Như vậy, quy kết rằng các công ty bảo hiểm lừa khách hàng bằng các bản hợp đồng ngoắt nghoéo là không đúng sự thật. Họ làm theo luật, họ bảo vệ khách hàng và cũng bảo vệ chính mình, vì chỉ cần sơ hở một chút thôi, họ sẽ bị trục lợi, phải trả giá đắt và doanh nghiệp bảo hiểm “sống” được là nhờ đi đường dài, khách không yên tâm hủy hợp đồng giữa chừng thì cả khách và doanh nghiệp bảo hiểm đều thiệt.
Các chuyên gia luật đưa ra 6 bước người mua cần chắc chắn khi xem xét một hợp đồng bảo hiểm:
1/ Hiểu rõ bạn cần gì 2/ Liệt kê các quyền lợi bảo hiểm cần thiết 3/ Cân nhắc điều kiện tài chính 4/ Xem xét các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp với nhu cầu và tài chính 5/ Chọn mức thời gian đóng phí và thời hạn bảo hiểm nhân thọ 6/ Nghiên cứu hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm không phải là cái bẫy, các hãng bảo hiểm thu lợi dựa trên 2 nguyên tắc: - Nguyên tắc số đông (quy luật số lớn - The law of large numbers) - Nguyên tắc bồi thường (Indemnity) Cả 2 nguyên tắc này đều cân đối nguồn lực, và được thừa nhận là bài toán kinh tế hợp pháp ở tất cả các quốc gia.
Lãi chia cuối hợp đồng bảo hiểm cao hay thấp tùy thuộc vào lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền và các khoản đầu tư mang tính an toàn cao khác cùng các chi phí liên quan tăng theo quy định của Bộ Tài chính. Nhiều người đầu tư tiền để tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng khi nhận được lãi chia cuối hợp đồng lại không như kỳ vọng. Họ quên rằng, mục tiêu chính của bất kỳ gói bảo hiểm nào cũng là bảo vệ, đề phòng rủi ro hơn là công cụ sinh lời. Nếu để sinh lời, hãy dùng tiền đó đầu tư kinh doanh.
Mẹ tôi đầu tư kinh doanh cực kỳ thận trọng. Thực tế rất ngạc nhiên, bà chưa từng đầu tư kinh doanh thất bại một lần nào trong đời. Với bảo hiểm, bà đã hoàn thành những gói hợp đồng kỳ hạn 10 năm và tiếp tục mua gói mới. Tương tự với việc đầu tư kinh doanh, tôi chưa bao giờ thấy mẹ thở dài dù chỉ một lần với lựa chọn mua bảo hiểm cho gia đình.
(Nguồn: Ngày nay)