Từ 1/7, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, căn cứ tính đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng theo.
Lương cơ sở ngoài dùng để tính thang, bảng lương, phụ cấp còn làm căn cứ tính đóng - hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho lao động khu vực nhà nước. Nhiều khoản đóng - hưởng theo đó tăng lên khi lương cơ sở điều chỉnh mức 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng từ hôm nay.
Tăng tiền lương tính đóng BHXH, trần đóng, lương hưu thấp nhất
Tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc tăng theo lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, lao động thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định; người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; viên chức quản lý chuyên trách, bí thư và phó bí thư Đảng ủy chuyên trách, chủ tịch công đoàn chuyên trách tại công ty nhà nước nắm toàn bộ vốn.
Tổng các khoản đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN bằng 10,5% tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, dựa trên nền lương cơ sở 1,8 triệu đồng.
Luật hiện hành quy định mức đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Như vậy, tiền đóng tối đa tăng từ 29,8 triệu đồng lên 36 triệu đồng.
Lương hưu thấp nhất hàng tháng với lao động đóng đủ 20 năm BHXH trở lên bằng mức lương cơ sở, tức tăng lên 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng như trước.
Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, song đoàn phí tối đa bằng 10% lương cơ sở. Khoản đóng tối đa này sẽ tăng từ 149.000 đồng lên 180.000 đồng.
Tăng trợ cấp thất nghiệp tối đa
Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được tính bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở với lao động khu vực nhà nước.
Như vậy, khoản trợ cấp thất nghiệp cao nhất mà công chức, lao động nhà nước được hưởng là 9 triệu đồng mỗi tháng thay vì 7,45 triệu đồng như trước 1/7.
Tiền đóng BHYT tăng 6.000-14.000 đồng
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn các trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình từ 1/7 trở đi thì tính đóng theo lương cơ sở mới. Người tham gia và cấp thẻ BHYT trước thời điểm trên không phải đóng bổ sung khi lương cơ sở tăng.
Quy định hiện hành tiền đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp. Tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình sẽ tăng từ 67.050 đồng lên 81.000 đồng khi lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng.
Với hộ gia đình, người thứ nhất đóng như mức trên, tức 81.000 đồng. Từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng số tiền 56.700 đồng, 48.600 đồng, 40.500 đồng và 32.400 đồng.
Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm khoảng 14.000 đồng một tháng, người thứ 5 trở đi tăng khoảng 6.000 đồng một tháng.
Tăng trợ cấp thai sản một lần, tử tuất, phí mai táng
Luật hiện hành quy định lao động nữ sinh con, người mang thai hộ hoặc nhờ mang thai hộ, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp một lần bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Khoản tiền này sẽ tăng 2,98 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng từ ngày 1/7. Nếu mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.
Trợ cấp mai táng hiện hành tính bằng 10 lần mức lương cơ sở, tăng tương ứng từ 14,9 triệu lên 18 triệu đồng.
Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi người lao động qua đời bằng 50% mức lương cơ sở. Như vậy, khoản này sẽ tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng mỗi tháng. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức 1,26 triệu thay vì 1,043 triệu đồng như trước.
Tính đến hết tháng 5, cả nước có 17,47 triệu người tham gia BHXH (khoảng 38% lực lượng lao động trong độ tuổi); gần 90,7 triệu người tham gia BHYT. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt gần 178.800 tỷ đồng.
(Nguồn: VnExpress)