Trong suốt tháng năm ký thác phận đời với biển cả, nhiều ngư dân dọc theo miền chân sóng mà tôi được gặp, trò chuyện đã lưu giữ bao câu chuyện biển kỳ thú.
Ví như đánh bắt các loại cá thủ, vược, sủ, chét, chẻm, trôi… có trọng lượng từ 10 - 20 kg ở gần bờ chỉ bằng tấm lưới dài khoảng 15m; rồi cách nhận biết đàn cá ngủ, cá thức để đánh những mẻ lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao; đặt tên ngư dân cho rạn đá có trữ lượng cá lớn để đánh dấu vị trí...
Mấy ngày mưa gió bất thường đầu tháng 5 khiến biển động mạnh. Không thể ra biển đánh bắt thủy hải sản gần bờ, ngư dân Phan Văn Sinh (53 tuổi) ở thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng) ngồi nhà tranh thủ vá lại tấm lưới hai chờ biển lặng, sóng êm để vươn khơi. Khi tôi hỏi ông Sinh trong hàng chục nghề biển mà ông từng làm để mưu sinh, thì nghề nào hấp dẫn, kỳ thú nhất? Ông Sinh nói rằng, hơn 40 năm gắn bó với biển cả nên với ông nghề biển nào cũng có sức hút, sức hấp dẫn riêng. Và nghề thả lưới lội đánh bắt cá thủ, vược, sủ, chét, chẻm, trôi… chỉ cách bờ khoảng vài chục mét là hấp dẫn, kỳ thú nhất. Muốn đánh bắt được các loại cá thủ, vược, sủ, chét, chẻm, trôi… có trọng lượng lớn, ngư dân vùng biển bãi ngang thường chọn mua các loại sợi gấc to bằng que tăm rồi tự tay đan lưới. Loại lưới đặc chủng này được ngư dân gọi là lưới lội.
Theo ông Sinh thì thời gian để hoàn thành một tấm lưới lội thường mất khoảng 10 - 15 ngày. Lưới lội có chiều dài khoảng 15m; rộng 2m và mắt lưới lớn bằng ba ngón tay chụm lại. Muốn đánh bắt được cá thủ, vược, sủ, chét, chẻm, trôi… phải là những ngư dân lão luyện trong nghề biển. Nói như vậy là bởi, muốn đánh bắt được các loại cá lớn gần bờ thì đòi hỏi ngư dân phải dày dặn kinh nghiệm trong việc tìm đúng những nơi có dòng hải lưu nhỏ tạo thành vũng nước xoáy gần bờ để thả lưới. Sau khi đã chọn được vũng nước xoáy phù hợp, tấm lưới lội sẽ được thả xuống biển và được neo bằng sợi dây dài từ 70 - 80m vào chiếc cọc đóng cố định trong bờ. Cá thủ, vược, sủ, chét, chẻm, trôi… thường di chuyển theo dòng hải lưu nhỏ vào gần bờ để kiếm ăn, khi đến vũng xoáy nước có tấm lưới lội giăng sẵn thì khó mà bơi thoát. Cứ khoảng 2 - 3 ngày thì ngư dân kéo tấm lưới lội vào để kiểm tra xem có cá mắc lưới hay không. Nghề thả lưới lội gần bờ nên có thể đánh bắt các loại cá lớn quanh năm.
“Bây giờ các loại cá lớn vào gần bờ ngày càng ít dần, nên ngư dân làm thêm nghề thả lưới lội cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và nhiều ngư dân bắt đầu đan loại lưới lội có mắt nhỏ để đánh bắt các loại cá có trọng lượng vài cân. Cách đây khoảng chục năm, có ngày mảnh lưới lội của tôi “dính’ đàn cá thủ, vược 8 - 10 con với trọng lượng mỗi con từ 10 - 15 kg. Khi ấy, tôi phải tìm thêm người xuống biển hỗ trợ mới đưa được tấm lưới lội “dính” đàn cá vào bờ để gỡ từng con… Còn cứ vài ngày lại có vài con cá chét, chẻm, trôi có trọng lượng từ 5 - 10 kg mắc vào tấm lưới lội là chuyện thường tình”, ông Sinh cho biết thêm.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, có dịp trò chuyện với ngư dân Trần Trọng Lĩnh ở thôn Xuân Ngọc (xã Gio Việt, huyện Gio Linh), tôi biết thêm nhiều chuyện biển kỳ thú. Ví như mặc dù hiện tại trên các tàu đánh bắt xa bờ đã trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại nhưng nhiều ngư dân vẫn cần đến kinh nghiệm về tập tính di chuyển của các loài cá. Tàu đánh bắt xa bờ của ông Lĩnh làm nghề lưới vây rút chì chuyên khai thác thủy hải sản ở tầng nổi và tầng giữa mặt nước biển bằng phương pháp lưới vây ngày (đánh bắt cá ban ngày), lưới vây ánh sáng (đánh bắt cá ban đêm).
Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới vây rút chì là quây mặt nước bằng hệ thống lưới ở trên và dưới. Trong quá trình đánh bắt, vàng lưới vây rút chì được thả theo hình tròn trên mặt biển, đến khi lưới được thả xuống biển sẽ có dạng hình trụ tròn. Trung bình đường kính lưới trên mặt nước khoảng 500 - 1.000m và sâu khoảng 20 - 30m. Khi đàn cá bị vây vào giữa vàng lưới, hệ thống dây rút chì ở phía dưới sẽ kéo lại, tạo thành một chiếc túi lưới khổng lồ. Sau đó, hệ thống dây rút (không chì) ở trên mới thu lại và bắt cá.
“Sở dĩ nói là cần đến kinh nghiệm bởi khi dong tàu đánh bắt xa bờ chạy trên biển và bật máy dò để tìm đàn cá, khi phát hiện đàn cá thì ngư dân có kinh nghiệm sẽ biết được đàn cá ngủ hay thức. Đàn cá thức sẽ di chuyển linh hoạt, còn đàn cá ngủ sẽ di chuyển chậm hơn. Biết đàn cá ngủ hay thức là để có quyết định thả lưới vây rút chì hợp lý để vây gọn đàn cá vào lưới. Nếu đàn cá thức thì thả lưới vây rút chì đón đầu ở cự ly xa và ngược lại. Chính kinh nghiệm “đọc” hướng di chuyển của đàn cá ngủ hay thức trên màn hình máy dò ngang, dò dọc cũng quyết định đến sản lượng thủy, hải sản của mẻ lưới.
“Ngoài việc xác định đàn cá ngủ hay thức trong đánh bắt thủy, hải sản bằng lưới vây rút chì cũng như nhiều nghề đánh bắt thủy hải sản khác, thì ngư dân miền biển còn có cách lấy tên ngư dân để đặt cho rạn đá dưới biển có trữ lượng cá lớn nhằm xác định vị trí rạn đá, thuận tiện cho việc đánh bắt thủy, hải sản. Ví như, ở ngư trường Cồn Cỏ, khi ngư dân A hoặc ngư dân B đánh bắt được mẻ cá bò, cá bè hay các loại cá khác có sản lượng vài tạ đến vài tấn thì tại vị trí đó sẽ được đặt tên là “rạn đá ông A” hoặc “rạn đá ông B”. Trong những chuyến ra khơi đánh bắt thủy, hải sản ở ngư trường Cồn Cỏ, khi ngư dân liên lạc với nhau qua hệ thống bộ đàm chỉ cần thông báo với nhau là hiện ở “rạn đá ông A” hoặc “rạn đá ông B” đang đánh bắt được mẻ cá lớn. Lập tức, các tàu gần khu vực ấy sẽ biết vị trí chính xác của tàu đang đánh bắt trúng mẻ cá lớn để nhanh chóng đến đánh bắt thủy, hải sản mà không cần phải dò tìm vị trí, tọa độ trên thiết bị được trang bị trên tàu ”, ông Lĩnh chia sẻ.
Nghề biển hiện nay đã được trang bị tàu lớn cùng các thiết bị định vị, máy dò cá hiện đại… giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả trên ngư trường. Nhưng những nghề biển độc đáo, thú vị cũng như kinh nghiệm đi biển được truyền đời trong các gia đình ngư dân đến nay vẫn rất cần thiết và hữu ích. Và những kinh nghiệm quý giá này sẽ được các ngư dân lão luyện tiếp tục trao truyền cho lớp trẻ ứng dụng hiệu quả trong những chuyến vươn khơi bám biển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)