Kỹ thuật xây dựng giếng Chăm vùng Quảng Trị

Yến Thọ |

Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các công trình khai thác nước thuộc sản phẩm riêng biệt của người Việt giai đoạn sau này thì hệ thống khai thác nước cổ mà chúng tôi cho rằng thuộc sản phẩm của người Chăm hoặc theo kỹ thuật Chăm ở Quảng Trị bao gồm 2 nhóm loại hình với các đặc điểm và kỹ thuật xây dựng sau đây:

1. Hệ thống các công trình khai thác nước gồm nhiều thành phần cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng, nằm ven các triền đồi đất đỏ bazan hoặc ven các triền đồi cát vùng đồng bằng và ven biển để nhằm khai thác mạch nước nổi (phun lộ thiên hay phun ngầm) được coi là hệ giếng mở.

 

Hệ thống này bao gồm những công trình mang tính chất “dẫn thủy nhập điền” có vai trò thủy lợi cao, với những tên gọi thuần Việt, do chính những người dân Việt đặt tên và quen gọi là giếng.

Hệ thống này vận dụng triệt để những ưu điểm tự nhiên vốn có tại các bề mặt địa hình để tạo ra những cấu trúc, cách thức kỹ thuật phù hợp trên cơ sở sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ. Có loại cấu trúc gồm nhiều thành phần phức tạp, liên hoàn với nhau tạo thành hệ thống (systèms) với sự có mặt của các bể lắng (bassin supérieur), máng/vòi dẫn (bec de cuve), bể hứng (bassin d’alimentation), vũng (puits’), các mương phai bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy; lại có loại chỉ cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với bể và mương dẫn hoặc chỉ là những hố đào sâu xuống đất có kè đá xung quanh dạng vuông hay tròn nằm độc lập để nhận nước ngầm thấm ra từ vách của một giếng bên trên.

Có loại không hề sử dụng nguyên liệu đá mà chỉ đắp bằng đất, hoặc kè chắn xung quanh thành giếng bằng một ít gạch, các tấm gỗ, cọc tre; cũng có loại sử dụng nguyên các viên đá từ trong tự nhiên (đá ong, đá bazan) hoặc được chẻ ra theo cách chế tác giản đơn để xây những bể lắng bể hứng, mương dẫn bằng kỹ thuật xếp, kè đá; bên cạnh đó, lại có loại xây dựng công phu bằng cách xếp chồng những bi đá hình tròn được chế tác theo kỹ thuật đẽo, mài trình độ cao để tạo ra bể chứa (có lỗ thoát nước ra ngoài qua thành giếng) hay xếp những viên đá được chế tác có bề mặt nhẵn dùng lát nền quanh thành giếng.

Tuy vậy, về mặt chức năng, tất cả các công trình này đều nhằm vào mục đích là cung cấp nguồn nước để không chỉ phục vụ cho sinh hoạt của con người mà còn phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho ăn, uống, tắm, giặt, chăn nuôi, trồng trọt của cư dân địa phương. Cơ chế hoạt động của các công trình khai thác nước trong hệ thống này đều tuân thủ theo nguyên tắc: nước tự dâng, tự chảy. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Ðây là một loại hình công trình thủy lợi có một chưa hai đặc trưng của Quảng Trị”.(1)

 

Ðặc điểm kỹ thuật nổi bật của hệ thống khai thác nước này là các công trình đều được xây dựng theo phương thức xếp, kè đá (đối với những vùng đồi đất đỏ bazan có nguyên liệu đá cuội/đá bazan/đá tổ ong) hoặc đắp đập bằng gỗ, bằng đất (ở những vùng đồi cát). Ở những giếng xếp đá, đá sử dụng ở đây là đá bazan mà dân địa phương gọi là đá tổ ong hay đá mồ côi. Chúng không chỉ được xếp, kè nhằm tạo ra các bể, vách ngăn dưới dạng đá gốc hay tạo ra các máng dẫn, bi giếng, đá phiến lót thành giếng thông qua kỹ thuật chế tác gọt, đẽo ở các bộ phận chính của công trình; mà còn được dùng kè các bậc cấp, đường lên xuống, hệ thống mương dẫn và bờ ruộng bậc thang. Ở những giếng đắp đập bằng đất, kè bằng gỗ thì chỉ tạo ra thành giếng và mương dẫn. Các công trình đều cùng một mục đích là khai thác nguồn nước ngầm để thực hiện hai chức năng: cung cấp nước cho sinh hoạt và hoạt động nông nghiệp. Kết cấu của chúng phụ thuộc vào từng loại mạch cụ thể (ngầm hay phun nổi), nhưng tất cả đều lợi dụng sự chênh lệch về độ cao để tạo ra dòng chảy tự nhiên. Các hệ thống bể giếng tham gia điều tiết nước bằng kỹ thuật gia cố nguyên liệu sẵn có ở từng vùng địa hình (đá, gỗ, đất) để giữ nước theo kiểu tự động dâng, tạo các rãnh nước. Cách xếp đá, kè đá, kè gỗ, đắp đập đất phù hợp với những vùng có độ dốc để không bị xói mòn và cuốn trôi.

Về khái quát, hệ thống khai thác nước thuộc nhóm loại hình này tập trung theo ba loại chính sau:

- Loại 1: Là những công trình xây dựng quy mô, nhiều bộ phận kết hợp khá chặt chẽ, liên hoàn, có cấu trúc hoàn chỉnh nhất. Tất cả được phân thành hai hoặc ba bậc cấp với các bể có chức năng khác nhau. Bậc cao nhất, trên cùng là một bể lắng (hay bãi hứng) được xếp đá cuội, ở vách phía trên chừa các lỗ nhỏ cho nước thoát ra. Nhờ các vách đá xung quanh mà nước từ các mạch ngầm chảy ra trong và sạch, không bị nhiễm bẩn và tránh được sự xói lở. Diện tích các bể lắng thường rất nhỏ và cạn, không có hình dạng cố định, mực nước sâu trung bình trong các bể lắng không quá 0,2m. Đáy của bể lắng/bãi hứng thường được xử lý bằng một lớp đất sét nhồi, sau đó rải lên một lớp sỏi bazan hạt nhỏ; vách hai bên của bể cũng được chèn đất sét nhồi vào các kẽ hở của các viên đá nhằm giữ nước trong lòng bãi hứng để định hướng dòng chảy vào bãi tràn.

Tiếp đó là bộ phận bãi/đập tràn và bể chứa. Nước từ bể lắng/bãi hứng chảy xuống bể chứa qua một bãi tràn có đặt các máng đá hoặc không đặt máng đá. Giếng có đặt máng đá (từ 1 đến 3 máng) được luồn vào trong đập kè đá và nối từ bãi hứng xuống bể chứa, vươn ra lòng bể chứa tạo thành một vòi để dẫn nước từ bể lắng đổ xuống bể chứa. Những máng đá này được chế tác từ đá bazan, dạng nửa hình trụ bổ dọc, dài từ 1,3m - 1,5m, thon dần từ đầu đến cuối; mặt trên khoét một đường rãnh (sâu và rộng từ 10 - 15cm) chạy dọc dài theo thân để dẫn nước. Các giếng không có máng đá thì đặt những ống tre, ống sắt, lại cũng có giếng chỉ có đường dẫn nước len qua đập tràn hoặc nước chỉ thấm qua các lỗ ở vách ngăn.

 

Bể chứa hình tròn hoặc hình bầu dục được xếp đá xung quanh, phía trên thành cao hơn còn phía dưới thấp dần và phía ngoài có các đường cho nước thoát ra chảy vào các con mương. Bể chứa thường sâu từ 1 - 2 m rộng từ 20 - 40 m2. Ðây vừa là nơi lấy nước sinh hoạt, phục vụ ăn uống, vừa là nơi tắm giặt của con người. Thấp hơn bể chứa dịch ra xa một chút là các vũng nhỏ dùng cho súc vật uống. Cuối cùng là các kênh mương dẫn nhỏ kè đá cuội hoặc đắp bằng đất chạy ngoằn ngoèo, có nhiệm vụ nhận trực tiếp nước từ bể chứa qua một cửa khá rộng ở vách ngoài rồi dẫn ra ruộng.

Thuộc loại này là những công trình tiêu biểu như: giếng Ðào, giếng Trạng, giếng Máng, giếng Côi, giếng Gái, giếng Máng (xã Gio An, Gio Sơn, miền tây Gio Linh); giếng Ba Vòi xã Vĩnh Hiền; giếng Mội xã Vĩnh Giang miền đông Vĩnh Linh.

- Loại 2: Là loại giếng không có bể lắng, không có máng dẫn mà thường là các bể chứa được đào sâu ngang cửa mạch nước ngầm rồi kè đá cuội bazan, đá tổ ong bazan hoặc kè gỗ, tre hoặc kè bằng bờ đất, bờ cỏ xung quanh vách ở ba phía. Lúc đầu đây là những mội nước (mạch ngầm) phun nổi có lưu lượng dòng chảy mạnh; sau đó, người ta có thể đào xén một ít ở vách chân sườn đồi (đất đỏ hoặc đồi cát) rồi kè đá/gỗ/đất vòng quanh, tạo ra một bể chứa to hoặc nhỏ tùy nơi.

Những giếng thuộc loại này tiêu biểu là các giếng xếp đá ở vùng đồi đất đỏ bazan thuộc xã Gio An, xã Gio Sơn miền tây Gio Linh như: giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai, giếng Kình, giếng Trạng, giếng Ðào, giếng Phường, giếng Lợi, giếng Búng, giếng Gái, Giếng Nậy, giếng Côi, giếng Dưới, giếng Dù, giếng Mít, giếng Trọng, giếng Phường, giếng Sỏi, giếng Kính, giếng Hộc, giếng Bộông...; những giếng chỉ tạo bể chứa bằng vách gỗ, bờ đất bao quanh mạch ngầm phun ra từ chân đồi cát vùng đông Gio Linh như: giếng Ông Tỏi, giếng Họ, giếng Mội xã Gio Mỹ; hoặc chỉ là những hố đào sâu xuống đất có kè đá xung quanh dạng vuông hay tròn nằm độc lập để nhận nước ngầm chảy ra từ vách của một giếng bên trên như: giếng Ðắn, giếng Mội, giếng Trạng xã Vĩnh Thành; giếng Khai, giếng Mội, giếng Chùa xã Vĩnh Tú; giếng Bàng xã Vĩnh Thái; giếng Mội xã Vĩnh Trung...

 

Ở vùng đồi đất đỏ bazan Gio An, Gio Sơn miền tây Gio Linh, các giếng thuộc loại này đều được kè bằng đá cuội bazan ba phía xung quanh tạo thành một bể chứa có hình bầu dục, hình tròn, hình vuông hay hình chữ nhật. Những giếng giữ nguyên yếu tố gốc thường xếp đá cuội gốc, nguyên khối nên khi xếp có hình bầu dục hoặc hình tròn. Những giếng đã được cải tạo lại theo từng thời kỳ lịch sử khá sớm thuộc người Việt thường được xếp đá cuội gốc kết hợp đá cuội chẻ làm đôi; mặt phẳng của phần đá chẻ đều quay ra phía ngoài, phần đá gốc quay vào phía trong vách. Vì thế nên hình dạng các bể chứa có hình vuông hay chữ nhật. Kỹ thuật xếp các viên đá để kè vách bao giờ cũng sử dụng các viên đá lớn làm vách chính, sau đó chèn giữa những viên đá lớn là những viên đá cuội nhỏ nhiều kích cỡ tùy thuộc vào khoảng hở giữa các viên đá chính. Đặc biệt, ở vách trong cùng, nơi có mạch nước phun ra bao giờ cũng được sử dụng những tảng đá gốc lớn chèn kỹ để khỏi sụt lở và nước cuốn trôi đất. Phía ngoài lại cũng sử dụng những viên đá gốc lớn vừa tạo vách, vừa tạo cửa thoát nước và vừa là lối lưu thông qua lại về hai phía thành giếng. Nước từ mạch ngầm chảy trực tiếp ra bể chứa rồi từ bể chứa, chảy qua cửa thoát, ra mương dẫn hay chảy thẳng ra ruộng. Loại công trình này do chỉ có một bể chứa nên tất cả các sinh hoạt như tắm, giặt, lấy nước ăn đều diễn ra ở trong lòng bể. Vì thế, để giữ vệ sinh, người ta rải một số khối đá chắn ngang một phần ba bể chứa ở phía trong với mục đích tạo ra một đường ranh giới quy ước; từ đó, phần bên trong chỉ dành lấy nước ăn còn phần bên ngoài là nơi tắm giặt.

Ở vùng đồi đất đỏ bazan thuộc các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung miền đông Vĩnh Linh các giếng được xây dựng theo một đặc tính chung là kết cấu bổ đôi hay còn gọi là loại bể kép, theo nguyên tắc bình thông nhau. Cấu trúc này bao gồm một bể chứa, một bể tràn và các kênh, rãnh dẫn nước. Một số giếng có thêm các máng đá giữ vai trò thay cho bãi tràn. Có giếng quy tụ nước về một hào chứa trước khi phân phối ra ruộng, lại có giếng nước chảy trực tiếp vào chân ruộng thông qua các mương dẫn. Ngoài ra, có một vài giếng chỉ có một bể chứa được kè đá ba phía, còn phía ngoài thông với mương dẫn.

Bể chứa thường được khoét sâu xuống lòng đất, dưới chân triền đồi, hoặc được đắp bờ để giữ nước một cách tự nhiên, cao hơn mặt ruộng từ 0,5 - 1,5m. Bể có hình tròn, vuông hoặc hình bán nguyệt, sâu lòng bể so với mặt đất từ 0,3 - 0,5m. Nguyên thủy của các bể là xung quanh được xếp đá cuội hoặc đá tổ ong bazan hoặc được kè chắn bằng các tấm ván gỗ hay đắp bờ bao tạo nên thành giếng; hiện tại thì đa phần đều bị cải tạo lại bằng cách sử dụng gạch, đá chẻ có trét mạch là vữa ciment để xây vách bể chứa, bể tràn, kể cả các kênh, rãnh dẫn nước. Các mội/mạch nước từ chân đồi đất đỏ bazan ngấm qua vách trên của bể chứa hoặc từ lòng giếng phun trào lên theo phương thức tự dâng; sau đó, nước lại từ bể chứa ngấm/chảy qua vách ngoài xuống bể tràn hoặc được dẫn xuống bể tràn qua các máng đá. Bể chứa là nơi được quy định dùng để lấy nước ăn.

Bể tràn được đào sâu xuống lòng đất, nằm thấp hơn bể chứa và độ chênh không nhiều so với các chân ruộng phía ngoài. Diện tích các bể rộng từ 10 - 20m2, có khi bể tràn lại được thay thế bằng một bể chứa rộng trên dưới 50m2. Xung quanh bể tràn được kè đá ong bazan, vách trong thường cao hơn vách ngoài, còn hai vách bên thấp dần ra phía ngoài; trên bờ vách ngoài là một đường thoát nước nối với mương dẫn. Bể tràn là nơi quy định dùng để tắm giặt. Mực nước trong các bể tràn ở loại giếng kiểu này thường nông, không đủ sâu như các giếng ở vùng Cồn Tiên/Gio An, Gio Sơn.

Ở địa hình vùng cồn cát vùng đông Gio Linh, các giếng Ông Tỏi, giếng Họ, giếng Mội xã Gio Mỹ được coi là khá điển hình trong toàn bộ các công trình khai thác nước mang tính chất “dẫn thủy nhập điền” tồn tại trên các địa hình đồi cát, đụn cát toàn vùng Quảng Trị (như Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh). Những công trình loại này thường có quy mô không lớn, cấu trúc đơn giản, phân bố trên từng khu vực với mật độ thấp.

Ðây là những giếng (đúng hơn là những bể, vũng) được khoét sâu xuống cát để nhận nước ngầm từ trong những đồi cát chảy ra phục vụ cho sinh hoạt của con người và tưới ruộng với mục đích là khai thác mạch nước ngầm từ trong các cồn cát chảy ra dưới dạng phun nổi. Cấu trúc đơn giản, chỉ có một bể giếng nhận trực tiếp nước từ các mạch ngầm chảy ra rồi theo hệ thống mương phai đổ ra ruộng. Phía trong cùng của bể chưa là nơi lấy nước ăn, phía ngoài là nơi tắm giặt; ngăn cách giữa hai phần chỉ mang tính quy ước.

Các bể giếng hiện còn thường có quy mô không lớn, không định hình và việc sử dụng nguyên vật liệu để tạo ra thành giếng cũng đa dạng. Có bể hình vuông, xếp gạch hoặc gỗ, lại có bể hình tròn, hình bầu dục chỉ được tạo ra một cách tự nhiên bằng việc lợi dụng các vỉa cát kết làm vách hoặc ngăn chặn cát lấp bằng bờ cỏ. Tuy nhiên, chúng tôi ngờ rằng những giếng nước loại này nguyên thủy được kè chắn xung quanh vách bằng các tấm gỗ. Ðịa hình vùng cát do không có thứ nguyên vật liệu đá cuội từ trong tự nhiên nên không thể sử dụng kỹ thuật xếp đá như vùng đồi đất đỏ bazan. Nước từ trong bể giếng sau khi tự dâng đến một mức độ nào đấy sẽ được thoát ra theo một rãnh (hoặc lỗ thoát) ở vách ngoài, sau đó chảy vào mương phai dẫn ra phía ruộng.

- Loại 3: Ðây là loại hình “giếng” hoàn toàn đúng nghĩa của nó. Loại công trình khai thác nước này vừa mang hình ảnh của loại giếng khơi vừa mang rõ kỹ thuật xếp đá truyền thống và vẫn tuân thủ theo nguyên tắc tự chảy đặc trưng như hai loại vừa nêu trên. Trên vùng đất đỏ bazan tây Gio Linh hiện chỉ còn một giếng nguyên vẹn mang tên là giếng Pheo ở làng Tân Văn xã Gio An. Dưới vùng đồi cát đông Gio Linh có một giếng có tên là giếng Mội của làng Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ. Những giếng này được xây dựng ở ngay chân đồi đất đỏ hay đồi cát bằng cách đào sâu xuống đất - nơi có mạch nước ngầm - rồi thả những “bi giếng” chồng lên nhau tạo thành vách từ dưới đáy lên khỏi mặt đất. Các bi giếng này được chế tác từ những khối đá tổ ong bazan (không phải đá cuội bazan) có kích thước lớn, với kỹ thuật đục, đẽo tinh vi, điêu luyện. Các bi giếng có dạng hình trụ tròn, mặt ngoài hơi khum gần với dạng tang trống; cao chừng 0,4m, đường kính 0,5m, dày hơn 0,1m. Mỗi giếng có từ 3 - 4 bi.

Đối với các giếng trên vùng đồi đất đỏ bazan thì ở vòng bi trên cùng (vòng thành giếng nổi trên mặt đất), người ta đục một lỗ lưng chừng thấp hơn một chút so với nền giếng để thoát nước ra ngoài khi mạch nguồn phun mạnh. Lỗ này có thể coi là lỗ tràn như là cửa thoát tự chảy. Nền giếng được xếp bởi những khối đá tổ ong đã được đục đẽo sắc sảo, có dạng hình vuông hay hình chữ nhật (các khối đá sát bi giếng được đẽo vát hình vòng cung ôm lấy vách ngoài bi giếng), tạo nên một mặt phẳng hình vuông bao quanh giếng. Nước từ trong lòng giếng khi tự dâng vượt quá lỗ tràn ở thành giếng thì tự thoát ra ngoài theo lỗ thoát rồi chảy qua một đường rãnh trên nền giếng vào các đường mương xếp đá ở ngoài để đi qua các đám ruộng rau liệt rồi cuối cùng chảy xuống hồ chứa.

Đối với các giếng xây dựng ở vùng cồn cát, bi giếng trên cùng không phải khoét lỗ mà chỉ để nước tràn lên thành bi một cách tự nhiên khi dâng lên quá đầy trong lòng giếng. Đặc biệt, vì là địa hình vùng cát, nền đất không ổn định, bên dưới lòng giếng được đặt các tấm gỗ trai để chống lún.

Ðiều đáng lưu ý là mặc dù có nhiều sự khác biệt nhưng về nguyên tắc vẫn tuân thủ theo cách thức khai thác nước ngầm; đặc biệt là những bi đá tạo thành giếng, tảng đá lát nền ở các giếng loại này có cùng chất liệu và kỹ thuật chế tác với các máng đá ở các giếng thuộc loại 1 (như giếng Ðào, giếng Trạng, giếng Gái, giếng Máng...).

2. Hệ thống các giếng đơn mang hình ảnh của loại giếng khơi được đào sâu xuống dưới mặt đất để khai thác mạch ngầm, được coi là hệ giếng đóng.

Chức năng của hệ thống này chỉ thuần túy lấy nước dùng cho sinh hoạt và hoàn toàn không bao hàm ý nghĩa về thủy lợi.

Phân bố của các công trình thuộc hệ thống này trải khắp các địa hình từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng trung du nhưng tập trung nhất là vùng đồng bằng, nơi có các khu cư trú và tôn giáo của người Chăm xưa. Ðến nay, do nhu cầu phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng nên đa phần các giếng này đã được cải tạo lại; một số giếng khác đã bị lấp hoặc bỏ hoang không dùng đến. Vì vậy, rất ít giếng giữ được nét nguyên bản như vốn có. Tuy nhiên, ở những giếng hiện nay đang sử dụng đều có mạch nước ngầm rất tốt, không bao giờ cạn và không hề nhiễm mặn hoặc bị phèn trong khi các giếng do người Việt đào cạnh những khu vực có sự tồn tại của những giếng loại này đều có độ phèn cao và nhiễm mặn khi thủy triều lấn sâu vào nội địa trong những tháng mùa nắng. Từ trước đến nay, những giếng nước này mang tính chất công cộng do dân các khu vực tự quản nên tên giếng được đặt theo địa điểm tồn tại hay theo tính địa vực: giếng làng, giếng xóm, giếng chùa...

Cấu trúc của loại giếng này có hình vuông hoặc tròn, xếp đá gốc (như các giếng Thồ Lồ làng Tùng Luật; giếng Làng, giếng Xóm Đình, giếng Nghè, giếng Xóm Biền làng Nghĩa An; giếng Xóm Làng, Giếng Xóm Đình, giếng Xóm Chăm làng An Bình; giếng Xóm Trong, giếng Xóm Ngoài làng Cam Lộ; giếng Làng làng Đại Áng...; hay những viên đá được chế tác từ đá phong hóa bazan, từ đá cuội hoặc các phiến đá chẽ có kích thước lớn, được đục đẽo công phu xếp theo kỹ thuật đơn giản (như giếng Lược làng Mai Xá; giếng Xóm Cồn làng Đại Áng, giếng Chăm làng Cam Lộ, giếng Đá làng Cẩm Thạch, giếng Tây, giếng Tô làng Lâm Xuân; hoặc có khi lại được gắn kết bởi kỹ thuật xẻ ngoàm, khớp mộng chốt giữa các phiến đá với những trụ đá được tạo dáng đẹp ở quanh vách mà nguyên thủy vốn là những công trình được kè, chắn bằng khung gỗ, ván gỗ để tạo vách (như giếng Ðá làng Kim Ðâu, An Xuân, giếng Cây Dầu, giếng Cây Thị, giếng Cây Đào, giếng Ông Hàn làng Mai Lộc…; các giếng nửa đá, nửa gạch (trên xếp gạch, dưới kè đá hay dưới xếp gạch trên kè đá) dưới đáy có lát gỗ (như giếng Xóm làng Bích Khê, giếng Chùa làng Ðại Hào, giếng Chợ ở chợ Thuận, giếng Chùa làng Giáo Liêm, giếng Tây làng Lập Thạch) hoặc chỉ xếp bằng gạch (như giếng Chùa làng Câu Hoan, giếng Đình làng Gia Độ, giếng Tre làng Thủy Bạn...).

Đối với những giếng xếp đá gốc tự nhiên hay những viên đá được chế tác từ đá cuội đa phần là hình tròn, có đường kính từ 1,2m - hơn 2m; sâu tổng thể từ 3,5m - 8m; sâu lòng nước từ 2m - 4m. Kỹ thuật xây dựng là sử dụng phương thức xếp, kè đá - loại đá phiến thạch lấy từ các vùng đồi trung sinh hoặc đá cuội bazan, kích thước đa dạng (nhỏ nhất: 5cmx10cm, lớn nhất: 30cmx40cm). Cách thức xếp, kè đá khác hoàn toàn với kỹ thuật xếp kè đá của người Việt. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách thức xếp đá của người Việt là các viên đá lớn thường nằm bên dưới, các viên đá nhỏ thường nằm bên trên, còn ở các giếng này có cách thức xếp ngược lại. Các viên đá được chế tác từ đá cuội trong các giếng hình tròn thường có kích thước từ khoảng 25x50cm hoặc 30x60cm; mặt trong hơi khum; kỹ thuật xếp từng lớp nằm ngang theo cách thức viên lớp trên nằm đè lên khoảng tiếp nối của 2 viên lớp dưới. Ở các giếng loại này, dưới đáy mỗi giếng bao giờ cũng được đóng 4 trụ gỗ ở 4 góc; trên mỗi trụ đặt chéo một tấm gỗ to bản (thường là gỗ trai) để chống sụt lún và giữ cho khối đá bên trên cố định, không xê dịch.

 

Đối với các giếng xếp những viên đá được chế tác từ đá phong hóa bazan hay những viên đá được chế tác từ đá cuội hoặc các phiến đá chẽ có kích thước lớn, được đục đẽo công phu xếp theo kỹ thuật đơn giản đều có cấu trúc hình vuông. Loại giếng nhỏ có cạnh vuông khoảng từ 1,2m - 1,5m, các giếng lớn có từ 1,8m - 2,5m. Có loại chỉ xếp các viên đá phong hóa bazan được ghè đẽo 4 mặt tạo thành hình chữ nhật, có kích cỡ dài trung bình từ 40 - 50cm, dày 25cm. Kỹ thuật xếp theo lối: 1 lớp dưới là những viên đá nằm ngang theo thành giếng, 1 lớp trên là những viên đá nằm dọc vuông góc với viên bên dưới cắm sâu vào bờ đất để tạo ra sự cân bằng lực. Có giếng bên dưới là những viên đá phong hóa bazan, còn bên trên được kè chắn 4 phía bằng 4 tấm đá loại sa phiến thạch mịn, màu xanh để tạo nên thành giếng. Các tấm đá này liên kết với nhau bằng kỹ thuật khớp mộng ở các góc. Về sau này, để gia cố thêm cho chắc chắn, người ta đã sử dụng vữa ciment để đắp thêm các bờ góc và mép trên thành giếng. Có giếng từ bên dưới lên bên trên thành giếng đều được xây dựng theo lối sử dụng các phiến đá có kích thước lớn xếp chồng lên nhau để tạo ra vách và thành giếng ở bốn phía. Các phiến đá dùng để tạo ra vách và thành giếng là loại đá sa phiến thạch hạt mịn có màu xanh hoặc nâu tím. Các tấm đá phiến này thường có kích cỡ dài 1,6m - 1,8m, rộng từ 0,4 - 0,7m, dày từ 0,4 - 0,6cm.

Ðể liên kết các tấm đá lại với nhau, người ta sử dụng kỹ thuật dựng trụ đá ở bốn phía rồi xẻ ngoàm dọc thân trụ về hai phía để gắn hai đầu của các phiến đá vào đường rãnh giữ cho các phiến đá yên vị, không bị xê dịch. Có bốn trụ đá dựng ở bốn góc từ đáy lên khỏi thành giếng. Các trụ đá hình vuông, cạnh 15cm - 20cm; đầu trụ được tạo dáng bởi những đường giật cấp tạo ra eo cổ. Trên cùng của thành giếng, liên kết các trụ đá với nhau là bốn thanh đá dày chốt mộng vào hai cột đá ở hai đầu. Ở phía ngoài thành giếng, để giữ cho các trụ đá khỏi bị lệch, người ta đặt ở trên bề mặt nền giếng bốn viên đá tảng có kích thước vuông 0,4m - 0,5m, xẻ góc áp vào các cột đá. Kỹ thuật kè giữ này có thể được sử dụng từ đáy giếng lên tận thành giếng ở những khoảng cách thích hợp bên ngoài.

Tất cả các trụ đá và phiến đá đều được chế tác rất tinh xảo, nhất là kỹ thuật tạo mặt phẳng, kỹ thuật đục, đẽo tạo các rãnh ngoàm, lỗ mộng chốt chứng tỏ chủ nhân xây dựng ra công trình này đã đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật khai thác và chế tác nguyên liệu đá. Hiện nay, để đảm bảo tính bền vững của giếng, người ta đã gia cố thêm ở các trụ đá một trụ bê tông áp vào phía ngoài; đồng thời, cũng tạo ra một khung chống đỡ bằng bê tông cốt thép để chằng giữ xung quanh thành giếng.

Trừ các giếng được xếp, kè đá phong hóa bazan thì những giếng có sự xuất hiện của các phiến đá theo kỹ thuật đục, đẽo tạo các rãnh ngoàm, lỗ mộng chốt là những giếng được người Việt tạo tác dựa trên kỹ thuật Chăm và từ bản thân của một giếng Chăm. Điều này rất dễ nhận ra ở những trụ gỗ còn lại trong lòng giếng đá An Xuân.

Đối với các giếng xây dựng theo cách thức kỹ thuật nửa đá, nửa gạch (trên xếp gạch, dưới kè đá hay dưới xếp gạch trên kè đá) dưới đáy có lát gỗ chủ yếu có hình tròn. Những giếng có cách thức dưới kè đá, trên xếp gạch chiếm ưu thế. Nguyên liệu và cách thức kỹ thuật xếp đá không khác gì cách thức xếp của các loại thuần đá như đã nói ở trên.

Đối với các giếng xây dựng theo cách thức kỹ thuật hoàn toàn bằng xếp gạch có khi là hình vuông, lại có khi hình tròn, dưới đáy có khung gỗ. Giếng hình vuông thường có kích thước mỗi cạnh là 1,4m - 1,6m. Giếng hình tròn thường có đường kính từ 1,6m - 1,8m. Thành giếng của các giếng này đa phần đã được người Việt cải tạo lại, chỉ có các lớp gạch bên dưới là thuộc gạch Chăm. Các lớp gạch xếp không dùng chất kết dính. Kỹ thuật xếp không nhất quán nhưng thường là cứ 2 - 3 lớp gạch được xếp nằm theo chiều ngang thành giếng thì có 2 - 3 lớp gạch xếp nằm dọc vuông góc với lớp bên dưới cắm sâu vào bờ đất để tạo ra sự cân bằng lực. Độ sâu của các giếng xếp gạch thường cạn, không như các giếng xếp đá hoặc tạo vách bằng khung gỗ, chừng không quá 3m kể từ mặt đất.

Những công trình khai thác nước thuộc hai hệ thống này cùng với những hồ chứa, đập nước ở nhiều nơi trải qua thời gian có một số đã trở nên hoang phế, một số khác còn khá nguyên trạng như vốn có hoặc đã được cải tạo lại để phù hợp với nhu cầu của nhân dân địa phương, nhưng nhìn chung chúng đều là những giếng có mạch nước trong vắt vọt lên, tiết ra, rỉ ra từ lòng đất, dưới chân các triền đồi. Quanh năm suốt tháng, các giếng này không bao giờ cạn. Ðó là những công trình phục vụ đắc lực cho sinh hoạt con người và sản xuất nông nghiệp.

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu điền dã về khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học tại địa phương, chúng tôi chủ trương coi các hệ thống giếng có cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa chức năng dựa trên nguyên tắc tự dâng, tự chảy theo lối “dẫn thủy nhập điền” có cùng chủ nhân sáng tạo với hệ thống giếng đơn (giếng khơi/thơi) xếp đá hay gạch, vừa xếp đá vừa xây gạch, dưới có lát gỗ mà từ lâu nay đã được coi là giếng Chăm hay giếng theo kiểu kỹ thuật Chăm.(2) Từ các máng đá/vòi dẫn tại các công trình khai thác nước liên hoàn, đa chức năng ở Gio An, qua các bi giếng ở giếng Pheo vùng đồi đất đỏ, giếng Mội vùng đồi cát đến các viên đá cuội, đá phong hóa bazan được chế tác 4 mặt và các phiến đá ở giếng Tô, giếng Tây; từ các giếng vốn nguyên thủy là khung gỗ, ván gỗ sử dụng làm kè chắn vách giếng (giếng An Xuân, giếng Cẩm Thạch) đến khung đá và phiến đá ở giếng đá An Xuân, giếng đá Kim Ðâu theo chúng tôi là một quá trình đi từ thấp lên cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện về kỹ thuật chế tác, sử dụng nguyên liệu đá trong các công trình khai thác nước. Từ những công trình chỉ xếp bằng đá (đá cuội, đá phiến thạch, đá phong hoá bazan có đẽo gọt...), lên những công trình kết hợp nửa đá nửa gạch và cuối cùng là những công trình thuần gạch là một tiến trình phát triển kỹ thuật xây dựng.

Từ người Chăm đến người Việt, trải qua thời gian tạo lập và kế thừa sử dụng, những công trình khai thác nước cổ vùng Quảng Trị đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng vốn có của vùng đất mà họ gắn bó.

TAGS

Pa-điền-xang: Chiếc mâm lễ nghĩa của người Bru - Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Với việc nhấn nhá lên các sản phẩm mây tre đan đơn điệu bằng những hoa văn bình dị cùng đường nét, màu sắc tinh tế, người Bru - Vân Kiều đã tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng biệt từ nghề mây tre đan truyền thống. Sản phẩm người Bru - Vân Kiều đan từ mây tre chủng loại không nhiều nhưng đó luôn là những công cụ phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu sinh hoạt của đồng bào. Một trong những dụng cụ tiêu biểu cho sự thông dụng và đa năng ấy chính là pa-điền-xang, chiếc mâm truyền thống của người Bru - Vân Kiều.

Lăng Bác Hồ - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin

PV |

Thể theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Những hình ảnh đặc biệt về Sài Gòn tháng 5 năm 1975

PV |

Màu cờ đỏ và màu áo xanh của các chiến sĩ Giải phóng tạo nên nét đặc trưng của các đường phố Sài Gòn tháng 5 năm 1975.

Hình ảnh Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

PV |

Ngày 30/4 hằng năm, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông để kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.