Pa-điền-xang: Chiếc mâm lễ nghĩa của người Bru - Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Với việc nhấn nhá lên các sản phẩm mây tre đan đơn điệu bằng những hoa văn bình dị cùng đường nét, màu sắc tinh tế, người Bru - Vân Kiều đã tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng biệt từ nghề mây tre đan truyền thống. Sản phẩm người Bru - Vân Kiều đan từ mây tre chủng loại không nhiều nhưng đó luôn là những công cụ phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu sinh hoạt của đồng bào. Một trong những dụng cụ tiêu biểu cho sự thông dụng và đa năng ấy chính là pa-điền-xang, chiếc mâm truyền thống của người Bru - Vân Kiều.

Chiếc mâm nghĩa lễ
Chiếc mâm truyền thống của người Bru - Vân Kiều

Đan gùi, rổ, rá, trúm, mẹt, sàng,... thì chỉ cần nghệ nhân đan lát quen nghề là có thể tự mình hoàn thiện một sản phẩm, riêng đan pa-điền-xang cần nhiều thời gian và kỳ công thì phải là người đan lát giỏi nhất. Tùy theo dụng ý sử dụng để đồng bào đặt làm những chiếc mâm to hay nhỏ cũng như bố trí mức độ nông sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp.Nguyên liệu để làm mâm được đồng bào lựa chọn tương đối kỹ càng. Tre nứa không quá già, sẽ bị giòn, dễ gãy hoặc quá non, nan đan sẽ bị teo lại. Cây mây cũng vậy, phải thẳng, tròn đều, không sâu bệnh, tránh lấy cây non hoặc già quá. Bởi thế, khai thác đủ mây tre để đan một chiếc mâm có khi mất cả tuần đi rừng. Sau khi mang mây tre về nhà, người đan mâm tiến hành chẻ ra luôn tránh việc khi khô đi sẽ khó vót. Trước khi đan mâm, nan tre sẽ được ngâm qua nước để tăng độ dẻo dai và dễ dàng uốn nắn.

Người dân Bru-Vân Kiều vẫn thường xuyên đan lát trong các buổi lễ quan trọng.
Người dân Bru-Vân Kiều vẫn thường xuyên đan lát trong các buổi lễ quan trọng.

 Nan tre chẻ để đan mâm gồm hai loại nan xương và nan thường. Nan thường chỉ cần đều đặn, dẻo dai, còn nan xương sẽ là bộ khung của tấm đan nên phải to bản và cứng cáp. Pa-điền-xang có phần đáy và phần thân tách biệt nên khi đan nghệ nhân phải thật khéo léo bẻ góc, uốn cong nan xương cũng như tạo hoa văn cho từng phần. Phần thân mâm được đan lóng đôi, khi đan xong sẽ thấy nan dọc, nan kép dính chéo vào nhau một cách kín kẽ. Còn phần đáy thì sử dụng kỹ thuật đan lồng bao gồm các nan ngang, nan chéo cắm chồng lên nhau tạo thành những hoa văn hình thoi đều tắp.

Chiếc pa điền xang (mâm mây đựng cơm) tinh tế, tiện dụng của người Vân Kiều
Chiếc pa điền xang (mâm mây đựng cơm) tinh tế, tiện dụng của người Vân Kiều

Để hoàn thiện pa-điền-xang nghệ nhân sẽ luồn những nan tre được chừa dài ra có chủ đích ở phần đỉnh đáy vào đuôi của thân mâm rồi dùng dây mây nức lại với nhau thành một thể thống nhất. Đế và vành miệng mâm cũng được nức lại kín kẽ và đều đặn làm nổi lên những gân mây rõ nét và sống động.

Người Bru - Vân Kiều ít khi dùng phẩm màu để nhuộm nan, đổi lại họ sẽ tận dụng tối đa màu xanh của bề mặt nan cật giúp lấy được màu nguyên bản cũng như giữ được độ bền chắc dài lâu cho sản phẩm. Sau khi đan xong, người ta mang mâm gác trên giàn bếp một thời gian để khói và bồ hóng bám dính vào sản phẩm, khi đó màu cật tre sẽ chuyển sang màu nâu đậm, càng làm cho đường nét hoa văn của pa-điền-xang nổi bật và tinh tế hơn.

Pa-điền-xang được sử dụng để bày thức ăn trong bữa cơm, bày mâm cỗ trong các dịp lễ hội, đặc biệt hơn hết là bày sính lễ trong ngày cưới của người Bru - Vân Kiều. Trong ngày cưới, lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái nhất thiết phải có chiếc nồi đồng, thanh kiếm và thỏi bạc nén được chưng trên pa-điền-xang. Sau nghi thức trao sính lễ của nhà trai cho nhà gái thì đôi nam thanh nữ tú được mọi người xác tín thành vợ thành chồng.

Ngày trước, đan hoàn chỉnh một chiếc mâm tre là cách để các chàng trai Bru - Vân Kiều thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các cô gái đến tuổi cập kê. Thế nhưng, lợi thế để tìm ra ý chung nhân ấy dần bị đánh mất bởi các chàng trai trẻ người Bru - Vân Kiều đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa hay kim loại giá rẻ như rá, rổ, xô, chậu và cả chiếc mâm... phù hợp với đời sống hiện đại cũng là lý do chính yếu làm nghề đan lát của đồng bào dần bị mai một. Thiết nghĩ, các ban ngành liên quan cần sớm có những chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo này của người Bru - Vân Kiều.

 
Ngoài ra, người Vân Kiều còn đan A Chói để đi rẫy. Ảnh: Phan Tân Lâm
Ngoài ra, người Vân Kiều còn đan A Chói để đi rẫy. Ảnh: Phan Tân Lâm

Bởi đối với người Bru - Vân Kiều, pa-điền-xang chính là chiếc mâm của lễ nghĩa, giúp đồng bào định mức được những giá trị văn hóa cốt lõi do ông cha truyền đời. Bằng việc sáng tạo và khéo léo để tạo ra những chiếc mâm tre truyền thống, người Bru - Vân Kiều sẽ còn lan tỏa nét đẹp văn hóa riêng có ấy đến với bà con các dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

TAGS

Lăng Bác Hồ - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin

PV |

Thể theo ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Phần thưởng của Bác Hồ tặng thiếu nhi Vĩnh Linh

Lan Phương |

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thiếu nhi tỉnh Quảng Trị nói chung và thiếu nhi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nói riêng đã cùng thiếu nhi cả nước đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đánh bại kẻ thù để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khát vọng thống nhất của người dân Hiền Lương

Trần Tú |

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là nơi phân chia giới tuyến tạm thời 2 miền Nam - Bắc. Sống ở vùng trọng điểm đánh phá của Mỹ - ngụy, nhân dân Hiền Lương vẫn kiên cường bám trụ, giữ cho ngọn cờ nơi Vĩ tuyến 17 vẫn luôn bay cao trong gió với khát vọng Nam Bắc một nhà, đất nước thống nhất. Với những người dân bám đất giữ làng, giữ ngọn cờ Hiền Lương, ký ức về những năm tháng gian khổ ấy luôn đầy ắp khát vọng thống nhất, hòa bình.

Đường Hồ Chí Minh - Con đường của khí phách và trí tuệ Việt Nam

Thu Hạnh |

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Jacques C. Despuech từng nhận xét: “Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc.”