Ký ức của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Nguyên Đồng |

Những ngày tháng 5/2024, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh khắp các địa phương trên cả nước hướng đến sự kiện lớn: 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn 19/5 (1959 - 2024). Tại huyện Vĩnh Linh, nơi được chọn làm điểm bắt đầu để mở đường Trường Sơn huyền thoại vào năm 1959, thời điểm bấy giờ có trên 600 nam, nữ thanh niên tham gia vào lực lượng bộ đội Trường Sơn. 65 năm đã trôi qua, mỗi dịp cùng nhau ôn lại một thời hào hùng ấy, với những người lính còn ở lại, đường Trường Sơn luôn là niềm tự hào, kỷ niệm đặc biệt không bao giờ quên trong ký ức.

Tại huyện Vĩnh Linh, ông Nguyễn Đăng Diễm, ở thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp là một trong những thanh niên thuộc lớp người đầu tiên tham gia lực lượng bộ đội Trường Sơn. Ông Diễm được phân bổ vào đơn vị vận tải gắn với danh hiệu “Gan vàng, da ngọc”. Năm nay đã bước qua tuổi 94, song ông vẫn nhớ rõ về những năm tháng cùng đồng đội vào sinh, ra tử thực hiện nhiệm vụ của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559. Ông Diễm kể lại, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt, để giữ vững liên lạc giữa 2 miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có 1 tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn. Việc mở đường vận chuyển chi viện chiến lược trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn được thành lập, nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật để mở đường Trường Sơn, bắt đầu từ Khe Hó, xã Vĩnh Hà, ở tây nam Vĩnh Linh nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam. Ra đời vào tháng 5/1959, đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược Trường Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn. Trong năm 1959, đoàn có nhiệm vụ soi đường, giữ vững giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự và tổ chức cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nồng cốt xây dựng lực lượng chủ lực.

Ở tuổi xưa nay hiếm, có lúc nhớ lúc quên nhưng Đoàn 559 luôn là ký ức khó phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Đăng Diễm
Ở tuổi xưa nay hiếm, có lúc nhớ lúc quên nhưng Đoàn 559 luôn là ký ức khó phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Đăng Diễm

  Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn, từ yêu cầu đảm bảo bí mật, bộ đội ta không chỉ chủ trương tránh địch mà tạm thời còn phải tránh dân, đến những nơi khó khăn nhất, không ai đến, bí mật vạch tuyến đi xuyên qua vùng rừng núi hiểm trở, cheo leo. Từ những bước chân lặng lẽ, soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã viết nên màn mở đầu của bản trường ca hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tròn 18 tháng, trải qua 2 mùa khô và 1 mùa mưa, Đoàn 559 đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm km trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên; hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân an toàn vào các chiến trường. Cách mạng miền Nam ngày càng phát triển, Đoàn 559 thực hiện tốt chủ trương giữ và củng cố đường cũ, mở thêm và xây dựng đường mới, phá thế độc tuyến. Đặc biệt từ đường gùi cõng hàng tiến tới mở đường dùng cho phương tiện thô sơ và bước đầu làm đường cho cơ giới hoạt động. Đoàn nhanh chóng chuyển thành binh đoàn, từ chỗ 500 cán bộ, chiến sĩ lúc đầu đã dần tăng lên hơn 6.000 người. Từ năm 1965 trở đi, vận tải quy mô cấp tiểu đoàn và đến năm 1970 phát triển lớn mạnh với gần 30 binh trạm, hàng chục binh chủng, vận tải quân sự, cơ giới phát triển tới 2 sư đoàn, nhiều đơn vị ô tô thuộc 27 binh trạm khu vực.

Hơn 600 thanh niên Vĩnh Linh quyết tâm bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại
Hơn 600 thanh niên Vĩnh Linh quyết tâm bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

  Do vị trí và vai trò chiến lược, đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến vận tải mà còn là chiến trường lớn ác liệt. Nơi đây tập hợp nhiều binh chủng, lực lượng gồm: vận tải, cầu đường; công binh, thanh niên xung phong; phòng không; giao liên; thông tin; bộ binh; quân y; văn hóa, văn nghệ. Từ đây hình thành sức mạnh tổng hợp chống chiến lược “chiến tranh ngăn chặn - chiến tranh bóp nghẹt” của địch. Trong điều kiện khốc liệt, lấy khẩu hiệu “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” làm mệnh lệnh và với quyết tâm “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, lực lượng bộ đội Trường Sơn Đoàn 559 đã vượt qua sự đánh phá, ngăn chặn vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, vững tay cuốc, chắc tay súng, mở đường, tải đạn, vận chuyển hàng hóa, tài liệu, cán bộ, bộ đội, bảo vệ tuyến đường thông suốt. Ông Lê Hữu Hoành, thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, người cùng tham gia vào lực lượng bộ đội Trường Sơn, thuộc bộ phận văn phòng chỉ huy cho biết: “Trong 16 năm (1959 -1975), bộ đội Trường Sơn đã ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lập nên 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang Đông - Tây Trường Sơn tổng chiều dài 20.000 km. Đào đắp 29 triệu m3 đất đá, san lắp 78.000 hố bom; phá 20.600 quả bom, 85.000 mìn các loại; đánh 2.500 trận, loại vòng chiến đấu 18.740 tên địch; phá hủy hàng trăm xe quân sự, bắn rơi 2.455 máy bay, thu hàng nghìn súng các loại. Vận chuyển hàng triệu tấn hàng, tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt người ra vào chiến trường… Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; 32.000 người bị thương; hàng nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học… Với những kỳ tích, chiến công vang dội trên nhiều mặt trận, Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn trở thành nhân tố quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong những chiến công xuất sắc của Đoàn 559 có sự đóng góp rất lớn của lực lượng bộ đội Trường Sơn con em Vĩnh Linh”.

Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Vĩnh Linh tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ vào mỗi dịp gặp mặt truyền thống
Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Vĩnh Linh tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ vào mỗi dịp gặp mặt truyền thống

  Cống hiến trọn tuổi thanh xuân vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, hòa bình lập lại, những người lính Trường Sơn năm xưa trở về quê hương, tiếp tục phát huy tinh thần của bộ đội Cụ Hồ đoàn kết, tiên phong, gương mẫu trong cuộc sống. ÔngNguyễn Văn Tân - Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn huyện Vĩnh Linh cho biết thêm: “Cùng với các tổ chức hội thành viên, các ban liên lạc khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2004, Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn huyện Vĩnh Linh được thành lập. Đến nay, sau 20 năm đã tập hợp trên 200 hội viên cùng tham gia sinh hoạt với nhiều hoạt động ý nghĩa. Từ đó thắt chặt thêm tình đồng chí, đồng đội, luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tiếp tục góp sức thực hiện những nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua ở địa phương”. 65 năm hay bao nhiêu năm nữa sẽ trôi qua, đường Trường Sơn vẫn luôn là kỳ tích lịch sử, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và câu chuyện của những người lính trên tuyến đường huyền thoại ấy mãi là ký ức hào hùng về một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhắc nhở những thế hệ hôm nay và mai sau trân trọng hòa bình, độc lập, phấn đấu học tập, rèn luyện, tiếp tục cống hiến, góp sức dựng xây quê hương.

Hồi ức về những năm tháng sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người lính bộ đội Trường Sơn con em huyện Vĩnh Linh
Hồi ức về những năm tháng sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người lính bộ đội Trường Sơn con em huyện Vĩnh Linh


Cựu học sinh K8 kể chuyện lịch sử

Trúc Phương |

Chiến dịch K8 đưa hàng vạn học sinh Vĩnh Linh, các vùng Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị) đang sơ tán tại Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc cách đây gần 60 năm về trước được nhắc đến như một cuộc trường chinh lịch sử. Đặc biệt, đối với các thế hệ cựu học sinh K8, khoảng thời gian ấy đến nay vẫn in hằn trong ký ức, như mới diễn ra ngày hôm qua.

Tháng Tám mùa thu, nhớ ơn người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Nguyễn Thanh - Lê Phương |

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời Người đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã đau đáu trước những khó khăn chồng chất của đất nước khi đó: giặc đói, giặc dốt; giáo dục nhân dân thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, xây dựng được một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân...

Con người và truyền thống văn hóa thúc đẩy sự phát triển huyện Vĩnh Linh

Nguyễn Hữu Thắng |

Tôi là người Vĩnh Linh. Tôi sinh ra, lớn lên, học tập, công tác và bây giờ về nghỉ hưu đều gắn bó với những diễn biến lịch sử và sự đổi thay của mảnh đất này trong suốt gần 70 năm qua.

Xúc cảm hòa bình từ những bức tranh ký họa

Đức Việt |

Hai họa sĩ ký họa tài năng thuộc hai thế hệ khác nhau cùng tạo nên một triển lãm tranh giàu cảm xúc mang tên “Hồi sinh”. Đến với triển lãm này, công chúng yêu hội họa được chiêm ngưỡng những bức ký họa bằng bút chì đơn sơ của thời chiến và bằng màu nước mang nét tươi vui của thời bình được vẽ cách nhau hơn 50 năm. Từ sự tương phản đó, người xem sẽ chiêm nghiệm được giá trị của hòa bình qua cảm nhận của riêng mình.