Về Bích La Đông, đi qua ngôi đình làng trầm mặc, nhìn hồ nước và những vuông cỏ, tâm trí tôi lại hiện về cuộc triển lãm của họa sĩ Lê Bá Đảng gần 30 năm trước, tháng 3 năm 1992. Dịp ấy, những tác phẩm nghệ thuật của ông được trưng bày trên bãi cỏ, trước đình làng, trên tảng đá, ven hồ nước… Khách đến với triển lãm không chỉ có những tên tuổi trong giới nghệ thuật của cả nước và quốc tế mà còn là những người dân lam lũ từ làng quê của ông.
Cuộc trở về tạ ơn làng quê yêu dấu
Năm đó (1992) họa sĩ Lê Bá Đảng 71 tuổi, đã nổi tiếng khắp thế giới, tác phẩm của ông đã có trong những bảo tàng mỹ thuật lớn ở Pháp, Mỹ, Nhật.... Trường phái nghệ thuật của riêng ông được gọi bằng thuật ngữ “lebadagraphy”, tầm vóc ông được tôn vinh là “bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây”, hàng trăm cuộc triển lãm diễn ra suốt hành trình theo đuổi nghệ thuật hơn nửa đời người của ông ở những gallery sang trọng nơi xứ người… Nhưng cuộc triển lãm được ông trông chờ nhất là cuộc bày biện ở quê nhà, trong mảnh làng Bích La Đông ôm ấp cát giữ thời hoa niên tuổi dại của ông.
Ký ức của lần dự khán triển lãm gần 30 năm trước vang vọng trong tôi khi lần này được về lại mảnh làng Bích La cùng Lê Hồng Phương, người cháu của danh họa Lê Bá Đảng. Phương là kỹ sư công nghệ thông tin, anh không phải là người làm nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng cùng với các thế hệ thành viên trong gia đình đã đứng ra tổ chức cuộc triển lãm cho người ông mà anh yêu quý và kính trọng. Bởi ngày 27/6/2021 này với đại gia đình anh Phương là một ngày trọng đại: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Lê Bá Đảng!
Trong khuôn viên ngôi nhà lưu niệm của Lê Bá Đảng ở làng quê này, giữa một không gian được bao bọc bởi lúa và tre, sum vầy cỏ cây và vài dấu vết ngôi nhà thơ ấu trăm năm của họa sĩ còn lưu lại trên một góc mảng tường gạch cũ, cái “bể cạn” đầu hồi nhà, những viên đá kê cột của ngôi nhà năm gian đầu thế kỷ XX. Phương nói sẽ bày biện 100 tác phẩm của ông cho lần triển lãm đặc biệt này.
Tha thẩn trong ngôi nhà lưu niệm họa sĩ, nhìn những phù điêu, tượng gỗ, tranh ảnh của ông, chợt nhớ một châm ngôn mà người ta hay nhắc khi nói về sáng tạo nghệ thuật: “Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại”. Với Lê Bá Đảng, từ mảnh làng Bích La Đông này ông đi tìm nhân loại trên chuyến tàu viễn dương chở đầy lính thợ sang Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai để rồi mải miết hơn nửa thế kỷ sau, ông mang tất cả những điều nhân loại đã thừa nhận về dâng tặng cho làng như niềm tri ân của đứa con quê hương.
Một tấm lòng thiết tha cùng Tổ quốc
Tôi dõi theo nhiều thước phim hình ảnh về dấu chân Lê Bá Đảng qua muôn trùng nhân gian. Đó là tấm ảnh treo trang trọng trong nhà, thời điểm năm 1946, ông được bà con Việt Kiều ở Pháp cử lên Paris để gặp Hồ Chủ tịch khi Người sang dự hội nghị Fontainebleau, mang theo tiền bạc mà bà con Việt kiều đã gom góp gửi về cho Tổ quốc đang trong những tháng ngày gian khó. Rồi từ đó, cho dù chặng đường vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa vất vả mưu sinh, hay sau này thành danh và giàu có thì mãi mãi với Lê Bá Đảng vẫn là một tấm lòng tha thiết với Tổ quốc.
Hiếm có một danh họa nào sống giữa phồn hoa xứ người lại gắn bó với đất nước bởi các dự án nghệ thuật mà tên gọi đã nói lên tất cả: Vườn mộ Loa Thành, Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng, Cọc chông Bạch Đằng… Những ngày đất nước ra trận, ông có những Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973-những bức tranh về Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh). Tròn 15 năm trước, tháng 6/2006, chúng tôi may mắn được chiêm bái những bức tranh trong các dự án nghệ thuật ấy được mang về từ nước Pháp, lặng im mà đầy náo động trên những bức tường của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Huế đã trân trọng và dành cho ông một biệt thự đẹp nhất cố đô trên con phố Lê Lợi để làm trung tâm nghệ thuật mang tên ông. Cũng vừa mới năm ngoái thôi, thêm một trung tâm nghệ thuật mang tên “Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng” (Lebadang Memory Space) đã được xây dựng ở phía Tây thành phố Huế. Do COVID-19, các chương trình tham quan chưa được quảng bá rộng rãi nhưng Lebadang Memory Space đã hiện thực hóa giấc mơ của ông về “một tác phẩm nghệ thuật mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên, hướng về bất tận...”. Có thể nói với tầm vóc và tên tuổi của mình, các trung tâm nghệ thuật liên quan đến Lê Bá Đảng thật sự là những địa chỉ nghệ thuật, không chỉ làm sang trọng và giàu có gia tài văn hóa nghệ thuật của một vùng đất ấy mà còn tạo ra sức hấp dẫn thu hút du khách tìm đến.
Trở lại với mảnh vườn hương hỏa nơi quê nhà Bích La Đông của ông. Chắc chắn ở đó không có sự lộng lẫy như những gallery ở Paris, New York, Tokyo.., cũng không sang trọng như căn biệt thự đẹp nhất trên đường Lê Lợi (Huế) mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành cho ông hay Lebadang Memory Space ở miền đồi phía Tây kinh thành Huế với một không gian kiến trúc được coi là đẹp vào hàng “đẳng cấp thế giới” như nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ. Nhưng ở đó có những điều mà chính ông đã “đi đến tận cùng mảnh làng của mình sẽ gặp nhân loại”.Đưa góc vườn quê ra thế giới…
Gian giữa căn nhà thờ của ông ở làng Bích La Đông có chưng chiếc tủ thờ. Những chiếc tủ thờ với mặt trước khảm xà cừ là điều không lạ ở trong các căn nhà người Việt. Hãy nhìn bức tranh được khảm ở trung tâm chiếc tủ thờ. Đó không phải là hình long ly quy phượng hay những hoa văn kỷ hà như thường thấy. Đó là một dáng cây với nhiều cành nhánh, trên mỗi cành nhánh lại có những khối vuông hay tam giác. Phương giải thích: Đó là cây phả hệ của gia đình. Gốc cây kia là ông bà cố, ông bà sinh ra 10 người con, bảy trai ba gái, anh để ý cái cây kia có 10 quả với 7 quả hình vuông tượng trưng cho 7 người con trai, 3 quả hình tam giác là 3 người con gái. Rồi trên cùng là con cháu sau này, phía dưới gốc là phả hệ trước đời ông bà cố… Thế đấy, với Lê Bá Đảng luôn là sự sáng tạo độc đáo đến giản dị. Ông đã từng vẽ những con mèo một nét để bán ở phố “Con mèo câu cá” (La Rue Du Chat Qui Pêche) đỡ đần mưu sinh, rồi sau này vẽ ngựa, rồi cao hơn, xa hơn thành một trường phái hội họa riêng, như những nhà nghiên cứu nghệ thuật từng nói về ông: “Châm ngôn chủ đạo giải thích sức sáng tạo phi thường của Lê Bá Đảng là “không bắt chước ai, không bắt chước mình”. Đố ai “xếp loại” được hội họa của Lê Bá Đảng. Đố ai đoán định được đề tài và phong cách giai đoạn hiện nay và sắp tới của anh. Bàn tay và đôi mắt của Lê Bá Đảng luôn luôn tra vấn tấm toan, cục đất, phiến kim loại, tảng đá, sợi dây thép... ở trước mặt để buộc nó nói lên một hưng phấn bất chợt đó, mà cũng là nung nấu không biết từ bao giờ”.
Cái bức tranh khảm trên chiếc tủ thờ là một chi tiết nhỏ, rất gia đình, rất làng xã nhưng sức biểu đạt nghệ thuật của nó cũng không thua gì một cuốn tiểu thuyết từng làm chấn động thế giới cuối thập niên 70 thế kỷ XX: Cội rễ của Alex Haley. Cũng chỉ qua một câu chuyện nhỏ ấy, càng chứng minh quan niệm của ông về nghệ thuật: “Thông thường, nghệ sĩ chỉ thích mây, gió, trăng, sao, tỏ vẻ không cần kinh tế. Hội họa cao quý như đạo, vì vậy có người khi nói đến kinh tế cho là tồi tàn lắm. Nếu nghĩ vậy thì không được, hỏng mất. Làm ra cái gì mà không cần kinh tế?”. Nghệ thuật nhưng không xa rời Nhân dân, nghệ thuật mang lại cơm áo cho dân, rất nhiều dự án nghệ thuật đã được ông ấp ủ, là một bức tranh giữa núi non mà du khách có thể dạo chơi trong bức tranh ấy, là hạt gạo quê mùa nhưng có thể là một tác phẩm nghệ thuật bán được tiền, là những dấu chân Giao Chỉ ruộng đồng nhưng vẫn sang trọng sánh vai bên những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ. Với Lê Bá Đảng không có nghệ thuật nào nghịch lý với khó nghèo mà từ khó nghèo vẫn làm được nghệ thuật và rồi chính nghệ thuật ấy sẽ làm cho người dân no ấm hơn, giàu có hơn.
Rất nhiều dự vọng như vậy đang ấp ủ, đang manh nha chưa kịp thành hiện thực thì ông đã ra đi, chỉ vài tháng sau khi nước Pháp khánh thành tượng đài về những người lính thợ dựng ở thị trấn Salin-de-Giraud, cửa khẩu sông Rhône nước Pháp. Đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương là một bức tượng bằng thép cao 2 m, đặt trên bục đá cao 80 cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động. Từ giã cõi nhân gian ở tuổi 94, đó là đại thọ, không nhiều người may mắn hưởng được tuổi trời như thế. Nhưng với Lê Bá Đảng, tuổi 94 với ông vẫn là quá ít. Giá mà ông được sống thêm nhiều năm nữa để những ước mơ nghệ thuật vì con người, vì quê nhà của ông trở thành hiện thực. Thân xác Lê Bá Đảng đã nằm lại với những bạn bè lính thợ một thuở ở nước Pháp, nhưng linh hồn ông đã về với mảnh làng Bích La Đông, lặng lẽ với nụ cười đôn hậu và ánh mắt tinh anh, ông sẽ nhìn tất cả với đôi mắt hải âu đã bay qua muôn trùng bể rộng.
Bằng nghệ thuật của mình, Lê Bá Đảng đã làm cho nhân loại biết đến quê hương và quê nhà của mình trong niềm kính ngưỡng. Sứ mệnh ấy chỉ dành cho những tâm hồn vĩ đại, những tài năng vĩ đại. Tất nhiên những con người như thế, phải đếm rất hiếm hoi trong từng thế kỷ!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)