Lòng không rời bến

Đông Hà |

Hốt nhiên, một ngày nhìn lại, tôi đã rời ngôi trường mình học một quãng quá xa.

Bây giờ, mỗi lần có dịp trở về, đi ngang qua, đứng một chút thôi ngó vào, lòng lại bâng khuâng tháng ngày xưa gợi về những kí ức chưa bao giờ cũ. Nơi đó, tôi đã gửi lại một thời thiếu nữ, gửi lại tà áo dài bối rối trong màu gió hồng đặc trưng của nỗi đất bụi xứ này, gửi lại ánh mắt lang thang trên con đường đếm bước chân mình về theo năm tháng, gửi lại những niềm vui, nỗi buồn, những thênh thang vầng ngực áo rộng buổi chớm nghe nắng nở trong lòng.

Tuổi học trò những năm của thập kỉ 90 thế kỉ trước không nhiều hoa, không có nhiều trò cầu kì bay bướm lãng mạn. Những cô cậu học trò nghèo từ khắp các huyện nghèo ngày ngày rít rát vòng xe đạp bươn với gió để đến trường. Kí ức mỗi đứa học trò thuở ấy, có lẽ, không bao giờ quên hàng phi lao vun vút gió như muốn tước cả tóc tai mặt mũi ném cả vào trời xanh. Thuở ấy, những hàng cây chưa kịp lớn lên, những bụi sim mua cằn cỗi nằm sấp xuống, những ngôi nhà cao tầng còn ngủ mớ… nên suốt cả rộng dài chỉ có những gió sương mưa nắng thoải mái tung hí không gian.
 

Đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, ngôi trường cấp 3 nơi thị xã nhỏ nhắn vừa kịp được xây lên, quét màu xanh da trời là hình ảnh hiện đại và tự hào nhất của ngành Giáo dục tỉnh nhà lúc ấy. Cổng trường rạng rỡ, những bậc cấp nối từ cổng vào sân giật ngược bước lên bậc thềm vào hành lang, tuổi trẻ đi bước nào nghe xôn xao bước ấy. Buổi đầu tiên đến trường, tôi đi bộ, khi đặt bước chân vào cổng trường ấy, đôi mắt tôi phải ngước lên thật cao, dè dặt theo bậc cấp lên từng lối, mà trí tưởng tượng của tôi chưa bao giờ ngưng ý nghĩ, đây chính là bậc cấp bước lên xứ thiên đường. Có lẽ bây giờ, ý nghĩ ấy thật buồn cười và cường điệu. Nhưng, những năm 90 ấy, nếu bạn biết rằng, mỗi đứa trẻ cần phải lớn nhanh để quăng quật giữa đời kiếm miếng cơm manh áo quan trọng hơn ngồi trong lớp nhặt chữ, hẳn, bạn sẽ đồng ý với tôi, chính bậc cấp dẫn lên hành lang trường được giật từng chặng một từ ngoài cổng vào đến hành lang đến mấy lần kia, thực sự là lối lên thiên đường của tuổi trẻ chúng tôi thuở đó.

Tôi đã gửi lại giọt nước mắt trong veo nơi gốc cây phượng trẻ con có những nhánh non kịp vặn mình bởi gió xiết. Những gốc xà cừ vững chãi luôn giấu chùm dép bọn con trai tinh nghịch buộc lại đôi lên cao. Có những ngày lạc lối chốn xa xôi, nghĩ về nơi gốc cây ấy, không biết có còn giữ giùm chúng tôi những câu chuyện vụng dại đêm đêm sau mệt nhoài bài vở đã từng ra ngồi thả mơ ước lên trời.

Những ngày tháng không ở lại với chúng tôi, nhưng kí ước luôn được giữ gìn nên luôn tươi mới trong tâm hồn cho dẫu thời gian tàn nhẫn đến thế nào đi chăng nữa. Tôi vẫn nhìn thấy ở đó, những giờ học vụng dại. Vụng dại đến ngác ngơ của những đứa học trò nghèo chân còn đẫm phèn chua đêm qua đi ruộng cùng cha mạ, sáng mai cắp cặp lội bộ quyện thêm đất đỏ đến trường. Bạn tôi ngày ấy, ít ai có được điều kiện đủ đầy cho việc đèn sách. Hoặc, cho dù xuất thân từ gia đình cán bộ công chức, thì cái nghèo, cái cơ cực vẫn còn đeo đuổi. Nhưng hề chi, nghèo và thiếu thốn không làm phai hồng đôi má con gái, không làm lem luốc cái tinh nghịch uy dũng con trai. Những đêm học muộn, những trưa nấn ná sân trường đã giữ cho chúng tôi ánh mắt ngây thơ hồn nhiên thảng thốt bởi những cảm xúc non xanh khe khẽ len về trong lứa tuổi mỗi ngày đang cựa mình để lớn. Thứ cảm xúc mà sau này, vi vít đầu non cuối bể, khi muộn phiền trong đời sống nặng nhọc, lòng hốt nhiên lại nhớ đến chay vay.
 

Nơi đây, tôi đã được truyền trao những con chữ làm người đầu tiên từ người thầy đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến vẫn còn ứ ào nước mắt. Đó là một người thầy mà khi nhắc đến, hẳn nhiều người đều biết. Thầy tôi nổi tiếng chính trực, mực thước và vô cùng nghiêm khắc. Buổi đầu gặp thầy, hầu như những đứa học trò non nớt đều sợ sệt. Đôi mắt thầy sáng quá, ánh nhìn thầy thẳng quá, lời nói thầy ngay quá. Lớp học trò đó, có đứa đã khóc trước sự thẳng thắn của thầy, có đứa cúi gằm không dám ngẩng lên trước lời nói roi quất của thầy. Nhưng cũng chính cái thẳng thắn đó, cái cương trực đó qua ba năm đã ngấm dần vào lớp học trò chuyên văn toàn con gái. Không biết có phải vì thế không, mà lẽ ra, tôi và bạn tôi phải yểu điệu thục nữ, thì lại trở thành những người phụ nữ cứng cỏi như thể sinh ra chỉ để chống chọi với đời.

Bởi từ thầy, chúng tôi học được tấm lòng cương trực. Những năm tháng đèn sách còn bị ràng rịt trong khốn khó không thông tin, không phương tiện, thầy đã cho chúng tôi biết những câu thơ của Phùng Quán: “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói ghét thành yêu”. Mang những câu thơ thầy truyền trao, chúng tôi bước ra khỏi cổng trường để đi tiếp chặng đường với lòng tin về sự thật.
 

Rất lâu sau này, tôi mới có dịp quay trở lại ngồi cùng thầy dưới mái hiên nhỏ nơi căn nhà nằm dưới triền dốc cách cổng trường quãng chân ngắn. Đó là những buổi sáng hiền và ấm áp. Tôi thường lái xe ra thật sớm, quãng đường 70 km thoảng hiện hình ảnh những buổi học nghịch ngợm và dại dột, để khi bước chân chạm cổng, bao giờ cũng vậy, sau tiếng gọi “thầy ơi” là cô chạy ra, nhỏ nhắn và gầy và tươi hấp háy. Buổi sớm mai, thầy thường đi bộ và ngồi uống trà đâu đó. Tôi theo lời chỉ dẫn của cô, đi mộtquãng là gặp thầy đi về. Dáng vẻ thầy vẫn gầy như xưa nhưng bước gấp, như thể sợ đứa học trò không đủ thời gian ngồi chờ đợi. Ba năm miệt mài sửa từng con chữ ngơ ngác vụng dại, lẽ nào giờ đây chỉ một buổi trà với thầy, cái đứa tôi đây lại khiến thầy phải vội vã sợ giùm tôi cái chút thời gian phờ phạc đó sao?

Rằng hay, tấm lòng người thầy bao giờ cũng độ lượng đủ xoãi che cái nhợt nhạt vô ý của đứa làm trò. Cũng nhờ vậy, sau này tôi theo nghiệp thầy, mỗi lúc gặp chát chua trên bục giảng, không nhớ biết bao nhiêu lần, hình ảnh thầy lại hiện lên, ánh mắt sáng thẳng như cây thước sổ băng trong nét chữ Sư năm xưa tôi mím môi đồ chọn. Ánh mắt đó vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Tôi nhắm mắt nuốt ánh nhìn của thầy khởi lên tự tâm, khẽ chùng mình, lướt qua khoảnh khắc chao động để tiếp tục cầm vững ngòi bút đỏ trên tay. Bài học năm xưa dội về trong kí ức. Thầy tôi giảng Bình Ngô đại cáo bằng cái say mê hào sảng của một trí thức chính nghĩa. Tôi nhớ cách thầy cầm viên phấn, dí vào bảng những nét rộng dài rồi buông xuống như một tiếng thở dài mỗi lần nhìn lũ con gái chúng tôi mê mải theo bóng phượng ngoài mây. Thầy nghiêm khắc là thế, nhưng thầy thương bầy con gái đa đoan. Lúc còn đi học, thầy luôn nhắc gắng học cho xong chứ đừng bỏ dở nửa chừng để đi… lấy chồng. Giờ mỗi đứa học trò ngày xưa mang một nỗi thân phận đàn bà, lúc trở về ngồi bên thầy, thầy lại xa xít thương.
 

Từ ngày rời khung cửa mến thương đó đến nay, tôi đã bước qua bao cánh cổng khác, mong nhặt được hạt rơi hạt vãi trong kho tàng tri thức nhân loại hòng che bớt ngu dốt căn cốt trong mình. Nhưng mỗi cánh cửa bước vào rồi ra, sao tôi thấy chân đi thõng thoãi. Con đường đi học chữ gian nan dằng dặc, con đường đi học làm người càng dâu bể mênh mông. Buồn thương hơn, đó là những con đường đơn độc. Và chính vì thế, mỗi lúc có dịp ngồi cùng thầy tôi bên hiên nhà năm cũ, tôi lại càng thiết tha hơn về con đường xưa đã được thầy đi cùng những năm tháng trọn vẹn nơi đây. Những năm tháng mỗi bước vấp ngã có đôi mắt nghiêm khắc nhắc đứng dậy, mỗi cái khuỵu chân quỵ xuống có giọng nói dịu dàng mà mạnh mẽ như ngọn roi cứng rắn quất lên lằn đau đớn để vượt thoát vươn cao. Cũng nơi đó, mỗi khi bị sát thương, lại có vườn ổi vườn chanh, có gốc me gốc khế để tôi về bên, thả mình bệt xuống gốc cây tựa đầu để được thầy ngồi bên dành cho cái nhìn ấm yên đủ sức ràng rịt tấm lòng tả tơi vì giông bão. Không cần đến một phép tu như những ẩn sư trên núi cao xứ tuyết, không thiết thêm lời tụng xưng trì chú trong các phép Tong-leng, tấm lòng nhân hậu tự tính của thầy tôi đã truyền trao cho tôi ngọn lửa. Trong ớn ang tôi tự sưởi ấm mình, rồi xòe tay chuyền hơi ấm cho những bàn tay nhỏ tôi đang ngày đêm kế tục thầy dắt dẫn.

Bài học qua sông thầy chỉ cho chúng tôi ngày nọ, bên những bậc cấp phủ màu bụi đỏ, đến bây giờ, đi quá nửa đời người về lại vẫn thấy lòng chùng chình chẳng muốn rời bến chút nao.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS