“Màu cỏ úa” và chuyến du ca cuộc đời Trần Tiến

Ngọc Dủ |

“Màu cỏ úa” là một phim tài liệu đầy dụng tâm của đạo diễn Lan Nguyên, với những khoảnh khắc đẹp về tính cách lãng tử, những châm ngôn đúc kết từ cuộc sống của nhạc sĩ Trần Tiến. Và đó cũng là bài học từ một người nhạc sĩ đã gắn liền với bao thế hệ.

Phim kể về cuộc đời đầy thăng trầm của Trần Tiến, những tháng ngày tuổi trẻ đầy sôi động cùng hành trình du ca của một người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam.

Phim tài liệu Trần Tiến đầy màu sắc mới lạ. Ảnh: ĐPCC
Phim tài liệu Trần Tiến đầy màu sắc mới lạ. Ảnh: ĐPCC

Những sắc màu biết nói

“Màu cỏ úa” với hình ảnh cận mặt Trần Tiến gửi lời chào qua ống kính rất gần gũi và dễ mến. Không phải là những mỹ từ “đao to búa lớn”, ngôn từ của ông nhẹ nhàng đi vào lòng người xem qua những câu chuyện đầy gần gũi. “Màu cỏ úa” gây ấn tượng với góc quay cận cảnh, như thể người quay đang ngồi trước mặt nam nhạc sĩ, nhìn thẳng vào ông khi đang nói chuyện. Ngoài những đoạn phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp... đạo diễn trẻ gần như chỉ sử dụng góc quay rất hẹp, không miêu tả kỹ càng bối cảnh, nên những người lên hình luôn đứng bên cạnh và Trần Tiến chính là điểm nhấn, là trung tâm. Nó tạo nên sự gần gũi, đưa người xem bước vào cuộc đời, thế giới riêng của Trần Tiến. Ông như làm bạn với chiếc máy quay trên từng nẻo đường, từng câu chuyện và thậm chí người xem cảm nhận được sự “rung lắc” của máy khi theo chân Trần Tiến.

Không chỉ chuyện phim, khán giả còn bị chinh phục bởi cách sáng tạo nghệ thuật của Lan Nguyên. Đạo diễn biến bức tranh của phim có 2 tông màu chủ đạo là đen trắng thành những sắc màu, điều đó thể hiện rõ rệt qua âm nhạc của Trần Tiến trong phim. Đó là những gam màu xanh, tím, nâu, lam... trong “Sắc màu” hay chính trong những ca khúc tạo nên tên tuổi của Trần Tiến với đầy dư vị cuộc sống, của những màu sắc đẹp đẽ làm cho chuyến du ca của ông thật thú vị, sinh động.

Và chính từ nghệ thuật của những góc quay cận, cách đưa màu sắc vào phim đã tạo nên một tác phẩm mà người xem ví đó là “bản tình ca dành riêng cho ông, cho một cuộc đời đáng sống và cho âm nhạc của Trần Tiến”. Phim không phân định rõ về tuyến thời gian nhưng nó lại trọn vẹn cảm xúc khi nói về cuộc đời thời còn trẻ, lúc đi lính, lúc vào Sài thành lập nghiệp, những chuyến du ca và khi về già ông ngồi ngẫm lại...

Đặc biệt, phim còn cho người xem những thước phim vô cùng quý giá về những phân đoạn nhạc sĩ Trần Tiến hát cùng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó là những giải mã ý nghĩa về các ca khúc không phải ai cũng biết. Để rồi người xem chợt nhận ra rằng “à, thì ra âm nhạc của ông đầy triết lý nhưng ngôn ngữ lại bình dân đến lạ, để ai cũng có thể nghe, cũng có thể suy ngẫm”.

Dường như trong cuộc đời, Trần Tiến chưa bao giờ thôi sống hết mình. Ông là đi giữa 2 thế kỷ, trải qua thăng trầm của cuộc đời và mang điều đó vào âm nhạc với những sự từng trải đáng quý.

Lát cắt cuộc đời Trần Tiến

Phim chỉ vẻn vẹn 80 phút nhưng đưa ra quá nhiều thông điệp... Điều này có thể nói là một thách thức rất lớn với êkip làm phim. Tuy nhiên, như chính đạo diễn thừa nhận, bộ phim không tham vọng phải kể trọn vẹn chi tiết cuộc đời Trần Tiến mà chỉ là những lát cắt trong chuyến du ca của người nhạc sĩ tài hoa, sau đó được sắp xếp, quyện cùng những tư liệu có sẵn.

Vì là những lát cắt, phim sẽ không phác hoạ đầy đủ sự nghiệp của một nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đối với âm nhạc, nghệ thuật nước nhà. Cái được nhất của “Màu cỏ úa” chính là cảm xúc có được từ những người yêu âm nhạc của ông. Khi những tác phẩm được phát lên, tất cả mọi thứ như bé lại và dần trở nên vô hình để nhường chỗ cho âm nhạc qua các ca khúc: “Mặt trời bé con”, “Một mình”, “Sắc màu”, “Vết chân tròn trên cát”, “Về đi em”...

Điểm cộng lớn nhất của bộ phim tài liệu đặc biệt này chính là sự chân thành của êkip làm phim. Người xem có thể thấy được sự hâm mộ của họ dành cho Trần Tiến. Đặc biệt, những người đó lại là thế hệ 9X - một thế hệ mà với Trần Tiến thì đúng nghĩa chỉ là “Mặt trời bé con”.

Hơi tiếc, nếu bộ phim được đầu tư kỹ hơn về nội dung hoặc có thêm những phần mới để không phải gộp quá nhiều thông tin vào cùng một tác phẩm thì chắc chắn sẽ hay hơn và trở thành một tài liệu rất quý cho thế hệ trẻ.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Nhạc sĩ Trần Tiến bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Thanh Mai |

Theo chia sẻ của NSND Trần Hiếu, tác giả "Mặt trời bé con" đang mắc ung thư vòm họng ở giai đoạn 4.

Gia tài âm nhạc ghi dấu ấn của nhạc sĩ Phó Đức Phương

Thanh Mai |

Những ca khúc gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Phó Đức Phương như Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ...

Giải mã “người trinh nữ tên Thi” trong bản hit của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Đình Phùng |

Phía sau bản hit “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một câu chuyện có thật, kể về cuộc đời hồng nhan bạc mệnh của một người con gái.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ đạt Giải B, Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Q.H |

Với tác phẩm giao hưởng “Thạch Hãn cổ thành”, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1970), Trưởng Khoa Âm nhạc – Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vừa vinh dự nhận giải B tại lễ trao Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 – 2019 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.