Màu xanh trên chiến trường xưa

Đan Tâm |

Cách nay đã lâu, trong dịp khánh thành Tượng đài chiến thắng Cửa Việt tại xã Triệu An, Triệu Phong (Quảng Trị), thật tình cờ tôi được nghe những cựu chiến binh Trung đoàn 101 kể về người anh hùng mang tên Trần Minh Nghĩa gắn với trận đánh đầu tiên, đối đầu trực tiếp giữa lực lượng Hải quân đánh bộ Quân đội nhân dân Việt Nam với Thủy quân lục chiến Mỹ trên chiến trường Quảng Trị, xảy ra tại đồi Phú Ân, nay thuộc xã Hải Thái, miền Tây Gio Linh vào tháng 10/1967.

Bản anh hùng ca còn vang vọng mãi

Chắp nối những ký ức từ các cựu chiến binh và những tư liệu tìm được, có thể hình dung trận đánh “vô tiền khoáng hậu” giữa lực lượng tinh nhuệ, cùng một binh chủng của cả hai bên trên chiến trường Quảng Trị gần 55 năm trước là hết sức khốc liệt. Ngày 12/10/1967, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 101 - Sông Lam, Sư đoàn 325 (nay là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101) được lệnh tấn công vào cao điểm 57 (đồi Phú Ân, An Cát Khê, huyện Gio Linh, Quảng Trị) nhằm tiêu diệt một đại đội Thủy quân lục chiến Mỹ. Trần Minh Nghĩa (sinh năm 1948) tại Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ tháng 5/1966, là chiến sĩ của Đại đội 11 tham gia trận đánh. Từ khi nhập ngũ, đây là trận đánh đầu tiên của anh và cũng là trận đầu tiên của Trung đoàn 101.

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Phú Ân, tháng 10/1967-Ảnh: Đ.T
Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Phú Ân, tháng 10/1967-Ảnh: Đ.T

Trận tấn công bắt đầu bằng một khẩu lệnh ngắn gọn: “Xuất kích!”. Trận đánh trên đồi Phú Ân năm 1967, Đại đội 11 là đơn vị chiến đấu chủ lực. Sau loạt pháo kích, tiếng hô “xung phong” rền vang, cả Đại đội 11 xông lên như lũ cuốn, tiêu diệt 140 tên địch trong 10 hầm công sự. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng rồi phải rút lui gấp vì pháo địch từ Cồn Tiên rót vào phản công. Sau đó, đại đội kiểm quân mới biết 7 đồng chí hy sinh và không thể đem thi thể về được. Trận đánh được toàn mặt trận đánh giá như một bản anh hùng ca còn vang vọng mãi.

Trong trận đánh này, riêng Trần Minh Nghĩa tiêu diệt được 14 tên địch. Số lượng địch bị tiêu diệt chưa phải là nhiều so với nhiều chiến sĩ khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Song, đối với một chiến sĩ mới đánh trận đầu của một đơn vị vào chiến đấu trận đầu tiên, thì đây là một hành động anh hùng của tư tưởng dám đánh, quyết đánh, đánh đến cùng, dù có phải hy sinh. Từ hành động anh hùng của Trần Minh Nghĩa đã củng cố quyết tâm “nắm thắt lưng địch mà đánh” trong các đơn vị, nhất là đối với các chiến sĩ mới vào trận. Không chỉ tạo ra khí thế quyết tâm đánh Mỹ trong đơn vị, hành động anh hùng của Trần Minh Nghĩa còn phát triển ra toàn mặt trận thời đó.

Trong bài viết: “Sức mạnh chiến thắng của Trần Minh Nghĩa” trên Báo Quân đội nhân dân ra thứ năm, ngày 25/1/1968 có đoạn: “Sự tích lừng danh của dũng sĩ Trần Minh Nghĩa trên đồi Phú Ân đã thành niềm tự hào của tất cả chúng ta: Một chiến sĩ cách mạng Việt Nam, tuổi đời non trẻ, tuổi quân còn ít, vóc người nhỏ bé, xung trận lần đầu đã nêu cao sĩ khí áp đảo quân thù, dũng mãnh xung phong như gió lốc, xuyên thủng đội hình địch, quật ngã hàng chục tên lính thủy đánh bộ Mỹ to xác, trang bị đủ thứ vũ khí hiện đại…”.

Sau trận đánh trên đồi Phú Ân, Trần Minh Nghĩa tiếp tục tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận và đã anh dũng hy sinh trong trận đánh trên trục đường 13 ở Bình Long, Bình Phước vào ngày 6/6/1969. Do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, với 21 tuổi đời, 3 năm 1 tháng tuổi quân, Trần Minh Nghĩa đã được thăng quân hàm đại úy và chức vụ tiểu đoàn phó. Năm 2010, liệt sĩ Trần Minh Nghĩa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nặng lòng với đồng chí, đồng đội mình, nhiều năm về trước, người thương binh hạng 2/4, cựu chiến binh Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Phạm Văn Nghiêm (sinh năm 1949), quê quán Ninh Xuân, Gia Khánh, Ninh Bình đã có nhiều chuyến về Gio Linh, Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa. Hành trình của ông là đi tìm lại ký ức về những chiến công của chiến sĩ Trần Minh Nghĩa, người đồng hương, đồng đội cùng tham gia chiến đấu trong trận đánh trên đồi Phú Ân và ấp ủ ý nguyện xây dựng Bia tưởng niệm đồng đội nơi chiến trường khốc liệt thuở trước.

Sau nhiều lần xác định đúng vị trí nơi xảy ra trận đánh, cuối tháng 6/2011, ông Nghiêm tự tay thiết kế khu Bia tưởng niệm các đồng đội hy sinh tại trận đánh đồi Phú Ân. Ông lấy ý tưởng từ cổng Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ Việt Nam (tiền thân là Trung đoàn 101) tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dòng chữ “Bia tưởng niệm” nằm giữa nền cờ đỏ, nổi bật ngôi sao vàng, kế bên là nòng súng AK cách điệu. Trong khu Bia tưởng niệm, ở giữa là bài vị ghi công các anh hùng liệt sĩ, bên trái là đôi dòng khái quát về trận đánh Phú Ân, bên phải là danh sách 7 liệt sĩ của Đại đội 11, cùng danh sách các liệt sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 hy sinh trên chiến trường năm ấy.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo, Nhân dân xã Hải Thái và doanh nghiệp đóng trên địa bàn, công trình Nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ và truyền thống đơn vị tại đồi Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh đã được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 (1947-2012). Và đúng vào ngày kỷ niệm 27/7/2017, Nhà bia tưởng niệm cũng đã hoàn thành việc nâng cấp lần 1. Từ đây, Nhà bia tưởng niệm đã trở thành “nhà đồng đội”, để những cựu chiến binh may mắn được trở về sau chiến tranh có điều kiện gặp gỡ và tưởng nhớ những đồng đội của mình đã nằm lại nơi đây.

Sức sống mới trên vùng chiến địa

Nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh nối Cam Lộ ra hướng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, khi chuẩn bị đổ dốc xuống cầu Phú Ân, chúng tôi dừng lại bên một khoảnh đất phía bên phải, công trình Nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ và truyền thống Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 tại đồi Phú Ân hiện ra trước mặt với vẻ bình dị và trang nghiêm như phẩm chất của người lính trận. Hai dòng câu đối phía cổng đinh ninh một lời tâm nguyện: “Liệt sĩ lưu danh, đất nước muôn đời luôn tưởng nhớ; anh hùng ghi dấu, Nhân dân vạn thuở mãi tri ân”. Người cựu chiến binh đi cùng tôi bộc bạch, đây là “Nhà đồng đội”, thờ chung cho cả các liệt sĩ đơn vị hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Chăm sóc cây cao su trên miền Tây Gio Linh -Ảnh: Đ.T
Chăm sóc cây cao su trên miền Tây Gio Linh -Ảnh: Đ.T

Là một người khá am tường vùng đất này, tôi chia sẻ với sự rưng rưng, xúc cảm khi những cựu chiến binh Trung đoàn 101 ngước nhìn ra xung quanh khuôn viên xây dựng Nhà bia tưởng niệm và không còn nhận ra sự hoang tàn nơi chiến trường ngày trước. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Tây Gio Linh, trong đó có địa bàn xã Hải Thái bây giờ là vùng trọng điểm đánh phá của giặc. Không một gốc cây, ngọn cỏ nào có thể sống được bởi bom đạn giặc chà qua xát lại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.

Hơn một nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày trận đánh trên đồi Phú Ân đi vào lịch sử chiến trận của bộ đội hải quân đánh bộ anh hùng, màu xanh đã trở lại nơi này. Màu xanh khỏa lấp hố bom, hố pháo, đem lại sự sống cho người dân lành. Người cán bộ cơ sở đi cùng chúng tôi tâm sự rằng, với những địa phương ở địa bàn thuận lợi thì chưa thể so, nhưng trong điều kiện hiện nay, kinh tế của xã Hải Thái đã có bước phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 13,5%. Dù cơ cấu kinh tế vẫn là nônglâm nghiệp chiếm 50%, nhưng cũng đã giảm 4% so với năm 2015, trong lúc đó thương mại- dịch vụ chiếm 34%, tăng 2%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 16%, tăng 2%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 37 triệu đồng/người/năm, tăng 19,7 triệu đồng so với năm 2015.

Khi các cựu chiến binh đề cập đến thế mạnh của địa phương, chúng tôi vẫn có thể cắt nghĩa được rằng, xã Hải Thái không có lộ trình nào đem lại hiệu quả hơn bằng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học- công nghệ; tăng cường đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất…

Nhờ đó, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đạt cao. Sản lượng lương thực có hạt tính trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 3.635 tấn. Bên cạnh đó, kinh tế vườn rừng, vườn đồi cũng là một thế mạnh của xã, đã đem lại hiệu quả trong những năm gần đây. Toàn xã có 878,69 ha cao su tiểu điền, đưa vào khai thác 507 ha, sản lượng mủ bình quân hằng năm đạt 3.549 tấn; 35,82 ha cây hồ tiêu, sản lượng bình quân hằng năm đạt 42 tấn; 10 ha cây ăn quả, sản lượng bình quân hằng năm đạt 24,5 tấn. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung bán công nghiệp, hướng đến an toàn sinh học. Tổng đàn bò 1.685 con. Tỉ lệ lai hóa đàn bò đạt trên 60%, tăng gấp 5 lần so với năm 2015, nạc hóa đàn lợn nâng lên trên 95%. Hằng năm duy trì đàn gia cầm trên 20.000 con. Xã có 14 ha mặt ước nuôi cá nước ngọt, năng suất đạt 1 tấn/ ha.

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng. Từ đó góp phần làm tăng giá trị thu hoạch từ rừng đạt 30 triệu đồng/ha/chu kỳ trồng rừng so với năm 2015. Duy trì độ che phủ rừng đạt 80%. Toàn xã có 47 cơ sở sản xuất ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp như sửa chữa ô tô, máy móc nông nghiệp, gia công cơ khí, điện dân dụng, chế biến lương thực, lâm sản…giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 21 tỉ đồng. Xã đã chỉ đạo tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án thương mại- dịch vụ của huyện đến năm 2025, khuyến khích Nhân dân đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, khu vực quanh chợ Cồn Tiên.

Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển với nhiều hình thức phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn và giao thương với các vùng lân cận. Hiện toàn xã có 148 cơ sở thương mại- dịch vụ với trên 200 lao động tham gia. Giá trị thương mại dịch vụ tăng từ 25 tỉ đồng năm 2015 lên 74 tỉ đồng vào năm 2020. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo còn 42 hộ, chiếm tỉ lệ 3,63%, giảm 4,78% so với năm 2015…

Màu xanh sự sống và hiện thực no ấm nơi mảnh đất chiến trường xưa đã làm yên lòng những cựu chiến binh đã vượt bao chặng đường dài về thăm nơi đồng đội mình nằm lại. “Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” như lời di huấn của Bác Hồ đã trở thành hiện thực nơi miền Tây Gio Linh trong chặng đường xây dựng cuộc sống mới giàu đẹp, an lành…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sức sống mới trên chiến trường xưa

Trần Tuyền |

Huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc người dân nơi đây đã không tiếc máu xương, công sức để bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình lập lại, truyền thống yêu nước, yêu lao động ấy lại được khơi dậy để chung tay dựng xây cuộc sống mới.

Gìn giữ những nét đẹp truyền thống "làng cổ, nghề xưa" ở Cự Đà

PV |

Cùng với Đường Lâm, Cự Đà là một trong hai ngôi làng cổ còn lại của thủ đô và là điểm đến thú vị đối với những người muốn tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Triển lãm về gia đình giới thiệu nhiều hình ảnh đám cưới xưa và nay

Minh Thu |

Triển lãm sẽ giới thiệu đến khách tham quan những hình ảnh thú vị về đám cưới của người Việt thời kỳ trước năm 1930 (thời Pháp thuộc), đám cưới trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ...

Khoảnh khắc xúc động 2 cha con gặp nhau trên chiến trường

Xuân Sinh |

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, thời khắc được gặp cha trên chiến trường có lẽ là "món quà" thiêng liêng nhất, cũng là ký ức sâu đậm nhất cuộc đời của người lính Trần Công Chương.