Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, thời khắc được gặp cha trên chiến trường có lẽ là "món quà" thiêng liêng nhất, cũng là ký ức sâu đậm nhất cuộc đời của người lính Trần Công Chương.
Vào những ngày cả nước chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước (30/4/1975-30/4/2021), chúng tôi đã về xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) gặp lại người lính giải phóng Trần Công Chương, để nghe ông kể về những ký ức hào hùng, ác liệt của một thời bom đạn chiến tranh.
Ông Chương là con trai cả trong gia đình có 3 anh em ở xã Đức Thọ. Cha của ông Chương là Trần Công Tính, cũng là một người lính chiến trường.
"Khi tôi sinh ra, cha được ở nhà vài ngày, rồi tạm biệt mẹ con trở lại chiến trường ác liệt", ông Chương hồi tưởng.
Từ nhỏ, ông Chương đã nung nấu ước mơ lớn lên sẽ ra trận đánh giặc để sớm được gặp cha. Năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Chương xung phong lên đường nhập ngũ. Ông trở thành lính pháo binh, thuộc Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).
Khi ra trận, ông Chương không biết cha mình đang chiến đấu ở đâu, nhưng trong tâm khảm, ông vẫn nung nấu mong muốn sớm được gặp lại cha.
"Hồi nhỏ tôi chỉ nghe mọi người nói cha mình chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Còn khi ra chiến trường, tôi chỉ biết quyết tâm hoàn thành sứ mệnh của mình, để xứng đáng là con của một người lính", ông Chương tâm sự.
Nhờ thông minh, anh dũng trong chiến đấu, chỉ sau 8 tháng nhập ngũ (tháng 3/1968), ông Trần Công Chương vinh dự được kết nạp Đảng, ngay trên chiến trường.
Đến một ngày tháng 4/1968, lúc đơn vị của ông Chương vừa trải qua một trận đánh, người vẫn còn bê bết bùn đất, mặt nhem nhuốc vì khói súng, ông được cán bộ chỉ huy đơn vị gọi lên báo: "Đồng chí có người nhà muốn gặp".
"Lúc ấy, tôi có linh tính về một chuyện gì đó, nên tim đập nhanh hơn. Đến nơi gặp, tôi thấy một người đàn ông dáng gầy, đang nở nụ cười rất quen thuộc. Tôi ngớ người một lúc mới nhận ra đó chính là cha của mình. Tôi lao vào ôm chầm lấy cha vừa mừng, vừa tủi!", ông Chương nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Sau đó, ông Chương mới biết, cha ông khi đó đã là Chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1.
"Ba ngày cha con tôi gặp nhau, dường như không đêm nào ngủ được. Chúng tôi tranh thủ từng giây phút để được bên nhau. Lúc ấy, chiến sự rất ác liệt, tôi rất lo cho cha và cha cũng lo cho tôi, nhưng chúng tôi cùng động viên nhau không được chùn bước, hay yếu lòng", người lính Trần Công Chương chia sẻ.
"Thời điểm ấy, một cán bộ trong ban tuyên huấn của đơn vị cha tôi đã phát hiện ra tôi, khi ban chỉ huy của hai đơn vị làm việc, chuẩn bị cho một nhiệm vụ mới. Đơn vị pháo binh của tôi và đơn vị bộ binh của cha sẽ phối hợp trong trận đánh giành lại cao điểm 845, trong chiến dịch Đường 9", ông Chương cho biết thêm.
Sau thời gian ngắn ngủi gặp nhau, cha con ông Chương gác lại niềm vui riêng quay lại chiến trường, với mỗi người một nhiệm vụ khác nhau. Qua lần gặp gỡ ấy, ông Chương như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ được giao.
Ông Chương cho biết, trận đánh giành cao điểm 845 với sự kết hợp của Sư đoàn Pháo binh 351 và Sư đoàn Bộ binh 308 đã giành thắng lợi. Đó cũng là một trong những trận đánh quan trọng góp phần giúp Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968.
Đến tháng 7/1970, ông Chương được cử đi học tại Trường sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội), còn cha của ông tiếp tục ở lại Quảng Trị. Tháng 11/1974, ông Chương được bổ sung vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, tham gia Binh đoàn Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau đó, ông Chương tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Niềm vui mỗi ngày của ông Chương giờ đây là chăm sóc cây cối trong vườn nhà.
Sau ngày thống nhất đất nước, cụ Trần Công Tính về hưu, còn ông Trần Công Chương tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia giành lại hòa bình, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1989, khi về nghỉ hưu, ông Chương mới gặp lại cha mình.
"Cuộc chiến nào cũng khốc liệt, có hy sinh, mất mát. Với tôi khoảnh khắc được gặp lại cha giữa chiến trường sẽ còn mãi trong ký ức. Giờ đây, cha đã mất, mỗi lần nhớ cha tôi lại lấy bức ảnh 2 cha con chụp với nhau ở Quảng Trị ra xem, thế là bao nhiêu ký ức lại ùa về!", ông Chương chia sẻ.
(Nguồn: Dân Sinh)