Mưa trong Thành Cổ

Nguyễn Trọng Luân |

Đêm ở Đông Hà, dư âm cuộc gặp gỡ các thầy giáo cũ và đoàn lãnh đạo nhà trường khiến chúng tôi không ngủ được. Đêm ấy mưa to thế. Mưa rít ào ào ngoài cửa sổ, mưa đập trên mái tôn những dãy nhà phụ trợ ở khách sạn Đông Trường Sơn. Ngoài kia sông Hiếu nước đang lên nhanh. Ngay gần chỗ tôi ở đây là Nghĩa trang Đường Chín đang đằm mưa. Ở đấy là mười ngàn ngôi mộ lạnh lẽo. Trong đêm, tôi lẩm nhẩm bài hát của nhạc sĩ Thanh Phúc.

“...Hai mươi sáu năm rồi Quảng Trị ơi, đẹp lắm hôm nay đẹp lắm cờ đỏ xanh trời. Mẹ ơi đồn giặc đã tan, suốt Đông Hà, La Vang, Quảng Trị không còn bóng giặc, chúng con đã về đây…”.

Trưa mùng 7 tháng 10 năm 2020, mưa đằm mặt sông Thạch Hãn. Đoàn cựu sinh viên Đại học Cơ điện Bắc Thái chúng tôi về viếng mộ thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường ở xã Hải Tân huyện Hải Lăng. Lúc xe chúng tôi qua Thạch Hãn vào Hải Lăng, trời xám xanh màu quả cọ. Ai cũng nói thầy Đỗ Hữu Phú khôn thiêng phù hộ đoàn ta không gặp mưa. Từ lối rẽ quốc lộ 1 vào Hải Tân quê thầy trời vừa tạnh. Đến đúng cổng làng Câu Nhi thì mưa ào ạt. Lối vô nhà thờ của thầy dọc một con mương. Ở bên con mương có những chuồng vịt chuồng heo gá sàn lên cao. Người dân nơi đây bảo, chỉ ngày mai thôi là lụt. Thì ra người dân họ sống chung với lũ lụt ngàn đời nên họ đã có cách làm chuồng vịt chuồng heo như thế. Mưa tầm tã, mưa sủi bọt ngoài đồng trắng xóa. Những cây cau bụi tre ở quanh nhà thờ thầy Phú nghiêng ngả đầm đìa nước. Bảy mươi hai học trò cũ của thầy chen chúc trong căn nhà thờ của thầy, nhìn ảnh và tượng của thầy như thấy ngày xưa thầy xuất hiện trên đồi bạch đàn ở khu Gò Dứa. Bức tượng thầy hiền thế, trong một ngày mưa Hải Lăng, trông thầy lại hiền hơn.

 

Xe trở lại thị xã Quảng Trị trong mưa. Lúc trở ra dòng Ô Lâu ở bên tay phải nước đục ngầu. Con sông ngày thường họ bảo nước xanh trong êm đềm lắm mà bây giờ nó tràn lên mênh mang màu vàng của phù sa.

Lâu lắm rồi, vùng này luôn bị lũ lụt. Nạn lũ lụt khiến một vùng quê nghèo lại thêm nghèo. Chợt nhớ bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ” của nhà thơ Thanh Hải có những câu: “Đêm nay bên bến Ô Lâu / Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ / ... Nhớ ngày quê cháu tan hoang / Lụt trôi, Bác gởi lúa vàng vào cho”. Thì ra ngày xưa vùng này đã lụt mà trung ương đã phải cứu tế. Những năm chiến tranh giặc giã về mùa cuối tháng 10 trở đi du kích bộ đội ta phải tạm thời rút ra khỏi vùng lõm hết mùa lũ lại mới quay trở về đánh địch. Quê thầy Đỗ Hữu Phú chính là vùng lõm Hải Lăng.

Chỉ cách hai tiếng thôi mà khi quay trở ra thị xã Quảng Trị nhìn sông Thạch Hãn nước đã dâng lên mép bờ. Nhìn lũ Thạch Hãn lại nhớ năm 1972, cơn lũ tai ác đã cuốn trôi cả những thương binh đưa ra bờ sông để chờ đồng đội đưa sang bờ Bắc. “Mùa mưa về lũ liếm máu bạn tôi” là thế. Trời mưa ngày càng to, lối vào Thành Cổ vắng hoe. Gần một trăm cựu sinh viên Đại học Cơ điện rũ áo mưa ngồi lặng lẽ trong nhà truyền thống xem phim tài liệu về Trận đánh 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972 ở đây. Gió, mưa, lạnh, nhớp nháp mà họ lặng im xúc động. Những người tuổi gần 70 có lẽ đang hồi tưởng lại tuổi học trò của mình sống trong đạn bom giặc Mỹ. Trong số những người cựu sinh viên hôm nay vào đây nhiều người là chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường miền Nam ngày ấy, họ đang như trở lại với tuổi trẻ của mình. Chiều ấy, lúc gần một trăm cựu sinh viên Cơ điện vào dâng hương dâng hoa trong tượng đài Thành Cổ là lúc trời đổ mưa nặng nhất. Những vòng hoa ướt đẫm, những mái tóc đầm đìa, người trước người sau vuốt mặt lặng lẽ đi trong gió rít. Nước dưới chân rào rạt. Những thảm cỏ trong khuôn viên Thành Cổ xập xòa nước. Chúng tôi bước đi rón rén trong mưa sợ giẫm vào cả tiếng gọi của đồng đội xưa. Chúng tôi đứng trước tượng đài chiến tích sinh viên, chúng tôi nhớ những người lính sinh viên trường Đại học Cơ điện ngã xuống nơi đây.

 “Thưa các anh, các anh hãy về chứng giám lòng thành của chúng tôi và các thế hệ người Cơ điện luôn nhớ tới các anh”. Trong mưa bài khấn Liệt sĩ Sinh viên Thành Cổ của chúng tôi nức nở nghẹn ngào. Bỗng chốc không gian như lặng im, chỉ còn chúng tôi và những đồng môn tâm sự về mái trường mà chúng tôi đã may mắn cùng được đi qua.

Chúng tôi tâm sự với các anh: “…Dẫu có phải âm dương cách biệt, xin hãy về đây chỉ một phút giây. Hãy về để nhận lớp nhận khoa và đồng hương của mình. Dưới chân chúng tôi đây, trong lòng Thành Cổ này là một trường đại học lớn, một trường đại học có hàng chục khoa hàng chục ngành học. Ngôi trường đại học dưới chân chúng tôi đây ngàn ngàn sinh viên quân phục xanh học trong nghi ngút khói nhang, người đời sau có đến xin giữ gìn trật tự. Một ngôi trường dưới lòng Thành Cổ có cả khoa Cơ điện chúng mình. Những giảng đường trong nhang khói uy linh, lời sông núi linh thiêng âm vang trong lòng đất. Thắp nén hương tình thầy trò tình đồng môn bên tượng đài thơm ngát, gửi tới các anh lời giản dị trường ta. Gửi tới các anh thời trai trẻ hào hoa, người Cơ điện ở đâu tình vẫn như lửa cháy…”.

Tôi yêu vùng đất này vì có bao nhiêu đồng đội tôi nằm ở đây. Tôi yêu cái nắng và cái gió làm nên tính cách người Quảng Trị nồng hậu mà quyết liệt. Tôi yêu mảnh đất mà mây bay lên trời cũng vần vũ gian lao. Yêu cái mảnh đất mưa cũng xối xả hết lòng.

Mưa Đông Hà. Mưa trong Thành Cổ. Ai có yêu Quảng Trị xin hãy đừng quên những trận mưa ở vùng đất này. Còn tôi, tôi cứ tự hỏi mình, liệu có bao giờ mình ngẫm về sức chịu đựng và ước muốn vươn lên của mình được bao nhiêu phần trăm của người Quảng Trị?

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Thả cá được tặng từ ao cá của Bác Hồ vào ao cá Thành Cổ Quảng Trị

Tú Linh |

Ngày 9/5, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị Cáp Thị Thiên Trang cho biết, đơn vị vừa hoàn thành công việc ý nghĩa là nhận những con cá chép nuôi từ ao cá của Bác Hồ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để thả nuôi trong ao cá Thành Cổ Quảng Trị. Tham dự sự kiện này có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Ký ức một thời “tiếp lửa” cho chiến trường Thành Cổ

Hiếu Giang |

Không phải là lực lượng chiến đấu chủ lực, nhưng trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đã có những dân quân, du kích địa phương sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên cường tiếp lương tải đạn, đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn… để “tiếp lửa” cho chiến trường.

Thành cổ lòng đất chưa nguôi

Lê Đức Dục |

Tôi vẫn hằng tin những cột mốc thời gian trên đất nước này luôn được mặc định theo một địa danh, và không nhiều địa danh được gắn cùng một cột mốc lịch sử như thế. Ví như lịch sử hiện đại nhắc đến cột mốc 1945, hình ảnh đồng hiện cùng mốc thời gian đó sẽ là Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày lễ Quốc khánh, nhắc đến 1954 sẽ hiện lên địa danh Điện Biên Phủ và dòng sông Bến Hải, và nhắc đến cột mốc 1972, chắc chắn địa danh đồng hiện sẽ phải là Thành Cổ Quảng Trị.

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị

Minh Đức |

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022), tối nay 29/4, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022).