Ký ức một thời “tiếp lửa” cho chiến trường Thành Cổ

Hiếu Giang |

Không phải là lực lượng chiến đấu chủ lực, nhưng trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đã có những dân quân, du kích địa phương sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên cường tiếp lương tải đạn, đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn… để “tiếp lửa” cho chiến trường.

Anh hùng lực lượng vũ trang Văn Thị Xuân 

Ở tuổi 76, bà Văn Thị Xuân, ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, vẫn nhớ như in những tháng năm chiến đấu trên quê hương mình.


Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng khá đặc biệt: Bố là liệt sĩ hy sinh thời kháng chiến chống Pháp; chú ruột là liệt sĩ; em trai và anh trai ruột cũng là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ. 15 tuổi bà Xuân đã tham gia cách mạng tại địa phương. “Thù nhà nợ nước” khiến bà không sợ hy sinh, không lùi bước để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nổi tiếng gan dạ, kiên trung, bà đã lập nhiều chiến công vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ. Đó là trận phục kích chiến đấu bằng mìn diệt 8 lính Mỹ khi chúng thực hiện kế hoạch “Vạc ăn đêm” vào ngày 17/4/1968 ở tuyến đường từ La Vang về Phường Sắn, xã Hải Phú.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Văn Thị Xuân lập nhiều chiến công xuất sắc trong những năm tháng chiến tranh - Ảnh: Đ.V​
Anh hùng Lực lượng vũ trang Văn Thị Xuân lập nhiều chiến công xuất sắc trong những năm tháng chiến tranh - Ảnh: Đ.V​ 

Sau trận phục kích tiêu diệt đó, địch đã chuyển sang chiến thuật săn ngày và thực hiện thưa hơn. Cũng từ thắng lợi này đã tạo điều kiện cho du kích, cán bộ hoạt động dễ dàng hơn trong vùng kìm kẹp của địch. Hoạt động trong lòng địch, 15 lần bà bị địch bắt giữ và 7 lần bị tra tấn dã man hòng bắt bà khai ra cơ sở cách mạng. Trong đó, có lần mượn cớ bà đã đi tham dự lễ tang Bác Hồ vào năm 1969, địch đã bắt và tra khảo bà Xuân. Hết đổ vào miệng, mũi bà hàng chục lít nước hòa với xà phòng, ớt rồi treo ngược lên hàng tiếng đồng hồ, chúng còn lột sạch áo quần của bà; đánh móc xương cụt, tiếp tục đổ nước, dí điện tra tấn… Kiên định lý tưởng, gan dạ đến cùng, câu trả lời chúng luôn nhận được từ bà là: “Tao không biết, tao không khai”. Không khuất phục được bà, chúng tiếp tục dụ dỗ ngon ngọt, dùng cả tiền mua chuộc nhưng vẫn không moi được tin tức gì. Không có bất cứ bằng chứng nào, nửa tháng sau, địch buộc phải thả bà.

Quá trình hoạt động, bà đã giáo dục, vận động tổ chức 10 lần đấu tranh chính trị với 2.000 lượt người tham gia đòi bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, đòi quyền dân sinh dân chủ; tham gia đánh địch 35 trận, tiêu diệt 100 tên (có 16 lính Mỹ, phá hủy 3 xe quân sự); tổ chức xây dựng 10 cơ sở mật; 15 lần nắm tình hình chuẩn bị mục tiêu cho bộ đội ta đánh. Trong chiến dịch chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, bà đã 6 lần dẫn đường cho bộ đội ta từ ngoài tiến đánh vào Thành Cổ; thu mua 14 tấn gạo và thực phẩm tiếp tế cho bộ đội ta tham gia chiến dịch; 60 lần đi dân công vận chuyển, sơ tán dân ở vùng địch tạm chiếm, cáng thương, tử sĩ… Những chiến công của bà Văn Thị Xuân trong những năm tháng tham gia đấu tranh cách mạng khó có thể kể hết.

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác trong những năm hoạt động cách mạng, bà Xuân đã được cấp trên khen thưởng: 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 4 danh hiệu dũng sĩ (1 Dũng sĩ diệt Mỹ); 3 bằng khen và đặc biệt nhất là bà đã vinh dự được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang vào tháng 11/1973 tại Đại hội quân khu Trị Thiên tổ chức ở Cồn Tiên, huyện Gio Linh. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, ngoài những năm tháng chiến đấu thì chính là lễ cưới của 2 vợ chồng được cấp trên tổ chức vào ngày 30/4/1975, tại Trúc Khê (huyện Cam Lộ). Lễ cưới tuy đơn sơ với một ít trà, bánh kẹo, thuốc lá nhưng đã giúp vợ chồng tôi sống hạnh phúc, lần lượt sinh được 4 người con. Nay được sống trong hòa bình, ấm no với con cháu đuề huề, thật sự vợ chồng chúng tôi không còn gì sung sướng bằng”, bà Xuân trải lòng.

Nữ du kích chèo đò đưa bộ đội vượt sông 

Nữ du kích Nguyễn Thị Thu (70 tuổi) ở Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong - nhân vật cùng với người cha chồng là ông Nguyễn Con, thuyền trưởng trong đội vận chuyển quân lương phục vụ chiến trường Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 - được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp lại trong bức ảnh lịch sử hiện lưu tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Ông Nguyễn Câu, chồng bà Thu cho biết, từ khoảnh khắc chụp bức ảnh ấy, mãi 35 năm sau nhà báo Đoàn Công Tính mới tìm lại được nhân vật trong bức ảnh của mình.

Nữ du kích Nguyễn Thị Thu từng tham gia chèo đò đưa bộ đội tiến vào chiến trường Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 - Ảnh: Đ.V
Nữ du kích Nguyễn Thị Thu từng tham gia chèo đò đưa bộ đội tiến vào chiến trường Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 - Ảnh: Đ.V 


Lúc chúng tôi gặp, bà Thu đang ngồi bán ngô ngoài đường phía trước nhà. Trong ký ức đã dần mờ phai do trí nhớ giảm sút bởi ảnh hưởng sức ép của bom trong một lần bị địch đánh trúng đò, lúc đang đưa quân vượt sông, bà Thu cho hay: “Tôi và ba chồng tôi đều là người miền sông nước, thành thạo luồng lạch đường sông Thạch Hãn, vậy nên xung kích tham gia đội vận chuyển quân lương qua sông. Trong suốt chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi ngày đêm chèo đò từ bến đò Tiền Kiên (xã Triệu Giang) chở quân lương tiếp tế bộ đội đang chiến đấu bên chiến trường Thành Cổ và chở thương bệnh binh vượt sông lui tuyến sau. Trong số cả trăm chuyến đò qua về suốt ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, có vài lần đò trúng đạn, trong đó có một lần 2 chiến sĩ bộ đội hy sinh, 4 trong số 6 nữ dân quân bị thương nặng, trong đó có tôi”, bà Thu cho biết. Chiến dịch chiến đấu bảo vệ Thành Cổ kết thúc, hòa bình lập lại sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết vào năm 1973, cũng như nhiều dân quân, du kích địa phương khác, bà Thu trở lại cuộc sống bình thường, lấy chồng sinh con. Hai vợ chồng bà lấy nghề cào hến mưu sinh nuôi 4 người con khôn lớn. Tuy có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhưng theo chúng tôi được biết, đến nay bà chỉ mới được hưởng trợ cấp một lần với số tiền 1,2 triệu đồng cho kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ năm 1972 và thẻ khám chữa bệnh. “Quanh năm vợ chồng tôi bán hến, đến mùa thì bán ngô, lạc… để trang trải qua ngày. Các con đều lập gia đình hết nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn. Chỉ mong bà ấy được quan tâm xem xét để có thêm được chế độ gì đó lâu dài cho đỡ vất vả khi tuổi đã già lại hay đau ốm”, ông Câu bày tỏ.

   Người du kích dũng cảm ở thôn Nại Cửu 

Ông Võ Lành ở thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành năm nay 67 tuổi đời nhưng đã có 47 năm tuổi Đảng, từng là một dân quân du kích gan dạ, dũng cảm ở địa phương.

Ông Võ Lành là dân quân du kích từng tham gia tiếp lương tải đạn, dẫn bộ đội tiến đánh chiến trường thị xã Quảng Trị và Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Đ.V
Ông Võ Lành là dân quân du kích từng tham gia tiếp lương tải đạn, dẫn bộ đội tiến đánh chiến trường thị xã Quảng Trị và Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Đ.V


Ông tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên. Ngay từ khi huyện Triệu Phong hoàn toàn giải phóng vào ngày 29/4/1972, thì trước đó vào ngày 28/4/1972, ông cùng với du kích tập trung địa phương dù mới thành lập đã thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Sở chỉ huy Chi khu quân sự quận lỵ Triệu Phong của quân địch (đóng ở thôn Nại Cửu). Sau đó, ông cùng với dân quân du kích địa phương hỗ trợ dẫn đường, tiếp lương tải đạn, vận chuyển thương binh, sơ tán dân khi chiến dịch chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị diễn ra. Ông Lành cho biết, khi mở chiến dịch tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành Cổ Quảng Trị, địch xác định thôn Nại Cửu chính là một trong những cửa ngõ trọng yếu có vị trí cắt ngay điểm giao của tuyến đường 64 nối từ Cửa Việt và đường 68 nối từ Mỹ Thủy dẫn lên thị xã Quảng Trị. Nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch tiếp viện của quân ta vào thị xã Quảng Trị từ hướng Đông, sau khi mở chiến dịch khoảng hai tuần, vào ngày 11/7/1972, Mỹ - ngụy huy động 32 máy bay các loại; Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến tiến vào đánh dọn bãi để đổ quân chiếm giữ và khống chế thôn Nại Cửu…

Tình thế này buộc quân ta phải giải vây cho “điểm nóng” Nại Cửu. Lúc ấy, ông Lành là người đã trực tiếp dẫn Trung tướng Hoàng Kỳ - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - thời điểm đó là chỉ huy Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 tiến đánh địch ở thôn Nại Cửu. Sau một thời gian ngắn, với sự yểm trợ của dân quân du kích địa phương, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 dưới sự chỉ huy của ông Hoàng Kỳ đã lập chiến công lớn khi tiêu diệt phần lớn quân lực của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch, khai thông cửa ngõ chiến lược của ta tiếp viện mặt trận Thành Cổ Quảng Trị. “Nhiều lần đối mặt với sống chết, tôi nhớ nhất là lần suýt trúng loạt bom khi tiếp nhận người dân từ huyện Hải Lăng ra để đưa đi sơ tán. Lần đó, đồng đội của tôi đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ dẫn người dân sơ tán, tôi may mắn thoát chết trong tích tắc”, ông Lành kể lại. Sau khi đất nước giải phóng, ông Lành làm xã đội trưởng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2016.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.

Nữ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Thanh Hằng |

Với ý chí vượt khó, cựu chiến binh Phạm Thị Lương (66 tuổi) ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, xứng đáng để hội viên học tập, noi theo.

Cựu chiến binh góp sức xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, qua đó đóng góp quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Chuyện cựu chiến binh “hai vai hai gánh”

Trúc Phương |

Tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều người biết đến anh Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1972) không chỉ trong vai trò bí thư đảng ủy xã mà còn là tấm gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi. Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh đã phát triển kinh tế gia đình thành công và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhắc đến câu chuyện “hai vai hai gánh”, gánh nào cũng trọn vẹn, anh Thắng cười hiền: “Làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng mình là lãnh đạo xã, làm kinh tế không chỉ để gia đình mình sống sung túc hơn mà còn để người dân nhìn vào đó mà học theo. Mình làm không ra gì sao nói người khác được”.