Chuyện cựu chiến binh “hai vai hai gánh”

Trúc Phương |

Tại xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều người biết đến anh Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1972) không chỉ trong vai trò bí thư đảng ủy xã mà còn là tấm gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi. Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh đã phát triển kinh tế gia đình thành công và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhắc đến câu chuyện “hai vai hai gánh”, gánh nào cũng trọn vẹn, anh Thắng cười hiền: “Làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng mình là lãnh đạo xã, làm kinh tế không chỉ để gia đình mình sống sung túc hơn mà còn để người dân nhìn vào đó mà học theo. Mình làm không ra gì sao nói người khác được”.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ và làm việc với anh Thắng nhiều lần nhưng chưa từng nghĩ rằng gia đình anh lại sở hữu trang trại rộng gần 5.000 m2 với quy mô 25.000 con gà và nhiều loại cây ăn quả. Mãi đến hôm cùng các anh ở Hội CCB xã Hiền Thành về thăm nhà, chúng tôi mới nghe Chủ tịch Hội CCB xã Trần Văn Vinh tự hào giới thiệu: “Xã Hiền Thành hiện có từ 15 – 20 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ. Hầu hết các mô hình đều rất phát triển nhưng đầu tư với quy mô lớn như thế thì chỉ mới có gia đình anh Thắng thực hiện được”.

Trang trại nuôi gà quy mô lớn của anh Thắng (bên phải) - Ảnh: T.P
Trang trại nuôi gà quy mô lớn của anh Thắng (bên phải) - Ảnh: T.P

Anh Thắng từng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vào năm 1993, đến năm 1996 thì ra quân, trở về quê hương. Về quê, với bản chất người lính Cụ Hồ và mảnh đất rộng hơn 5.000 m2 của gia đình, anh mày mò tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và dốc toàn bộ vốn liếng để trồng cao su.

Anh chia sẻ: “Thời gian trước cao su bán được giá, gia đình tôi không được xem là khá giả nhưng cũng có của ăn, của để. Mấy năm trở lại đây, thiên tai liên tục xảy ra, cao su bị gãy đổ và mất giá khiến việc làm ăn không còn thuận lợi. Thế là tôi bàn bạc với mấy anh em trong nhà phá bỏ toàn bộ diện tích cao su đã có, sau đó liên kết với một doanh nghiệp chuyển sang nuôi gà công nghệ cao”.

Anh Thắng tự nhận mình là “tay liều” bởi giai đoạn đầu tư xây dựng 2 trại gà với tổng trị giá gần 3 tỉ đồng, được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ chăn nuôi gồm máy tời, hệ thống quạt làm mát, nước, thức ăn... mấy anh em chỉ có khoảng 30% vốn trong tay, 70% còn lại đều đi vay mượn. Hơn nữa cây cao su đã gắn bó lâu đời với người dân Vĩnh Linh và mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình, đùng một phá bỏ toàn bộ 5.000 m2 diện tích cao su để chuyển qua một mô hình hoàn toàn mới là một quyết định hết sức táo bạo. Tháng 6/2021, anh Thắng thả lứa gà đầu tiên với 14.000 con. Sau 80 ngày, gà đã có thể xuất bán, trừ các khoản chi phí, gia đình anh lãi hơn 140 triệu đồng. Đó là gà thương phẩm, chưa kể bán phân gà cho người dân địa phương trồng cây mỗi tháng cũng mang về cho anh từ 11 - 12 triệu đồng.

Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc lứa gà thứ 2 với 25.000 con được nhập về nuôi. Theo anh Thắng, việc chăn nuôi gà theo hình thức liên kết giúp người nuôi không phải lo về con giống, thức ăn hay đầu ra. Quan trọng nhất là phải đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ và nuôi đúng quy trình kỹ thuật để gà lớn nhanh, đạt trọng lượng theo tiêu chuẩn của công ty. Được biết thời gian đầu do chưa quen với cách chăm sóc, gà của anh bị bệnh, chết nhiều. Nhưng được sự hướng dẫn tận tình của các nhân viên trong công ty cũng như chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ một số hộ chăn nuôi trước đó nên đàn gà dần phát triển khỏe mạnh hơn. Không chỉ làm ăn hiệu quả, gia đình anh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 3 lao động ở địa phương với tiền công 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài 2 trại gà, anh em anh Thắng còn đầu tư trồng nhiều loại cây ăn quả như bưởi, cam... để tận dụng hết diện tích đất nhàn rỗi, đồng thời cũng có thêm một nguồn thu nhập. “Với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng quyết định chuyển đổi từ cao su qua nuôi gà quy mô lớn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Nuôi gà liên kết như thế này mang lại hiệu quả nhanh và an toàn hơn nhiều. Đây cũng là một hướng làm ăn mà những gia đình có diện tích đất rộng có thể tính đến”, anh Thắng nói.

Không chỉ mạnh dạn, quyết đoán trong làm kinh tế, từ năm 2015 đến nay, với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hiền rồi Bí thư Đảng ủy xã Hiền Thành (xã Vĩnh Hiền sáp nhập với xã Vĩnh Thành thành xã Hiền Thành), anh luôn tận tâm, nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân giao phó. Khi cần quyết định bất kỳ công việc chung nào, anh Thắng đều dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương và trên cơ sở lợi ích của người dân để đưa ra các quyết định. Đó chính là lý do khiến anh được mọi người luôn tin tưởng.

Chủ tịch Hội CCB xã Hiền Thành Trần Văn Vinh tâm sự với chúng tôi lúc chia tay: “Dù là bí thư đảng ủy xã, hội viên CCB hay chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vai trò nào anh Thắng cũng luôn tận tâm, tận lực, lấy cái này để bổ trợ cái kia. Nói đơn giản thế này, anh muốn làm một lãnh đạo xã “nói dân hiểu, làm dân tin” thì trước hết anh phải là một hội viên xông xáo, nhiệt tình trong tổ chức hội của mình; là một người chồng, người cha biết chăm lo tốt cuộc sống cho vợ con mình. Làm được thì không cần hô hào, vận động người dân cũng tự giác nhìn vào đó mà học theo. Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Thắng đã tạo động lực cho nhiều hội viên CCB nói riêng, người dân xã Hiền Thành nói chung mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, cải thiện cuộc sống”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

990 triệu đồng thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật, nạn nhân da cam

PV |

Ngày 13/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, nạn nhân da cam tại huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh thông qua hoạt động chăn nuôi bò sinh sản” do Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) tài trợ.

Hải Lăng: Quy hoạch 47 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư

Đức Việt |

Để từng bước xóa bỏ chăn nuôi theo kiểu tự phát gây nhiều tác động xấu đến môi trường, thời gian qua huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thực hiện quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đến nay các vùng chăn nuôi đã hình thành, đạt được nhiều lợi ích.

Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.