Năm thế kỷ, 50 năm và đôi bờ một dòng sông…

Lê Đức Dục |

Thạch Hãn không phải là dòng sông rộng dài hùng vĩ như những dòng sông hai đầu đất nước nhưng đó là dòng sông của những khởi nguồn.

Năm 1558, đấy là thế kỷ 16, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng biết không thể an toàn ở đất Thăng Long sau khi anh rể Trịnh Kiểm giết chết anh trai ông là Nguyễn Uông, bèn tìm gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin một lời khuyên. “Hoành Sơn nhất đái vạn dại dung thân”, Trạng Trình có ý nói nếu qua được bên kia dãy Hoành Sơn là chốn dung thân gầy dựng cơ nghiệp cho muôn đời. Tuân lời, Nguyễn Hoàng sau khi xin được vào trấn nhậm miền trong, ngài đã cùng đoàn tùy tùng khi vượt qua Hoành Sơn (Đèo Ngang - ranh giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) không hạ trại ngay mà đi tiếp thêm hơn 200 cây số nữa để hạ trại tại Ái Tử , một sa ngàn cát trắng bên dòng sông Thạch Hãn. Từ Thạch Hãn này, người Việt đã mãi miết băng qua những dòng sông Hương, Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng… rồi đến được chín nhánh Cửu Long như con rồng xòe móng bíu vào phong nẫm phù sa Nam Bộ.

Chương trình “Khúc tráng ca về một dòng sông” tổ chức tại thị xã Quảng Trị đêm 30/4/2007 - Ảnh: PV
Chương trình “Khúc tráng ca về một dòng sông” tổ chức tại thị xã Quảng Trị đêm 30/4/2007 - Ảnh: PV

Đại Việt sử ký toàn thư viết về cuộc ra đi của Chúa Nguyễn Hoàng chỉ mấy dòng ngắn ngủi: “ Mậu Ngọ - tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân tĩnh công (tức Nguyễn Kim- NV) là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc phía Đông.” Học giả Phan Khoang trong “Việt sử xứ Đàng Trong” viết chi tiết hơn: “Đoan Quận công và đoàn tùy tùng từ Cửa Việt lên sông Quảng Trị, đóng dinh tại làng Ái Tử. Năm ấy ông 34 tuổi. Khi Đoan Quận công mới đến Ái Tử, dân sở tại đem dâng 7 vò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ (quan Thái Phó, cậu ruột của Nguyễn Hoàng- NV) nói với Đoan Quận công rằng: “Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”.

Từ bên dòng sông Thạch Hãn này, Chúa Nguyễn xây dựng thành lũy, mở mang thương nghiệp, con cái của ngài kế nhau nối đời mở mang trấn giữ “xứ Đàng Trong”, từ mảnh đất hạ trại bên sông Thạch Hãn này mà tìm ra cuộc đất mới ở miền Thuận Hóa để xây nên kinh đô Huế sau này.

Chúng tôi về dinh xưa Ái Tử, rồi qua vùng Trà Bát (nay là xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) tìm ra bến Ghềnh, hay còn gọi là Ghềnh Phủ- dấu tích của một thương cảng thuở Chúa Nguyễn bắt đầu mở cõi. Sông Thạch Hãn chảy về quãng này chợt uốn một vòng cung rộng mênh mông. Hơn bốn thế kỷ trôi qua, hẳn sông có đôi lần đổi dòng đổi bến nhưng bên triền đất lở ven sông, tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều mảnh chum gốm cổ với họa tiết độc đáo lộ ra như chính đất đai đã gìn giữ trong lòng sâu của mình những phồn hoa đô hội một thời.

Trước khi Chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước ngoài để có một cảng thị Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên này với quãng đường từ Cửa Việt lên đây chưa đầy chục cây số đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ. Cố Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, một nhà Quảng Trị học rất uy tín trong bài nghiên cứu: “Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi (1558-1626)” đăng trên tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số xuân Tân Mùi 1991 (trang 100 -104) đã công bố nhiều tư liệu về tầm vóc của vùng cảng Cửa Việt và dinh Trà Bát này.

Những tư liệu của linh mục Ngọc dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo của thế kỷ 16 -17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha , Nhật Bản, Áo Môn (tức Ma Cao - bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc địa của người Bồ) đã đến đây chào “quan Tổng trấn” (tức Nguyễn Hoàng và sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào năm 1585.

Nhưng lịch sử luôn là sự biến dịch không ngừng nghỉ. Vùng đất bên dòng sông Thạch Hãn từng lưu ảnh phồn hoa đô hội trên những dòng cổ sử cũng chịu cảnh “thương hải tang điền”. Sách xưa nói “ba trăm năm thì biển xanh thành ruộng dâu” nữa là từ dòng sông trên miền cát ấy, bốn thế kỷ sau lại xuất hiện dày đặc trên những bản tin chiến sự của những hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Không hiểu vì sao khi nghĩ về chiến sự năm 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị, tôi lại thường nhìn dòng sông Thạch Hãn và nghĩ về những điều lạ kỳ bên dòng sông này.

Trận đánh đầu tiên của Chúa Nguyễn là năm 1572, tướng nhà Mạc là Lập Bạo, đưa quân vào để thôn tính. Vốn là tướng tài của nhà Mạc, mang theo nhiều chiến thuyền lại là người giỏi sông nước, nhưng Lập Bạo bị giết, huyền sử nói rằng Chúa Nguyễn nhờ sự trợ giúp của thần linh ứng vào con chim bói cá, khi Lập Bạo lặn xuống sông, cứ ngoi đầu lên ở đâu là con chim thần lại bay đến đấy, quân Chúa Nguyễn theo dấu con chim mà diệt được tướng nhà Mạc. Để tri ân, Chúa cho xây miếu thờ bên sông Thạch Hãn, phỏng theo tiếng kêu của chim mà đặt tên là miếu Trảo Trảo. Biết tạo ra những huyền thoại để chinh phục lòng dân, đó là cách thu phục nhân tâm của người mở cõi trong buổi đầu dựng nghiệp. Nhưng bên dòng sông này còn có nhiều điều còn lay động nhân tâm vẫn còn chứng tích rõ ràng chứ không chỉ là huyền thoại.

Khi nhìn thấy những mảnh vỡ của đồ gốm lộ ra ở bến Ghềnh không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu chuyện về một “nghĩa trang quốc gia” đầu tiên trên đất Quảng Trị. Cũng bắt đầu từ việc nhìn thấy dọc bờ sông mỗi mùa lũ làm lở lói, lộ ra những hài cốt của lưu dân từ Đàng Ngoài theo Chúa Nguyễn vào đây trong buổi đầu dựng nghiệp. Trên hành trình thiên di ấy, nhiều người đã chết vì ốm đau bệnh tật, vì binh đao dọc đường rồi chôn vùi lấp vội, cho đến khi phơi lộ dọc theo bờ đất lở. Ngài Hoàng Hữu Lợi, người làng Bích Khê (nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tước Trung Nghị đại phu Phó đô ngự sử thấy thế mới động lòng từ tâm bỏ tiền nhà ra mua mấy sào ruộng của làng Thạch Hãn để làm nơi quy táng những hài cốt phận bạc kia.

Rồi cứ thế những lưu dân Nam tiến bỏ thây nơi bãi lau biền cỏ bên dòng Thạch Hãn nhất loạt được con cháu họ Hoàng làng Bích Khê quy về nơi nghĩa trủng này, chăm lo hương khói. Nếu chỉ thế thì Nghĩa Trủng cũng chỉ là một “nghĩa địa tình thương” chứ đâu thể gọi là “Nghĩa trang liệt sĩ”? Nhưng đến đời con của cụ Hoàng Hữu Lợi , vị trưởng nam của cụ là Hiệp biện Đại học sĩ , Bình Như Hoàng Hữu Xứng sau này làm quan Tuần vũ Hà Nội, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang vô chủ, hỏi han kỳ lão quanh vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Hàng chục năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang.

Quan Tuần vũ họ Hoàng ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt ở Gò Đống Đa. Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác chôn sấp dập ngữa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Quan Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng đã thuê người cất bốc hài cốt hơn 600 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở mảnh đất mà thân phụ của ông đã mua. Như thế, Nghĩa Trủng làng Thạch Hãn đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào.

Đúng 100 năm sau khi Nghĩa Trủng Đàn hình thành (1872), năm 1972 thị xã hiền hòa bên sông Thạch Hãn bỗng trở nên trứ danh được cả thế giới biết đến bởi cuộc chiến khốc liệt. Những hy sinh mất mát của 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ sách báo phim ảnh đã nói rất nhiều, nhưng không ai có thể nói hết những điều vẫn tiếp tục diễn ra từng ngày, từng ngày trên mảnh đất này.

Năm nay tròn 50 năm kể từ mùa hè khốc liệt năm 1972. Từ “Nghĩa trang quân Tây Sơn” áo vải cờ đào được quy tập về Nghĩa trủng bên sông Thạch Hãn, sau cuộc chiến 1972 người ta biết thêm về đáy sông Thạch Hãn là một “nghĩa trang không bia mộ”. Hàng ngàn người lính vượt sông Thạch Hãn để vào chiến đấu ở Thành Cổ đã nằm lại đây như một câu thơ “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Khởi đầu từ miền đất được Chúa Nguyễn chọn làm nơi dựng nghiệp. Từ những lưu dân bỏ mình trên hành trình mở cõi, hài cốt lộ ra bên triền sông mỗi mùa bồi lở đến những hài cốt người lính Thành Cổ vẫn cứ tiếp tục lộ ra khi đào móng xây dựng công trình hôm nay, có lẽ không nơi đâu trên đất nước này có một sự truyền nối máu xương bền bỉ như ở đây, bên triền sông Thạch Hãn.

Có rất nhiều cách để diễn tả hòa bình, nhưng với tôi hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” của Văn Cao trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” là hình ảnh giàu sức gợi nhất. Tiếng gà trưa ấy không vang lên ở một dòng sông bình thường mà nghe vang trong một trưa nắng bên dòng sông trận mạc, từng ngút trời lửa đạn như dòng sông Thạch Hãn mới cảm nhận thấm thía cái giá của mỗi ngày hòa bình.

Men theo triền sông Thạch Hãn, chúng tôi về làng Bích Khê, đi dưới rặng tre và nghe âm vang một câu ca thanh bình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết về ngôi làng của mình: “Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo”. Thoảng dưới rặng tre bên sông vang lên tiếng gà gáy trưa. Dường như tiếng gà gáy bên dòng sông Thạch Hãn trưa này mang bao nhiêu âm vang của hòa bình hơn bất cứ một bản giao hưởng nào dưới bầu trời Quảng Trị, sau bao nhiêu binh đao, sau bao nhiêu bom đạn mất còn, sau bao nhiêu lở bồi của con nước đã trôi từ nguồn ra bể suốt nửa thế kỷ qua…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

“Đón bình minh” đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Thạch Hãn 1

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thạch Hãn 1 thuộc dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1.

Đầu tư 6 tỉ đồng chỉnh trang, mở rộng khu vực Nhà hành lễ Bến thả hoa bờ sông Thạch Hãn

Ngọc Trang |

HĐND thị xã Quảng Trị vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chỉnh trang, mở rộng khu vực Nhà hành lễ Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn đoạn từ chợ thị xã đến cầu Thành Cổ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thị xã. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2023.

Tạm giữ khẩn cấp 2 nghi phạm trong vụ án thi thể nữ giới trôi trên sông Thạch Hãn

Lê Minh |

Ngày 13/12, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị Đại tá Trần Đức Triệu cho biết, liên quan đến vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Triệu Phong, đơn vị đang tạm giữ khẩn cấp đối với 2 nghi phạm để điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố bị can theo quy định.

Đã tìm thấy thi thể người bị mất tích trong vụ tai nạn tàu trên sông Thạch Hãn

T.T |

Ngày 31/10/2021, lực lượng chức năng cho biết, thi thể ông H.Đ.V, người bị nạn trong vụ tai nạn đường thủy nội bộ khu vực đập tràn Nam Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 26/10/2021 đã được tìm thấy ngay gần khu vực đập xảy tai nạn.