Ông Hồ Pen ở thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), năm nay đã bước sang tuổi 92. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn rất minh mẫn.
Ngoài khả năng biểu diễn nhạc cụ truyền thống thành thạo, Hồ Pen còn thạo việc điều chỉnh âm thanh của cồng chiêng. Nhờ Hồ Pen, các nghi lễ, lễ hội, chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ của địa phương thành công hơn.
Bằng tình yêu và niềm đam mê đặc biệt đối với nhạc cụ truyền thống của dân tộc, từ nhỏ, Hồ Pen đã học từ bố về kỹ năng biểu diễn cồng chiêng.
Vừa học, vừa nghiên cứu và tích cực rèn luyện, ông biểu diễn ngày càng điêu luyện, hiểu được từng âm thanh của cồng chiêng mỗi khi nó được tác động vào. Vì thế, vào các dịp lễ hội, chương trình văn hóa, văn nghệ ở thôn, xã ông đều được mời và tích cực tham gia vào đội biểu diễn cồng chiêng.
Càng biểu diễn càng đam mê và càng hiểu cặn kẽ hơn từng âm thanh của hai loại nhạc cụ đặc trưng của miền núi này, Hồ Pen dần dần học được cách điều chỉnh âm thanh cồng chiêng từ thân sinh ra mình và những nghệ nhân trong xã, trong vùng.
“Dụng cụ để điều chỉnh tiếng cồng chiêng rất đơn giản, chỉ cần một cái búa, một cái dao sắt. Thế nhưng để chỉnh được tiếng cồng chiêng đạt yêu cầu thì không dễ.
Cùng lúc phải dùng mắt quan sát, vừa dùng tai để lắng nghe và dùng tay để rà từng điểm trên mặt cồng chiêng. Đối với người đã có tuổi như tôi thì lại càng khó hơn, nhưng tôi vẫn cố gắng kiên trì để giữ nghề, giữ âm thanh cồng chiêng của dân tộc mình”, Hồ Pen chia sẻ.
Các công đoạn của việc điều chỉnh tiếng chiêng không phức tạp, cầu kỳ nhưng cần đôi bàn tay khéo léo, đôi tai thẩm âm tinh tế, có sự am hiểu sâu về loại nhạc cụ.
Chỉ cần đánh thử qua vài tiếng là Hồ Pen có thể “bắt bệnh” được những chiếc cồng chiêng đang bị lỗi. Hồ Pen cho biết thêm: “Những chiếc cồng chiêng khi đánh tiếng không được hay, vang lên không đều, thanh nghe không được rõ, trong suốt mà rè, không ngân dài.
Nguyên nhân gây ra những khiếm khuyết này thường là do bề mặt của cồng chiêng không được phẳng, có chỗ lồi chỗ lõm, chỗ dày chỗ mỏng, hoặc có đường rạn; vành bị móp...
Để khắc phục được tất cả những “bệnh” này, tôi dùng búa và dao sắt để mài phẳng những điểm gồ ghề trên bề mặt nhạc cụ, nắn lại những điểm bị móp dù là rất nhỏ; đường rạn thì sẽ được mài dũa và hàn khít lại”.
Để hoàn thành việc điều chỉnh âm thanh của mỗi chiếc cồng hoặc chiêng không hề đơn giản. Hồ Pen dành thời gian trung bình từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để chỉnh âm đối với những chiếc cồng, chiêng bị “bệnh” đơn giản, đối với chiếc nào khó thì mất từ 2 - 3 ngày.
Trong suốt gần cả cuộc đời duy trì công việc “chữa bệnh” cho cồng chiêng, ông không nhớ hết số lượng nhạc cụ được mình chỉnh sửa. Ông là nghệ nhân ít có trên địa bàn huyện còn có khả năng điều chỉnh âm thanh cồng chiêng.
Vì thế nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở trong, ngoài huyện và cả ở nước bạn Lào thường tìm đến ông để điều chỉnh âm thanh của cồng chiêng. Lo lắng, trăn trở về việc bảo tồn nghề truyền thống, Hồ Pen vẫn thường chỉ bảo cho con cháu của mình và thế hệ trẻ trong thôn về kỹ năng thực hành cũng như cách điều chỉnh âm thanh của cồng chiêng.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Ông Hồ Pen là một nghệ nhân lớn tuổi rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng ở địa phương.
Việc duy trì nghề điều chỉnh âm thanh cồng chiêng là một nỗ lực, tâm huyết rất lớn của nghệ nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu xét danh hiệu nghệ nhân, đồng thời vận động để nghệ nhân Hồ Pen có sự trao truyền lại cho thế hệ sau nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật biểu diễn cũng như nghề truyền thống điều chỉnh âm thanh cồng chiêng của người Vân Kiều, Pa Kô”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)