Người phụ nữ “đầu tàu” chuyển đổi nhận thức giới ở Tà Rụt

Trần Cát Linh |

Trong cái mộc mạc, giản dị của núi rừng Đakrông, có một người phụ nữ lặng thầm góp phần làm đổi thay nhận thức, xóa bỏ định kiến giới vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bao thế hệ đồng bào Pa Kô nơi đây. Chị là Hồ Thị Hằng, Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông.

 
 Chị Hồ Thị Hằng cùng BTV Hội LHPN xã Tà Rụt thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ - Ảnh: T.C.L
      

Nói đến chuyện bình đẳng giới (BĐG) ở các thôn, bản thuộc xã Tà Rụt cách đây vài năm, chị Hằng chép miệng: “Hồi đó, trong bản, phụ nữ chỉ biết ở nhà, lo chuyện bếp núc, nương rẫy. Việc lớn trong nhà hay ngoài bản đều do đàn ông quyết định. Phụ nữ mà nói ra ý kiến là bị cho là hỗn. Đã bao đời như vậy, ai cũng quen rồi”.

Là người con sinh ra và lớn lên ở thôn A Pul, xã Tà Rụt, chị Hằng thấu hiểu hơn ai hết những rào cản vô hình mà phụ nữ nơi đây đang gánh chịu. Từ chuyện học hành, công việc, đến hôn nhân, phụ nữ thường không có quyền quyết định. Bạo lực gia đình (BLGĐ), tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn diễn ra, để lại không ít hệ lụy. Chị bảo: “Có những đứa trẻ mới 15, 16 tuổi đã lấy chồng. Có chị em phải chịu đựng đòn roi, tiếng chửi rủa suốt nhiều năm. Nhưng họ cam chịu, vì nghĩ số phận mình là thế”.

Thế rồi, năm 2022, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai, các cấp hội tổ chức tập huấn về BĐG, phòng, chống BLGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE), vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ thơ...

Với suy nghĩ phụ nữ sinh ra không chỉ quanh quẩn trong góc bếp, trong vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Hằng hăng hái tham gia, rồi vận động chị em đến lớp. Xã Tà Rụt có 1.291 hộ, với 4.986 nhân khẩu là người đồng bào DTTS. Những buổi sinh hoạt đầu tiên chỉ có vài chị em.

Chị lại kiên trì đến từng nhà, trò chuyện, giải thích cho chị em hiểu quyền của mình, rằng “phụ nữ cũng có tiếng nói, cũng có quyền được học, được làm, được hạnh phúc”. Dần dần con số tăng lên, rồi nam giới cũng tích cực tham gia vào các hoạt động của dự án. Những lớp truyền thông lưu động về BĐG, phòng chống BLGĐ do Hội LHPN huyện và xã phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Dự án 8 đã trở thành nơi người dân bản làng được chia sẻ, học hỏi và thay đổi nhận thức.

Không chỉ vậy, chị Hằng còn động viên, khuyến khích các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” thường xuyên tổ chức nói chuyện với bà con về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, ngăn ngừa tảo hôn, BLGĐ... Nhờ sự tận tụy, nhiệt tình của chị Hằng và sự đồng lòng của người dân, nhận thức của người dân xã Tà Rụt đang dần thay đổi tích cực .

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, Hội LHPN xã Tà Rụt đã hỗ trợ thành lập và vận hành 7 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 7/7 chi hội, duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy” do Hội LHPN tỉnh, huyện hỗ trợ thành lập.

Tổ chức 8 đợt truyền thông BĐG, phòng chống tảo hôn, phòng chống BLGĐ tại xã, tổ chức diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, huyện, Ban điều hành dự án Plan xã Tà Rụt tổ chức 5 chiến dịch truyền thông; 2 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã về phòng chống nạn tảo hôn và ma tuý, BĐG và một số vấn đề xã hội cập thiết đối với PN&TE gồm 450 chị em tham gia.

Không chỉ tích cực tham gia các lớp tập huấn, chị Hằng còn là người mạnh dạn áp dụng những kiến thức học được vào thực tiễn cuộc sống, trở thành người truyền cảm hứng cho chị em trong bản. Phụ nữ bản làng giờ đây không chỉ làm tốt việc gia đình mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, sản xuất kinh doanh”. Chị Hằng kể: “Trước đây, trong cộng đồng không ai nghĩ phụ nữ có thể làm kinh tế giỏi.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, chính bản thân gia đình tôi cũng đã mạnh dạn cày bừa, vỡ đất để trồng 200 gốc chuối lùn. Tôi còn hướng dẫn mấy chị em khác làm theo, đến nay, Tổ hợp tác chuối lùn Tà Rụt đã có 18 thành viên tham gia, với 2.160 buồng chuối được thu hoạch và bán ra thị trường mỗi năm.

Vượt qua những khó khăn, chúng tôi đã mạnh dạn kết nối, quảng bá sản phẩm chuối lùn bản địa để bán tại các cửa hàng OCOP, Siêu thị Coop mart Đông Hà. Tổng thu nhập đạt khoảng 90 triệu đồng/năm/hộ. Hiện nay, cả xã đã có 118 hộ phụ nữ tự làm chủ kinh tế gia đình nhờ trồng chuối, trồng tràm, đậu xanh, chăn nuôi dê, gà... Những mô hình kinh tế nhỏ nhưng hiệu quả giúp phụ nữ có thêm thu nhập, tự tin hơn trong cuộc sống”.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty cho biết: “Từ ngày có Dự án 8, nhận thức của bà con về BĐG thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, nhờ chị Hồ Thị Hằng mà phụ nữ ở các bản, làng xa xôi của xã Tà Rụt đã dám nói, dám làm, mạnh dạn tham gia các tổ hợp tác sản xuất, các phong trào thi đua, nâng cao kinh tế hộ gia đình, đóng góp vào sự phát triển KT-XH chung của toàn xã. Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn cũng như các định kiến, phân biệt giới cũng đã giảm hẳn, đời sống của bà con trở nên đầm ấm, đoàn kết”.

Trong 3 năm qua, số vụ BLGĐ tại xã Tà Rụt giảm trên 90%, số phụ nữ tham gia tổ hợp tác, mô hình kinh tế tăng 3 lần. Số vụ tảo hôn từ 7 trường hợp năm 2023 giảm còn 2 trường hợp năm 2024, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã. Số học sinh bỏ học giảm từ 21 xuống còn 11 em. Từ những cố gắng và nỗ lực trên, chị Hồ Thị Hằng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về phong trào phụ nữ và hoạt động hội phụ nữ năm 2021 và nhiều bằng khen, giấy khen do Hội LHPN tỉnh, UBND huyện Đakrông trao tặng.

Dẫu công việc bộn bề, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chị Hồ Thị Hằng vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tâm huyết với công việc cộng đồng. Chị tâm sự: “Tôi còn nhiều trăn trở, muốn tổ chức thêm nhiều lớp học nghề cho chị em, mở các câu lạc bộ phòng chống bạo lực, để không còn người phụ nữ nào trong bản phải chịu thiệt thòi”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Đakrông

Đan Tâm |

 Hiện nay, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc thu thập tài liệu văn bản, ghi hình, ghi âm các tư liệu hình ảnh động về các loại hình văn hóa và từng bước chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang được nhiều địa phương trong nước quan tâm ứng dụng. Đối với huyện Đakrông, việc thực hiện số hóa dữ liệu các loại hình văn hóa phục vụ công tác bảo tồn, thúc đẩy phát triển du lịch...cũng đang đặt ra rất cấp thiết.

Đề xuất khoảng 60 tỉ đồng đầu tư xây mới cầu treo Đakrông

Minh Long |

Ngày 16/4, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc đề xuất xây dựng cầu Đakrông tại km 249+824 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí đề xuất khoảng 60 tỉ đồng từ nguồn vốn cấp bách hoặc vốn dư của Bộ Xây dựng đầu tư cho các trường hợp khẩn cấp đảm bảo giao thông để sớm triển khai đầu tư xây dựng mới cầu Đakrông.

Huyện Đakrông nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nguyễn Vinh |

Mặc dù là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo nên chất lượng giáo dục của huyện Đakrông không ngừng được nâng lên. Đến nay, học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 học 2 buổi/ngày. Năm học 2023- 2024, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đạt 99,1%, trong có 86,7% học sinh tiếp tục học bậc THPT.

Hội Cựu chiến binh huyện Đakrông quan tâm công tác giáo dục thế hệ trẻ

Minh Trí |

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của các CCB trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, hội đã góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên đối với quê hương, đất nước.

Tổ chức chương trình “Cắt tóc – Làm đẹp” cho trẻ em khuyết tật ở huyện Đakrông và Cam Lộ

Đức Việt |

Trong hai ngày 1 và 2/4, Medipeace phối hợp với Hội Y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Cắt tóc - Làm đẹp” dành cho gia đình trẻ khuyết tật và trẻ khuyết tật trên địa bàn thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông và xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị” giai đoạn 2022 - 2027.