Đó là câu thơ trong bài thơ Khóc Nguyễn Tiến Đạt, tôi viết để tưởng nhớ bao kỷ niệm vui buồn giữa tôi và em.
Còn nhớ, ngày 20 tháng 7 năm 2001, cuối buổi chiều nắng ấm ở mảnh đất phương Nam, khi tôi đang trực ca tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng - Sân bay Vũng Tàu, điện thoại bàn làm việc bỗng đổ chuông, tôi vội cầm máy; đầu dây bên kia tiếng nhà báo Trương Đức Minh Tứ - Thư ký tòa soạn báo Quảng Trị thân quen cho biết hung tin: “Nguyễn Tiến Đạt mất vì tai nạn giao thông tối hôm qua rồi, anh ạ”. Đạt đã mất rồi ư! Nghe xong, tôi bàng hoàng không tin vào tai mình, bao kỷ niệm giữa tôi và em cứ lần lượt hiện lên. Tâm hồn tôi chao đảo, cảm xúc dâng trào, những con chữ đớn đau nối đuôi nhau kín trang giấy trắng. Chỉ một lúc tôi viết xong bài thơ khóc Đạt, thay nén tâm nhang hướng ra mảnh đất Quảng Trị thân thương vái vọng em: Tin Đạt mất giữa một chiều nắng quái / Góc trời Nam thầy đau xót, bàng hoàng / Hướng quê hương tiễn đưa em ba vái / Cầu hồn em siêu thoát cõi thiên đàng.
Dạo ấy, giữa tháng 12 năm 1982 khi Nguyễn Tiến Đạt vừa thi xong các môn học kỳ I, lớp 10 Trường Phổ thông trung học Gio Linh thì có giấy báo nhập học muộn lớp chuyên văn, Trường Phổ thông trung học Hai Bà Trưng, thành phố Huế, tỉnh Bình Trị Thiên; vì năm học lớp 9 Trường phổ thông cơ sở xã Gio Mai, Nguyễn Tiến Đạt thi học sinh giỏi đạt giải Nhì văn toàn tỉnh và quốc gia. Sau khi Đạt rút học bạ, cắt hộ khẩu, cuối tuần tôi vào Huế thăm gia đình, luôn tiện đưa em vào trường nhập học. Như đã hẹn, Đạt từ làng chiếu Lâm Xuân đến Trường Gio Mai vào đầu giờ chiều thứ 7, trong cái se se lạnh của ngày cuối năm, tôi và em đi bộ đến bến đò làng Mai Xá, xuống thuyền khách ngược sông Hiếu cập bến chợ Đông Hà, rồi hai thầy trò rảo bước đến bến lên xe đò vào Huế. Thấy tôi về còn có thêm cậu học trò giỏi văn (vì tôi giới thiệu), cả nhà rất vui. Một lát sau bữa cơm tối nóng hổi được dọn ra, Đạt rụt rè ngồi ăn nhỏ nhẻ như cô con gái mới lớn. Đêm đó thầy trò ngủ chung giường, đắp chung chiếc chăn bông, do đi đường mệt nên cả hai ngủ say cho đến lúc trời sáng: Nhớ ngày nao thầy đưa em vào Huế / Để em nhập học lớp 10 chuyên văn / Dáng nhỏ bé, nụ cười hiền lặng lẽ / Hai thầy trò cùng chung đắp tấm chăn.
Ba tôi bác sĩ, ngày chủ nhật ông không phải trực ở Ty Y tế, buổi sáng ấy tôi mượn xe vespa của ông chở Đạt đi ăn bún bò ở An Cựu. Sau đó chạy xe qua một số con đường bờ Bắc, bờ Nam sông Hương và giới thiệu vài địa danh cho em khỏi bỡ ngỡ những năm tháng sẽ “tu nghiệp” trên mảnh đất Cố Đô: Ga Huế, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Đập Đá, thôn Vĩ Dạ, Thành Nội, chợ Đông Ba, Gia Hội, chùa Thiên Mụ, Bao Vinh, cửa Thượng Tứ, cửa Ngăn, Tây Lộc, Tây Linh, bến xe An Hòa… rồi về nhà ăn cơm trưa. Buổi tối tôi đưa em đi ăn bánh khoái ở cửa Thượng Tứ, như là bữa liên hoan chia tay. Sáng hôm sau thứ hai vì không có tiết dạy nên tôi đưa em nhập học trường Hai Bà Trưng xong, rồi mới đón xe đò ra Đông Hà để về trường Gio Mai. Kể từ đó, vài tháng một lần tôi vào Huế đều đến thăm em, buổi tối đưa em đi ăn chè Hẻm hay ăn món Huế em thích.
Đầu năm 1984 tôi đi bộ đội, Đạt học lớp 12, vậy là thầy trò tạm xa nhau. Thấm thoắt ngày tháng thoi đưa, Đạt trúng tuyển khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế, khóa 1985 - 1988. Những năm tháng em giảng đường Tổng hợp / Tập tành bơi và ngụp lặn dòng thơ / Thầy nhập ngũ, tạm chia xa trường lớp / Biên giới phía Bắc, Tổ quốc đang chờ. Ngày Đạt ra trường trở thành sĩ quan công an trẻ, tôi cũng xuất ngũ chuyển ngành lên làm việc tại Trạm Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, trụ sở 59 Hùng Vương, thị xã Đông Hà. Mỗi lần tôi về họp, nghỉ phòng khách Cục Hải quan, Đạt tranh thủ ghé thăm tôi buổi tối muộn. Thường chúng tôi ngồi ngoài chiếc bàn đá bên trái góc sân, Đạt rút thuốc lá châm lửa đốt, lim dim đôi mắt rít một hơi dài ngửa cổ nhả khói đầy khoan khoái. Em tư lự kể cho tôi nghe chuyện vui buồn những tháng năm đầu đời “ăn lương nhà nước”. Cho đến lúc bài phóng sự Hai đời người đàn bà sống bằng nghề buôn lậu của em xuất hiện trên mặt báo, làm cho “ai đó” không ưa, rồi chuyện phiền muộn đến với em. Miên man câu chuyện nhân tình thế thái tê tái cõi lòng thi nhân, em bịn rịn chia tay tôi, đơn côi đạp xe về dưới ánh đèn khuya phố thị hiu hắt.
Sau này em chuyển qua báo Quảng Trị làm phóng viên, biên tập viên. Nguyễn Tiến Đạt có năng lực sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, bút ký, phóng sự, ghi chép… đặc biệt là thơ, đều được độc giả yêu thích: Em ra trường thành nhà thơ, nhà báo / Bạn đọc gần xa ngưỡng mộ, tin yêu. Năm 1988 duyên tình đến với Đạt, em quen cô Trần Thị Phúc nhân viên Công ty Thương mại, trụ sở đóng tại thị xã Đông Hà. Nhà Phúc ở thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh cách thôn Lâm Xuân của Đạt một cây cầu ngắn. Qua một năm tìm hiểu thấy tâm đầu ý hợp, Phúc và Đạt nên duyên chồng vợ. Kể từ ngày cưới vợ, Đạt chú tâm sáng tác hơn để kiếm thêm tiền nhuận bút, chắt chiu, gom góp mong có một nếp nhà cho vợ con: Rồi lấy vợ, sinh con, lo cơm áo/ Viết say mê không xóa nổi cảnh nghèo. Có lần tòa soạn báo Quảng Trị phân công Đạt lên Lao Bảo viết bài, nhân tiện em ghé đơn vị thăm tôi. Thầy trò gặp nhau mừng vui khôn xiết, nâng ly chúc cuộc hội ngộ hiếm hoi trên mảnh đất giáp biên giới Việt - Lào. Thầy xuất ngũ ngược phía Tây Quảng Trị / Ngọn gió Lào thổi khô những chồi thơ / Ngược đường 9 lên với tình tri kỷ / Hai thầy trò say men núi lơ mơ. Trong chuyến đi đó, Đạt có bài phóng sự Trong cơn lốc hàng lậu.
Vậy là Nguyễn Tiến Đạt đã mất thật rồi, để lại trên cõi đời vợ dại con thơ, khi Phúc mới 35 cái xuân xanh, con trai đầu Nguyễn Tiến Nhất mới 11 tuổi, con gái Nguyễn Trang Nhi mới 9 tuổi. Em đột ngột trôi vào miền sương khói / Để dở dang bài thơ viết cuộc đời / Đau đớn thay âm dương chia vời vợi / Trong lòng thầy thương tiếc Đạt khôn nguôi.
Nguyễn Tiến Đạt sinh ngày 10/12/1964, tuổi Giáp Thìn cầm tinh con Rồng; mất ngày 19/7/2001 hưởng dương 37 tuổi, cái tuổi sung mãn nhất của đời người về trí tuệ và sức khỏe. Tôi hơn Đạt 5 tuổi, giữa hai thầy trò có 5 điểm chung khá thú vị: Tôi có thơ in báo khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường và Đạt cũng thế; vợ tôi và vợ Đạt cùng sinh tuổi Bính Ngọ, năm 1966; thầy và trò cưới vợ cùng năm 1989; vợ chồng tôi, vợ chồng Đạt sinh đứa con đầu lòng cùng tuổi Canh Ngọ, năm 1990; và cả hai có đủ trai đủ gái.
Ít ai biết hoàn cảnh buồn của gia đình Đạt, em có chị gái bị tật nguyền mất từ lúc còn nhỏ. Ba Đạt là ông Nguyễn Tiến Bộ (mất năm 2022) đi làm ăn xa, lâu lâu mới tạt qua nhà. Một tay mẹ Đạt là bà Võ Thị Quyên tần tảo sớm hôm nuôi Đạt ăn học thành tài, trong cảnh túng thiếu. Bài thơ Vẫn còn đây thương nhớ của Đạt có câu: Trước khi về lạy mẹ giữa đồi hoang. Quê Đạt ở làng Lâm Xuân không có đồi, chỉ có đất thấp trồng cây lác làm chiếu, đất cao trồng khoai lang và gieo giống lúa khô. Khi bài thơ ra đời, tôi góp ý với Đạt dùng chữ “đồng” (cánh đồng) thay cho chữ “đồi” (núi đồi) thành câu thơ Trước khi về lạy mẹ giữa đồng hoang cho sát với cảnh vật làng Lâm Xuân, Đạt vui vẻ nói khi nào ra tuyển tập thơ em sẽ sửa lại. Đau đớn thay, Đạt không những không về lạy mẹ khi mẹ mất “giữa đồng hoang”; ngược lại mẹ Quyên của Đạt lại lạy con trai mãi đến gần hai mươi năm sau, mới day dứt tạ từ cõi trần về với tổ tiên (mẹ Đạt mất năm 2019). Lúc còn sống, Đạt hiền lành, chân chất, thật thà nhưng bên trong ẩn chứa nghị lực sống phi thường trong việc học tập và sáng tác. Kỷ niệm giữa tôi và Đạt về truyện ngắn Ngã ba sung sướng, Đạt viết về cánh lái xe quá cảnh qua Lào với gái bán hoa trong khu đồi bên cua đường 9B, ngày ấy còn rất hoang vắng. Buổi tối hai thầy trò đèo nhau trên chiếc xe đạp “thâm nhập thực tế” và “mục sở thị” mấy đêm liền, tuy mệt mà… vui! Khi đã có “bột”, Đạt nhanh chóng “gột” nên cái truyện ngắn có tiêu đề hấp dẫn trên.
Dù Đạt đã “trôi vào miền sương khói” 22 năm nay, nhưng hình bóng thân thương của em như vẫn còn hiển hiện đâu đây; những tác phẩm báo chí, văn chương của em sống mãi với thời gian. Mừng cho hai cháu nay đã yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định. Sau cú sốc quá lớn, tưởng như Phúc không vượt qua nổi nhưng em đã cố gượng dậy để nuôi hai giọt máu của Đạt trưởng thành. Vừa qua, em Trần Thị Phúc báo tin vui cho tôi biết qua điện thoại: Thưa thầy, cháu Nguyễn Tiến Nhất cưới vợ ngày 9 tháng 7 năm 2022, vì ngại đường sá xa xôi nên em không mời thầy ra dự, nay em báo tin cho thầy thôi ạ! Chẳng biết làm gì hơn, tôi chúc mừng hạnh phúc của cháu Nguyễn Tiến Nhất và thầm nghĩ: Giá như Nguyễn Tiến Đạt còn sống đến hôm nay, em sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên vợ và con cháu; sẽ có nhiều hơn nữa những tặng thưởng báo chí, văn chương trong tỉnh và quốc gia, làm vinh quang cho tỉnh nhà Quảng Trị.
Bài thơ của Nguyễn Xuân Sang viết khi nghe tin Nguyễn Tiến Đạt mất.
Khóc Nguyễn Tiến Đạt
Tin Đạt mất giữa một chiều nắng quái
Góc trời Nam thầy đau xót, bàng hoàng
Hướng quê hương tiễn đưa em ba vái
Cầu hồn em siêu thoát cõi thiên đàng
Nhớ ngày nao thầy đưa em vào Huế
Để em nhập học lớp 10 chuyên văn
Dáng nhỏ bé, nụ cười hiền lặng lẽ
Hai thầy trò cùng chung đắp tấm chăn
Những năm tháng em giảng đường Tổng hợp
Tập tành bơi và ngụp lặn dòng thơ
Thầy nhập ngũ, tạm chia xa trường lớp
Biên giới phía Bắc, Tổ quốc đang chờ
Em ra trường thành nhà thơ, nhà báo
Bạn đọc gần xa ngưỡng mộ tin yêu
Rồi lấy vợ sinh con, lo cơm áo
Viết say mê không xóa nổi cảnh nghèo
Thầy xuất ngũ vể phía Tây Quảng Trị
Ngọn gió Lào thổi khô những chồi thơ
Ngược đường 9 lên với tình tri kỷ
Hai thầy trò say men núi lơ mơ
Em đột ngột trôi vào miền sương khói
Để dở dang bài thơ viết cuộc đời
Đau đớn thay âm dương chia vời vợi
Trong lòng thầy thương tiếc Đạt khôn nguôi…
Vũng Tàu, 20/7/2001
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)