Chốn xưa Tân Lâm giờ còn ai của ngày xưa ấy? Sau gần một nửa thế kỷ, ai nhớ ai quên? Gặp lại nhạc sĩ Mai Xuân Hòa từ Sài Gòn trở về thăm Huế, vẫn còn phong độ dù tuổi đã trên 90, chúng tôi đã hỏi nhau như vậy. Và nhớ rất nhiều anh Lê Mậu Lộ, vị giám đốc đầu tiên của Nông trường Tân Lâm.
Tôi đã từng đi qua miền đất chết Tân Lâm, bước trên “con đường không vui”, “đường kinh hoàng” được 2 đế quốc cũ và mới đặt tên cho đường 9 dày đặc sự chết, nghiệt ngã đạn bom, từng lừng danh thế giới. 1974, tôi lại đi ngang qua Tân Lâm, cây số 27 từ Đông Hà ngược lên, ngỡ ngàng trước một nông trường mới khai sinh còn quá mỏng manh giữa cái ngổn ngang nặng nề thương tích chiến tranh. Cơ ngơi ban đầu chỉ là ba căn nhà lá nối ra đường 9 bằng con đường chuột chạy dài không quá 200 mét. Và vỏn vẹn có mỗi cái tên gọi “NÔNG TRƯỜNG TÂN LÂM” (bốn chữ dựng ở cổng nông trường ghép bằng mấy tấm ghi lỗ tròn).
Vậy mà chỉ dăm năm sau, đã trở thành nông trường tiêu, đã có mùa thu hoạch. Sức hấp dẫn của nông trường là ở sự hồi sinh vùng đất chết một cách kỷ diệu và cũng ở sự xởi lởi, chân thành mời gọi văn nghệ sĩ về thăm nơi này của anh Lê Mậu Lộ. Đã có nhiều văn nghệ sĩ đáp lời mời của anh Lộ bằng nhiều thi văn phẩm, nhiều ca khúc còn mãi với thời gian.
Gặp nhau ở nhà khách 2 Lê Lợi Huế, trong cuộc họp tỉnh Bình Trị Thiên chuẩn bị cho sự ra đời của công ty đất đỏ bazan, anh đã cho tôi cảm giác về một con người thông minh, hóm hỉnh và sâu sắc. Chỉ một câu hỏi: “Tại sao anh lại trồng tiêu ở Tân Lâm?”, anh không trả lời trực tiếp mà hỏi vặn lại tôi: “Biết trả lời anh thế nào đây nhỉ. Ừ, giả dụ nếu tôi đem xe mời anh đến nhà tôi dự bữa tiệc linh đình, liệu anh ở lại hay bỏ về, ngồi góc bếp nhai cơm nguội?” Tôi đáp: “Ăn tiệc chứ”. Có vẻ hợp ý, với giọng tâm tình, anh nói sự ưu ái của thiên nhiên, thổ ngơi đã dành riêng cho quê mình đất đỏ bazan như là bày sẵn tiệc, trồng tiêu là làm đúng “sách trời” tiền nhân để lại còn gì…
Tôi và anh còn nhiều dịp trò chuyện về các giá trị thiết thực của cây tiêu từ xưa tới nay, từ đông sang tây; về chiến tranh hạt tiêu giành độc quyền tiêu cách đây hơn 500 năm (Trương Phụ, một viên tướng cướp nhà Minh đã hủy diệt giống tiêu ở Việt Nam, hòng độc quyền tiêu ở Đông Nam Châu Á. Nguyễn Trãi đã ghi lại quỷ kế độc ác ấy của chúng: “Khi người Minh sang xâm chiếm nước ta, bắt các châu huyện ta nộp hồ tiêu mỗi người 10 cây giống. Sau hồ tiêu đắt, mỗi cây giống giá năm quan tiền. Vùng sông Nỗ Giang (tức là sông Nguyệt Thường, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trở về phía Bắc, cây hồ tiêu đem hết sang Ngô, chỉ có vùng Nghệ An trải qua Hậu Trần cùng bản triều chiếm giữ nên ở đấy còn cây hồ tiêu”; càng về sau lúc người phương tây đặt chân lên đất nước ta, cuộc tranh giành độc quyền tiêu càng gay gắt… Rồi trở lại với hiện thực, tiêu đang là thứ gia vị được ưa chuộng trong nước và trên thế giới, lại được xuất khẩu sang một số nước, đáp ứng yêu cầu ngoại tệ cần cho đối lưu thương mại, thật là xứng đáng cho tiêu góp mặt với đời. Anh Lộ kể chuyện đầy hứng khởi dù vẫn giữ giọng thủ thỉ, tâm tình: “Để tôi tính anh nghe. Một cân tiêu trị giá 45 đồng. Một tạ thóc cũng chỉ giá 45 đồng. Một héc ta lúa thu hoạch năm tấn, một héc ta tiêu cũng thu hoạch năm nghìn cân. Anh thử làm con toán xem, đằng nào hơn...”.
Nhà thơ họ Chế đã viết: “Cho đến được lúa vàng đất mật/ Phải trên lòng bao trận gió mưa qua”. Với anh Lộ và đội quân tiên phong, tất cả 42 người, ngay lúc đặt chân đến miền đất đỏ Tân Lâm tan hoang rùng rợn ghê người, ai cũng sững sờ, tê tái, chắc phải trên lòng muôn vàn trận trận bão giông qua... Vì hai chữ NÔNG TRƯỜNG có trong mơ ước gọi về quê hương sau kháng chiến, ở ngay cửa miệng, nhưng bóng dáng nó xa xăm mù mịt tít mãi chân trời.
Nên bộ khung nông trường đầu tiên (bốn mốt chàng trai và một cô gái út) đã phải cùng nhau trở thành những công binh: dọn đất, dọn đường, (sắt thép, thép gai, mìn hàng trăm loại đang chờ…), canh nắng , canh gió Lào (châm ngòi những quả mìn phục kích dưới đất nổ lốp bốp suốt ngày). Có lần chiếc máy ủi vừa xuất kích đã bị mìn nổ tung. Thế nhưng không một ai sợ chết, dù chẳng bị bó buộc phải ở lại xây dụng nông trường. Và cùng nhau trường chinh nằm gai nếm mật (đêm đầu tiên chặt lau lách, trải ngay xuống đất làm giường, ni lông làm chiếu, muỗi bay cứ như sư đoàn, quờ tay vơ được cả nắm. Nắng mưa Quảng Trị thì khỏi phải nói rồi, vô cùng đành hanh và khắc nghiệt, luôn ở đỉnh chóp, không chịu nhường cho nơi khác. Ngày chia nhau vào rừng chặt gỗ dựng nhà. Đêm chia nhau về các nhà dân mới dắt díu về quê, nhờ nấu cơm giúp. Cứ thế các anh chị vượt qua đói, rét, nóng, đau, ốm, sốt rét… không thiếu thử thách cam go nào.
Để có một vườn tiêu, cơ man là việc, bộ khung 42 người ấy chia nhau: một bộ phận tiếp tục dò, gỡ mìn giải phóng đất; một bộ phận lo hậu cần; một bộ phận trồng màu; một bộ phận chăn nuôi. Khâu chăn nuôi được xem là cơ bản, thiết yếu, để đảm bảo có phân chuồng cho tất cả những gốc tiêu (về sau, lúc mở rộng nông trường lên 50 héc ta, cần lượng phân cực lớn, năm 1979, anh Lộ đã chủ trương ba lợi ích theo phương thức làm ăn mới: trả công từng cân cho công nhân khai thác phân dơi trong núi đá, hang dơi). Muốn chăn nuôi phải có rau cỏ nên phải trồng màu (chưa kể sau này phát triển cỏ stylo, loại cây họ đậu, lưu niên, làm nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia súc; trồng dứa giữa hai hàng tiêu, để bớt công sức làm cỏ mà lại có thêm thực phẩm sạch bao tiêu cho nông trường, có thể cung cấp ra ngoài).
Lúc ấy chỉ có năm người lo vườn tiêu. Năm anh em chia nhau ra Bến Hải, Việt Trung xin giống; chia nhau năm ngả: Kim Long, Truồi, Khe Sanh, Cùa, Ba Thung mua cây mớc làm choái tiêu. Số nhân lực quá mỏng, không thể trồng tiêu giống cho kịp thời vụ (tính ra mỗi người phải đào 1500 hố, trồng 1500 cây tiêu, mà thời vụ không chờ người!). Anh Lộ đã tìm được chìa khóa mở cánh cửa bế tắc này. Anh tìm đến trung đoàn trưởng trung đoàn 511 (đóng quân cách nông trường 800 mét) nhờ trợ giúp. Với sự chung sức của cả trung đoàn 511 giúp đào hố, chôn cây, sau ba buổi sáng xong vèo, không bị lỡ vụ mùa. Tiếp đến, năm mươi tổ trồng tiêu đánh dấu hố đào, vạch mức chôn cột mớc. Vậy là 3,8 héc ta, 6800 cây tiêu giống đã ra đời như thế. Tiêu xanh như một đội quân có kỷ luật, xếp hàng thẳng tắp, hàng này bên hàng kia khoe những ngọn tiêu óng ả, mập mạp vươn dần lên không trung.
Ai cũng biết thung lũng Tân Lâm hai bên là núi cao, gió Lào từ phía tây tràn về, không vượt qua núi được, đều theo dòng suối Đakrông đổ cả vào Tân Lâm. Mùa khô hạn, gió Lào thông thốc, hầm hập bỏng rát làm héo queo cả người và gia súc, cỏ cây. Nước là sự sống còn của cây tiêu, của nông trường. Tôi hỏi về nước tưới tiêu, mới biết anh Lộ đã sáng tạo một bể chứa nước trên đỉnh núi cao: “Anh biết đấy, nước dòng sông Hiếu mùa này cũng cạn. Chúng tôi đã ngăn dòng suối trên đỉnh núi 241, rồi chuyển nước theo đường ống dài ba cây số đưa nước về tưới cho từng cây tiêu đó”. Tất cả nước gần như giành cho cây tiêu; chỉ mở van nước vài giờ trong đêm để công nhân tạm dùng, đủ thấy sự tận tâm, tận lực của anh chị em với nông trường.
Năm 1980, sau 5 năm, nông trường đã có 50 héc ta tiêu (so với toàn miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra, chỉ có hơn 100 héc ta tiêu), có Trạm xá, Trường cấp III (mô hình trường Vừa học vừa làm, là trung tâm đào tạo lực lượng tri thức cho nông trường), Khu cơ khí, Nhà trẻ, Mẫu giáo, Nhà khách,… một nỗ lực phi thường của anh chị em nông trường, khẳng định sự hồi sinh mạnh mẽ trên miền đất chết.
Thật có lỗi nếu không nói đến một đóng góp khoa học hết sức quan trọng của anh Lộ cho tốc độ phát triển đáng tự hào này: đó là dùng cây mít làm choái tiêu. Cây mớc là choái tiêu truyền thống, không có gì phải bàn; nhưng cả vùng Bình Trị Thiên có trên một vạn cây, anh Lộ đã vơ sạch cả rồi. Cây choái núc nác thân dòn, không chịu nổi bão, nhất là ở Khe Gió. Choái gỗ khô và choái xi măng, ngoài không có nguyên liệu sẵn để làm đã đành, lại còn không đảm bảo điều kiện cộng sinh của cây tiêu, nhất là vào mùa khô. Cây choái chính là sự tồn tại hay không tồn tại của nông trường. Một héc ta tiêu cần không ít hơn 2000 cây choái, lấy đâu ra? Câu hỏi làm nát óc anh Lộ và những cộng sự.
Anh đã tìm hiểu những ưu điểm của cây mít: Rễ mít bám chắc không sợ bão giông. Thân mít thẳng, cứng, tiện đưa công nghiệp vào. Lá mít nhiều, làm phân. Vỏ mít xù xì, tiêu bám chắc. Mít dễ kiếm, dễ trồng, mỗi năm tiết kiệm cho Nhà nước mấy chục vạn đồng. Cây mít khỏe, mau lớn, chỉ 2 năm là áp tiêu được (choái cây mớc phải mất 10 năm). Anh Lộ khoe với tôi là “Ra họp ngoài Hà Nội, tôi vào Thư viện trung ương lục tìm thêm sách kỹ thuật. May quá, mượn được quyển viết về cây gia vị Việt Nam của Giắc-cơ-rơ-mét. Ông này không mò mẫm thưởng thức cách ăn, ông xứng đáng là nhà khoa học vì ông nghiên cứu cả cách trồng, trồng truyền thống và trồng công nghiệp. Trong gia phả các cây choái, ông kể, cây choái số một: cây cao su, số hai: cây mít, số ba: cây muồng hoa vàng,…vậy là tôi có thêm một căn cứ khách quan khoa học đáng tin cậy”. Anh Lộ cũng kể tôi nghe về hành trình không giản đơn để cây mít trở thành cứu cánh, là cây chủ, là cây “vua” của nông trường. Là người tổng chỉ huy, anh phải quyết đoán, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng cần bình tĩnh, mềm dẻo, biết cách thu phục nhân tâm, để có sự đồng lòng cao độ của tập thể, thành công mới rạng rỡ.
Tôi đã vào Google nhưng không thấy nói gì đến cây choái mít, trong khi đó: kỹ thuật ươm trồng cây mít, quy trình điều khiển sự phát triển đúng hướng làm trụ cột cho tiêu, kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán cây choái,…tất cả đều được kỹ sư của nông trường ngày xa ấy nghiên cứu và công nhân áp dụng rất thuần thục. (Kỹ sư Chi của nông trường đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng cây mít có độ cao 4m5, có cắt tỉa, tạo tán, đường kính phát triển 36 ly, rễ phát triển 1 ly, tốt hơn nhiều nếu để cây mít cùng tuổi, cùng độ cao phát triển tự nhiên).
Dọn xong đống nòng pháo “vua chiến trường”, mấy xác xe tăng, thép gai, sắt thép rỉ… đã thấy mặt bằng chuẩn bị cho nông trường bộ tương lai hiển hiện ở đỉnh cao 241 bát ngát mênh mông. Lúc ấy, anh Lộ đã say sưa nói về cơ ngơi tương lai được phác họa tỉ mỉ trong óc anh: “Mở hết vùng 241, chúng tôi sẽ có hai trăm héc ta tiêu. Nông trường sẽ định hình vào năm 1984. Lúc ấy sẽ phải dẫn nước từ đỉnh Ba Hồ xanh mờ kia dài tám cây số về tưới cho 241 này…”. Anh hình dung ra cái sân phơi lắp ghép, những nong phơi bằng kim loại hình vuông. Cái nọ liên hoàn với cái kia bằng một hệ thống cơ khí…vừa tận dụng được nhiệt mặt trời, vừa tránh được mưa trong tích tắc, đỡ sức công nhân xiết bao. Còn cái lợi nữa là vỏ tiêu không bị tróc, tiêu loại một càng dôi ra… Đúng là anh Lộ đang cùng nông trường xây rất nhiều tháp xanh cho đời.
Từng là người lính cầm súng đứng trong hàng ngũ sư 325, một sư đoàn đã đổ máu làm nên những kỳ tích vinh quang trên đường 9, anh Lộ và 13 đồng đội (trong bộ khung 42 người) tiên phong về xây dựng nông trường, viết tiếp ước mơ khát vọng chính đáng cho quê hương thời thanh bình. Ngày ấy, tôi có nghe anh Phạm Minh Toàn (thiếu tướng, tư lệnh trưởng quân đoàn 5, một cán bộ cũ của sư 325), bàn với anh Lộ, định chọn một quả đồi đẹp nhất của Tân Lâm kề ngay bên đường 9 để dựng tượng đài kỷ niệm về sư 325 với đường 9 này. Tôi đã mơ ước, trong cụm tượng đài chiến sĩ ấy, đắp thêm mô hình một cây tháp xanh.
Một cây tháp xanh không lời, sừng sững niềm mơ ước sống hạnh phúc ngay giữa cuộc đời, trong rừng tháp xanh trải dài vô tận.